Game Online trong cuộc chiến “kim tiền”

Thứ Năm, 16/09/2010, 22:30
Thời gian qua game online (GO) đã trở thành đề tài thu hút sự quan tâm vô cùng lớn của cả xã hội. Đề tài này không chỉ được tranh luận gay gắt trên các phương tiện thông tin đại chúng mà còn làm nóng ở các phiên họp của Quốc hội hay tại Hội đồng nhân dân các thành phố lớn, GO được ví như “ma túy số” dễ gây nghiện, bạo lực và sex.

Tuy nhiên, lâu nay GO vẫn tồn tại một góc khuất khác ít người biết đến: cuộc chiến kim tiền, nơi có những đại gia vung tiền tỉ chơi GO, nơi có những cuộc mua bán đồ ảo có giá lên đến hàng trăm triệu đồng...

Trung tuần tháng 8 vừa qua, một cổng thông tin của GO đã công bố "Top GO ngốn nhiều tiền của game thủ Việt nhất". Mức độ hút tiền của các game phụ thuộc nhiều vào sự hấp dẫn, khả năng kinh doanh của nhà phát hành, các GO có những chiêu bài "ngốn tiền" khác hẳn nhau nhưng tựu trung chúng đều khiến game thủ phải móc tiền nhiều nhất trong lịch sử làng GO Việt từ trước tới nay và đa phần các tựa GO tốn kém này đều thuộc về các "đại gia" phát hành GO trên thị trường trong nước.

Audition - VTC Game đương nhiên có tên trong "bảng vàng" này. Audition giữ ngôi số một về mặt doanh thu của lãnh địa game casual (GO thể loại nhạc nhảy) tại Việt Nam kể từ khi xuất hiện. Nếu không phải game thủ của Audition, người ta sẽ không thể tưởng tượng được mức độ hút tiền của tựa game này hút tiền ra sao, từ đồ đạc, vật phẩm chỉ mang tính trang trí, làm đẹp cho nhân vật, với sự cám dỗ của "sắc đẹp" không ít game thủ - chủ yếu là thanh thiếu niên đã chi rất mạnh tay cho những bộ quần áo ảo này. Chẳng thế mà sau này cả Vinagame, NetGame Asia đều xắn tay vào lĩnh vực GO nhạc nhảy vì lợi nhuận mà nó mang lại.

GO "ngốn tiền" không thể không nhắc đến những "con cưng" của Vinagame, là loạt GO Võ lâm 1-2 và Kiếm thế. Ra mắt cách đây không lâu nhưng Kiếm thế đã nhanh chóng trở thành vị vua mới của làng GO nhập vai. Mang danh là một tựa game miễn phí nhưng hầu như không có chuyện không "đầu tư" mà trở thành "đại gia" trong tựa game này. Game thủ nếu muốn ra "chiến trận" cũng phải bỏ ra không ít tiền, chưa kể hệ thống cửa hàng (cash shop) khá đầy đủ khiến cho các "đại gia" có thể thoải mái nạp tiền cho nhà phát hành.

Chỉ tính riêng từ đầu năm tới nay, số tiền mà các game thủ đổ vào Kiếm thế cũng ngót nghét 5, 6 tỉ đồng. Trong thời kỳ "đỉnh cao" của mình, Võ lâm truyền kỳ (VLTK) có lúc chiếm tới 90% tổng doanh thu của cả thị trường GO Việt Nam và cũng là nguồn thu gần như duy nhất của Vinagame trong những năm đầu hoạt động.

GO Thiên Long Bát Bộ của FPT từ lâu đã nổi tiếng với độ hút tiền của mình. "Kinh phí” để chơi tựa GO dựa theo tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung là không hề nhỏ nếu như không muốn nói là quá lớn, có game thủ đã đưa ra nhận định khá "chuẩn xác" cho việc tiêu tiền trong tựa game này: "muốn đánh quái thì 1 triệu, muốn đánh boss (quái trùm) thì 10 triệu, muốn chế tạo hàng khủng thì 100 triệu vẫn là còn ít" (!).

"Đại gia" Beokaka

Nhắc tới mỹ từ "đại gia GO", chắc hẳn không còn người chơi GO Việt Nam nào lấy làm lạ, xuất hiện từ lúc GO VLTK xâm chiếm thị trường, những cá nhân sẵn sàng vung tiền "đua top" luôn tạo nên hàng loạt đợt sóng gió trong cộng đồng game thủ mỗi khi các đại gia tậu về một món đồ ảo trị giá hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Và nếu ai đã từng chơi GO thể loại nhập vai không thể không nghe đến cái tên Beokaka, một trong những đại gia đứng đầu GO Kiếm thế xét về mức độ chịu chơi.

Sự đầu tư của Beokaka trong GO trở thành "truyền thuyết". Không ai có thể tính hết số tiền mà chủ nhân của Beokaka đã bỏ vào trong GO, nhưng chỉ tính riêng một tài khoản trong GO Kiếm thế, Beokaka đã bỏ ra khoảng gần 2 tỉ đồng. Mới đây, Beokaka đã tạo thêm sự kiện rúng động khi tổ chức một đám cưới hoành tráng - trong GO, "cô vợ" của Beokaka cũng là một trong những nhân vật giàu có nhất Kiếm thế - nhân vật Lâm Tuyết Băng. Ước tính có không dưới 100 nhân vật ảo cũng đều là những nhân vật có số má trong GO Kiếm thế tham gia chúc phúc cuộc "hôn nhân" này, topic quảng cáo trên diễn đàn chỉ sau vài giờ đã thu hút hơn 50.000 lượt xem.

"Cô dâu" Lâm Tuyết Băng cũng là tài khoản Nga My nổi tiếng nhất Kiếm thế hiện nay khi liên tục đứng trong top tài phú (sự giàu có) từ những ngày đầu đồng thời cũng là đại diện đầu tiên của Nga My đạt cột mốc Vô song (một cột mốc mơ ước trong Kiếm thế), ước tính số tiền chủ tài khoản này bỏ ra cũng phải lên tới vài trăm triệu đồng.

Theo một số game thủ, có vẻ như Beokaka đã mua lại tài khoản Lâm Tuyết Băng cho người yêu ngoài đời của mình sử dụng, sau đó mới tiến hành lễ cưới. Tài khoản Lâm Tuyết Băng từng được rao bán với giá 100 triệu đồng và cũng là Vô song đầu tiên rao bán phá giá tài khoản. Thêm một lần, các game thủ Việt đã phải choáng với bảng thành tích chi tiền của Beokaka.

Sau khi bỏ khoảng 1,5 tỉ đồng để nhanh chóng đạt mốc phi phong 10 đầu tiên trong GO Kiếm thế, vào tháng 7, Beokaka lại lập kỷ lục khi đốt gần 35 triệu đồng trong vỏn vẹn có 5 phút đồng hồ để nâng cấp đồ. Trong GO Kiếm thế, điều để phân biệt đẳng cấp và đánh giá đồ của game thủ chính là loại phi phong (một vật phẩm trong game - chia làm 10 cấp độ) mà nhân vật có thể trang bị được. Phi phong 10 còn có tên Vô song Vương giả là cấp độ cao nhất trong Kiếm thế.

Ngay sau khi Vô song Beokaka đầu tiên xuất hiện, người ta đã chứng kiến những cuộc "chạy đua vũ trang" thật sự giữa các "đại gia" Kiếm thế. Để lên được Vô song, các game thủ phải chi một số tiền vô cùng lớn, cho đến nay làng GO mới chỉ xuất hiện khoảng 10 Vô song, chủ nhân của chúng hầu hết đều là các "đại gia" dám chi hàng trăm triệu đồng cho thế giới ảo, theo tính toán, số tiền mà các game thủ bỏ ra để sở hữu danh hiệu Vô song trung bình vào khoảng 700 - 800 triệu đồng.

Tuy nhiên, cho đến nay, chủ nhân ngoài đời của Beokaka vẫn còn là bí ẩn, nghe đồn, đây là một anh chàng đang du học tại Anh quốc, nhưng cũng có không ít người đồ rằng, đây chính là một trong những tài khoản của admin Kiếm thế, sử dụng nhân vật Beokaka để tạo nên một cuộc chiến kim tiền trong Kiếm thế...--PageBreak--

Đấu giá trong "thiên hạ đệ nhất bang"

Một trong những sự kiện khẳng định sức hút mạnh mẽ của GO VLTK có tên Thiên hạ đệ nhất bang (THĐNB), giải đấu GO quy mô nhất Việt Nam, các bang hội sẽ giao chiến với nhau để tìm ra bang phái mạnh nhất, giải đấu thường kéo dài gần 2 tháng, với hơn 100 trận đấu của 102 bang hội. Ngoài chiếc cúp vô địch, phần thưởng cho những bang hội chiến thắng gồm nhiều vật phẩm có giá trị lớn trong game như: “Nhẫn càn khôn giới chỉ”, “Chiến mã xích long câu”, “Bạch Kim cấp 7”, “Vô danh giới chỉ”, “Kim nguyên bảo”...

Sau khi phần thưởng của giải đấu THĐNB được chuyển đến tay bang hội chiến thắng, một phiên đấu giá quy mô, hoành tráng sẽ được tổ chức nhằm "thanh lý". Trong các vật phẩm ảo giá trị, phải kể đến chiếc nhẫn "Càn khôn giới chỉ". Đây có thể coi là vật phẩm có giá trị lớn nhất trên thị trường, khi mà mỗi chiếc đều được giao dịch với giá lên đến hàng trăm triệu đồng. Đại diện giao dịch thành công chiếc nhẫn “Càn khôn giới chỉ” 2010 lên đến 270 triệu đồng, người đấu giá thắng chính là thủ lĩnh của Châu Giang, đây cũng là một trong những đại gia trong giới GO.

Năm 2009, chiếc nhẫn tương tự đã xác lập nên kỷ lục tại Việt Nam với mức giá lên tới... 320 triệu đồng. Chiếc mũ "Nga My bạch kim" kết thúc với mức giá lên đến 100 triệu đồng, các vật phẩm đáng chú ý khác như ngựa “Xích Long Câu”, áo “Đường Môn”... đều được giao dịch với mức giá không quá xa giá sàn (khoảng từ 15 triệu đến 30 triệu đồng). Tổng giá trị của cả buổi đấu giá tại một hotel 5 sao tại Hà Nội vào tháng 3/2010 tuy không được công bố cụ thể, nhưng cũng xấp xỉ 1 tỉ đồng.

Cách đây không lâu, toàn bộ diễn đàn game Tam Quốc Chí (TQC) trở nên xôn xao khi một game thủ có nick name hoaithim thông báo hai vợ chồng đã "tậu" được chiếc xe hơi Hyundai SLX 2.0 trị giá gần 1 tỉ đồng nhờ cần mẫn tích góp tiền bán đồ ảo. Theo lời của đôi vợ chồng này thì  "Sau gần 3 năm trời 2 vợ chồng đồng lòng "cày kéo" chơi game TQC, dốc lực mua bán: từ tiền game, vũ khí vip, acc, năng nhặt chặt bị, cuối cùng cũng mua được chiếc ôtô trong mơ", hoaithim chia sẻ niềm vui với các đồng đạo.

"Mừng thì có mừng thật, nhưng nghĩ lại những năm tháng vừa qua cũng vất vả lắm. Tối ngày chạy xe ngoài đường đi giao dịch tiền, acc, vũ khí nên việc học bị gián đoạn hết, lúc trước em học cực giỏi nhưng giờ thì thi rớt hoài. Nhân vật của em thì đánh không lại ai, nhiều lúc cũng buồn lắm...". Cái tên hoaithim từ lâu đã không còn xa lạ gì với game thủ TQC, nhiều món hàng khủng như vũ khí +11, +12 được rao bán gần... chục triệu đồng một lần giao dịch.

Trước đây, trường hợp của đôi vợ chồng nhặt rác ảo trong Chinh đồ đủ tiền mua xe SH đã làm chấn động giới "võ lâm đồng đạo", nhưng so với vợ chồng hoaithim chơi GO tậu con "bốn bánh", chiếc SH nọ chỉ là chuyện vặt.

Theo một game thủ: "Quả thật, trường hợp của hai vợ chồng "son" bên trên là cực kỳ hiếm nếu không muốn nói là "mò kim đáy bể" trong thế giới GO. Vì họ cày kéo để trở thành đại gia GO, chứ không giống như nhiều đại gia tiền tỉ khác vẫn vung tay tặng quà tiền triệu khi có hứng"...

Có cung ắt có cầu và ngược lại, để đáp ứng mọi nhu cầu giao dịch của các game thủ, một "ngân hàng" giao dịch online có tên gamebank ra đời, theo lời quảng bá, đây là một trung tâm giao dịch ngân lượng sôi động nhất (có lẽ là duy nhất) của GO hiện nay, các game thủ dễ dàng mua được ngân lượng (tiền vàng ảo) của GO mình đang tham gia. Các thương nhân dễ dàng bán được số ngân lượng mình có bất kể khu vực địa lý nào. Các giao dịch mua bán tự động, thị trường hoàn toàn tự do tương tự như một thị trường chứng khoán ảo dành cho game thủ.

Nhân vật ảo “đại gia” Beokaka.

Sàn giao dịch Gamebank là nơi tụ hội của các thương nhân và đại gia. Game thủ có thể dễ dàng mua được tất cả các loại thẻ game với các mức chiết khấu hấp dẫn tại máy bán thẻ tự động 24 giờ. Game thủ có thể mua và nạp thẻ bất kể ngày đêm mà không cần rời khỏi máy tính. Thẻ nạp dễ dàng do không cần cào thẻ và gõ lại mã.

"Ngân hàng" này còn có "Dịch vụ hỗ trợ giao dịch vật phẩm" dành cho những game thủ có nhu cầu giao dịch vật phẩm trên khắp cả nước đang gặp khó khăn về vấn đề địa lý và an toàn khi giao dịch. Người mua và người bán có thể ngồi tại nhà để tiến hành giao dịch...

Đa số các GO đều có những tác hại nhất định đối với người chơi, thể hiện rõ nhất ở 4 nhóm tác hại, đó là tính bạo lực, tính khiêu dâm, kích dục và tính gây nghiện và không thể không nhắc đến tính cờ bạc trong GO. Hiện nay, trên "chiến trường" GO đã xuất hiện không ít GO đánh bài trực tuyến, game thủ có thể nạp tiền qua SMS, qua thẻ ATM, qua tin nhắn để tham gia sát phạt trên Internet...

Tại Việt Nam, sau 4 năm (2006-2010), số lượng người chơi game tại Việt Nam tăng từ 1 triệu người lên 8 triệu người, với rất nhiều thể loại game khác nhau. Trong số này, đa phần là ở lứa tuổi từ 13 đến 18, lứa tuổi lẻ ra phải lo học, và dĩ nhiên là chưa kiếm ra tiền. Nhờ sự đóng góp của GO, trong 4 năm qua, Internet đã tăng trưởng hơn 300%, đưa Việt Nam vào top 20 nước có dân số sử dụng Internet cao nhất thế giới. Doanh thu GO cao chủ yếu là từ các game thủ đã đi làm và có thu nhập ổn định đặc biệt là các "đại gia" GO nọ đóng góp rất nhiều.

Không thể phủ nhận những đóng góp của GO trong doanh thu của nền công nghiệp Internet nói chung, tuy nhiên, một quan điểm của Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM Lê Mạnh Hà được rất nhiều ý kiến đồng tình, rằng ngân sách nhà nước không cần thu những đồng tiền mà nguồn tiền đó từ việc trẻ em xin hoặc lấy tiền của cha mẹ để chơi game hay từ tiền ăn cắp, thậm chí phạm tội của thanh thiếu niên để đua với các đại gia GO trong một cuộc chiến kim tiền...

Thuận Nguyên
.
.