Gian nan chống buôn lậu ở biên giới Tây Nam

Thứ Tư, 13/05/2020, 09:24
Thời điểm từ sau tết Nguyên đán đến nay, tình hình buôn lậu tại các tỉnh biên giới Tây Nam “nóng lên”, diễn biến phức tạp, các đối tượng ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng quyết liệt nếu hàng hóa vận chuyển lậu có trị giá lớn bị bắt giữ.

Lực lượng phòng, chống buôn lậu gồm công an, hải quan, biên phòng, quản lý thị trường các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp chủ động công tác tuần tra, kiểm soát, theo dõi tuyến biên giới nhằm triệt xóa các đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng lậu...

Đại tá Lưu Thành Tín, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang thăm hỏi cán bộ chiến sĩ bị thương khi làm nhiệm vụ.

Manh động, liều lĩnh

Đường và thuốc lá là hai mặt hàng chính mà các đối tượng ngày đêm “tuồn” qua tuyến biên giới, thâm nhập vào nội địa Việt Nam để tiêu thụ. Khi lực lượng chức năng siết chặt đường bộ trên tuyến biên giới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 thì các đầu nậu, đối tượng vận chuyển hàng lậu chuyển sang đường sông, đường biển. Các đối tượng lợi dụng đêm tối hoặc ngày nghỉ dùng phương tiện đường thủy cải trang như ghe chở nông sản để chở hàng lậu, đưa hàng qua cửa khẩu. Một số đầu nậu tập trung đông đối tượng liều lĩnh, trang bị sẵn vũ khí, đẩy bè hàng lậu dọc bờ biển và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện để cướp lại hàng và thoát thân.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Tiên (Kiên Giang) đã khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ, để tiếp tục điều tra về hành vi phạm tội của các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới, tấn công lực lượng làm nhiệm vụ.

1h45 ngày 28-4, tại khu vực cách cột mốc 314 khoảng 80m, cách đường biên giới phân định tạm thời trên biển khoảng 200m (TP Hà Tiên, Kiên Giang), tổ chốt trực phòng, chống dịch COVID-19, gồm 7 thành viên: 6 CBCS biên phòng, 1 đồng chí công an phát hiện khoảng 200 đối tượng vừa vác, đẩy các bè thuốc lá (khoảng 250 thùng, loại 50 cây/thùng) trên mặt biển đi từ hướng Campuchia qua biên giới để vào Việt Nam. Tổ trực đã phát bộ đàm báo cáo Trạm 314, yêu cầu chi viện để ngăn chặn. Khoảng 40 CBCS biên phòng, cảnh sát cơ động được chi viện ngăn chặn các đối tượng.

Khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng đã sử dụng hung khí (gậy, gậy có buộc dao nhọn, đá...) tấn công. Dù lực lượng làm nhiệm đã bắn cảnh cáo nhưng các đối tượng vẫn hết sức manh động, tiếp tục tấn công lực lượng chức năng, cướp lại số thuốc lá lậu, đẩy về phía Campuchia.

Một đồng chí công an bị thương ở phần đầu và mặt, gãy tay phải; 4 đồng chí biên phòng bị chấn thương. Lực lượng chức năng thu giữ khoảng 500 gói thuốc lá lậu, bắt giữ 2 đối tượng và thu giữ nhiều hung khí, tang vật liên quan.

Đại tá Lưu Thành Tín, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang đánh giá tình hình buôn lậu trên tuyến biên giới thời gian qua diễn biến khá phức tạp. Dù lực lượng chức năng đã liên tiếp triệt xóa, bắt giữ các vụ buôn lậu nhưng các đầu nậu vẫn luôn tìm cách “tuồn hàng” vào nội địa Việt Nam để tiêu thụ vì chênh lệch giá thành khá cao. “Chính vì giá trị chênh lệch cao nên các đối tượng buôn lậu rất manh động, sẵn sàng tấn công lực lượng thực thi nhiệm vụ” - Đại tá Tín nói.

Khổ như trinh sát chống buôn lậu

Những ngày đầu tháng 5, PV cùng một trinh sát Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh An Giang đột nhập sào huyệt của bọn buôn lậu. Sau nhiều lần áp dụng các phương án bí mật, đánh lạc hướng, chúng tôi thoát khỏi sự theo dõi của các đối tượng canh đường. 1h30 sáng, sương lạnh buốt, mang theo chiếc máy ảnh được giấu cẩn thận trong áo khoác, tôi bắt đầu một đêm trinh sát thực tế. Sau hơn 10 phút chạy xe từ trung tâm TP Châu Đốc, chúng tôi đã đến được phía bên kia bờ sông Vĩnh Tế đối diện với điểm trung chuyển hàng lậu. Tại đây, chúng tôi giấu xe máy vào bụi cây ven đường và tìm nơi ẩn nấp để quan sát, chấp nhận nằm im cho lũ muỗi “làm thịt”.

Cán bộ trinh sát nói vui: “Khổ như trinh sát chống buôn lậu ở biên giới. Ngoài công tác đấu tranh với các đối tượng buôn lậu, chúng tôi còn phải chống “giặc” muỗi ngoài đồng, khi thì bí mật theo dõi gần điểm tập kết hàng còn chống “giặc sủa”. Nhiều khi ém dưới nước từ sáng đến chiều, chợt con chó phát hiện, sủa lên, lúc này đành phải rút quân, vỡ kế hoạch”.

Khoảng 10 phút sau, có tiếng máy dầu đã được cải tiến công suất, chạy dưới sông, trinh sát đi cùng dặn khẽ: “Núp cẩn thận vào, trước khi cập bến lên hàng (thuốc lá lậu - PV) bọn chúng soi đèn kĩ lắm”. Tiếng máy dứt khi còn cách điểm cập bến hơn 100m, các đối tượng dùng đèn pin kiểm tra hai bên bờ sông rồi mới cho vỏ lãi cập bến. Từ trên bờ có khoảng 10 đối tượng, nhanh chóng nhảy xuống vỏ lãi khuân vác các bao tải chứa thuốc lá chất lên xe máy đã được bố trí cạnh đó. Mỗi xe chở 2 bao lớn phía sau và 2 bao nhỏ phía trước (khoảng từ 150-200 gói/bao)...

Lực lượng Công an, Hải quan, Biên phòng tỉnh An Giang tuần tra, phòng chống buôn lậu.

Để đảm bảo bí mật cho chuyến công tác, chúng tôi âm thầm rút lui, tuy nhiên khi vừa dắt xe ra ngoài thì có hai đối tượng chạy xe Wawe đến, lượn lờ mấy vòng như để thăm dò. Bất ngờ, tiếng còi xe vang lên dồn dập. Bên kia bờ, chiếc vỏ lãi lập tức rời bến chạy mất hút về phía biên giới. Chúng tôi vừa chạy xe ra lộ lớn thì phía sau có khoảng 3-4 xe máy bám đuôi.

“Bọn chúng đeo bám dữ lắm. Hôm nay, chúng bị động nên không thể vận chuyển hàng lậu nữa. Để bắt được tận tay những đối tượng buôn lậu là điều không dễ dàng. Chúng có thể nhấn chìm cả vỏ lãi chở hàng xuống nước rồi chạy thoát thân. Anh em khá vất vả, đương đầu với nguy hiểm và đấu trí với bọn chúng”, trinh sát đi cùng nói.

Thượng tá Hồ Văn Tấn, Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang cho biết, các đầu nậu thuê người theo dõi, canh đường, gác trạm ngay tại trụ sở các cơ quan chức năng để theo dõi nắm tình hình hoạt động và cung cấp thông tin cho những người đang tổ chức vận chuyển hàng lậu. Do đó, khi lực lượng chức năng tổ chức ra quân thì ngay lập tức chúng dùng điện thoại thông tin cho nhau hoặc trực tiếp chạy đi các điểm tập kết để báo động. Vào buổi tối, các đối tượng canh đường dùng đèn pin pha lên trời để báo động cho nhau.

Thượng tá Hà Minh Đấu, Trưởng Công an TP Châu Đốc, tiếp lời: “Ở hai đầu kênh Vĩnh Tế và trong TP Châu Đốc, tại các ngã tư, tuyến đường, các bến xe, quán xá đều có người cảnh giới, báo động cho đối tượng tham gia vận chuyển hàng lậu. Đặc biệt, các đối tượng sau khi chấp hành xong án phạt về tội vận chuyển hàng lậu thì quay về địa phương chuyển sang tham gia lực lượng canh đường, rất khó xử lý”.

Đường đi hàng lậu

An Giang có tuyến biên giới kéo dài gần 100 km, có nhiều đường mòn, lối mở, kênh rạch thông qua lại với các tỉnh của Vương quốc Campuchia. Đó là điều kiện cho tội phạm buôn lậu gia tăng hoạt động. Các địa bàn nổi cộm về tội phạm buôn lậu là khu vực kênh Ngọn Cả Hàng (xã Vĩnh Hội Đông), khu vực dòng sông chung thị trấn Long Bình (huyện An Phú); tuyến sông Hậu, sông Tiền...

Hàng lậu từ phía Campuchia được tuồn qua các tuyến kênh, như: Mương Sáu Nhỏ, mương 3 Ông Đá, rạch Chắc Ri, mương 5 Lùn, rạch Miếng Ngói Lớn, rạch Miếng Ngói Nhỏ... được tập kết về các nhà sàn hoặc bãi đất trống sát bờ kênh Vĩnh Tế.

PV đã tìm cách xâm nhập, lọt vào khu vực cấm địa của các đối tượng vận chuyển hàng lậu trên tuyến kênh Vĩnh Tế (thuộc phường Châu Phú A, TP Châu Đốc). Ở hai đầu kênh đều có người cảnh giới, báo động cho đối tượng tham gia vận chuyển hàng lậu. Mỗi khi có người lạ ra vào, toàn bộ hoạt động vận chuyển hàng hóa đều ngưng lại. Nhiều nhà sàn dựng san sát nhau trên bờ kênh đều chừa một khoảng trống cố định giữa hai nhà, tạo thành độc đạo.

Khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng đóng chặt cửa cho các vỏ máy (một loại phương tiện thủy - PV) chở hàng lậu quay ngược về phía Campuchia. Nếu không có lực lượng chức năng, các đối tượng nhanh chóng đưa hàng lậu lên xe máy đã được “độ” lại đang chờ sẵn từng tốp, phóng bạt mạng về các điểm tập kết, trung chuyển khác. Sau đó, hàng được phân nhỏ, ém vào các điểm tập kết tại TP Châu Đốc. Tiếp đến, các đối tượng dùng xe máy giao hàng cho các đối tượng ở khu vực huyện Châu Phú và được chuyển đi tiêu thụ tại TP Long Xuyên, TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh...

Còn tại huyện Tịnh Biên, hàng sau khi được tập kết sẽ được các đối tượng ở Hà Tiên (Kiên Giang) dùng xe tải, ô tô lên nhận... Riêng đối với đường cát Thái Lan, sau khi vào nội địa được các đầu nậu tại Châu Đốc, Tịnh Biên dùng ghe lớn, xe tải chuyển về Cần Thơ, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh...

Tại Kiên Giang, cánh đầu nậu thuê người sử dụng xe máy vận chuyển hàng hoặc đóng thành thùng để đẩy dọc theo tuyến biển. Sau khi nhận hàng từ bên kia biên giới, những người vận chuyển thuê như làm xiếc trên cánh đồng. Đối với những xe vận chuyển đường thường chạy chậm hơn bởi được nhóm canh đường hướng dẫn. Hàng lậu được chuyển theo hướng quốc lộ 80 về tập kết tại các kho chứa ở khu vực chợ Hà Tiên trước khi “hô biến” thành đường nội.

Đối tượng Tăng Quanh Ni và Chau Ha bị lực lượng chức năng bắt giữ trong vụ chống người thi hành công vụ xảy ra ngày 28-4.

Còn tại Đồng Tháp, các nhóm buôn lậu dùng xuồng máy chạy né chốt kiểm tra trên bờ, đưa hàng đến điểm tập kết trên bờ thuộc xã Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự), rồi đưa vào nội địa tiêu thụ. Thường Thới Hậu B từng được xem là điểm nóng vận vận chuyển hàng lậu tại khu vực biên giới Đồng Tháp. Bên kia dòng sông Sở Thượng, phía Campuchia có nhiều kho hàng lậu, chủ yếu thuốc lá ngoại, đường cát, mỹ phẩm các loại... Quá trình vận chuyển, nếu phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng cho xe chạy vào các tuyến đường dọc theo các kênh, rạch nhỏ, luồn lách để không bị bắt...

Gian nan nhưng không chùn bước

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 500 đối tượng và khoảng 65 tụ điểm buôn lậu ở các địa bàn trọng điểm của các hoạt động buôn lậu. Đáng quan ngại là mỗi đối tượng buôn lậu lại có thêm 10 đối tượng khác canh đường, tiếp tay...

Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, hiện nay công tác phòng, chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng chống buôn lậu tại các địa bàn trọng điểm còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. Trong khi đó, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu lại rất tinh vi, có tổ chức, luôn chủ động các biện pháp để đối phó, né tránh. Đường dây hoạt động, vận chuyển, buôn lậu được hình thành chặt chẽ, khép kín, chủ yếu là họ hàng, người thân với chủ đầu nậu buôn lậu. Khi bị bắt giữ, các đối tượng không khai báo đối tượng chủ mưu, cầm đầu nên chỉ xử lý được các đối tượng vận chuyển hàng thuê.

“Công an tỉnh An Giang đã xây dựng, xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Từ đó, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Kiên quyết ngăn chặn, đấu tranh xử lý không để phát sinh điểm nóng trên địa bàn...” - Thiếu tướng Bùi Bé Tư, nói.

Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cho biết, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh xác định, công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả là việc làm thường xuyên, lâu dài, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc, hưởng ứng của toàn dân.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong quý I-2020, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 52.733 vụ việc vi phạm (tăng 57% so với cùng kỳ năm 2019). Tổng số tiền thu nộp Ngân sách Nhà nước là 8.630 tỷ 768 triệu đồng (tăng gần 250% so với cùng kỳ), khởi tố 731 vụ (giảm 10% so với cùng kỳ), 891 đối tượng (giảm 9% so với cùng kỳ).

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 các địa phương trên tuyến biên giới Tây Nam như: An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại diễn ra rất phức tạp ở tất cả các tuyến, địa bàn, lĩnh vực.

So với cùng kỳ quý I-2019, số vụ buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm do lực lượng Công an An Giang bắt giữ tăng 3,67% (339/327, đã khởi tố 8 vụ, 11 bị can...

Trần Lĩnh
.
.