Giải mã vụ “thuê người chặt chân tay để trục lợi tiền bảo hiểm”

Thứ Ba, 30/08/2016, 13:30
Trong khi nhiều nạn nhân bị tai nạn tìm mọi cách cứu giữ cho cơ thể mình được lành lặn thì Lý Thị N. (30 tuổi, ở Phúc Thọ, Hà Nội) lại nảy ra ý định rồ dại, chủ động hi sinh một phần thân thể để giải quyết vấn đề tài chính trước mắt. Do nợ nần, Lý Thị N. thuê người chặt chân, tay, tạo dựng một vụ TNGT đường sắt nhằm trục lợi các gói bảo hiểm với tổng trị giá 3,5 tỷ đồng.

Vụ “tai nạn” lúc nửa đêm

Trên thế giới, chỉ vì khoản tiền bảo hiểm, không ít người sẵn sàng đánh đổi một phần cơ thể, chấp nhận trở thành tàn phế. Thế nhưng, tại Việt Nam, vụ việc thuê người chặt chân, tay nhằm trục lợi khoản tiền bảo hiểm trị giá 3,5 tỷ đồng đang gây chấn động dư luận những ngày qua, được coi là hi hữu, lần đầu tiên xảy ra. Hãi hùng hơn, chủ mưu “hi sinh thân mình để lấy tiền” lại là một phụ nữ mới chỉ 30 tuổi.

Một cán bộ Đội Cảnh sát hình sự - Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, kể lại: Khoảng 0h5 phút ngày 5-5-2016, một thanh niên (sau này xác định là Doãn Văn D., SN 1995, ở Phúc Thọ, Hà Nội) hốt hoảng chạy vào trực ban Công an quận trình báo phát hiện vụ TNGT đường sắt tại khu vực Hà Đông - Phú Diễn thuộc địa phận phường Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm (gần trụ sở Công an quận). Công an quận Bắc Từ Liêm đã khẩn trương tới hiện trường, tổ chức đưa người bị nạn đi cấp cứu.

Tại hiện trường, Lý Thị N. (SN 1986, ở Vân Phúc, Phúc Thọ, Hà Nội), đang nằm dọc đường ray bên trái trong tình trạng bê bết máu, cụt 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái. Phần bàn tay và bàn chân bị đứt rời khỏi cơ thể cùng dép của N nằm giữa đường ray. Vừa sơ cứu, các đồng chí vừa nhặt phần thi thể đứt rời, bảo quản trong đá lạnh, sau đó đưa Lý Thị N. vào Bệnh viện 19/8 cấp cứu. Tại bệnh viện, N đã được nối lại bàn tay trái và bàn chân trái.

Đến ngày 8-5, Lý Thị N. xin chuyển đến Bệnh viện Việt Đức điều trị nhưng do vết thương hoại tử nên các bác sỹ Bệnh viện Việt Đức tháo bỏ cả 2 phần thi thể bị đứt rời và phải cắt cụt thêm 1/3 cẳng tay trái cùng 1/3 cẳng chân trái. Đến ngày 15-7, kết luận giám định xác định tỷ lệ tổn thương là 79%.

Hiện trường vụ “tai nạn đường sắt” do Lý Thị N. dàn dựng.

Ban đầu, xác định đây là một vụ TNGT đường sắt nên cơ quan CSĐT đã phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức khám nghiệm hiện trường, rà soát nhân chứng và khám nghiệm đầu máy D12E-627 và các toa tàu chạy qua tuyến đường sắt trên về ga Phú Diễn lúc 23h58 ngày 4-5-2016.

Kết quả khám nghiệm phương tiện xác định bánh tàu hỏa rộng 14cm, riêng dưới đầu máy tiếp xúc với đường ray có thanh kim loại gạt chướng ngại vật trên đường ray, độ cao từ thanh kim loại này đến đường ray khoảng 2cm. Ngoài ra không phát hiện dấu vết sinh học nào còn bám dính tại các bánh xe đầu máy, gầm máy và các toa xe. Bản thân người lái tàu hôm đó cho biết, khi chạy qua khu vực trên, không có gì bất thường, không gặp bất cứ vật cản nào.

Trong khi đó, Lý Thị N. khai do buồn chán chuyện gia đình nên tối đó chị ta đi lang thang vô định dọc đường ray, đến khu vực trên thì bị tàu chạy hút vào, sau đó bất tỉnh. Khi tỉnh lại, thấy Doãn Văn D. đi ngang qua nên chị ta nhờ báo Cơ quan công an đưa đi cấp cứu.

Giải mã uẩn khúc

Để làm rõ thương tích của Lý Thị N. có phải do tàu hỏa gây ra hay không, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm tiến hành trưng cầu giám định tại Viện Khoa học hình sự (C54).

Thượng tá Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm giám định pháp y - C54, người trực tiếp giám định kể lại: Từ trước đến nay, việc giám định thương tích để xác định tỷ lệ phần trăm tổn hại sức khỏe là công việc bình thường mà các đơn vị vẫn trưng cầu trong giải quyết các vụ việc có liên quan đến thương tích. Tuy nhiên, ở vụ việc này, CQĐT Công an quận Bắc Từ Liêm không chỉ quan tâm đến tỷ lệ tổn hại sức khỏe mà còn quan tâm đến cơ chế hình thành thương tích bởi những nghi vấn tổn thương của Lý Thị N. chưa chắc do tàu hỏa gây ra. Nhưng điều này cũng chỉ căn cứ vào những bất thường từ lời khai ban đầu của Lý Thị N., từ khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện. Thời gian đầu, Lý Thị N. nói bị tai nạn tàu hỏa, nhưng sau đó chị ta lại nói không nhớ gì nữa.

Ngày 28-6-2016, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm đưa hồ sơ vụ việc cùng Lý Thị N. đến trung tâm tiến hành giám định. Để trả lời câu hỏi tỷ lệ phần trăm thương tật đối với N. thì quá đơn giản vì đã có quy định cụ thể. Thế nhưng để trả lời câu hỏi về cơ chế gây tổn thương đó mới khó bởi vết thương đã qua xử lý, thành 2 mỏm cụt và đã thành sẹo, không còn tính chất ban đầu.

Trực tiếp hỏi chuyện N., Thượng tá Trần Ngọc Sơn cảm nhận đây là một người phụ nữ khá “lì”. Mặc dù bị thương tật khá nặng nhưng N. không hề tỏ thái độ buồn rầu hay đau đớn vì bị mất một phần cơ thể. Chị ta chỉ nói: Em chỉ biết lúc đó có đoàn tàu chạy qua, em ngất đi và chả nhớ gì nữa.

Lý Thị N. và Doãn Văn D. tại cơ quan Công an.

Nghiên cứu hồ sơ bệnh án của Lý Thị N. thấy khi được đưa vào Bệnh viện 19/8 cấp cứu, nạn nhân chỉ bị cụt giữa bàn tay trái và bàn chân trái (sau này khi làm rõ mục đích của N., mới thấy việc N. chủ động chặt chân, tay ở vị trí như vậy là có tính toán. Nhưng không may cho N. là việc nối ghép không thành công nên N. buộc phải cắt cụt lên tới cẳng tay và cẳng chân).

Thượng tá Trần Ngọc Sơn chú ý đến một chi tiết đặc biệt quan trọng, trong giấy sao trích bệnh án của Bệnh viện 19/8 có ghi một câu mô tả vết thương của N. khi nhập viện như sau: “Bờ mép vết thương sắc gọn, bẩn, nhiều dị vật”. Là người “trong nghề” nên có thể hiểu ngay “bờ mép sắc gọn” nghĩa là vết thương do vật sắc nhọn gây ra chứ không thể là vật tày. Nhưng như thế cũng chưa đủ cơ sở để khẳng định cơ chế hình thành tổn thương bởi đôi khi trong thực tế, nếu người điều trị không có kiến thức cũng dễ nhầm lẫn giữa “bờ mép sắc gọn” hay “bầm giập”, nhất là những tổn thương ở vùng đầu, rất dễ nhầm giữa vật tày và vật sắc gây ra.

Để làm rõ chi tiết quan trọng này, Thượng tá Sơn hỏi các đồng chí công an - cũng là những người đã thu nhặt phần cơ thể bị đứt rời của N bảo quản và đưa chị ta đi cấp cứu, rằng khi tiến hành thu nhặt có chụp ảnh không? Các đồng chí công an cho biết, do sự việc xảy ra lúc nửa đêm, thương tích của nạn nhân lại khá nặng nên lúc đó phải khẩn trương đưa N. đi cấp cứu, và nhanh chóng thu nhặt, bảo quản phần chân, tay bị đứt rời  trong đá, giúp nạn nhân có cơ hội nối ghép. Lúc này,  một cán bộ Công an quận Bắc Từ Liêm nhớ ra, hình như khi vào Bệnh viện 19/8, trước khi tiến hành nối ghép, bệnh viện có chụp lại ảnh. Thượng tá Sơn đề nghị CQĐT liên hệ bệnh viện để xin bộ ảnh đó về.

Khi có bản ảnh, bằng con mắt nghề nghiệp, giám định viên biết rằng mấu chốt để giải đáp câu hỏi cơ chế hình thành thương tích chính là ở đây. Bản ảnh thể hiện phần bàn tay và bàn chân đứt rời bị tác động bởi một lực rất mạnh và dứt khoát, tạo nên bờ mép sắc gọn. Căn cứ những tài liệu trên, ngày 15-7, Viện Khoa học hình sự đã kết luận: Cơ chế hình thành thương tích vùng tay trái và chân trái của Lý Thị N. là do vật sắc gây nên.

Như vậy, thương tích của Lý Thị N. không thể là tai nạn tàu hỏa bởi bánh xe và đường ray tàu hỏa đều là vật tày, nếu bị cán qua thì những phần cơ thể của N. sẽ nát bét chứ không thể còn nguyên vẹn với “bờ mép sắc gọn” như vậy. Kết luận giám định này là căn cứ quan trọng để CQĐT đấu tranh với Lý Thị N., làm rõ những khuất tất phía sau một vụ “TNGT tàu hỏa” mà N. chủ ý dàn dựng.

Bi kịch đau đớn

Tiếp tục tiến hành xác minh đối với Lý Thị N., CQĐT tập trung vào nghi vấn khi trong tháng 3 và 4-2016, N. mua 3 gói bảo hiểm thân thể tại Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Nhân Thọ và Công ty Bảo hiểm Prudential với tổng số tiền chi trả ở 2 công ty là 3,5 tỷ đồng. Đối với Doãn Văn D., người “phát hiện và trình báo vụ TNGT”, sau khi xảy ra sự việc, anh ta không những cung cấp sai tên tuổi, địa chỉ cho Cơ quan công an. Khi CQĐT xác định được nhân thân thì D. trốn biệt. Còn Lý Thị N., ban đầu khai không quen biết gì Doãn Văn D., chỉ là thấy anh ta tình cờ đi ngang qua thì nhờ trình báo giúp. Nhưng trong và sau khi điều trị vết thương thì N. thường xuyên liên lạc với D.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 4-8, CQĐT đã triệu tập cả Lý Thị N. và Doãn Văn D. Trước những chứng cứ, tài liệu của CQĐT, N. và D. buộc phải khai nhận sự thật. N. quê Tuyên Quang, lấy chồng ở Phúc Thọ từ năm 2009, có 2 con nhỏ 6 tuổi và 2 tuổi. Chồng N. là y sĩ, công tác ở Thái Nguyên nên ít khi về nhà. Trước đây N. kinh doanh quán ăn ở thị trấn Phúc Thọ nhưng do làm ăn thua lỗ nên chị ta về mở quán bán nước ở đầu làng.

Bản thân Lý Thị N. đã có 1 tiền án về tội môi giới mại dâm. Năm 2014, N. bị tòa án xử 8 tháng tù giam. Nhưng do N. đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng nên được hoãn thi hành án. Nếu đúng thời hạn thì ngày 3-8-2016 vừa qua, N. phải thi hành án nhưng sau vụ chặt chân, tay này, với tỷ lệ thương tật 79%, N. được hoãn thi hành án một lần nữa.

Lý do dàn dựng vụ TNGT, theo N. là do chị ta “quẫn” bởi nợ nần. N. khai vay nợ gần 250 triệu đồng, không có khả năng thanh toán. Do bị thúc ép đòi nợ nên cô ta nghĩ quẩn, nảy sinh ý định thuê người chặt chân, tay để được hưởng một khoản tiền bảo hiểm. N. nghiên cứu rất kỹ chính sách, quy định chi trả các gói bảo hiểm thân thể này. Theo đó, để được hưởng trọn gói, khách hàng phải bị thương tật vĩnh viễn không khôi phục được đối với 2 bộ phận trên cơ thể như: 2 tay, 2 chân, 2 mắt hoặc 1 tay và 1 chân; thương tật phải dưới khớp cổ tay và cổ chân. Do đó, N. đã mua dao và thuê Doãn Văn D. chặt chân, tay mình với giá 50 triệu đồng. D. cũng ở Phúc Thọ, hay tụ tập ở quán nước của N. nên quen biết nhau. Nhà D. có 3 anh em, D. là con lớn. D. hiện đang làm thợ sắt tự do. Bố D. đang thụ án tù chung thân về tội ma túy.

Phần bàn tay và bàn chân đứt lìa với bờ mép sắc gọn đã lật tẩy âm mưu của Lý Thị N.

Bị mờ mắt trước khoản tiền 50 triệu, Doãn Văn D. đã đồng ý thực hiện “nguyện vọng” chặt chân, tay để được hưởng bảo hiểm của Lý Thị N. Buổi chiều 4-5-2016, N. và D. thuê nhà nghỉ ăn uống, bàn bạc kỹ kế hoạch chặt chân, tay N., ở đúng những vị trí sẽ được hưởng bảo hiểm trọn gói. Do chưa có tiền nên N. mới tạm ứng trước cho D. 3 triệu đồng và viết giấy nhận nợ D. số tiền 50 triệu đồng.

Để tạo hiện trường giả một vụ tai nạn, Lý Thị D. đã nhiều lần khảo sát địa điểm sẽ thực hiện việc chặt chân, tay mình. Theo đó, cô ta chọn đoạn đường sắt ngang qua Trung tâm huấn luyện K20 (thôn Kiều Mai, Bắc Từ Liêm), ngay gần trụ sở Công an quận Bắc Từ Liêm để “hợp lý” việc Doãn Văn D. trình báo, và được đưa đi cấp cứu nhanh nhất.

Khi gần đến giờ tàu chạy qua, D. và N. cùng nhau đi ra khu vực “hiện trường” ngồi đợi. Khi tàu đến gần, N. lần lượt kê chân và tay lên cho D dùng dao chặt rồi giục D. “chạy nhanh đến Công an quận trình báo để được đi cấp cứu không chậm sẽ mất máu nhiều chết mất”.

Theo tính toán của N. thì với thương tích này, khi vào viện, nếu không nối được phần thi thể bị đứt, cô ta sẽ được xử lý tháo khớp. Thế nhưng đen đủi cho N., do vết thương hoại tử nên cô ta đã bị cắt cụt thêm một phần cẳng chân và cẳng tay.

Theo Thượng tá Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm giám định pháp y - C54, khi đến giám định, anh phát hiện Lý Thị N. bị hội chứng “chi ma” (hội chứng của những người sau khi bị cắt cụt chi), nghĩa là bệnh nhân vẫn có cảm giác chân tay bình thường nên “quên” rằng mình đã bị mất một phần cơ thể. Bản thân Lý Thị N. cũng cho biết, nhiều lúc chị ta nghĩ mình còn chân tay lành lặn, dẫn đến việc bước hụt và bị ngã.

Do chưa thực hiện được hành vi chiếm đoạt tiền của cơ quan bảo hiểm nên Lý Thị N không bị xử lý hình sự. Thế nhưng với thương tật hiện tại, đây thật sự là một bi kịch đau đớn của N. khi nợ vẫn hoàn nợ mà bỗng dưng trở thành người tàn phế suốt đời. Được biết gia đình nhà chồng của N. đã phải đặt sổ đỏ để trả một phần nợ cho chị ta. Gánh nặng chăm sóc 2 con nhỏ của N. đang đổ lên vai bố mẹ chồng già yếu.

Hương Vũ
.
.