Gián điệp nghiệp dư Đài Loan

Chủ Nhật, 12/09/2010, 08:45
Nhấp ly cà phê đá và hút điếu thuốc trong một quán nước quê nhà, Lâm Khải có vẻ thư giãn. Tuy nhiên, sau gần 14 năm bị giam ở Trung Quốc vì tội gián điệp, người đàn ông 41 tuổi này vẫn còn chịu di chứng tâm lý.

Sau khi ông bị bắt vào năm 1994, vợ ông đã ly dị. Cha ông chết vì đột qụy trong một chuyến đi thăm ông trong tù. Ông Lâm nói: "Điều làm tôi phiền muộn nhất là không có mặt trong thời niên thiếu của hai con trai. Tôi không thể chơi bóng với con, hay đi dự lễ tốt nghiệp của con. Hai đứa giờ đã lớn. Giữa chúng tôi có khoảng cách".

Không giống các vụ gián điệp giữa Nga và Mỹ, ông Lâm và nhiều gián điệp Đài Loan khác không phải là tình báo chuyên nghiệp. Họ được Phòng Tình báo quân sự của Đài Loan nhắm tới và chiêu mộ vào thập niên 80 thế kỷ trước, khi Đài Loan bắt đầu cho phép người dân đi thăm Trung Quốc đại lục.

Ông Lâm kể lại thời gian lúc còn kinh doanh ở Trung Quốc: "Mọi chuyện bắt đầu khi có một nhân viên tuyển mộ gặp tôi trong một bữa tiệc. Ông ta tự giới thiệu là phóng viên và tờ báo của ông ta cần các thông tin về Trung Quốc. Mãi về sau này tôi mới nhận ra là mình làm việc cho quân đội".

Với động lực là các phần thưởng tài chính lớn và sự trung thành với Đài Loan, ông Lâm cùng những người khác thu thập thông tin về các vấn đề của quân đội Trung Quốc. Một số công việc của họ chỉ đơn giản là đóng giả khách du lịch, chụp hình bên ngoài các khu căn cứ quân sự, hay báo cáo về một vụ báo động quân sự khi nhìn thấy xe tăng trên đường phố hay sân bay bị tạm thời đóng cửa.

Điển hình là trong vụ của ông Lâm, các gián điệp không chuyên này có thể mạo hiểm sử dụng các mối quan hệ để vào bên trong căn cứ quân sự và chụp hình tàu ngầm của Trung Quốc.

Ông Lâm nhớ lại: "Họ trả tôi mỗi tháng 1.500USD, thanh toán tiền vé máy bay và có lần còn thưởng tôi 5.000USD khi phát hiện được căn cứ tàu ngầm. Sau một thời gian tôi bắt đầu thấy thích thú với công việc này”.

Nhưng ông và những người khác không được huấn luyện, mặc dù ông được học cách mã hóa tin tức và chuyển fax với mực không màu. Trong suốt hàng chục năm có nhiều người bị bắt và thường là bị kết án hơn 10 năm tù giam. Chính quyền Đài Loan từ chối công bố có bao nhiêu gián điệp nghiệp dư bị tù, nhưng các vị dân biểu được các thân nhân liên hệ tin rằng có khoảng vài chục người vẫn đang phải thụ án tù ở Trung Quốc.

Với các gia đình thì đó là cơn ác mộng. "Do không được phép thường xuyên thăm người thân bị án tù bên Trung Quốc, thành thử nhiều gia đình Đài Loan từ bỏ họ", theo nghị sĩ Chu Thủ Huấn. Một số người tù mắc bệnh, một số khác chết trong tù vì điều kiện sống và y tế rất kém. Nhiều gia đình, kể cả nhà ông Lâm, không biết người thân của họ là gián điệp.

Thân nhân Đài Loan không dễ được thăm tù gián điệp.

Khi gián điệp bị bắt thì không ai được thông báo, vì không có quan hệ chính thức giữa Đài Loan và Trung Quốc. Chỉ khi nào gián điệp bị kết án và báo chí Trung Quốc đưa tin thì gia đình mới biết.

Một số vụ không được báo chí nhắc tới. Như một phụ nữ nọ, có người chị bị bắt năm 2007 cùng chồng, nói rằng bà tưởng họ vẫn làm ăn ở Trung Quốc. Từ sau ngày họ bị bắt bà phải chăm sóc đứa con út của họ. Khi chia sẻ điều này, bà phải giữ kín danh tính vì sợ ảnh hưởng tới khả năng họ được thả sớm, mà người anh rể nay đã trên 70 tuổi và bệnh nặng. Bà đã đi gặp nhiều quan chức chính quyền Đài Loan để xin giúp đỡ. Điều mà những người như bà không thể chấp nhận là thái độ “phủi tay” của chính quyền Đài Loan.

Sau ngày Mã Anh Cửu nhậm chức người đứng đầu chính quyền Đài Loan năm 2008, cho phép các gia đình có hy vọng mới về khả năng đàm phán chính thức để thả người vì lý do nhân đạo, hay trao đổi gián điệp.  Một số gián điệp gần đây được tha để về nhà trị bệnh.

Ông Lâm đã được giảm bớt bản án 20 năm tù để được tha sớm vào năm 2008 nhờ ghi điểm bằng cách làm việc trong dây chuyền sản xuất của nhà tù

Lê Đoàn (tổng hợp)
.
.