Giá dầu giảm, cướp biển quay sang bắt cóc đòi tiền chuộc
- Cướp biển Somali chuyển hướng bảo kê cho tàu cá nước ngoài
- Cướp biển Somali chuyển hướng hoạt động
- Chương trình xóa sổ cướp biển của Liên hợp quốc
- Cướp biển lại tấn công tàu chở dầu của Việt Nam
Khi trộm dầu đã chẳng thể mang lại lợi nhuận
Giá dầu thấp kỷ lục chỉ còn khoảng 45 USD/thùng như hiện nay, khiến việc trộm dầu đã chẳng thể mang lại lợi nhuận so với vài năm trước đó, vì lúc ấy giá dầu lên tới 106 USD/thùng. Giá "vàng đen" giảm tới 100 USD/thùng kể từ tháng 7/2015 là một yếu tố khiến nạn cướp biển trong khu vực châu Phi cũng giảm theo.
Thông thường thì các tàu chở dầu được thiết kế vô cùng lớn, và tàu chở hàng hóa đắt tiền thường được trang bị sao cho khó có thể bị tấn công và cướp dễ dàng trên biển. Tuy nhiên, hải tặc vẫn có thể cướp tàu chở dầu, vô hiệu hóa các thiết bị theo dõi và đưa những thùng vàng đen đến một nơi không thể phát hiện ra được, sau đó san chúng ra hàng ngàn thùng nhỏ khác nhau để dễ dàng mang đi nơi khác tiêu thụ. Trong 6 tháng vừa qua, giá dầu đã giảm mạnh do cung nhiều hơn cầu. Và đối với một số tên cướp biển, việc trộm dầu đã chẳng còn có ý nghĩa nào nữa.
Florentina Adenike Ukonga, thư ký điều hành của Ủy ban Vịnh Guinea - một tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia Tây Phi, trong số đó có nhiều nước đã xuất khẩu dầu qua đường biển, cho biết: "Với giá dầu thấp kỷ lục chỉ còn khoảng 40 USD/thùng như hiện nay, việc trộm dầu đã chẳng thể mang lại lợi nhuận so với vài năm trước đó, vì lúc ấy giá dầu lên tới 106 USD/thùng". Tuy nhiên trong thực tế, nạn cướp biển thật ra đã giảm trước khi giá dầu lâm vào tình cảnh "chao đảo" như bây giờ.
Những tên cướp biển ở Somalia. |
Theo thống kê của nhóm vận động Oceans Beyond Piracy (OBP) - một tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên theo dõi các vụ phạm tội trên biển cho biết, năm 2013 đã có 100 vụ tấn công vào các tàu lớn trên Vinh Guinea, trong đó có 56 vụ thành công. Đến năm 2014, con số này đã giảm xuống còn 67 vụ, trong đó chỉ có 26 vụ thành công. Việc giảm thiểu các vụ tấn công này xảy ra trước khi giá dầu suy giảm, OBP ước tính rằng, mỗi năm có tới 70% các cuộc tấn công trong khu vực không được báo cáo và thống kê cụ thể.
Phần lớn các vụ tấn công trong năm 2014 là cướp dầu hoặc những sản phẩm làm từ dầu như diesel, cho dù việc cướp những nguyên liệu này là khá khó khăn và nhiều rủi ro. "Rất có thể tiền lãi từ việc buôn bán dầu là mục tiêu chính để hải tặc nảy sinh ham muốn đối với những hàng hóa có giá trị cao này", OBP viết như vậy trong báo cáo của họ.
"Tuy nhiên, muốn thực hiện phi vụ thành công thì đòi hỏi cần có chuyên môn cao để tiến hành được những vụ cướp dầu như thế, chính vì thế tỷ lệ thành công của các hải tặc vẫn còn hạn chế". Vịnh Guinea hẳn là mục tiêu "ưa thích" của những tên cướp biển trong năm 2013. Vì trong cùng năm này, tại những vùng biển khác đã cho thấy, việc suy giảm số vụ tấn công là đáng kể, đặc biệt là vùng biển ngoài khơi Somalia.
Số vụ hải tặc Somalia tấn công đạt đỉnh điểm trong năm 2011-2012, khiến ngành công nghiệp dầu buộc phải triển khai khẩn cấp các biện pháp bảo vệ bao gồm tuần tra tàu chiến quốc tế và tăng cường lực lượng vũ trang.
OBP nói thêm rằng, giống như nạn cướp biển khi đã được giải quyết ở Đông Phi thì sau lại di chuyển về phía tây châu lục này. Các lực lượng quốc tế và của địa phương - như là hải quân Nigeria - cũng đã từng phải rất nỗ lực để trấn áp các cuộc tấn công, may mắn rằng, có một số cuộc trấn áp cũng thành công.
Cướp biển Somalia từng tấn công và đốt cháy tàu chở dầu. |
Bắt cóc hiệu quả hơn
Reuters mới đây dẫn báo cáo thường niên của OBP, khẳng định, các vụ cướp biển tại khu vực vịnh Guinea đã giảm trong năm 2015. Kết quả này một phần nhờ nỗ lực tuần tra chung của các nước, mặt khác do giá dầu sụt giảm.
Tuy nhiên, chuyên gia Matthew Walje thuộc OBP khẳng định "Cướp biển đã phải chuyển sang một mô hình kiếm tiền nhanh hơn là bắt cóc. Trong một số trường hợp, tiền chuộc có thể lên tới 400 nghìn USD". Nói với Reuters trong buổi công bố báo cáo tại London, ông Walje nhấn mạnh: "Thay vì phải mất đến vài ngày để thực hiện hành vi tội phạm, bây giờ cướp biển chỉ tốn có vài giờ để làm điều đó".
Mặc dù số vụ tấn công giảm đi, song mức độ tàn bạo của bọn cướp biển lại cao hơn năm 2014. Báo cáo của OBP cũng chỉ rõ, tổng cộng đã có 23 người bị giết bởi cướp biển tại khu vực trên vào năm ngoái.
Cũng theo báo cáo này, hoạt động của các băng nhóm cướp biển tại khu vực Tây Phi rất manh mún và khó kiểm soát, khác với vùng Sừng châu Phi, nơi chỉ có vài băng nhóm lớn hoạt động chủ yếu. Điều này sẽ khiến việc dẹp bỏ các toán cướp biển trở nên mất thời gian hơn.
OBP ước tính, tổng thiệt hại do cướp biển và cướp có vũ trang gây ra tại vịnh Guinea trong năm 2015 là 719,6 triệu USD. Con số này xem ra vẫn còn thấp so với mức 983 triệu USD của năm 2014. Vịnh Guinea là nơi qua lại của nhiều chuyến tàu chở dầu, ca cao và kim loại cho thị trường thế giới.
Hồi tháng trước, Nigeria và Guinea Xích đạo đã đồng ý thiết lập các chuyến tuần tra hàng hải chung để tăng cường an ninh trong khu vực vịnh Guinea.