Giao thông đường thủy vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn

Thứ Sáu, 16/09/2016, 14:15
Có nhiều lợi thế về giao thông đường thủy, nhưng đã nhiều năm qua TP HCM vẫn loay hoay trong công tác đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển giao thông đường thủy nội địa. Việc giảm tải và chia tải cho giao thông đường bộ và phát triển du lịch đường thủy cho đến nay vẫn chưa tiến triển, còn mang tính cầm chừng và nhiều hệ lụy phát sinh vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Tình trạng này đã khiến cho giao thông đường thủy nội địa luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, tăng TNGT đường thủy do những bất cập tiềm ẩn.

TP HCM có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài gần 8.000km, với 16% diện tích mặt nước trong tổng diện tích tự nhiên của thành phố. Nhiều tuyến kênh rạch có vai trò rất quan trọng trong vận tải thủy nội địa và giao thương hàng hóa với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam bộ như: kênh Tàu Hủ, Lò Gốm, kênh Tẻ, rạch Tân Hóa, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Đôi...

Từ xa xưa, hoạt động buôn bán, giao thương luôn tấp nập trên các bến sông, thuyền bè ken đặc bến bờ, nằm trải dài từ khu vực quận 4, quận 1 đến quận 8, quận 5, 6... gắn các cảng bến với các chợ Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn...

Hiện nay, hệ thống cảng, bến thủy nội địa thành phố có khoảng 110 bến, cảng và cả trăm bến đò ngang tự phát. Trong đó có nhiều cảng hàng hải quốc tế có quy mô lớn như: Cảng Sài Gòn, Cát Lái, Hiệp Phước, Nhà Bè, Phú Hữu, Trường Thọ, Phú Định, Long Bình... Các con sông bao bọc quanh thành phố có độ sâu, bờ rộng nên tàu thuyền dưới 20 tấn dễ dàng lưu thông từ TP HCM đi các tỉnh miền Tây và ngược lên sông Đồng Nai...

Theo quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng khu vực TP HCM đến năm 2020, các tuyến đường thủy nội địa sẽ gồm 87 tuyến với tổng chiều dài hơn 574km, chia thành 6 cấp độ khác nhau. Do quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ khá nhanh và công tác quản lý, quy hoạch chưa định dạng được tầm nhìn chiến lược lâu dài, nên đã có rất nhiều kênh rạch bị san lấp, tình trạng lấn chiếm, đổ rác bừa bãi làm tắc nghẽn dòng chảy đã khiến cho kênh rạch thu hẹp dần, nhiều đoạn bị xóa sổ tự lúc nào không ai biết.

Một thực tế khác, toàn thành phố có khoảng 230 cây cầu lớn nhỏ bắc qua kênh rạch, trong đó có rất nhiều cầu độ tĩnh thông thuyền quá thấp, khoảng 1m, trong khi yêu cầu phải cao 6m, khiến lưu thông đường thủy qua những nơi này không thuận tiện, phải trông vời theo con nước lớn ròng. Cầu Tư Dinh bắc qua rạch Tư Dinh (Nhà Bè) độ tĩnh không khoảng 1m chỉ có thể cho xuồng ghe nhỏ chui qua. Cầu Bùi Hữu Nghĩa, Cầu Ngô Tất Tố bắc qua rạch Văn Thánh, cầu Rạch Đĩa... rất thấp. Ngoài việc vận tải hàng hóa từ các tỉnh miền Tây lên, nhiều tuyến giao thông nội địa hiện đang gánh thêm phương tiện tàu đò du lịch với nhiều bến bãi thiếu quy hoạch, không phù hợp, độ đậu lung tung. Tuyến "buýt" đường sông đưa vào thử nghiệm khai thác với nhiều hứa hẹn và kỳ vọng về sản phẩm mới cho ngành du lịch thành phố đã "èo uột", có nguy cơ vỡ trận do ô nhiễm nước làm hàng trăm tấn cá chết bốc mùi trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Cục CSGT bắt 12 tàu khai thác cát trên sông Đồng Nai.

Dự án về tuyến "buýt" trên sông cũng đang được triển khai với những lộ trình, trạm đón trả khách rất hấp dẫn và sẽ góp phần giảm tải cho giao thông đường bộ với ước tính gần 6 triệu lượt khách/năm, nhưng bao giờ thành sự thật vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Chưa kể đến thói quen và tập quán đi lại của người dân, chưa chắc loại phương tiện "buýt sông" này sẽ được cho lựa khi tham gia giao thông.

Ngay cả phương tiện xe buýt trên bộ được trang bị hiện đại, có máy lạnh, màn hình ti vi, ghế nệm, lịch sự, sang trọng mà vẫn chịu tình trạng ế ẩm như hiện nay. Chưa kể đến sau 2018, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đi vào hoạt động, khách đi lại chưa chắc đã chọn xe buýt hoặc "buýt sông".

Sở Du lịch TP cho biết, hiện có hơn 10 doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường thủy với 70 phương tiện, hoạt động trên 5 tuyến du lịch đường thủy nội địa, xuất phát từ trung tâm thành phố đi các quận huyện, xa nhất là huyện Củ Chi, Cần Giờ với tổng chiều dài khoảng 200km. Ngoài ra, còn có 33 bến đò ngang phục vụ khách tham quan du lịch đường thủy. Chính tình hình du lịch đường thủy lổn nhổn như hiện nay, đã khiến cho trật tự an toàn giao thông không đảm bảo, TNGT cũng tăng cao.

Hầu hết các phương tiện đều vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường thủy phổ biến như: khách không mặc áo phao, công tác PCCC không thực hiện, phương tiện không đăng kiểm, không giấy phép, giấy chứng nhận, tài công, thuyền trưởng sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả, chở quá số người quy định...

Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, ông Nguyễn Văn Mỹ cho rằng: Vấn đề an toàn trong du lịch đường thủy nội địa luôn nóng hổi. An toàn phải đặt làm tiêu chí hàng đầu. Ngoài vấn đề ý thức hành khách du lịch chưa cao như: thiếu trang bị về kiến thức đảm bảo an toàn khi tham gia du lịch đường thủy, khả năng tự cứu nạn... thì còn là vấn đề khá nghiêm trọng từ phía các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường thủy tỏ ra thờ ơ, xem nhẹ công tác đảm bảo an toàn khi tổ chức các tour du lịch đường thủy...

Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, 8 tháng đấu năm 2016, cả nước đã xảy ra 100 sự cố, TNGT đường thủy, trong đó có nhiều vụ đã gây ra hậu quả nghiêm trọng như vụ sập Cầu Ghềnh (TP Biên Hòa, Đồng Nai), vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn (TP Đà Nẵng) và vụ sà lan húc cầu Rạch Đĩa (Nhà Bè, TP HCM). Riêng TP HCM 8 tháng qua đã xảy ra 24 vụ tai nạn đường thủy.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là tài công, chủ phương tiện không chấp hành đúng các quy định về an toàn giao thông đường thủy. Các tuyến đường thủy nội địa như sông Soài Rạp (Nhà Bè), sông Cần Giuộc (Bình Chánh), sông Sài Gòn (Củ Chi, Hốc Môn)... hằng ngày luôn tấp nập các phương tiện vận tải hàng hóa, sà lan chở cát, sà lan chở xăng dầu, container. Sự cố xảy ra hôm 1-9 tại cầu Rạch Đĩa do thủy triều lên cao, nhân viên trực cầu phất cờ hiệu liên tục yêu cầu phương tiện dừng lại, không được lưu thông qua cầu, nhưng người điều khiển phương tiện bất chấp, lái sà lan đâm sầm vào cầu.

Thanh tra Sở GTVT phát hiện và xử phạt 6 tháng đầu năm 2016 gồm 420 trường hợp vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa là con số quá nhỏ so với hàng trăm ngàn lỗi vi phạm đang tái diễn hằng ngày, hằng giờ trên các phương tiện lưu thông thủy.

Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết: trong 6 tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy đã xử lý hơn 100.000 trường hợp vi phạm, đã xử phạt và thu nộp ngân sách Nhà nước trên 61,925 tỷ đồng. Theo báo cáo kết quả xử lý chuyên đề của Cục Cảnh sát giao thông: Lực lượng CSGT đường thủy toàn quốc đã lập biên bản 532 trường hợp vi phạm về khai thác cát, sỏi trên sông rạch trái phép.

Cục CSGT bắt 12 tàu khai thác cát trên sông Đồng Nai.

Hiện tượng tàu, sà lan chở hàng vượt quá vạch dấu mớn nước đã bị CSGT đường thủy lập biên bản xử lý 63.703 trường hợp, xử phạt và thu nộp Kho bạc Nhà nước trên 4,380 tỷ đồng và lập biên bản 10.148 trường hợp vi phạm không đăng ký, đăng kiểm phương tiện và không bảo đảm các quy định về an toàn.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Quốc Diệp - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (C67) Bộ Công an cho biết: Để kéo giảm TNGT đường thủy, cần xử lý trách nhiệm nặng đối với các địa phương, đơn vị đã để xảy ra TNGT trên địa bàn phụ trách. Công tác phân luồng tuyến hàng hải, đường thủy nội địa, công tác kiểm tra, kiểm soát, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác quản lý có nơi còn xem nhẹ, buông lỏng và còn nhiều bất cập... đây chính là nguyên nhân dẫn đến TNGT đường thủy gia tăng và trật tự ATGT không đảm bảo.

Gần đây, trên tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai đang triển khai 4 dự án nạo vét, thông luồng tuyến để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền vào các cảng container lấy hàng. Các địa phương đã giao thầu cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện, không có sự giám sát kiểm tra nên các doanh nghiệp này tha hồ nạo hút cát sâu hơn, vượt ra ngoài luồng tuyến khiến cho dòng chảy bị uốn nắn, chảy xiết gây sạt lở đất hai bên bờ sông, khiến cho tàu bè qua lại khu vực này không đảm bảo an toàn.

Từ nhiều năm qua, tình trạng cát tặc ngang nhiên lộng hành trên sông Đồng Nai, Sài Gòn gây ra nhiều khu vực sạt lở, người dân phải sống nơm nớp trên miệng tử thần, nhưng chính quyền địa phương chưa thể làm gì với nạn khai thác cát lậu này. Điển hình như vụ hút cát lậu mới đây: Lúc 6h20 ngày 7-7-2016, các trinh sát Phòng 12, Cục Cảnh sát giao thông (C67) phối hợp với Cảng vụ Tân Cảng - Sài Gòn và Biên phòng Cảng Nhà Rồng đồng loạt tiến hành kiểm tra các ghe tàu đang hút cát trên sông Đồng Nai đoạn từ mũi Đèn Đỏ đến rạch Ông Nhiêu gần khu vực cảng Phú Hữu, quận 9, TP HCM. Đây là khu vực thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải trên sông Đồng Nai do Công ty TNHH Đầu tư Thương mại, Dịch vụ xuất nhập khẩu Hoàng Minh (gọi Cty XNK Hoàng Minh) thi công theo

hình thức tận thu sản phẩm bù chi phí không sử dụng ngân sách Nhà nước. Tổ kiểm tra tiến hành kiểm tra, lập biên bản đối với 12 phương tiện có gắn vòi bơm hút cát đang dàn hàng ngang tiến hành định vị, bơm hút cát trên sông. Các chủ phương tiện khai thác cát thừa nhận đang bơm hút cát cho Công ty XNK Hoàng Minh, do bà Tạ Thị Kim Oanh làm giám đốc. Công việc được điều hành, giám sát và quản lý do một người tên Trường - nhân viên đại diện công ty.

Theo các chủ phương tiện khai nhận: giá mỗi khối cát khai thác được là 29.000 đồng, mỗi ngày bình quân khai thác khoảng 200 m3/một ghe. Như vậy, với 12 phương tiện, mỗi ngày có không dưới 2.400 m3 cát bơm hút từ dưới sông lên sà lan, ghe để chuyển vào bãi tập kết. Lợi nhuận mang lại từ nguồn khoáng sản thiên nhiên này là vô cùng lớn. Một khối cát bán ra hiện nay có giá khoảng 50 ngàn, một DN mỗi năm khai thác trên 10 triệu khối sẽ mang về lợi nhuận hàng trăm tỷ trong khi Nhà nước thất thu hoàn toàn.

Cuộc chiến với cát tặc không chỉ với đối tượng khai thác cát lậu trên sông mà còn ngay trong những dự án được cấp phép lợi dụng nạo vét, duy tu, luồng lạch để khai thác lấy cát và ngay cả những dự án trên bờ như dự án Paradis Vũng Tàu trước đây từng là một bài học. Tổ kiểm tra đã đưa 12 phương tiện về cảng Phú Hữu, quận 9 tạm giữ, tiến hành lập hồ sơ xử lý vi phạm và đề xuất tiến hành xác minh, truy tìm các phương tiện bỏ trốn.

Vụ việc cho thấy: Công ty XNK Hoàng Minh chưa thực hiện đúng biện pháp thi công, đưa phương tiện bơm hút cát và vận chuyển vào hoạt động trong khu vực dự án khi chưa được Cảng vụ Hàng hải cấp giấy phép.

Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy vào mùa mưa bão như hiện nay là một việc rất cần kíp, phải nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng ngừa như tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến tài công, chủ phương tiện, chủ bến cảng, đò ngang và nhưng quy định bắt buộc đối với hành khách, người dân khi giao thông bằng đường thủy nội địa.

Mặt khác, các cơ quan chức năng, CSGT đường thủy, Thanh tra giao thông, Cảng vụ, Khu quản lý... và các cấp chính quyền địa phương phải đồng bộ nhập cuộc để bằng mọi giá phải kéo giảm TNGT, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân.

Hoàng Châu
.
.