Đối phó với nạn đạo chích xe hơi bằng thiết bị thông minh

Thứ Sáu, 25/05/2018, 14:03
Theo nguồn tin từ Bộ Nội vụ và các hãng bảo hiểm Pháp, thì trong cả năm 2015 đã có tới 1/4 số xe đăng ký hợp pháp bị trộm đồ hay đánh cắp nguyên chiếc. Tại Pháp hiện có 24 triệu chiếc xe đang lưu hành, điều này có nghĩa là cứ 6 giây đồng hồ lại có một vụ tội phạm liên quan đến xe hơi…

Đương nhiên bọn đạo chích lưu tâm trước hết tới những kiểu xe có giá dạng De Luxe đời mới xa xỉ như BMW, Mercedes, Audi, Volkswagen, Citroen… Một nguyên nhân nữa là chúng dễ “bay - chạy trốn” với tốc độ nhanh hơn. Tình hình căng thẳng đến mức, các hãng sản xuất từ lâu đã phải đối phó bằng việc phát minh ra hàng loạt các thiết bị chống trộm thông minh.

Ví như ngay từ dạo năm 1995 Công ty Citroen đã bắt đầu lắp thêm các kiểu báo động chống trộm trong xe. Còn hãng BMW quan tâm tới tất cả mọi thiết bị quấy nhiễu gây cản trở cho kẻ cưỡng đoạt cố ý.

Hoặc công ty Naman, một cơ sở lâu đời chuyên với các phương tiện phòng trộm cho xe hơi, đã sản xuất một loại chìa khóa siêu mới. Mã số của chúng không khắc thẳng trên chìa theo lối truyền thống nữa, mà được ghi vào một miếng plastic đặc chủng, để chủ nhân có thể gắn trong ví hay đeo trên cổ như một tượng dây chuyền, đề phòng mọi dạng sao chép.

Một trong những cách “chôm chỉa” cổ điển của bọn đạo chích.

 “Con số các phương tiện phòng trộm cho xe hơi mà chúng tôi sản xuất đã tăng gấp 3 lần trong vòng 2 năm trở lại đây - ông Misel Egvi, Tổng giám đốc Hãng Tecton có trụ sở ở Paris, một công ty chuyên với việc chế tạo các hệ thống điện tử báo động, giải thích - Và xem ra công việc này chẳng bao giờ kết thúc. Thị trường thôi thúc chúng tôi phải tuyển thêm hàng trăm chỗ làm mới.

Thực ra ở Pháp bây giờ lặp lại hiện tượng như tại Italia. Bên ấy nạn trộm cắp phổ biến đến mức đã làm thay đổi thói quen của thế hệ tài xế mới. Trong các nhà hàng ở Turin hay Rome, bạn có thể thường xuyên thấy các thực khách để bộ phận radio kèm ổ đĩa CD của xe mình ngay trên bàn. Và chí ít một cỗ FIAT mini để qua đêm trên phố, thế nào cũng có một thanh sắt dày buộc cứng giữa tay lái và chân ga. Không ai dám để đĩa CD hay bất cứ thứ tài liệu nào trong xe vào buổi đêm cả. Suy ra thì đó cũng là một trong những phương cách hữu hiệu nhất.

Vào mùa hè các nhóm đạo chích từ Italia sang luôn tung hoành dọc miền duyên hải phía nam Pháp - nơi giới nhà giàu Âu châu thường quy tụ. Chúng thường sử dụng những thiếu niên từ 10-14 tuổi, với thân hình nhỏ con dễ bề chui lọt qua các ô kính vỡ, và đó cũng chính là những “tay tổ” trong kỹ thuật lắp ráp mọi thiết bị nội thất chuyên dùng cho xe hơi.

Kỹ sư trưởng của công ty, ngài Joel Barboten, người luôn thiết kế những thiết bị chống trộm mới nhất cho chiếc Citroen đời 2017 của mình, chỉ một lần duy nhất đãng trí quên cài hệ thống báo động khiến chiếc xe đắt giá đã… “không cánh mà bay”.

Cảnh sát vừa tìm được nó vào cuối tháng trước. Bọn trộm đã vứt nó lại sau khi nẫng đi mọi thứ có thể lấy được: đèn pha, xi-nhan, kính gắn 4 bên, bảng điều khiển, các cánh cửa, những chiếc lốp xịn và cả những chiếc ghế bọc da quý hiếm nữa. Còn lại chỉ là bộ khung xe mà thôi!”.

Giám đốc M. Egvi cho biết: “Hiện chúng tôi đang áp dụng các phương pháp phòng chống dạng “nhìn thấy được” hòng làm nản lòng bọn đạo chích. Song song dĩ nhiên phải có các phương cách hữu hiệu hơn nữa, như hệ thống báo động mới của chúng tôi có thêm cả phần đe dọa kẻ đạo chích bằng âm giọng của chính chủ nhân. Khi hoạt động, nó sẽ hét lớn và lặp đi lặp lại: “Hãy giữ lấy kẻ cắp trong xe! Hãy giữ lấy kẻ cắp trong xe!”.

“Thiết bị càng phức tạp càng tốt!”, đó là khẩu hiệu của Jacques Verge, một người rất mê môn điện tử học. Anh thường thiết kế các thiết bị phòng trộm cho Hãng Alarm Oto Etoral.

J. Verge cho biết: “Từ nửa thế kỷ trở lại đây, bọn trộm luôn tìm được mọi cách đối phó với hết thảy. Tỉ như thiết bị của Công ty Naman xuất hiện trên thị trường lần đầu vào năm 1930, qua năm 1931 đã bị bọn trộm khám phá. Rồi chúng cũng tự xoay xở được với hầu hết các phát kiến tiếp nối. Cuối cùng là cách chống liên hoàn như khi cửa mở trái phép, lập tức hệ thống còi hụ lên tiếng ngay. Nhưng chẳng nhằm nhò gì, bọn trộm liền sử dụng biện pháp cổ điển: cắt kính. Chính bởi chuyện này mà tôi đã sáng chế ra thiết bị có tên gọi “Phiêu lưu mạo hiểm”, bảo đảm sự an toàn tới 90%”.

 Nguyên lý của J. Verge là mỗi hệ thống phòng trộm đều phải là thứ thiết bị độc nhất vô nhị, chỉ được trang bị cho một chiếc xe duy nhất mà thôi. Chi phí cũng tốn kém thêm bởi giá thành có thể ngang với 10% giá trị của bản thân chiếc xe, nhưng tạo ra sự yên tâm cho người sở hữu, nhất là với các kiểu xe đắt tiền.

“Mỗi lần đặt thiết bị, tôi đều tìm chọn những chỗ lắp khác nhau. Nguyên tắc thứ 2 của tôi là: nếu tên trộm càng cắt - triệt phá các đường truyền bán dẫn tạo tiếng còi hụ trong xe bao nhiêu, càng khiến xe hỏng thêm bấy nhiêu. Để khi tiếng còi dứt thì chiếc xe cũng chẳng thể chuyển bánh được nữa”.

Khi bọn đạo chích định đánh cắp cỗ xe nào đó do đích thân J. Verge lắp thiết bị chống trộm, tức thì một tiếng “bíp bíp” sẽ báo ngay cho chủ nhân qua một dụng cụ chuyên dụng - cho dù anh ta đang ở xa xe. Rồi viên chủ sẽ qua remote điều khiển hệ thống báo động từ xa: tiếng còi hụ inh ỏi sẽ rú lên, cùng tiếng la: “Bắt lấy kẻ cắp!”, song song là đèn pha và xi-nhan chớp nháy liên tục.

Một chuyên gia khác là Jean-Claude Ziroa, chủ một gara lớn ngay trung tâm Paris suốt 3 năm ròng Ziroa miệt mài nghiên cứu, nhằm sáng chế ra một thiết bị chuyên dụng cho hiệu xe BMW, rất hữu hiệu dưới cái tên JSJ. Thực ra đó là một dụng cụ bẫy trộm, giống như cái bẫy chuột vậy. Tiếng còi hụ tạo ra từ một chìa khóa cảm ứng trên bảng điện khi tên trộm lọt vào, ngồi xuống và lái xe đi.

Đúng 10 giây sau, tất cả các bộ phận đều ngừng hoạt động. Kính và cửa đều trơ lì ra, đồng thời hệ thống loa tự khởi động và một giọng nói nghiêm nghị lặp đi lặp lại: “Chiếc xe này chính là một cái bẫy. Xin chớ động đậy! Hãy kiên nhẫn chờ chủ nhân đích thực đến mở cho!”. Kẻ bất minh chỉ được tự do với chiếc chìa khóa duy nhất mà người chủ xe có được.

Quang Phú (theo L’Humanite)
.
.