Đức: Nhức nhối vụ án “cô dâu Quốc Xã”

Thứ Hai, 13/05/2013, 22:25

Theo lời Công tố viên Liên bang Đức Wolfgang Range mô tả Beate Zschape, 38 tuổi, là “phần tử tân Quốc xã nguy hiểm nhất nước Đức”. Thị bị buộc tội liên quan đến hàng loạt vụ giết người nhập cư: 8 người Thổ Nhĩ Kỳ, 1 người Hy Lạp, 1 nữ cảnh sát cùng với 2 vụ đánh bom và 15 vụ cướp ngân hàng. Trong phiên tòa xét xử diễn ra tại Munich bắt đầu từ ngày 6/5 vừa qua, thành viên sống sót duy nhất của nhóm cực hữu Quốc xã bí mật (NSU) - bước ra trước vành móng ngựa với thái độ thách thức các công tố viên và cả công luận.

Khi bị cảnh sát bắt giữ tại Jena vào tháng 11/2011, Beate Zschape nói thẳng gia đình bà đã chết. Thậm chí, Zschape tuyên bố 2 thành viên nam trụ cột khác của NSU là Uwe Mundlos và Uwe Bohnhardt mới là gia đình thực thụ của bà. Zschape gặp gỡ 2 gã đàn ông này lần đầu trong một câu lạc bộ thanh niên ở Jena và nhanh chóng nảy sinh tình cảm với họ trước khi bước vào cuộc sống đầy bóng tối từ năm 1998.

Đứa con bị ruồng rẫy

Beate Zschape chào đời ở thành phố Jena miền Đông nước Đức vào tháng 1/1975. Cha của Zschape là một sinh viên nhập cư người Romania, nhưng ông ta từ chối thừa nhận giọt máu của mình. Sau khi Zschape chào đời, người mẹ liền giao đứa bé cho ông bà ngoại nuôi nấng để tiếp tục học đại học.

Sau khi bước vào cuộc hôn nhân thứ hai, người mẹ trẻ cùng với người chồng mới di chuyển đến Camburg thuộc bang Thuringia. Một lần nữa, Zschape lại được giao lại cho ông bà ngoại. Có lẽ vì bị xem như một thứ đồ thừa, nên khi bị cảnh sát bắt giữ tại Zena vào tháng 11/2011, thị khai là “cả gia đình đã chết”.

Lên 5 tuổi, Beate Zschape mới  được sống với mẹ ruột của mình. Lúc đầu, hai mẹ con sống trong căn hộ một phòng khu Lobeda thành phố Jena rồi sau đó chuyển đến khu Winserla lân cận. Người đàn bà mô tả mối quan hệ mẹ con rất "căng thẳng", thiếu cảm xúc và không quan tâm đến nhau.

Chính trong câu lạc bộ thanh niên tại nơi ở mới này mà Zschape gặp được Uwe Mundlos, con trai của một giáo sư đại học. Hai người trở thành vợ chồng vào năm 1993 và sau đó chìm đắm vào môi trường cực hữu ở địa phương. Cuối cùng, Beate Zschape rời bỏ Mundlos để ngả sang Uwe Bohnhardt - một thanh niên trẻ hơn 2 tuổi, con trai của một kỹ sư và tín đồ cuồng nhiệt của chủ nghĩa tân Quốc xã ở Đức. Mặc dù vậy, bộ ba "Zschape-Mundlos-Bohnhardt" vẫn không hề sống tách rời nhau.

Bohnhardt (trái), Mundlos (phải) và Beate Zschape tại một buổi cắm trại.

Ban đầu, bộ ba "Zschape-Mundlos-Bohndardt" nằm trong số những người thành lập nhóm chiến binh cực hữu mang tên Kameradschaft Jena (Bằng hữu Jena), thường tham gia những cuộc họp mặt hàng tuần do nhóm Liên minh bảo vệ quê hương Thuringia (THS) - tổ chức và thu hút khoảng 100 người ủng hộ.

Theo Cơ quan Tình báo bang Thuringia, THS phát triển thành nhóm tân Quốc xã hiếu chiến nhất bang vào cuối thập niên 90 và có đến 170 thành viên. Theo điều tra của Cục Cảnh sát Liên bang điều tra tội phạm Đức (BKA), Zschape cùng với Bohndardt cố ý phá hoại một tượng đài tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa phát xít ở Rudolstadt và bắt đầu thuê một ga-ra để dùng làm nơi chế tạo bom giả. Ngày 26/1/1998, cảnh sát đột kích nơi này và tìm thấy vài quả bom hình ống nhồi đầy 1,39kg thuốc nổ TNT nhưng không có ngòi nổ cùng nhiều tài liệu tuyên truyền cho chủ nghĩa tân phát xít. Sau vụ bại lộ này, bộ ba "Zschape-Mundlos-Bohndardt" rút vào hoạt động bí mật.

Vào những năm sau đó, Beate Zschape mang đến 10 cái tên khác nhau.  Với những người láng giềng, Zschape làm ra vẻ một phụ nữ thân thiện, dễ thương. Nhưng theo công tố viên liên bang Wolfgang Range mô tả bộ ba "Zschape-Mundlos-Bohnhardt" thật sự là "tổ biệt kích giết người thống nhất" chịu trách nhiệm về hàng loạt những vụ giết người theo kiểu hành hình. 

Bộ trưởng Tư pháp Đức Harald Range.
Những tổ chức và hoạt động trá hình

Vụ án "Cô dâu Quốc xã" cho thấy rõ phụ nữ đang dần đóng vai trò nổi bật trong môi trường tân Quốc xã cực hữu đang lớn mạnh ở Đức. Đặc biệt là, họ có tầm ảnh hưởng đến hoạt động chính trị cực hữu ở Đức. Các số liệu thống kê cho thấy gần 20% ủy viên chấp hành trong đảng Dân chủ Quốc gia (NPD) cực hữu của Đức là phụ nữ.

Michaela Koettig, nữ giáo sư khoa xã hội Đại học Khoa học ứng dụng ở thành phố Frankfurt thuộc bang Hessen miền Tây nước Đức, nhận xét: "Phụ nữ ngày càng chiếm vị trí trung tâm trong môi trường cực hữu. Họ chiếm giữ những chức vụ quan trọng sau khi môi trường này phát triển rộng ra xã hội.

Theo Koettig - người đã và đang tiến hành cuộc nghiên cứu sâu rộng về phong trào cực hữu quá khích trong 20 năm qua - có đến 40 tổ chức phụ nữ cực hữu được thành lập ở Đức từ năm 2000. Nhìn chung, theo đánh giá của Cơ quan Tình báo nội địa Đức (GDIA), có hơn 22.000 thành viên cuồng nhiệt trong phong trào cực hữu, bao gồm 9.800 phần tử cực đoan bạo lực.

Beate Zschape - người được coi là phần tử tân Quốc xã nguy hiểm nhất nước Đức - là người rất kín tiếng cho đến tận hôm nay. Nếu bị buộc tội, Beate Zschape có thể sẽ đối mặt với án tù chung thân. Còn hai tòng phạm nam của Zschape là Uwe Mundlos và Uwe Bohnhardt đã chết cháy trong một chiếc ôtô được phát hiện ở thành phố Eisenach miền Trung nước Đức vào ngày 4/11/2011, sau một vụ cướp vũ trang ngân hàng bất thành.

Cũng trong ngày này, Beate Zschape cho nổ tung căn nhà của nhóm tại thành phố Zwickau nhằm xóa hết mọi dấu vết phạm tội. Lục soát trong đống đổ nát sau vụ nổ, cảnh sát tìm thấy khẩu súng Ceska 83 được xác định là vũ khí gây ra hàng loạt vụ giết người ở khắp nước Đức. Ngoài ra, cảnh sát còn phát hiện thêm một DVD rùng rợn, trong đó là hình ảnh thi thể đầy máu của những nạn nhân của NSU. 4 ngày sau đó, Zschape bị cảnh sát bắt giữ tại Jena.

Cảnh sát lục soát tìm bằng chứng trong căn nhà đổ nát do Beate Zschape cho nổ bom.

Sau khi vụ nhóm khủng bố tân Quốc xã cực hữu NSU bị đổ bể, cộng đồng tình báo Đức bị chỉ trích kịch liệt vì đã làm ngơ trước tội ác của nhóm này mà chỉ lo tập trung vào các nhóm cánh tả và Hồi giáo. Người ta cho rằng các nhà điều tra chỉ tập trung vào mối liên quan tiềm tàng giữa các nạn nhân với hiện trường tội ác ở địa phương với các tổ chức tội phạm nước ngoài mà không chú ý đến khả năng bọn cực hữu quá khích dính líu đến các án mạng xảy ra từ năm 2000 đến 2007.

Thủ tướng Angela Merkel đã chính thức xin lỗi gia đình các nạn nhân của NSU; đồng thời giới chức Đức hiện nay cũng cảnh báo bọn cánh hữu đang cố giấu giếm danh tính thật của chúng nhằm có được chỗ đứng trong xã hội Đức. Trong báo cáo thường niên, Cơ quan Bảo vệ hiến pháp Bavaria - cơ quan tình báo ở bang Bavaria miền Nam nước Đức - nhấn mạnh: Các nhóm tân Quốc xã vẫn cố gắng tuyển mộ những thành viên mới và quảng bá mạnh tư tưởng cánh hữu.

DVD rùng rợn của NSU với hình ảnh của nhân vật hoạt hình Pink Panther (điệp vụ Báo Hồng nổi tiếng) dẫn dắt câu chuyện giết người.

Theo Markus Schaefert, người phát ngôn của Cơ quan Tình báo Bavaria, giải thích: "Hiện thời chúng ta chưa nhìn thấy sự xâm nhập sâu rộng vào xã hội, nhưng các nhóm cánh hữu và đảng NPD cực đoan đang đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc để lập một mặt tiền che đậy bộ mặt thật của tư tưởng của chúng".

Ví dụ, hiện nay bọn tân Quốc xã đã tiến hành một chiến dịch ở thành phố Fuerth gọi là "Sáng kiến công dân" hay là "Soziales Fuerth". Bọn chúng tuyên truyền "Soziales Fuerth" và cố tạo ra hình ảnh một tổ chức quan tâm chăm sóc đến các nhu cầu thiết yếu của người dân thành phố. Trang web của tổ chức gây sự chú ý với hình ảnh gương mặt một đứa bé tóc vàng mắt xanh và logo có khẩu hiệu "vì tình yêu con người và quê hương".

Theo báo cáo tình báo mới nhất, theo sau "Sáng kiến công dân" là "Chiến lược thu hút sự chú ý vào các vấn đề chính trị địa phương và bọn chúng tự coi là đại diện ứng cử tiềm tàng". “Các nhóm cực hữu cũng đang quay sang sử dụng các trang mạng xã hội như là Facebook để truyền bá tư tưởng quá khích.

Theo các chuyên gia, bọn tân Quốc xã lợi dụng các trung tâm cộng đồng để dễ dàng tiếp cận với thanh niên cũng như trẻ nhỏ, tìm cách gây ảnh hưởng hay thậm chí tuyển mộ họ. Những kẻ mang nặng tư tưởng cực hữu lại đang làm việc trong các nhà trẻ, bệnh xá hay các câu lạc bộ thể thao".

Tư tưởng cực hữu là vấn đề đang ăn sâu vào xã hội Đức đến mức khó thể xóa bỏ nó. Nghiên cứu mới đây của chính quyền Đức cho thấy những phần tử tân Quốc xã "ngày càng trẻ hơn, bạo lực hơn và hiếu chiến hơn"

Diên San (tổng hợp)
.
.