Nước Đức tuyên chiến và trấn áp những luồng thông tin giả

Thứ Sáu, 16/06/2017, 12:37
Nước Đức đang tuyên chiến chống lại những loại tin bịa đặt, những câu chuyện lợi dụng một số nỗi sợ của người dân, biến nỗi sợ ấy thành tâm lý mặc định vì nơi đây, vào tháng 9 tới, các vòng bầu cử cấp tiểu bang sẽ bắt đầu. Đặc biệt, trong đợt khủng hoảng người di cư vừa qua, thông tin giả đã gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến ý kiến dư luận.


Điều quan tâm duy nhất là các cú nhấp chuột

1 giờ sau thời khắc bước sang năm mới 2017, trong một quán bar đông đúc ở Frankfurt, một nhóm khoảng 50 gã "người Arập" - như chủ quán Jan Mai - xuất hiện. Sau một hồi lắc lư nhảy nhót theo tiếng nhạc, những gã Arập này bắt đầu xô đẩy và tìm cách động chạm vào cơ thể những khách nữ, một số tên còn để tay trên váy những phụ nữ này. Đó là "bọn quấy rối tính dục", liên quan đến "những đám dân di cư", ít nhất đó là cách tờ Bild, một tờ báo chuyên săn tin giật gân nổi tiếng của Đức, mô tả sự việc sau một cuộc phỏng vấn chủ quán bar - ông Jan Mai.

Nhiều người Đức nghi ngại dân nhập cư và tâm lý đó đang dần tăng lên một phần do thông tin giả mạo.

Câu chuyện bắt đầu lan truyền trên các trang mạng xã hội sau khi một số báo cánh hữu như Breitbart News "chớp lấy" thông tin này. Nhân chứng duy nhất trong câu chuyện của tờ Bild ngoài Jan Mai là "Irina A.", một cô gái độ 20 tuổi không nói cho tờ Bild biết họ của mình, tiếp tục "phun" ra nhiều chi tiết sinh động về cách mà cô ta cho là bị sàm sỡ. Cô ta kể: "Rất may vì hôm ấy tôi mặc quần tất (sheer tights). Bọn chúng luồn tay dưới váy tôi, rồi đùi, ngực… Chỗ nào cũng bị sờ".

Bài báo này khiến chính quyền sở tại ngạc nhiên, theo Andrew McCormack - người phát ngôn cho Sở Cảnh sát Frankfurt, bởi lẽ không hề có tường trình hay kiện cáo nào về việc bị tấn công tình dục trong đêm đó. Sở cảnh sát ngay lập tức mở cuộc điều tra. Nhiều chủ tiệm bán hàng lân cận cho cảnh sát biết, họ không thấy hay nghe thấy "bọn quấy rối" nào đêm ấy.

Không lâu sau đó, cảnh sát tìm thấy những dòng trạng thái trên trang Facebook của Irina chỉ ra rằng, cô ta không hề có mặt tại Frankfurt vào đêm giao thừa bước sang năm mới 2017. McComack khẳng định cảnh sát không thể tìm thấy bất kỳ nhân chứng nào khác trong vụ phạm pháp nói trên. Khi cảnh sát yêu cầu Mai cho xem lại băng ghi hình của camera trong quán bar, anh ta bảo những camera trong quán bar hỏng rồi!

Tại cuộc họp báo ngày 14-2-2017, cảnh sát thông báo những cáo buộc "đám dân di cư quấy rối tính dục" là không có cơ sở. Mới đây, ông McComack còn thông báo thêm rằng, chủ quán bar Jan Mai và Irina đang bị điều tra vì tội tung tin đồn nhảm và làm mất thời gian của cảnh sát. (Mai nhất mực cho rằng y nói ra sự thật, còn Irina không hồi âm cho những yêu cầu bình luận thông qua tin nhắn trên FB). Trong khi đó, Julian Reichelt, tổng biên tập trực tuyến của tờ Bild, đã công khai xin lỗi vì đã "viết bài không trung thực" cho câu chuyện này.

Chuyện bịa đặt trong giới báo chí thật ra chẳng có gì mới. Nhưng bản chất của Internet, mạng xã hội và không khí chính trị đảng phái ngày nay đã tạo nên vùng đất màu mỡ cho những bài viết mang tính viễn tưởng sinh sôi, mà với mỗi lượt "like", "yêu - heart", hay "retweet", giúp thu hút số đông người trên toàn thế giới-phần lớn trong số này quá rảnh rỗi- đến gần hơn với người viết.

Cái gọi là "tin bịa đặt" có nhiều dạng, có tin ra lò từ những "xưởng sản xuất mạo danh nguồn tin chính thống" để trục lợi, cho tới những nguồn tin chính thống khao khát có số lượng người đọc thật nhiều, đã vội vã cho đăng nhiều mẫu tin mà không kiểm tra tính xác thực của chúng. Những chuyện bịa đặt như thế lan tràn tới mức chóng mặt trong thời gian diễn ra các cuộc bầu cử gần đây ở châu Âu và tại Mỹ, châm ngòi cho những chủ thuyết tuyên truyền cho chủ nghĩa dân túy (populism) tìm kiếm và kích động tiếng nói của người dân.

Những người "phát tán" tin giả chẳng cần danh tiếng gì cho mình; điều duy nhất họ quan tâm là các cú nhấp chuột, nên mới sinh ra những câu chuyện bịa đặt rất phổ biến trong năm 2016 như Đức Giáo hoàng ủng hộ Donald Trump khi ông còn là ứng cử viên, hoặc bà Hillary Clinton bán vũ khí cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS! Động lực đằng sau đó là thương mại chứ không phải là chính trị vì mục tiêu chỉ là để những người ủng hộ ông Trump bấm vào và chia sẻ những câu chuyện không có thật này.

Nhờ sức mạnh lan truyền của Internet, tin tức giả mạo lại một lần nữa trở thành hoạt động sinh lời nhưng mặt khác chúng đã góp phần làm xói mòn niềm tin vào các phương tiện truyền thông nói chung và giúp các chính trị gia có cớ bám vào cái gọi là "một nửa sự thật". Một trong những ví dụ gây phẫn nộ nhất là có một bài viết xác nhận rằng bà Hillary Clinton và chủ tịch vận động tranh cử năm 2016 cho bà, John Podesta, dính líu đến một đường dây ấu dâm trong quán pizza ở Washington D.C. Thật kinh khủng!

Phát tán "ngôn ngữ thù hận" sẽ bị phạt đến 50 triệu Euro

Nước Đức đang tuyên chiến chống lại những loại tin bịa đặt vì nơi đây, vào tháng 9 tới các vòng bầu cử cấp tiểu bang sẽ bắt đầu. Đặc biệt, trong đợt khủng hoảng người di cư vừa qua, thông tin giả đã gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến ý kiến dư luận. Hàng loạt cuộc biểu tình chống Hồi giáo lại có cả sự tham gia của những kẻ chống NATO, chống EU và phản đối Thủ tướng Đức.

Sau những bài báo chính thống về vụ tấn công tình dục xảy ra tại Cologne vào đêm giao thừa cách đây 2 năm, cảnh sát Đức trong thời gian gần đây phải xử lý nhiều câu chuyện bịa đặt.

Giới chính trị truyền thống đang rất lo lắng về những thông tin giả đang được lưu truyền trong dân chúng. Từ những lời đồn đại về việc bà Merkel từng là điệp viên STASI (Cơ quan tình báo CHDC Đức), rồi đến cả những thông tin cho rằng bà là "cô con gái rơi của Adolf Hitler".

Thủ tướng Angela Merkel và các nhà lập pháp khác đang quan ngại những câu chuyện hư cấu - thường được tạo ra từ các đảng phái đua tranh ứng cử hay những kẻ tìm kiếm lợi nhuận - có thể tạo ảnh hưởng đến phiếu bầu. Hồi tháng 11-2016, nữ Thủ tướng Merkel bình luận: "Nhiều ý kiến không được hình thành theo chuẩn mực cách đây vài thập niên. Ngày nay, chúng ta có nhiều trang tin giả mạo, thông tin hư cấu, những chuyện lừa để cười cợt - nhiều thứ tự sản sinh ra, gia cố các ý kiến với một số thuật toán nào đó - và thế là chúng ta phải học cách đối phó với những thông tin hư ảo đó, thật mệt mỏi".

Trong những năm gần đây, các công cụ tìm kiếm và các phương tiện truyền thông xã hội đang thổi tung các câu chuyện trên báo chí. Facebook cho thấy một dòng bất tận với đủ mọi loại tin từ khắp nơi trên mạng.

Chỉ cần nhấp vào một tiêu đề thú vị là người ta có thể lần đến một trang web giả mạo, do một nhà vận động chính trị hoặc một cậu thiếu niên "còn thò lò mũi xanh" sống ở một nơi khỉ ho cò gáy thành lập để thu hút lưu lượng truy cập và tạo ra doanh thu quảng cáo. Để đối phó với vấn nạn này, Đức đã áp dụng biện pháp cứng rắn nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới để chống lại thông tin giả mạo.

Mùa xuân 2017, quốc gia này ban hành một đạo luật chống "ngôn ngữ thù hận". Đạo luật này sẽ phạt các công ty truyền thông xã hội như Twitter và Facebook đến 50 triệu euro (tương đương 56 triệu USD) nếu không xóa những câu chuyện, thông tin hay bản tin giả mạo cố ý, hay những câu chuyện kích động hận thù. Đạo luật đã được nội các của Thủ tướng Merkel phê chuẩn và rất có khả năng Quốc hội Đức sẽ thông qua trong mùa hè này.

Facebook chống đối dự luật này ngay từ đầu, khi cho rằng đạo luật sẽ buộc các công ty tư nhân - thay vì tòa án - trở thành những thẩm phán của những chuyện bất hợp pháp tại Đức. Tuy vậy, FB hứa sẽ mở rộng đội ngũ lên đến 700 nhân viên rà soát lại nội dung tại Đức vào cuối năm 2017, và chi trả nhiều thêm cho giới kiểm tra thông tin trung gian ở châu Âu nhằm triệt tận gốc thông tin giả.

Vậy cái gì tạo ra thông tin giả tại Đức? Một là do tình hình chính trị, lợi dụng sự thiếu thốn những bài viết đem lại niềm tin và lý tưởng cho độc giả. Hai là sự hướng tới những người tị nạn, khoảng 2 triệu người đã đến tị nạn tại Đức kể từ năm 2015.

Trong khi nhiều người Đức ủng hộ chính sách mở cửa này, nhiều lãnh đạo trong đảng hữu khuynh AfD (Chọn lựa cho nước Đức) đã vin vào vài sự cố, thổi phồng hiệu ứng và cuối cùng kêu gọi "cảnh sát nên bắn chết những người cố vượt qua biên giới!".

Tuy mức độ ảnh hưởng đến công chúng của AfD không còn cao như trước kia, nhưng các cuộc khảo sát gần đây cho thấy đảng này có khả năng giành nhiều ghế trong Quốc hội trong tháng 9 tới đây, là đảng hữu khuynh đầu tiên làm được điều đó kể từ sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc đến nay.

HoaxMap, một trang mạng Đức vạch trần những câu chuyện giả dối về người tị nạn, cho biết trong năm qua họ đã phát hiện ít nhất 250 câu chuyện bịa đặt. Chủ đề phổ biến nhất liên quan đến nạn trộm, cướp và xâm hại. Nhiều câu chuyện khác liên quan đến người tị nạn với nội dung đánh vào tâm lý "thích nghe mấy chuyện lạ" như những người này bắt cả thiên nga thả trong hồ công viên để ăn, mạo phạm mồ mả hay tấn công tình dục phụ nữ và các bé gái.

Kể từ khi có những báo cáo chính xác về vụ tấn công tình dục ở Cologne vào đêm Giao thừa năm 2015, Miriam Ace và Christina Lee thuộc Migration Voter - một cơ quan của Đức chuyên nghiên cứu tác động của chính sách nhập cư  lên những cuộc bầu cử, đã lưu ý: Công chúng nên chú tâm phân biệt một "khuôn mẫu gây rối", trong đó những câu chuyện giả dối như chuyện quấy rối tình dục trong quán bar hay những chỗ đông người để thấy một số tờ báo như Bild luôn có xu hướng kể mấy chuyện lạm dụng tình dục. Nhiều chuyện ở Frankfurt được viết theo kiểu "Câu chuyện xảy ra 1 năm sau vụ Cologne…", như thể các tờ báo ấy luôn muốn nhắc người ta nhớ lại những chuyện xảy ra ở Cologne vậy!

Tháng 1-2016, một cô bé người Nga tên là Lisa, 13 tuổi, ở Berlin tuyên bố cô bị một nhóm người nhập cư Arập bắt cóc và cưỡng hiếp. Kênh truyền hình Channel One nổi tiếng của Nga phát sóng một phần về câu chuyện của cô bé, trong đó họ tuyên bố cảnh sát thành phố đang phớt lờ những cáo buộc của cô bé, khiến xảy ra một cuộc biểu tình phản đối trên nhiều đường phố Đức. Thông tin này ngay lập tức được nhiều cơ quan truyền thông Đức và Nga đua theo nhau đưa tin.

Rốt cuộc, vụ "bắt cóc và cưỡng hiếp" đã được xác định là bịa đặt sau khi cảnh sát xác minh sự thật. Theo cảnh sát, cô bé Lisa quả thực đã đi chơi chung với những người quen biết của cô bé trong 30 giờ, nhưng không hề bị ai bắt cóc. Khám nghiệm y khoa cũng không phát hiện dấu hiệu cưỡng hiếp.

Tuy nhiên, dù có được xác minh ra sự thật thì thông tin giả trên cũng đã được lan truyền rộng rãi trên Internet. Hàng trăm người, bao gồm cả những kẻ chống Hồi giáo và bọn tân phát xít, đã tràn xuống đường phố biểu tình phản đối vụ "tấn công".

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng lên tiếng phê phán chính phủ của bà Merkel "ém nhẹm" vụ việc. Đến lượt nước Nga bị nghi ngờ chính là kẻ đã cố tình tung ra thông tin giả nêu trên để gây nhiễu loạn trong dư luận Đức. Hans-Georg MaaBen - Giám đốc Cơ quan tình báo đối nội BfV tố cáo Nga đã sử dụng chiêu thức tung thông tin giả kiểu KGB thời Chiến tranh lạnh để chống phá Đức.

Hồi tháng 1 năm nay, cảnh sát ở Dortmund yêu cầu gỡ bỏ câu chuyện đăng trên Breibart News, trong đó báo này tuyên bố có một nhóm quấy rối đồng thanh la "Allahu Akbar" trong khi nổi lửa đốt nhà thờ. Cảnh sát khẳng định không khí đêm hôm ấy bình yên như mọi ngày. McComack kết luận: "Chuyện giả tạo có thể rất nguy hiểm vì nhiều người đọc hay nghe chuyện ấy rồi cứ ngỡ là thật. Nếu câu chuyện của tờ Bild không bị vạch trần, nhiều người Đức có thể tin sái cổ ra đấy!".

Lê Đào – Hiếu Thảo (theo Newsweek)
.
.