Tội phạm tấn công tình dục trẻ em tăng cao

Thứ Năm, 06/08/2015, 21:15
Guatemala - quốc gia Nam Mỹ giáp giới với Mexico, El Salvador, Belize và Honduras - được mô tả là nơi tồi tệ nhất trên thế giới đối với trẻ em. Hơn 660 trẻ em bị giết chết tại Guatemala năm 2014, trong khi những vụ bạo lực tình dục được báo cáo xảy ra cứ mỗi 2 giờ. 

Nạn tảo hôn cũng phổ biến ở Guatemala, nơi độ tuổi hợp pháp dành cho thiếu nữ là 14 và nam giới là 16. Mới đây, vụ cô gái chỉ mới 12 tuổi kết hôn với một thành niên hơn gấp đôi tuổi cô đã gây ồn ào trong dư luận Guatemala.

Ana (không phải tên thật) bị chính cha dượng cưỡng bức đến mang thai và còn bị đe dọa giết chết nếu tiết lộ sự thật với bất cứ ai. Vài tháng sau vụ việc đau lòng, Ana chạy trốn khỏi nhà và được đưa đến một trung tâm dành cho những nạn nhân bạo lực tình dục được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef) bảo trợ. Ana mới 16 tuổi và đứa con gái 3 tháng tuổi của cô vẫn còn trú ẩn tại trung tâm của Unicef.

Câu chuyện của Ana không là cá biệt bởi vì mỗi ngày ở Guatemala đều có hơn 20 vụ bạo lực tình dục đối với trẻ em được báo cáo. Các chuyên gia xác định Guatemala là "nơi nguy hiểm nhất cho phụ nữ ở Mỹ Latinh và trẻ em vị thành niên đặc biệt dễ bị tấn công xâm hại tình dục. Với chỉ 6% vụ việc tấn công tình dục được truy tố trước pháp luật, số phận trẻ em ở Guatemala luôn bị đặt trong tình trạng nguy hiểm.

Năm 2014, Viện Công tố Tối cao Guatemala nhận 8.067 báo cáo về bạo lực tình dục chống trẻ em - và con số này rõ ràng chưa bao gồm những trường hợp xâm hại không được báo cáo. Một trường hợp liên quan đến cậu bé 17 tuổi không được tiết lộ danh tính do vụ việc đang được điều tra. Cậu bé bị tấn công tình dục và hành hạ thân xác trong căn phòng khóa kín bởi một nhóm vận động viên.

Ana và đứa con 3 tháng tuổi sinh ra do bị cưỡng bức đang trú ẩn tại một trung tâm của Liên Hiệp Quốc.

Cậu bé cho biết: "Cuộc sống của tôi sẽ thay đổi nhiều. Hiện thời, tôi rất sợ hãi mỗi khi đi ra ngoài". Về nạn tảo hôn, cô gái 14 tuổi Gilda Menchu cho biết: "Vấn đề là tảo hôn có gốc rễ rất sâu trong xã hội Guatemala. Họ thật sự không sống với cuộc sống lành mạnh. Họ mang thai từ khi tuổi đời còn rất trẻ và cơ thể còn chưa sẵn sàng để sinh con. Họ không còn là trẻ con mà bắt đầu làm việc như phụ nữ".

Gilda Menchu nói rằng "truyền thống trả tiền để có cô dâu" là khá phổ biến và cô gái vị thành niên sẽ lấy một người đàn ông hơn tuổi mình rất nhiều. Gilda Menchu, thuộc cộng đồng người bản xứ, cho biết nạn kỳ thị sắc tộc vẫn còn tồn tại ở Guatemala: "Tôi phải cố gắng đấu tranh để được đến trường học". Từ năm 1960 đến 1996, Guatemala trải qua cuộc nội chiến khốc liệt, trong đó 200.000 người bị giết chết và 45.000 người bị mất tích. Liên Hiệp Quốc (LHQ) tố cáo "nạn diệt chủng, tội ác chiến tranh và các loại tội phạm chống nhân loại khác" đã diễn ra trong suốt cuộc nội chiến ở Guatemala. Vào năm 2014, chính quyền Guatemala đã bác bỏ nạn diệt chủng mà LHQ cáo buộc.

Cô Helen Arriaza, sinh viên luật ở thủ đô Guatemala City, mô tả chính quyền và hệ thống tư pháp Guatemala đã "mục nát". Cô nói rằng: "Chúng tôi chứng kiến hành vi tham nhũng diễn ra hàng ngày. Thậm chí, những việc nhỏ nhặt nhất như là đỗ xe cũng phải trả tiền cho một kẻ nào đó. Là sinh viên ngành luật, tôi có bổn phận phục vụ lẽ phải".

Biểu tình chống tham nhũng ở Guatemala.

Người phát ngôn Đại sứ quán Guatemala ở Anh tuyên bố: "Về vấn nạn tham nhũng, Viện Công tố Tối cao đang tiến hành truy tố mọi hành vi tham nhũng được điều tra phát hiện". Sau khi Viện Công tố Tối cao đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng, người dân Guatemala đã tập hợp biểu tình chống tham nhũng vào mỗi Thứ bảy hàng tuần. Mới đây, Tổng thống Otto Perez Miolina đã lên tiếng chỉ trích các tòa án ở Guatemala sau khi họ phê chuẩn một cuộc điều tra chống lại ông. Hôm 9/5/2015, Phó tổng thống Ingrid Roxana Baldetti chính thức đệ đơn xin từ chức sau những cáo buộc gian lận trốn thuế và tham nhũng. Ngày 7/5, Quốc hội Guatemala cho thành lập Ủy ban Đặc biệt bao gồm 5 thành viên để điều tra nữ Tổng thống và Tòa Tư pháp Tối cao cũng bãi bỏ quyền miễn trừ điều tra của bà.

Em trai của Helen Arriaza là bác sĩ đang làm việc trong hệ thống y tế công cộng cũng lên tiếng về nạn tham nhũng đáng sợ trong môi trường này: "Các bệnh viện không có cả những loại thuốc cơ bản để chữa bệnh. Họ không có epinephrine dùng cho các bệnh dị ứng. Thậm chí, họ cũng không có thuốc kháng sinh". Tuy nhiên, cả Helen và Gilada đều thừa nhận ở Guatemala vẫn có những điều tích cực. Ví dụ, giáo dục bậc tiểu học là bắt buộc và được miễn phí.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.