Giới trẻ phương Tây gia nhập IS do bị cô lập và ám ảnh bởi… Harry Potter

Thứ Tư, 23/09/2015, 13:25
Chloe Combi, vốn là giáo viên, hiện tại là nhà báo đồng thời là cố vấn về những vấn đề của giới trẻ cho thị trưởng của thành phố London. Trong cuốn sách “Thế hệ Z: Tiếng nói, cuộc sống”, bà đã phỏng vấn hàng trăm thanh thiếu niên sinh từ năm 1994 tới năm 2005. Với họ, việc Harry Potter chiến đấu chống lại Voldemort cũng giống như một tín đồ Hồi giáo Mỹ trẻ tuổi thực hiện nhiệm vụ chết vì “vinh dự” này. Danh tính của những người được mời phỏng vấn đã thay đổi. Những quan điểm được nhấn mạnh trong bài hoàn toàn là của tác giả.

"Harry Potter" là một trong những cuốn sách phổ biến, ăn khách nhất trong thập kỷ qua. Nội dung chính xoay quanh cuộc đấu tranh giữa thiện và ác; cuộc giằng co giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thế hệ trẻ và già, giữa lý trí và những lý luận điên rồ, giữa quyền thế và thế lực nổi loạn.

Suy nghĩ của giới trẻ luôn luôn rõ ràng, phân biệt phải là phải và trái là trái, không bao giờ đứng ở lập trường trung gian. Đó là lý do vì sao trẻ em đều có liên quan tới những phù thủy đeo kính tập sự.

Nhiều người trẻ ở các nước phương Tây gia nhập IS.

Tương tự như vậy, tuổi trẻ là tuổi tràn đầy nhiệt huyết với lòng tin tưởng tuyệt đối vào lẽ phải. Cũng chính vì lẽ đó, trong văn chương, trẻ em là nhân vật chống lại chúa tể bóng tối Voldemort.

Những tín đồ Hồi giáo trẻ đã đi quá xa so với lý tưởng trong văn chương, sách vở. Với họ, việc Harry Potter chiến đấu chống lại chúa tể Voldemort cũng giống như một tín đồ Hồi giáo Mỹ 18 tuổi thực hiện nhiệm vụ chết vì "vinh dự" này. Bởi họ tin tưởng đó là việc nên làm và là niềm vinh dự. Họ tin rằng, họ có thể thay đổi thế giới, họ chính là những anh hùng.

Tôi biết tất cả những điều đó là sự thật bởi tôi đã từng bỏ ra 2 năm để phỏng vấn thanh thiếu niên về cuộc sống, niềm tin và đam mê của chúng.

3 nữ sinh Anh trốn gia đình đến Syria theo tiếng gọi của IS.

Aarrif, 16 tuổi, đang nỗ lực học tập để thi chứng chỉ GCSE trong mùa hè này từng cho tôi biết: "Có rất nhiều cuộc trò chuyện khá nghiêm trọng bàn về Nhà nước Hồi giáo và mỗi người sẽ làm nhiệm vụ của mình trong chiến tranh như thế nào vì những người anh em và thánh Allah. Tôi không hề nói dối. Bạn có thể coi như chưa từng được nghe hoặc nói rằng bạn không có hứng thú. Đó giống như một cách để chứng tỏ bạn không chỉ là một tín đồ Hồi giáo trung thành, mà là một người đàn ông chân chính".

Bạn của Aarrif là Kasim, 16 tuổi, tỏ ra đồng tình: "Tôi tôn trọng tất cả những người đã tham gia chiến đấu. Thế nhưng các phương tiện thông tin lại biến họ trở thành những kẻ cực đoan điên rồ bị tẩy não. Tôi không nghĩ như vậy. Chúng tôi có lòng yêu mến và ngưỡng mộ đối với họ".

Xét riêng về góc độ ý thức hệ, dường như đây là những thủ đoạn tâm lý áp dụng cho những cậu trai này hơn là một chiến dịch tuyển người với khẩu hiệu: Hãy là một người đàn ông thực sự như những người đàn ông khác. X cần bạn! Người phương Tây thực sự sửng sốt về hiệu quả của chiến thuật này. Bởi những "nhà tuyển dụng" đã áp dụng phương pháp này hơn 100 năm nay - một chiến thuật cũ rích nhưng vẫn hiệu quả. Cả quan điểm của Aarif và Kasim đều cho chúng ta thấy một điều rằng, thanh thiếu niên theo Hồi giáo được sinh ra tại phương Tây chưa được giải thích đầy đủ cũng như chưa hiểu thấu được chiến dịch của IS.

Mohammed, 16 tuổi đang cân nhắc về việc đi Iraq để tham gia IS. Mohammed bày tỏ mong muốn cống hiến của bản thân với lòng trung thành và "ý muốn của thánh Allah", coi đây là lý do tiên quyết cho quyết định của bản thân. Những người ủng hộ Mohammed hứa hẹn sẽ có "rất nhiều tiền, súng và những cô gái xinh đẹp".

Khi tôi nhấn mạnh với Mohammed về những mối nguy hiểm tiềm ẩn có thể gặp, Mohammed chỉ nhún vai: "Sau khi gia nhập rồi, nếu không thích, tôi có thể về nhà mà". Đây là một trong những quan điểm mà tôi thường được nghe. Điều này có nghĩa là đối với một số người, quyết định tham gia IS vì vinh dự của bản thân và thích mạo hiểm hơn là vì mặt ý thức hệ. Theo tư tưởng của người phương Tây, hy sinh vì một hệ tư tưởng hầu như trở thành chuyện cũ rích lỗi thời. Tuy nhiên, cuộc phiến loạn của thanh thiếu niên chống lại "con người"/ bố mẹ/ trường học/ đất nước/ những quy tắc lại trở nên phổ biến.

Farood, 17 tuổi tự coi bản thân là "người sùng đạo theo kiểu hiện đại và hoàn toàn không quan tâm tới những nhóm như IS", đồng tình với vai trò của thanh thiếu niên trong cuộc phiến loạn của những tín đồ Hồi giáo trẻ cực đoan. Tôi thường thấy những tín đồ Hồi giáo trẻ cân nhắc một cách nghiêm túc về việc vượt biên tham gia các nhóm cực đoan ở nước ngoài, có hai điều bất biến: những người này không bằng lòng với cuộc sống hiện tại và họ bị thuyết phục bởi cách nghĩ: bạn không thể là tín đồ Hồi giáo nếu bạn là người Anh.

Không có gì ngạc nhiên khi đạo Hồi mang một niềm tin thâm căn cố đế và phức tạp, có ảnh hưởng đến trẻ em, khiến chúng muốn đi và chiến đấu vì danh dự. Tuy nhiên cũng có rất nhiều yếu tố khác thúc đẩy những tín đồ Hồi giáo trẻ tham gia vào những hành động quá khích. Bị tước quyền công dân, cô độc, xa lánh, nổi loạn, áp lực từ bạn bè và căn bệnh khủng hoảng tâm lý là những vấn đề mà giới trẻ thường gặp.

Trở lại câu chuyện về "Harry Potter" - bất kỳ ai cũng cho rằng Harry nên tới Hogwarts, dù Hogwarts chứa đựng nhiều nguy hiểm. Nhưng cũng chính nguy hiểm ấy khiến Harry đạt được vinh quang, hơn là ở một nơi nhàm chán. Nếu trong văn chương, trẻ em thích phiêu lưu mạo hiểm như vậy, thì trong thực tế, những suy nghĩ của trẻ em hiện nay cũng không khó hiểu.

Văn Nguyễn - T.P. (theo CNN)
.
.