Góc tối ở thung lũng Silicon

Thứ Năm, 22/03/2018, 10:07
Từ năm 2010 đến năm 2017, nhân viên nữ làm việc trong hãng Microsoft đã gửi 191 khiếu nại về quấy rối tình dục, 119 khiếu nại về phân biệt đối xử giới, 8 khiếu nại về hành động trả đũa và 3 khiếu nại về kỳ thị mang thai. Các vụ khiếu kiện khác cũng liên tục xuất hiện tại Google, Facebook, Uber...

Tuy nhiên, các hãng công nghệ này gần như đã lờ đi các vụ việc và cũng không đưa ra bất kỳ một chính sách nào để thay đổi tình trạng nói trên.

Từ 321 đơn kiện Microsoft

Kết quả là, sau khi lần đầu làm đơn kiện gửi Tòa án Liên bang Seattle (Mỹ) vào năm 2015, một nhóm gồm hơn 8.000 phụ nữ đang làm việc hoặc từng làm việc cho Microsoft đã tập hợp để cùng nhau đẩy mạnh vụ kiện. Trung tuần tháng 3, họ nhận được sự ủng hộ của một số luật sư nổi tiếng ở Mỹ trong việc thực hiện các trình tự pháp lý của vụ kiện.

Tờ The Seattle Times cho biết, các nguyên đơn cáo buộc công ty phần mềm lớn nhất thế giới từ chối tăng lương cho các nhân viên nữ hoặc trợ giúp nhân viên nữ đối phó với nguy cơ quấy rối tình dục từ các nhân viên nam hoặc các nhà lãnh đạo là nam giới trong hãng.

Từ năm 2010 đến năm 2017, nhân viên nữ làm việc trong hãng Microsoft đã gửi nhiều đơn khiếu nại về quấy rối tình dục...

Đơn kiện còn ghi rõ, có ít nhất 3 phụ nữ bị quấy rối tình dục hoặc hãm hiếp bởi các đồng nghiệp nam làm việc chung ngay tại trụ sở hãng trong đó bao gồm cả vụ một nữ thực tập sinh bị cưỡng hiếp bởi lãnh đạo là nam giới. Đáng chú ý là sau khi nữ thực tập sinh này báo cáo lại vụ bị bức hại với giám sát viên của cô tại Microsoft cũng như cảnh sát, không ai giải quyết vụ việc mà ngược lại, cô vẫn bị buộc phải làm việc chung với kẻ xâm hại mình.

Lập luận mà các luật sư của nguyên đơn đưa ra là bộ phận nhân sự của Microsoft đã thất bại trong việc điều tra và giải quyết khiếu nại. Đơn kiện có đoạn viết: "Trong khi 321 khiếu nại của nhân viên nữ gây sốc thì điều đáng thất vọng hơn là phản ứng thiếu sáng suốt đối với các vấn đề của Microsoft, trong đó có nhiệm vụ điều tra các khiếu nại về chống phân biệt đối xử và chống hành vi quấy rối".

Đáng chú ý là không chỉ có mình Microsoft mà rất nhiều đại gia công nghệ khác tại thung lũng Silicon cũng vướng vào những vụ kiện tụng kiểu này. Hồi đầu tháng 3 vừa qua, cô Loretta Lee đã khởi kiện Hãng Google về việc cô từng bị quấy rối bởi các đồng nghiệp nam cũng như sự phân biệt đối xử của công ty.

Năm nay 36 tuổi, Loretta Lee cho biết cô đã gia nhập Google năm 2008 và làm việc tại hãng ở California (Mỹ) suốt 8 năm trước khi bị sa thải vào năm 2016. Thời gian đầu, Loretta Lee có thành tích khá nổi bật khi giành chiến thắng trong cuộc thi viết code và nhận được phản hồi tốt từ những người quản lý. Có lẽ vì thế mà cô trở thành chủ đề của các nhận xét có tính phỉ báng về giới tính, thậm chí còn bị đồng nghiệp nam nấp dưới bàn làm việc để trêu ghẹo.

Chưa hết, các hành vi quấy rối cô liên tục diễn ra trong 8 năm: khi thì đồng nghiệp nam đòi có "một cái ôm thân thiết"; khi thì bị gọi điện quấy rối vào buổi tổi hoặc trong các bữa tiệc... Tuy nhiên, sau khi phản hồi về các vấn đề quấy rối, mọi chuyện đã thay đổi, cô đã bị chính quản lý của mình cản trở trong công việc, rồi bị ngừng tham gia các dự án.

Tháng 7-2015, Loretta Lee đã xin nghỉ một thời gian và quay trở lại làm việc vào tháng 11 nhưng sau đó tiếp tục nghỉ vì bị tai nạn xe hơi nghiêm trọng. Tháng 2-2016, Google đã thuyết phục cô nghỉ phép y tế và khi trở lại làm việc, cô bị sa thải vì "các vấn đề về hiệu suất lao động". Riêng nam kỹ sư của Hãng Google là Tim Chevalier thì bị sa thải chỉ vì ông đã bày tỏ "quan điểm chính trị quá tự do trên các diễn đàn nội bộ của công ty".

Hãng tin Reuters cho biết, Tim Chevalier cũng mới khởi kiện Google bởi ông cho rằng, "những quan điểm chính trị quá tự do" được nói ở trên thực chất là những đề xuất của ông trong vấn đề chống lại sự quấy rối đối với phụ nữ và các đặc quyền của nam nhân viên da trắng trong hãng".

Trước đó một năm, Susan J.Fowler, nữ kỹ sư làm việc cho Uber từ tháng 11-2015 đến tháng 1-2017, đã tiết lộ rằng cô nhiều lần bị các đồng nghiệp và cấp trên "giở trò". Susan J.Fowler đã báo cáo cho quản lý nhân sự của Uber nhưng được đáp lại bằng thái độ phớt lờ, thậm chí đôi khi bị mắng té tát vì nói ra vấn đề nhạy cảm...

Đến chính sách lạ kỳ của các hãng

Trên thực tế, chuyện quấy rối nữ đồng nghiệp tại thung lũng Silicon - mảnh đất công nghệ màu mỡ và có sức phát triển mạnh mẽ nhất thế giới không còn là mới. Khảo sát mang tên Elephant in the Valley (chuyên hỏi ý kiến các phụ nữ làm việc tại thung lũng Silicon) năm 2016 cho thấy khoảng 60% phụ nữ lập nghiệp ở trung tâm công nghệ này phải chịu những thiệt thòi liên quan đến giới tính.

Một trong các nguyên nhân gây ra nhiều vụ quấy rối ở thung lũng Silicon vì nơi đây có nhiều nhân viên nam và ít nhân viên nữ.

Có tới 60% trong số đó cảm thấy cách giải quyết vấn đề của lãnh đạo không hợp lý, 39% giữ im lặng vì sợ ảnh hưởng đến công việc và 30% không muốn nhắc tới vì xấu hổ. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng, một trong những lý do khiến các vụ quấy rối gia tăng vì môi trường làm việc mất cân bằng giới tính.

Chẳng hạn như tại Hãng Uber, chí có 15,1% nhân viên nữ. Tỷ lệ này ở Facebook là 17%; Google là 18%; Apple là 20%, Twitter là 10%.

Kate Mitchell, người sáng lập Scale Venture Partners tại thung lũng Silicon nói: "Kẻ sàm sỡ đã được bảo vệ khỏi những lời chỉ trích về các hành vi không đúng đắn của họ trong thời gian dài, tất cả là bởi họ xuất thân từ các công ty đầu tư mạo hiểm, những nơi rót vốn cho start-up, nhân tố chính cho sự thành công của thung lũng Silicon thời gian đầu và cả hiện nay. Một số công ty công nghệ và công ty đầu tư mạo hiểm vẫn dùng chính sách nội bộ để ngăn cản không cho nhân viên lên tiếng". Để có thể chấm dứt vấn nạn đang len lỏi trong những góc khất của ngành công nghiệp này, những người phụ nữ cần phải mạnh dạn nói lên những gì mình muốn nói. Nếu chúng ta không nói về điều đó, hành vi quấy rối sẽ tiếp tục".

Theo tờ báo địa phương San Jose Mercury, một trong những bí quyết này là các công ty ở thung lũng Silicon thường yêu cầu nhân viên của mình kí một bản thỏa thuận không tiết lộ bí mật thương mại. Nhưng chính từ thỏa thuận này mà công ty có thể "bịt miệng" nạn nhân của hành vi quấy rối.

Maya Raghu, Giám đốc về bình đẳng lao động thuộc Trung tâm Luật Phụ nữ quốc gia Hoa Kì mạnh mẽ khẳng định: "Những điều khoản trên đã ngăn cản nạn nhân lên tiếng phanh phui những sự việc quấy rối nhưng thực tế cho thấy rằng đây là một chuỗi những hành động xâm hại trong một công ty hay trong cả ngành... Thực sự đây là một vấn đề rất đáng báo động".

Luật sư ở Moussouris, ông Michael Subit nhấn mạnh: "Hồ sơ cho thấy rằng nữ nhân viên ở Microsoft bị đối xử không công bằng bởi những người quản lý nam giới và đồng nghiệp của họ. Việc này dẫn tới một số lượng đáng kể các vụ quấy rối tình dục, thậm chí một số vụ xâm phạm tình dục, thường không bị trừng phạt. Đơn vị điều tra nội bộ của Microsoft (ERIT) đã nhận được 191 khiếu nại về quấy rối tình dục do các nhân viên kỹ thuật nữ ở Mỹ, 119 vụ khiếu nại về phân biệt đối xử về giới, 8 phàn nàn về hành động trả đũa và 3 phàn nàn về kỳ thị mang thai. Trong tất cả các trường hợp phân biệt đối xử về giới đã được tuyên bố, điều tra nội bộ của Microsoft chỉ phát hiện ra một khiếu nại như vậy là không hợp lý và có sự bao che một cách có hệ thống. ERIT thường kết luận rằng không có sự vi phạm chính sách ngay cả khi tất cả các bằng chứng chỉ ra điều ngược lại. Ví dụ, 4 nhân viên nữ đã nêu ra những khiếu nại riêng biệt về quấy rối tình dục đối với 1 nhân viên nam tại một sự kiện của Microsoft, nhưng ERIT không tìm thấy bất kỳ vi phạm chính sách nào mặc dù kết luận rằng kẻ quấy rối đã chạm vào cả 4 phụ nữ theo cách khiến họ cảm thấy không thoải mái. Trong một cuộc điều tra khác, ERIT kết luận rằng một nhân viên nam "tham gia vào hành vi quấy rối như được mô tả trong Chính sách chống phân biệt và chống kỳ thị của Microsoft (quấy rối tình dục)", nhưng ERIT vẫn lúng túng khi cho rằng hành vi đó không tăng lên mức độ vi phạm chính sách"...

Và những nỗ lực mới "sửa sai"

Nhưng sau hàng loạt bê bối, hiện giờ mọi thứ bắt đầu thay đổi. Hồi năm ngoái, Hãng Google đã phải giải trình trước Ủy ban Quan hệ lao động quốc gia và bị gọi lên Tòa án sơ thẩm bang San Francisco vì dính líu tới cáo buộc ngăn cản nhân viên đưa ý kiến về điều kiện lao động và mức tiền lương.

Thung lũng Silicon đang mạnh tay với hành vi quấy rối nơi công sở.

Đầu tháng 3 vừa qua, các thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand cùng với Lindsey Graham đã đưa ra trước Quốc hội kêu gọi hủy bỏ các thỏa thuận về trọng tài cưỡng bức giữa nhân viên và công ty vì nó bị sử dụng sai mục đích. 2 thượng nghị sĩ này ước tính 60 triệu người Mỹ phải tuân theo các điều khoản về trọng tài cưỡng bức trong hợp đồng lao động của họ.

Và để thể hiện thiện chí của mình, Microsoft - công ty thường xuyên chọn giải pháp im lặng để giải quyết các bê bối - hôm 13-3 đã tuyên bố loại bỏ các thỏa thuận trọng tài và buộc các nhân viên phải giải quyết khiếu nại tại phòng xử án.

Theo Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của Microsoft, Brad Smith, quyết định phản ánh các chính sách của hãng đã được đưa ra sau cuộc trò chuyện giữa ông với thượng nghị sĩ Lindsey Graham ở Washington, D.C. Brad Smith nói: "Chúng tôi có khoảng 125.400 nhân viên trên toàn thế giới, với hơn 74.000 tại Mỹ. Để ủng hộ luật pháp chấm dứt các yêu cầu về trọng tài đối với quấy rối tình dục, chúng tôi thấy rằng không nên có yêu cầu về hợp đồng cho nhân viên của chúng tôi mà có thể buộc họ phải phân xử các khiếu nại quấy rối tình dục". Ngày 15-3, Microsoft đã cho điều tra kỹ lưỡng các vấn đề của nữ nhân viên tại nơi làm việc và sa thải 12 nhân viên vì bị cáo buộc quấy rối tình dục đồng nghiệp.

Trong một email gửi tới tất cả nhân viên, Giám đốc Nhân sự của Microsoft Kathleen Hogan thừa nhận, Microsoft đã có 83 vụ khiếu nại quấy rối vào năm 2017 trong lực lượng lao động tại Mỹ. Gần 50% trong số vụ nãy đã được hỗ trợ điều tra và 1/2 trong số đó có nhân viên bị chấm dứt hợp đồng vì "hành vi không thể chấp nhận".

Trong khi đó, Facebook và Alphabet thì nhanh chóng ra quy định cho phép mỗi nhân viên chỉ được một lần duy nhất mời đồng nghiệp của họ đi ăn hay đi chơi. Nếu trong lần mời duy nhất này, người mời bị đồng nghiệp từ chối, họ sẽ không có cơ hội thứ hai nào khác nữa. Một phản hồi lời mời mập mờ kiểu như "Tôi bận" hay "Tối đó thì tôi không thể" cũng sẽ được xem là một lời từ chối. Và các nhân viên Facebook không phải báo cáo về chuyện hẹn hò của họ với phòng nhân sự, tuy nhiên nếu xảy ra vấn đề xung đột rõ ràng thì công ty sẽ có những biện pháp xử lý kỷ luật...

Ngọc Khuê
.
.