Gia đình nạn nhân của máy bay không người lái đâm đơn kiện CIA

Chủ Nhật, 30/01/2011, 21:30
Hầu như mỗi ngày đều có người dân trong khu vực Waziristan - nơi được mệnh danh là “thiên đường khủng bố” của Pakistan - chết hoặc bị thương nặng bởi các cuộc tấn công do máy bay không người lái (MBKNL) của Mỹ thực hiện. Giờ đây, một nhóm thân nhân của các nạn nhân đang đứng lên đối đầu với Washington, bằng cách đâm đơn kiện Chính phủ Mỹ.

Cuộc chiến bị bóp méo

Mất một mắt và cả hai chân, đó là cái giá mà chàng trai Sadaullah Wazir (17 tuổi) phải trả để sống trong cái được gọi là "thiên đường khủng bố", nơi trở thành mục tiêu cho MBKNL của Mỹ trong vài năm qua. Cuộc sống của Sadaullah Wazir dường như phải trải qua trong địa ngục, dù anh không bao giờ mong muốn chiến tranh, cũng chưa bao giờ tham chiến một trận nào cả.

Chiều ngày 7/9/2009, khi anh đang ngồi trước nhà ở làng Machikhel (bắc Waziristan, Pakistan), một MBKNL bay qua làng. Lúc đó nhằm tháng chay tịnh Ramadan, hầu hết các thành viên gia đình anh tụ tập trong nhà cầu nguyện. Sau những lời cầu nguyện, họ nhanh chóng tỏa ra ngoài giải lao. Một chiếc MBKNL đã bắn một quả tên lửa trúng ngôi nhà của Wazir. Anh nhảy vội vào nhà tìm cách giúp gia đình trước khi căn nhà sập xuống. Wazir đứng ngay lối vào, nên khi bức tường đổ xuống, anh bị đứt hai chân, và một mảnh đạn ghim vào mắt anh. Hai ông bác và người anh họ chết ngay trong căn nhà cháy rụi này.

Ngày hôm sau, các tờ báo Pakistan đưa tin "Nhiều tên khủng bố đã bị MBKNL tiêu diệt gọn". Các bài báo bao giờ cũng dùng những từ "khủng bố", "phiến quân" và những "kẻ cực đoan" bị giết, thực ra đó lại là những thường dân vô tội. Nói chung, chiến tranh bao giờ cũng là một cuộc chiến tuyên truyền.

Giờ đây, Wazir cùng 12 nạn nhân khác tìm cách bảo vệ chính mình. Anh tham gia một vụ kiện do Karim Khan (43 tuổi) khởi xướng. Khan là người cùng làng bị mất con trai và anh trai trong một cuộc tấn công khác của MBKNL. 10 cư dân khác tại Waziristan đang hỗ trợ Khan, tất cả họ đều có người thân chết trong các cuộc tấn công.

Chẳng hạn cậu bé Fahim Qureshi (14 tuổi), trong cuộc tấn công ngày 23/1/2009 bị mất mắt trái, nứt hộp sọ và bị trúng nhiều mảnh đạn vào bụng. Ilyas Kashmiri, một trong những tên khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới, ban đầu nghe nói bị giết trong cuộc tấn công ấy, thế nhưng sau đó hóa ra đó là "tin vịt". 7 người chết đều là thường dân, thân nhân của cậu bé Qureshi.

Waziristan, một khu thưa dân miền núi có biên giới giáp Afghanistan, được Mỹ coi là thiên đường của những kẻ cực đoan. Nhà nước Pakistan không có chút ảnh hưởng nào nơi đây. Lực lượng phiến quân, lãnh đạo bộ tộc và những kẻ cực đoan duy trì luật lệ riêng của họ. Khi các đồng minh phương Tây tiến quân vào Afghanistan sau vụ tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11/9/2001, nhiều chiến binh Taliban bỏ chạy qua biên giới đến khu vực này.

Chỉ 8 năm sau, dưới áp lực của Washington, quân đội Pakistan phát động tấn công vào miền Nam Waziristan, khiến cho các phần tử cực đoan phải chạy sang miền Bắc Waziristan, nơi vẫn chưa rõ có hoạt động quân sự nào chống lại chúng ở đó hay không. Tuy nhiên, vô hình trung Mỹ đã xem tất cả những người sống tại Waziristan là kẻ thù!

"Chính xác, hợp pháp và hiệu quả"

Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc tin rằng, Mỹ tạo thế phụ thuộc vào các loại vũ khí nhằm tiêu diệt các phiến quân trên lãnh thổ Pakistan, hòng tiếp tục gây áp lực trong cuộc chiến ở Afghanistan. Một phát ngôn viên CIA tuyên bố gần đây rằng: "Các hoạt động chống khủng bố của CIA luôn chính xác, hợp pháp và hiệu quả".

Các cơ quan tình báo cho rằng, nhiều phần tử cực đoan cao cấp đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của MBKNL, kể cả lãnh đạo của Taliban tại Pakistan là Baitullah Mehsud. Chính phủ Pakistan tuy công khai phản đối các sứ mệnh MBKNL, nhưng họ lại bí mật cho phép các chuyến bay, đây là điều mà trang web WikiLeaks gần đây làm rõ khi công bố thông tin về đường cáp ngoại giao bí mật của Mỹ. Nhà chức trách tại Islamabad thậm chí còn chuyển giao thông tin cho tình báo Mỹ về các địa điểm có thể chứa chấp những kẻ khủng bố, kể cả các "vệ tinh chỉ điểm mục tiêu" người Pakistan.

Khan chất vấn: "Người Mỹ được tự do bắn giết chúng tôi, chỉ vì chúng tôi sống trong khu vực của kẻ xấu ư?". Anh là người đầu tiên kêu gọi các nạn nhân khác đứng lên tố cáo Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA), cơ quan phải nhận trách nhiệm về các vụ tấn công của MBKNL tại Pakistan.  Vụ kiện này là đòn phản công đầu tiên của những dân làng chống lại CIA. Hồi tháng 12/2010, Khan và luật sư Shahzad Akbar của ông tổ chức một cuộc biểu tình trước tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Islamabad.

Luật sư của Akbar Khan đưa vụ kiện này ra tòa dân sự ở Pakistan như một vụ án điểm. Nếu thành công, sau đó họ sẽ tiếp tục đâm đơn kiện tại Mỹ. Ông này thừa nhận rằng, yêu cầu bồi thường trường hợp tử vong chắc chắn là rất cao. Nhưng đó là cái giá để đảm bảo cuối cùng thân chủ của ông sẽ được bồi thường như là những nạn nhân các chính sách của Mỹ. Những người đâm đơn kiện nói rằng, họ muốn thu hút sự chú ý của thế giới đến số phận của họ, để lật tẩy sự gian dối của CIA trong cuộc chiến tuyên truyền

Lệ Đào (tổng hợp)
.
.