Đông Nam Á đồng lòng chống khủng bố

Thứ Tư, 07/06/2017, 10:16
Nguy cơ khủng bố đối với các nước Đông Nam Á ngày càng gia tăng. Điều này được thể hiện rõ khi nó là một chủ đề chính trong Diễn đàn An ninh khu vực Shangri-La vừa diễn ra tại Singapore. Trước mối đe dọa chung ngày càng lớn, các nước Đông Nam Á đã thể hiện sự quyết tâm thông qua chương trình hành động chung vì mục tiêu hòa bình và phát triển.

Diễn đàn An ninh khu vực, kết thúc vào ngày 4-6-2017 tại Singapore, diễn ra đúng vào thời điễm nước Anh bị tấn công khủng bố. Còn tại châu Á, Philippines vẫn đang trong tình trạng thiết quân luật ở miền nam, được ban bố sau khi các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan táo tợn tấn công chính quyền. Trong khi ấy tại Thái Lan, Indonesia và một số nước khác, các nhóm khủng bố địa phương đã tuyên bố bắt đầu đầu quân cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng là tại Philippines. Tối 23-5-2017, khi đang ở thăm Nga, Tổng thống Philippines Duerte đã tuyên bố ban hành thiết quân luật trên đảo Mindanao sau khi lực lượng thánh chiến chi nhánh IS tại thành phố Marawi (trên đảo Mindanao) công khai giao tranh dữ dội với quân đội chính phủ. Cũng chính lực lượng này đã tấn công một bệnh viện, đốt cháy một nhà thờ, nhà tù thành phố và hai trường học tại đây rồi giương lá cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Một phần thành phố Marawi, ở miền nam Philippines hiện vẫn còn bị một nhóm Hồi giáo vũ trang kiểm soát sau 2 tuần xung đột với quân đội chính phủ, làm 177 người chết, trong số này có 120 chiến binh Hồi giáo.

Miền cực nam Philippines vẫn là địa bàn hoạt động của nhiều nhóm tội phạm khác nhau và tự nhận theo Hồi giáo cực đoan. Ngày 4-6, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cho biết IS có 1.200 tay súng, trong số này có hàng chục công dân Indonesia, hoạt động tại Philippines.

Phủ nhận con số 1.200 chiến binh IS do Indonesia đưa ra, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Ricardo Davis thẩm định IS có chừng 250 cho đến 400 chiến binh là nhiều, trong số này có 40 người nước ngoài tham dự trận đánh chiếm Marawi. Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Manila báo động có nhiều tay súng Indonesia, Malaysia, Yemen, Arập Xêút và Tchetchenia xâm nhập Philippines. Một số bị bắn chết trong trận Marawi.

Hình ảnh từ một đoạn video, trong đó các tay súng IS khoe chúng đang tập luyện trong rừng ở Philippines.

Ông Rodolfo Mendoza, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu khủng bố, bạo lực và hòa bình tại Manila (Philippines) cho biết, các cơ quan tình báo nước này đã phát hiện những đoạn chat về việc IS muốn lập ra cái gọi là "Tỉnh nhà nước Hồi giáo Đông Á" ở khu vực Đông Nam Á. Những nỗ lực của chi nhánh IS nhằm giành quyền kiểm soát ở thành phố Hồi giáo Marawi ở Mindanao, Philippines, có thể là tín hiệu cho thấy Philippines được chúng coi là điểm hội tụ. “Chúng tôi cho rằng sẽ còn có thêm những vụ tấn công nữa”, ông Mendoza nói.

Trong bối cảnh các liên quân quốc tế chống khủng bố gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào IS ở Trung Đông khiến nhóm này phải hứng chịu nhiều tổn thất, các thủ lĩnh của IS buộc phải tìm kiếm địa bàn hoạt động mới. Chúng muốn tấn công khủng bố ở Đông Nam Á để quảng bá tổ chức của mình trong khu vực và thu hút thêm các phần tử cực đoan tại đây. Có một số thuận lợi để IS biến khu vực này thành địa bàn hoạt động mới của chúng.

Thứ nhất, Đông Nam Á là khu vực có đông người Hồi giáo sinh sống tại các nước như Indonesia, Malaysia, Philippines. Điều này dẫn đến lo ngại rằng những kẻ Hồi giáo cực đoan sẽ dễ dàng truyền bá tư tưởng và lôi kéo các tín đồ Hồi giáo chân chính đi vào con đường khủng bố. Thứ hai, tại khu vực Đông Nam Á cũng đang tồn tại một số nhóm khủng bố Hồi giáo như Jemaah Islamiyah (ở Indonesia), Abu Sayap (ở Philippines)... Những nhóm này đã tuyên bố làm chân rết và gia nhập IS, tạo thuận lợi cho IS dễ dàng đặt chân và tiến hành hoạt động trong khu vực hơn.

Thứ ba, sức mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội có thể giúp IS thu hút thêm nhiều phần tử cực đoan đến từ các quốc gia Hồi giáo tại Đông Nam Á. Những bất ổn kinh tế, xã hội ở các nước trong khu vực là nguyên nhân khiến nhiều phần tử bất mãn có thể sẵn sàng gia nhập IS khi được chúng tuyển mộ.

Chiến lược của IS có thể là nhắm đến việc tạo ra một chi nhánh của tổ chức này ở Đông Nam Á, bắt đầu từ Indonesia, Malaysia, Philippines sau đó có thể lan sang Singapore và các nước khác, từ đó hỗ trợ cho các hoạt động của tổ chức này ở khu vực Trung Đông, hiện thực hóa âm mưu thành lập “Vương quốc Hồi giáo”. Nếu điều này thành hiện thực, đây sẽ là mối đe dọa to lớn đối với an ninh, ổn định không chỉ của khu vực Đông Nam Á mà còn trên phạm vi toàn thế giới.

Đứng trước thách thức trên, các nước Đông Nam Á cần nhận thức rõ hơn về nguy cơ cũng như tích cực đề ra các giải pháp, phối hợp chặt chẽ với nhau và với các nước đối tác khác để ngăn chặn khủng bố trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng của các quốc gia Đông Nam Á hôm 3-6-2017 đã đề xuất kế hoạch sử dụng máy bay không người lái và máy bay tuần thám để ngăn chặn các chiến binh Hồi giáo di chuyển qua các vùng biên giới giữa các nước.

Ngoài các cuộc tuần tra trên biển, Indonesia, Malaysia và Philippines cho biết sẽ tiến hành các cuộc tuần tra chung trên không trong tháng 6 này tại vùng biên giới chung giữa các nước này ở biển Sulu.

Chính phủ các nước trong khu vực sẽ thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn các chiến binh Hồi giáo ở miền nam Philippines tràn sang các nước khác. Phát biểu tại Diễn đàn An ninh khu vực Shangri-La, ông Lê Lương Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nói rằng các biên giới rộng mở trong khu vực “đang bị các nhóm khủng bố lợi dụng”.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.