Gặp các “quái thủ” Đồi Hoa Mai trong Trại giam Xuân Phước (kỳ cuối)

Thứ Bảy, 29/08/2009, 17:15
Nguyễn Công Thọ đang thụ hình bản án 12 năm tù ở Phân trại II. Trong số 4 anh em, cha con nhà Hai Chi đang ngồi Trại giam Xuân Phước, Thọ là người có bản án nhẹ nhất.

Trong suốt cuộc trò chuyện, Thọ cứ chối đây đẩy những cái danh xưng như giang hồ, “xã hội đen”. Vừa gặp tôi, Thọ đã nhã nhặn đưa ra một lời đề nghị: "Cán bộ đừng nhắc đến từ Thọ "đại tá" nữa  nghe... xấu hổ quá”. Biết Nguyễn Công Thọ khá rõ từ khi còn ở ngoài đời, tôi đã hết sức ngạc nhiên trước sự thay đổi này.

Ở Hàm Tân, đụng trận nhiều, tiếng tăm vì  sự hung hãn của Thọ thậm chí còn vượt cả gã anh ruột Hai Chi. Thấy Thọ quen biết nhiều, nhờ vả, chạy chọt được nhiều vụ, đám thanh niên càn quấy và cả dân làm ăn "nhạy cảm" ở Hàm Tân đều rất nể, buộc luôn cho anh ta cái biệt danh Thọ "đại tá", tôn gã cao hơn tên tội phạm giang hồ nổi tiếng Thọ "đại úy" trong vụ Năm Cam những... “1 cái gạch”.

Thọ bị truy tố vì 3 tội: tổ chức đánh ông Nguyễn Ngọc Thơ gãy hai chân, cùng Trần Vĩnh Trị mua và tàng trữ  trái phép 1 khẩu súng và cầm đầu vụ đánh chém gây thương tật cho anh Lê Minh Dũng 31%. Đầu tháng 5/2005, khi biết chắc những vụ phạm tội của mình đã bị phanh phui, Thọ đã nhanh chân trốn khỏi địa phương. Đến bây giờ, gã vẫn bảo: "Tôi không định trốn, vì biết có trốn cũng không mong gì thoát. Tôi chỉ muốn đi Đồng Nai, Vũng Tàu chơi một trận cho... đã rồi về đi tù".

Thật ra, trong hành vi được diễn đạt một cách bông phèng của Nguyễn Công Thọ là cả một toan tính vừa ngây ngô vừa rất ranh ma. Dò la biết được rằng Chuyên án Đồi Hoa Mai là do Công an tỉnh Bình Thuận xác lập, có sự tham gia phối hợp của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, Thọ tính lánh mặt một thời gian. Thọ cho rằng không bắt được gã, lực lượng trinh sát của C14 rút  về Bộ, còn lại Công an địa phương, gã sẽ dễ bề... chạy thoát bớt tội.

Nhưng trốn được chừng một tuần, nghe ngóng thông tin, Thọ mới nhận ra là đã lầm to, cửa thoát tội  xem như đã bị bịt kín. Vậy là gã gọi vào điện thoại của một trinh sát thuộc C14... đặt điều kiện: "Cho gã về thăm nhà 2 ngày, sau đó sẽ ra đầu thú". Dĩ nhiên, luật pháp không phải là nơi để cho gã tội phạm thiếu... nghiêm túc mặc cả!

Ngày 20/4/2007, Thọ được chuyển đến Trại giam Xuân Phước. Tự nghĩ rằng dù gì  biệt danh Thọ "đại tá" cũng khá "lừng lẫy", thế nào cũng bị cán bộ trại "quan tâm đặc biệt", gã vẫn ngông nghênh bất cần, tự sắm cho mình vẻ mặt của một kẻ sẵn sàng chấp nhận. Lại lầm. Điệu bộ của gã chỉ khiến người cán bộ quản giáo phụ trách việc tiếp nhận phạm nhân mới phì cười. Anh cán bộ này bảo: "Chức vụ cao nhất trong trại này là giám thị trại, quân hàm cũng chỉ Thượng tá. Anh nghĩ mình là Thọ "đại tá", vậy tôi phải chào anh thế nào đây?". Câu đùa có pha chút giễu cợt, ngoài ra không có gì "đặc biệt" hơn khiến Thọ đỏ mặt, từ đó ai nhắc đến biệt danh là gã chối đây đẩy.

Trong những cuộc hơn thua với những tên đầu bò đầu bướu khác trong khu vực Đồi Hoa Mai, Nguyễn Công Thọ từng bị đám này "trải đệm" một trận tơi bời. Khi Thọ đã lết không nổi, đám này còn dùng lưỡi lê cắt đứt gân cả hai chân khiến gã phải vào bệnh viện điều trị nhiều tháng trời, đến nay đi đứng vẫn chưa bình thường hẳn, sức khỏe mất 67%.

Sức khỏe yếu, Nguyễn Công Thọ được phân công làm tổ trưởng tổ tự quản ở Phân trại II. Công việc hằng ngày của Thọ không đòi hỏi nhiều sức: điểm danh phạm trước giờ xuất trại đi lao động và kiểm tra, khám xét khi phạm nhân trở về, tránh không để phạm cất giấu, đưa vật lạ hay hung khí vào trại. Thời gian còn lại, anh ta có nhiệm vụ đốc thúc, nhắc nhở các phạm nhân lao động trong khu vực bên trong khu giam giữ.

Ngồi nói chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng Thọ lại xin phép để chạy ra nhắc nhở nhóm này một câu, chỉ bảo chỗ kia một tiếng. Người này bảo "dạ em biết rồi anh Thọ", người kia chạy vào hỏi "anh Thọ ơi tưới nước vậy được chưa?", ra chiều tôn trọng và có phần quý  mến. Trung tá Bùi Văn Cường, cán bộ Phân trại II cho biết: "Thọ có ý thức cải tạo rất tốt. Hết năm 2009, anh ta sẽ là một trong những phạm nhân được đưa vào diện xét giảm án".

Thọ khoe rằng Lê Công Tuyền, đối thủ đã từng cắt gân chân anh ta, hiện cũng ngồi chung Phân trại II,  đang lao động ở bộ phận y tế. Thọ kể, 5 tháng sau khi bị nhóm của Tuyền đánh chém trọng thương, Thọ đã cầm đầu một nhóm đàn em "giã" cho nhóm của Tuyền một trận tơi bời. Đang cầm một cây rựa trên tay nhưng thấy Lê Công Tuyền nhỏ quá (sinh năm 1984) Thọ "chém không được" chỉ "trở cán rựa đập". Giáp mặt trong trại, Thọ chủ động gặp Tuyền bắt tay "huề, lo cải tạo tốt để mau được về". Không có chút ân oán, hận thù nào nữa, Thọ bảo bây giờ anh ta xem đối thủ cũ "như một thằng em, hồi đó nó nhỏ nên nó dại, vô đây mình bày cho nó"á.

Giải thích cho sự "lột xác" triệt để của mình, Nguyễn Công Thọ không giấu giếm những toan tính riêng. Anh ta đang hy vọng nếu cải tạo thật tốt,  cứ ngồi tù thêm một năm, Thọ sẽ được giảm án thêm không phải chỉ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng mà giảm hẳn 1 năm (mức giảm cao nhất), nghĩa là đến năm 2014 sẽ được tha tù. Nếu may mắn được đặc xá, thậm chí chỉ sau năm 2010, Thọ đã có thể được tự do.

Gặp Nguyễn Thanh Sang, con trai đầu của Hai Chi, cháu gọi Nguyễn Công Thọ bằng chú ruột, tôi càng ngạc nhiên hơn nữa. Ở Phân trại II, Sang là đầu bếp chính. Khi chúng tôi đến, thằng nhóc này đang xoay trần dùng một chiếc xẻng đảo cơm trong  chiếc chảo to đùng. Sang làm nhiệt tình, động tác thành thạo, gọn gàng. Nghe bảo có khách, nó quệt vội mồ hôi, vớ chiếc áo khoác vào  người và nhanh nhẹn chạy ra chào. 

Trước mặt tôi, Nguyễn Thanh Sang là một gã trai mới lớn, khỏe mạnh, râu quai nón chưa rậm lắm, trông khá điển trai và ưa nhìn, trông như diễn viên điện ảnh. Chỉ đôi mắt của nó, không hiểu sao cứ buồn rượi rượi. Nói chuyện với tôi, nó gọi chú, xưng con rất lễ phép. Sang khoe: "Hồi ở nhà, con chẳng phải mó tay vào bất kỳ việc gì, quần áo cũng không phải giặt. Giờ vô đây, cán bộ bày cho, việc gì cũng làm được hết. Con nấu cơm chưa bị khê, sống hay nhão bao giờ. Làm nhiều nên người cũng khỏe ra!".--PageBreak--

Thật khó hình dung thằng nhóc ấy đã từng là một sát thủ khét tiếng. Trước khi bị bắt và lĩnh án 14 năm, nó đã từng cầm đầu một đám tiểu yêu ở Hàm Tân tiến hành 3 vụ chém người. Kinh hoàng nhất là vụ chém Võ Văn Tài đêm 6/5/2005. Đêm đó, quán cà phê ở xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam vắng khách, Tài "gấu" nằm đung đưa trên võng nghe nhạc, không hề phòng bị. Từ Hàm Tân, Nguyễn Thanh Sang dẫn 3 tên đàn em là Lê Văn Thọ, Lê Hữu Đức, Trần Minh Hải, chưa tên nào đến 20 tuổi, đi trên 2 xe máy xộc thẳng vào quán. Không nói không rằng, 4 chiếc mã tấu đồng loạt vung lên.

Khi cả 2 cánh tay và 4 ngón chân của Tài "gấu" đã đứt lìa, văng ra nền nhà, Sang mới lạnh lùng buông gọn một tiếng: "Thôi, đủ rồi, rút!". Người nhà nhanh trí nhặt những bộ phận cơ thể  bị đứt lìa bỏ vào nước đá và nhanh chóng chuyển Tài "gấu" đi bệnh viện nên tay đàn anh này thoát chết. Tuy nhiên, sau nhiều năm, những phần cơ thể được nối lại vẫn trong tình trạng tê liệt, cử động rất khó khăn và thường xuyên đau nhức.

Nhắc chuyện cũ, Sang cúi đầu: "Trong trại, rất nhiều đêm con không ngủ được, cứ chập chờn lại nhìn thấy cảnh mình cầm mã tấu đi chém người ta. Sợ quá, con  buông mã tấu, chạy và thét lên. Tỉnh dậy là mồ hôi đầm đìa. Con không hiểu nổi sao hồi đó chuyện ác vậy  mà con cũng dám làm. Nghĩ đến là con cứ thấy khiếp sợ!".

Sang sinh năm 1984, tốt nghiệp THPT năm 2002. Thi vào Đại học Bách khoa TP HCM được 11 điểm, đủ điều kiện vào học Đại học Văn Lang nhưng "chê" đại học dân lập,  Sang không học. Nó tiếc: "Giá mà  đừng tự đánh giá mình quá cao, có lẽ giờ con đã học xong đại học, đã đi làm, đâu đến nỗi  phải vô tù!". Thay vì học đại học, Sang bỏ 3 năm trời học tiếng Anh ở Trường Anh văn Hội Việt Mỹ tại TP HCM, trình độ tiếng Anh cũng đã kha khá. Thỉnh thoảng về thăm nhà, nghe cha và anh than vãn về các đối thủ, về những mối cạnh tranh bất hòa, máu côn đồ nổi lên, thằng nhóc cứ thế gọi thêm mấy thằng đàn em lẳng lặng đi tìm đối thủ của cha và anh để "xả". Con đường vào tù của thằng nhóc này quá đơn giản, chung quy chỉ vì nó sinh ra, lớn lên trong một gia đình quá dư thừa bạo lực.

Mỗi lần đi thăm nuôi, bà Mai, mẹ Sang lại phải chia thời gian ra, sáng thăm ông chồng Hai Chi ở Phân trại I, chiều thăm con trai Nguyễn Thanh Sang  và em chồng Nguyễn Công Thọ ở Phân trại II. Lần nào thấy mẹ lên, Sang cũng khóc vì thấy bà cơ cực với cha con nó quá. Tết năm 2009, nhờ cải tạo tốt, Sang và Thọ được trại cho sang Phân trại I thăm Hai Chi. Bản thân đi tù đã hối tiếc, nhưng vì mình mà đẩy con vào tù, Hai Chi càng đau xót hơn.

Tổ tự quản đang kiểm tra phạm nhân đi làm về.

Suốt buổi gặp, Hai Chi cứ nhắc đi nhắc lại: "Nghe ba, đừng trốn nghe Sang. Đừng trốn, cha con mình  còn được gặp nhau". Hai Chi còn động viên ông con trời gầm: "Con còn trẻ, phải học. Thế nào cũng có ngày ra, không học không thành người. Dốt như ba, như mấy chú  con thì hỏng cả cuộc đời!". Nghe lời cha, Sang nhắn bà Mai mang sách vở lên trại, từ tết đến nay tự giác học lại tiếng Anh rất chăm chỉ. Nó khoe: "Coi tivi, người ta nói tiếng Anh trong đó, con nghe được hết". Thỉnh thoảng, Sang còn tận tình giúp các phạm nhân cùng buồng giam học dăm ba câu tiếng Anh giao tiếp. Nhờ vậy, dù ít tuổi, Sang vẫn được những người bạn tù quý trọng - sự quý trọng vốn chỉ dành cho những người có học! Khi kể tôi nghe chuyện này,

Sang ngậm ngùi: "Phải chi ngoài đời con cũng biết sống kiểu này thì đâu đến nỗi"! Tôi khen  thân hình "chuẩn", Sang khoe: "Con bỏ thuốc lá, chỉ làm việc và chơi thể thao". Nói không ngoa, nhờ vào sống trong trại giam, cả thể xác lẫn tâm hồn thằng bé đang hồi sinh, sự khỏe khoắn và lương thiện đang dần dần quay trở lại.

Mãi gần cuối cuộc trò chuyện, tôi mới hiểu ra vì sao đôi mắt nó lại vời vợi một nỗi buồn. Thì ra cái gien nhà Hai Chi còn di truyền  cả một chữ "lụy tình"... Khi còn học ngoại ngữ ở Sài Gòn, Sang đã có bạn gái. Người yêu hơn nó 1 tuổi, nhà ở thị trấn (nay là thị xã) La Gi, vốn là bạn học thời phổ thông. Đầu mùa hè năm 2005, cô gái ra trường, dạy nhạc họa tại một trường tiểu học ở TP HCM. Hai bên gia đình đã biết chuyện và đều đồng ý. Chưa kịp dắt bạn gái về ra mắt chính thức, Sang đã bị bắt.

Cô gái đã 4 lần lên trại Xuân Phước thăm Sang. Sau lần thứ 4, cô chủ động đến nhà bà Mai ở Hàm Tân, thưa với bà rằng “con yêu Sang, nhưng án của anh ấy còn dài quá, con xin phép...". Lên thăm dịp áp tết 2009, bà Mai đắn đo mãi mới có thể thông báo được cho thằng con trai đang tù tội chuyện cô bạn gái của nó đã có chồng. Nghe chuyện, thằng bé đứng chết lặng. Lần đầu tiên trong đời, nó khóc nức nở, khóc không kiềm chế. Thuật lại cho tôi nghe, Sang lại ứa nước mắt. Đang ngồi giữa nhà tù, nó vẫn không kiềm được cảm xúc: "Mất hết, con đau quá chú ơi!".

Tôi không nói câu nào, để mặc cho Sang được khóc. Một gã trai mới lớn còn có thể khóc thì tâm hồn nó vẫn còn chưa chai đá. Tôi tin, có những lúc sau khi khóc, mắt con người ta nhìn đời sẽ trong sáng hơn nhiều lắm.

Gặp gia đình Hai Chi trong Trại giam Xuân Phước, tôi đã nhìn thấy một sự thay đổi triệt để trong  tư tưởng, suy nghĩ của những người tù khi  nghĩ về tội lỗi của mình. Hai Chi thấy xấu hổ, Hoàng Văn Sửu tiếc nuối ăn năn, Nguyễn Công Thọ chối bỏ những ngông cuồng quá khứ, Nguyễn Thanh Sang kinh sợ hành vi của chính  mình... Không có sự lựa chọn nào khác, cả 4 cha con, anh em nhà Hai Chi đang cật lực cải tạo để trả nợ tội lỗi, mong được giảm án, mong sớm có ngày về lại với đời.

Trong niềm hy vọng mà những người tù “nổi danh” ấy đang ấp ủ, tôi nhận ra được những giá trị to lớn mà chế độ cải tạo, giam giữ của chúng ta và những cán bộ quản giáo ở trại đã đạt được sau những công việc không tên, thầm lặng. Đó chính là việc gieo được vào lòng người tù một niềm tin và sự hy vọng mãnh liệt -  hai phương tiện hiệu quả nhất giúp người tù tự điều chỉnh hành vi trên hành trình tìm lại tự do và tìm lại chính mình

N.H.L.
.
.