FIPN - đơn vị “siêu cảnh sát” chống khủng bố của Pháp

Thứ Ba, 15/12/2009, 21:45
Gần 500 "siêu cảnh sát" của Lực lượng can thiệp thuộc Cảnh sát Quốc gia Pháp (FIPN) mới thành lập được huy động để xử lý những vụ bắt cóc con tin phức tạp và vô hiệu hóa những âm mưu đánh bom liều chết đe dọa nước Pháp.

Sau những vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở New York (ngày 11/9), London và Madrid (Tây Ban Nha), nước Pháp đã liên tục phá tan nhiều âm mưu khủng bố. Vụ tấn công khủng bố liên hoàn đẫm máu xảy ra ở thành phố Mumbai (Ấn Độ) ngày 26/11/2008 làm 166 người chết và hơn 300 người bị thương trở thành kịch bản cho cuộc diễn tập quy mô của lực lượng cảnh sát tinh nhuệ Pháp.

Được đặt tên là "Dhabiha" (tên gọi một nghi thức sát sinh trong Hồi giáo), chiến dịch được các lực lượng cảnh sát đặc biệt của Pháp soạn thảo dàn dựng tình huống một nhóm 34 tên Hồi giáo cực đoan tiến hành 7 cuộc tấn công khủng bố phối hợp trên khắp nước Pháp. Trong khoảng từ 8h54’ đến 10h10’, bọn chúng kích nổ quả bom kép trên sân nhà ga Montparnasse ở Paris, đánh bom tòa nhà Quốc hội cũng như sân vận động Stade-Velodrome ở thành phố Marseille.

Cùng lúc 4 tên biệt kích khủng bố ra tay bắt cóc hàng chục người ở khách sạn Crillon (Paris), ở sân bay Bourget và một địa điểm khác của thành phố Lyon, nơi đặt một trụ sở ngân hàng. Trang bị súng tiểu liên, súng ngắn, dao, và số khác sử dụng lựu đạn, bọn khủng bố yêu cầu báo giới có mặt và đe dọa sẽ cắt cổ các nạn nhân đang bị bắt làm con tin. Qua kịch bản kéo dài nhiều giờ căng thẳng này, các “ông chủ” của lực lượng hiến binh và cảnh sát quốc gia muốn thử thách khả năng hành động chớp nhoáng của các đơn vị tinh nhuệ của họ.

Kết quả ghi nhận sau đó khá rõ ràng: không một đơn vị nào - cho dù có hùng mạnh - có khả năng một mình ứng phó với kịch bản khủng khiếp như thế! Ví dụ, các đội chống biệt kích (BAC) của Sở Cảnh sát Paris khó có thể khống chế nhóm biệt kích đang cầm giữ những vị khách của khách sạn Crillon nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng "siêu cảnh sát" chống khủng bố RAID. Nhưng lực lượng này không có khả năng ứng phó với 2 tình huống khẩn cấp cùng lúc. Với 3 trực thăng Puma ở sân bay phòng bị gần Villacoublay, RAID phải mất khoảng 4 giờ mới gửi được một đội ứng cứu đến Lyon. Trong khi một cảnh sát đặc nhiệm phải mang trên mình vũ khí và thiết bị nặng đến 30kg.

Amaury de Hauteclocque, 43 tuổi (cháu của thống chế Leclerc) chỉ huy của RAID, nói: "Từ sau vụ khủng bố Thế vận hội Munich năm 1972, bọn khủng bố đã tiến hóa nhiều với những vụ đánh bom liều chết và bắt cóc gia tăng không ngừng. Vụ khủng bố thành phố Mumbai đã tạo điều kiện cho một nhận thức mới. Một tình trạng phụ thuộc có thể gây nên sự phân tán lực lượng đồng thời tạo ra tình huống hỗn loạn nguy hiểm. Như trường hợp của những vụ bắt cóc con tin xảy ra ở Nhà hát Moskva (Nga) và sau đó là trường học Beslan ở Chechnya...

Theo phân tích của RAID, con số những tên khủng bố cương quyết liều chết là tiêu chuẩn ưu tiên trong đánh giá mức độ khủng hoảng hơn là số những tên bị bắt giữ. Thay vì nói đến hành động bắt cóc con tin ồ ạt (POM), các chuyên gia phân tích chú trọng đến khái niệm bắt cóc con tin phức tạp (POC) thể hiện qua kịch bản rất nhiều tên khủng bố chia nhỏ nhau ra để hành động trong phạm vi rộng. Để đối phó với mối đe dọa như thế, một biện pháp hợp nhất các lực lượng cảnh sát là phương sách cuối cùng”.

Trước sự thôi thúc của Frédéric Péchenard, Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia Pháp, một đơn vị can thiệp thuộc FIPN mới ra đời. Lực lượng tinh nhuệ lần đầu tiên bao gồm nhiều sắc áo phối hợp hành động với nhau dưới một cấp lãnh đạo duy nhất. FIPN bao gồm 120 người từ RAID, khoảng 270 vận động viên, đội chuyên gia bắn tỉa và các chuyên gia hậu cần của đơn vị chống biệt kích thuộc Sở Cảnh sát Paris cũng như 200 cảnh sát của 10 nhóm can thiệp của Cảnh sát Quốc gia nằm rải rác trong thành phố và ở hải ngoại.

Với khả năng huy động đến 500 "siêu cảnh sát" trong trường hợp khẩn cấp, FIPN trở thành lực lượng tinh nhuệ nhất trong cuộc chiến chống khủng bố hiện nay của Pháp được Bộ trưởng Nội vụ Brice Hortefeux phê chuẩn ngày 17/7/2009. FIPN có 3 nhiệm vụ chính: ngoài sứ mệnh giải cứu con tin phức tạp, lực lượng hùng mạnh này còn được huy động cho những sự kiện trọng đại như là bảo vệ Giáo hoàng, Hội nghị thượng đỉnh G-20 hay sự kiện bóng đá 2016. Nhờ ngân quỹ riêng lên đến hàng triệu euro, FIPN có nhiều khả năng thực thi sứ mệnh của mình. 

Kể từ bây giờ, FIPN sẽ sóng đôi với lực lượng can thiệp thuộc Hiến binh Quốc gia Pháp (GIGN) và cả hai sẽ có 3 cuộc "tập trận" chính với nhau trong năm. Ví dụ vừa qua, hai lực lượng FIPN - GIGN phối hợp tập trận với kịch bản là cuộc tấn công khủng bố vào khu vui chơi giải trí Disneyland Paris.

Một quan chức ở RAID nói: "Những lợi ích của Mỹ ở Pháp đang là mục tiêu tiềm tàng đối với bọn khủng bố cực đoan. Sự can thiệp vào một cơ sở hạ tầng nơi đông đúc những gia đình và trẻ em chính là thách thức lớn".

Từ đầu năm 2010, FIPN sẽ tập trung vào những vụ bắt cóc phức tạp xảy ra trong những đoàn tàu điện ngầm và những trạm đường sắt và metro. Sau đó “siêu cảnh sát” sẽ được huấn luyện với kịch bản bị nhiều tên biệt kích tấn công từ trong một trung tâm thương mại lớn rồi đến một nhà ga trung tâm. Tổng cộng, hàng chục kịch bản được dàn dựng, với tính thực tế tối đa, bởi một nhóm các chuyên gia kỹ thuật của RAID, đơn vị phân tích mỗi vụ đánh bom liều chết trên toàn thế giới. Từ đây đến năm 2012, toàn bộ các kịch bản đều được các “siêu cảnh sát” trải nghiệm.

Trong một nơi được giữ bí mật, các chuyên gia của RAID sẽ lên 300 kế hoạch chi tiết về các sứ quán, nhà bảo tàng, cũng như những địa điểm nhạy cảm khác như là cơ sở năng lượng nguyên tử hay một số cơ quan truyền thông như là Đài truyền hình TF1.

Và,  trong một tương lai gần, các lối vào, cấu trúc hay tất cả những dữ liệu kỹ thuật của mỗi tòa nhà quan trọng sẽ được dựng thành mô hình 3 chiều để giúp cảnh sát nắm rõ thực tế. Thậm chí trong năm 2010, lực lượng cảnh sát Pháp sẽ phối hợp với đồng nghiệp Anh để thực tập chống bắt cóc dưới eo biển Manche

Trần Thanh Phong (theo Le Figaro)
.
.