Gia tăng tình trạng giả danh Công an để lừa đảo

Thứ Sáu, 22/01/2016, 22:40
Gần đây trên địa bàn thành phố đà Nẵng thường xuyên xuất hiện một số đối tượng giả danh cán bộ Công an để thực hiện hành vi lừa đảo, người dân cần hết sức cảnh giác trước thủ đoạn trên của tội phạm.


Cách đây chưa lâu, Cơ quan điều tra Công an huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Hồng Phước (22 tuổi), trú tại xã Vinh An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân".

Trao đổi với báo giới về vụ việc này, một lãnh đạo của Công an thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc cho biết: Thời gian gần đây, Công an thị trấn Phú Lộc liên tục nhận được tin báo của quần chúng là có một thanh niên tự xưng là "giám đốc nhân sự" đang công tác tại Khu nghỉ dưỡng của Bộ Công an ở Lăng Cô đang đi tuyển nhân viên cho cơ quan. Nhiều người đã tìm gặp vị "giám đốc nhân sự" này để nộp hồ sơ xin việc làm và đương nhiên là không quên kèm những chiếc phong bì theo sự gợi ý của phía tuyển dụng.

Đối tượng Hoàng Hồng Phước tại cơ quan Công an.

Theo tin báo của quần chúng cho biết, vị "giám đốc nhân sự" này đang nhận hồ sơ xin việc của một cô gái tại quán nhậu Hương Tràm, lãnh đạo Công an thị trấn đã lập tức cử trinh sát tiếp cận và nhanh chóng tiến hành kiểm tra hành chính đối tượng. Qua kiểm tra, trinh sát phát hiện trong hành lý của đối tượng có rất nhiều loại giấy tờ, tài liệu như: Thẻ "giám đốc nhân sự", thẻ "trưởng phòng nhân sự", biên lai thu tiền lệ phí, vé máy bay… nên đã mời đối tượng này về trụ sở để tiếp tục làm rõ.

Tại Cơ quan Công an, Hoàng Hồng Phước đã khai nhận: Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người đang cần việc làm, Phước đã đi thuê in ấn một số thẻ "giám đốc nhân sự" mang tên mình, thẻ viên chức của người xin việc mang tên Khu nghỉ dưỡng Bộ Công an - Lăng Cô để thực hiện hành vi lừa đảo. 

Với thủ đoạn này, chỉ trong thời gian ngắn, Phước đã lừa đảo khoảng 20 người ở các huyện Phú Vang, Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) và một số huyện ở tỉnh Quảng Nam với số tiền lên đến hơn 120 triệu đồng. Trong số đó, có người đã bị Phước lừa lấy đến 30 triệu đồng, người ít nhất cũng đã "hậu tạ" Phước 2 triệu đồng… Điều làm cho không ít người ngạc nhiên là chỉ mới 22 tuổi, trình độ văn hóa lớp 6 nhưng Phước đưa rất nhiều người vướng bẫy lừa đảo của hắn…

Phương tiện hành nghề lừa đảo của "Giám đốc nhân sự" Hoàng Hồng Phước.

Phước hiện đang bị giam giữ, Công an huyện Phú Lộc cũng đã thông báo rộng rãi trong cộng đồng để ai là nạn nhân của Phước cần đến Cơ quan Công an huyện để cung cấp thông tin…

Trước đó, Công an huyện Phú Lộc cũng đã thực hiện việc bắt tạm giam, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Kháng (34 tuổi), trú tại xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc với tội danh “Giả mạo chức vụ, cấp bậc”.

Là cư dân địa phương, sinh sống gần với địa điểm Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (CSTG) - Công an tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên tuần tra kiểm soát. Kháng đã tự trang bị cho mình camera, sổ sách, bút viết… rồi hàng ngày đi thám thính trên cung đường giữa hai con đèo Phú Gia - Phước Tượng. Khi nào thấy CSGT nghỉ thì Kháng giả là CSGT dùng camera ghi hình các phương tiện giao thông vi phạm lỗi "vượt nơi cấm vượt", rồi chặn xe ra giá mãi lộ mỗi trường hợp vi phạm là 500.000 đồng. Khi Kháng đang thực hiện hành vi "giả mạo chức vụ, cấp bậc", để cưỡng đoạt của anh Phan Văn Tuất là tài xế điều khiển xe ôtô mang BKS 73L. 9169 chạy tuyến Đồng Hới - Đà Nẵng lấy 500.000 đồng thì bị lực lượng Công an huyện Phú Lộc bắt quả tang. Nguyễn Kháng đã bị Tòa án nhân dân huyện Phú Lộc tuyên xử 9 tháng tù giam. Trước đó, Kháng từng bị Tòa án nhân dân huyện Phú Lộc xử 45 tháng tù giam về tội "Trộm cắp tài sản"…

Đối tượng Mai Thành.

Là một kẻ vô công rỗi nghề, suốt ngày đàn đúm với đám bạn bè hư hỏng, Mai Thành (24 tuổi), trú tại thôn 5, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã "tậu" cho mình một bộ cảnh phục rồi đóng giả là sĩ quan công an khi thì công tác tại Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Công an Đà Nẵng; khi thì công tác tại Phòng CSTG Công an Đà Nẵng để lừa tiền của những người cần xin việc làm ở Điện lực Đà Nẵng, ở sân bay Đà Nẵng… Điều đáng nói là Thành nhờ giả danh “công an” mà tên Thành đã chiếm được lòng tin của rất nhiều cô gái trẻ. Cho đến lúc Thành sa lưới pháp luật thì những cô gái trẻ ấy cùng phụ huynh của họ mới thật sự cay đắng khi nhận ra chân tướng của hắn.

Thông qua đơn thư tố giác của một số nạn nhân bị Thành lừa đảo qua hình thức xin việc làm giúp. Cơ quan CSĐT - Công an huyện Hòa Vang đã vào cuộc để điều tra. Khi nhận được tin báo Thành đang lang thang cùng một đám bạn ở địa bàn quận Thanh Khê, Công an huyện Hòa Vang lập tức cử trinh sát cùng phối hợp với chính nạn nhân bị Thành lừa đảo, tóm gọn gã "cảnh sát dỏm" này. Tại Cơ quan Công an, biết không thể chối tội, Mai Thành đã cúi đầu khai nhận hành vi lừa đảo của mình.

Thành khai nhận rằng, sau khi học xong lớp 12, do thi trượt đại học nên đã ghi tên đăng ký vào làm việc cho một công ty vệ sĩ. Nhưng do tính ham chơi lại không chịu được sự ràng buộc về giờ giấc nên chỉ sau một thời gian ngắn làm việc ở đây Thành đã tự ý bỏ việc về nhà ăn bám cha mẹ và chơi bời lêu lổng. Trong một lần đi chơi với bạn bè, Thành đã trộm được một bộ quân phục cảnh sát mang về cất ở nhà. Trong giai đoạn túng quẫn về tiền bạc để thỏa mãn những chuyến ăn chơi, Thành đã nghĩ ra cách giả danh cảnh sát để thực hiện hành vi lừa đảo.

Khi Thành đến chơi ở địa bàn thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang thì tình cờ quen biết với anh Nguyễn Thanh Tùng (26 tuổi) là người chưa có việc làm nên nảy sinh ý định lừa đảo qua việc hứa hẹn sẽ xin việc làm cho anh Tùng. Thành giới thiệu anh ta là người thân của "ông phó giám đốc phụ trách an ninh ở sân bay Đà Nẵng" nên có thể xin cho anh Tùng vào làm việc ở đó.

Để lấy lòng tin với anh Tùng, Thành đã dùng điện thoại của mình để gọi cho một người quen mà Thành bảo đó là "phó giám đốc phụ trách an ninh" ở sân bay. Sau khi trao đổi qua điện thoại, Thành bảo rằng vì đây là "hồ sơ chui" nên để mọi việc suôn sẻ thì Tùng phải chi từ 30 đến 40 triệu đồng, nếu Tùng đồng ý thì ngày hôm sau sẽ tiến hành bắt tay vào chạy việc. Thấy anh Tùng có vẻ xiêu lòng, Thành đã nhờ anh Tùng chở  về nhà với mục đích để cho anh Tùng nhìn thấy bộ quân phục cảnh sát mà hắn đang treo ở nhà làm oai. Không một chút mảy may nghi ngờ, anh Tùng và gia đình đã đồng ý chi tiền nhờ Thành chạy việc.

Ngay sau đó, Thành đã hối thúc anh Tùng đi khám sức khỏe, làm hồ sơ để chuẩn bị xin việc làm. Thành lấy xe máy chở anh Tùng đến sân bay Đà Nẵng, rồi bảo anh đứng ở bên ngoài chờ. Thành đi vào bên trong chừng 10 phút thì quay ra và nói với anh Tùng rằng "sếp đã bay ra Hà Nội xin chữ ký trước", vì không còn chuyến bay kế tiếp nên Thành phải gấp rút đón xe đò ra Hà Nội để bổ sung hồ sơ. Để một lần nữa lấy lòng tin ở anh Tùng, Thành nhờ anh Tùng đưa đến QL1A để đón xe giường nằm đi Hà Nội.

Tuy nhiên, sau khi lên xe đi được chừng 5km thì Thành xuống xe và lao vào những cuộc vui chơi với bạn bè bằng tiền của anh Tùng. Cũng với chiêu trò này, Thành đã về quê ở Thôn Thạch Bồ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang lừa lấy của anh Hà Tấn Quân (28 tuổi) 25 triệu đồng và anh Đặng Văn Bình (28 tuổi) 8 triệu đồng…

Mai Thành còn đến thôn An Châu, xã Hòa Phong để lừa tình, đoạt tiền của nhiều cô gái nhẹ dạ cả tin khác. Khi hay tin Thành sa lưới pháp luật vì hành vi lừa đảo thì gia đình ông Lê Ch. mới biết mình đã bị lừa và vội vàng làm đơn đến Công an huyện để tố cáo. Số là, Thành với cô Lê Thị A. (con gái ông Ch.) quen nhau trong một lần đi chơi. Thành lòe với A. là anh ta đang công tác ở Phòng CSGT nên cô A. cũng nhanh chóng xiêu lòng. Sau hai tuần quen biết thì A. đưa Thành về nhà ra mắt cha mẹ.

Thấy “con rể” tương lai là cảnh sát giao thông ăn nói hoạt bát, gia đình ông Ch. mừng thầm. Thấy cá đã cắn câu, Thành thủ thỉ với ông Ch. rằng sẽ xin việc cho A. ở một công ty điện lực nhưng chắc là phải ơn nghĩa với người ta tí chút. Nghe Thành nói vậy, ông Ch. và gia đình đã đưa cho Thành 14 triệu đồng. Cầm tiền xong, Thành tỏ ra rất sốt sắng tìm việc làm cho "vợ tương lai".

Một ngày, Thành thủ thỉ với A. rằng, anh cùng tổ công tác của mình đã bị cơ quan Thanh tra Bộ Công an lập biên bản vì vi phạm quy trình tuần tra kiểm soát trên tuyến QL1A, nên rất cần một khoản tiền để chạy chọt. Nghe vậy, ông Ch. đã đi rút tiết kiệm để đưa cho "con rể tương lai" thêm gần 80 triệu đồng. Lần ấy, lấy được tiền từ tay ông Ch., Thành đã cao chạy xa bay…

Cũng trong khoảng thời gian Mai Thành bị bắt giữ thì Công an quận Ngũ Hành Sơn cũng đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Bùi Văn Tiến (26 tuổi), trú xã An Nghĩa, huyện Lạc Sơn (Thái Bình) vì hành vi giả danh thiếu tá cảnh sát hình sự để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, từ nguồn tin báo của quần chúng nhân dân về việc một số người dân tại tổ 38 phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng phát hiện một thanh niên khoảng 26 - 27 tuổi nói giọng Bắc hay mặc quân phục và đeo quân hàm thiếu tá công an thường xuyên xuất hiện trên địa bàn. Đặc biệt, người thanh niên này lại luôn luôn giắt bên người khẩu súng ngắn loại chuyên bắn đạn bi, anh ta giới thiệu với mọi người là mình đang trong hành trình "đánh án" tại Đà Nẵng. Qua tiếp xúc, nhiều người thấy "ông thiếu tá" này có nhiều biểu hiện nghi vấn, ngay lập tức lực lượng Công an quận Ngũ Hành Sơn đã có mặt mời đối tượng về trụ sở để làm rõ.

Tại Cơ quan Công an, hắn khai tên là Bùi Văn Tiến. Trong lúc đang thi hành án "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" tại huyện Lạc Sơn thì Tiến trốn khỏi trại giam và tiếp tục thực hiện các hành vi phạm pháp. Hắn mò tới một ngân hàng đóng trên đường Ngũ Hành Sơn, thuộc tổ 38 phường Mỹ An TP Đà Nẵng, rồi tự xưng là cán bộ của Cục Cảnh sát hình sự đang đi công tác và yêu cầu được "ở nhờ".

Để ngụy trang cho vai diễn của mình, Tiến đi mua một bộ quân phục và quân hàm cấp hàm thiếu tá, một khẩu súng bắn đạn bi và chờ thời cơ hành động. Lãnh đạo Công an quận Ngũ Hành Sơn cho biết: Qua đấu tranh và khám xét khẩn cấp nơi ở của Bùi Văn Tiến, cơ quan chức năng còn phát hiện thêm 1 máy tính xách tay, 2 máy tính bàn, rất nhiều loại thẻ cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông và thẻ chứng minh nhân dân có ảnh Tiến mang sắc phục Công an.

Đại tá Lê Ngọc - Trưởng phòng CSGT - Công an Đà Nẵng cho biết: "Để nhận biết CSGT thật hay giả trên các quốc lộ chính, một tổ CSGT có ít nhất phải từ 3 người trở lên và phải có phương tiện đặc chủng của lực lượng (như ôtô, xe máy...) trừ trường hợp được điều đi giải tán đám đông tránh ùn tắc giao thông trên quốc lộ, hay trong khu phố thì có hoặc không có phương tiện đặc chủng... Còn đối với những chủ xe bị tổ CSGT chặn phương tiện, điều trước tiên chủ phương tiện sẽ được lực lượng CSGT thông báo vi phạm lỗi gì, có hình ảnh vi phạm lỗi và được chụp từ loại máy gì và thời gian chụp... Còn đối với những hình ảnh phổ thông hay trực tiếp xem từ máy ảnh... thì đó là những đối tượng giả danh CSGT".

Đại tá Trần Mưu - Phó Giám đốc - Công an TP Đà Nẵng cũng cảnh báo: "Những đối tượng giả danh cảnh sát thường nắm được tâm lý của người dân có nhu cầu xin việc làm hay khó khăn tìm hướng giải quyết những vấn đề vướng mắc... do đó, chúng thường lân la đến để lợi dụng. Để nhận biết giữa cảnh sát thật hay giả thì người dân nên hỏi rõ tên tuổi, đơn vị công tác và kịp thời báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất".

Thục Anh
.
.