Hàng giả tràn lan ở nhiều quốc gia

Thứ Sáu, 27/04/2018, 21:49
“Thật là hết sức tồi tệ”, Lorne Lipkus - người sáng lập Mạng chống hàng giả Canada (CACN) - thốt lên như thế trong chương trình Your Morning của kênh truyền hình CTV News nước này hôm 15-6-2017.

Lipkus báo cáo ngành công nghiệp hàng giả toàn cầu trị giá 600 tỷ USD vươn “vòi bạch tuộc” đến Canada và phát triển nhanh đến chóng mặt với “mọi mặt hàng” được sao chép tinh vi giúp thu về lợi nhuận lớn. Những mặt hàng giả có thể tìm thấy ở khắp các thành phố lớn, được bán tràn lan từ trong hàng loạt cửa hàng bán lẻ lớn và nhỏ cho đến ngoài chợ trời.

Lorne Lipkus bình luận: “Hàng giả mang về lợi nhuận cao hơn rất nhiều bởi vì chúng được sản xuất với chất liệu rẻ tiền”.

Hàng giả bị cảnh sát Toronto bắt giữ và trưng bày tại cuộc họp báo ngày 3-12-2012.

Cuộc chiến của các chính quyền và thương hiệu lớn trên thế giới

Kể từ năm 2015, Cục Hải quan Canada (CBSA) đã phát hiện và thu giữ hàng loạt sản phẩm giả các thương hiệu lớn tuồn vào nước này bao gồm: 900 điện thoại iPhone, 12 quần lót Calvin Klein, 1.100 cặp kính mát Oakley và 28.000 áo bóng rổ NBA.

Theo Lorne Lipkus, giá trị thị trường hàng giả ở Canada vào khoảng 20 đến 30 tỷ USD. Những mặt hàng giả tuồn vào Canada nhiều nhất bao gồm các chủng loại quần áo, mắt kính, đồng hồ, headphone và thường sao chép sản phẩm một số thương hiệu lớn như Prada, Chanel, Under Armour và Bose.

Thương hiệu Canada bị làm giả là áo khoác mùa đông Canada Goose với 20 sản phẩm giả bị bắt giữ hồi tháng 11-2016. Những chuyến tàu chở hàng giả xuất phát từ Trung Quốc và bị bắt giữ tại 2 thành phố lớn Montreal hay Toronto của Canada. Lorne Lipkus cũng cảnh báo hàng giả - nhất là thuốc Tây giả - gây ra nhiều vụ tổn thương, thậm chí vài cái chết đáng thương. Ví dụ vào năm 2007 có trường hợp phụ nữ ở Vancouver (Canada) mất mạng sau khi dùng thuốc giảm đau giả mua trên Internet.

Trước khi Luật Chống các sản phẩm làm giả (CCPA) của Canada được thông qua vào tháng 12-2014, CBSA không có quyền bắt giữ hàng giả mà trách nhiệm này thuộc về lực lượng Cảnh sát kỵ mã Hoàng gia (RCMP). Với sự ra đời của luật mới, RCMP vẫn tiếp tục truy bắt hàng giả song không còn coi đó là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu nữa.

Luật mới cũng cho phép các công ty yêu cầu CBSA chặn hàng giả thương hiệu của họ ngay tại biên giới đồng thời cung cấp thông tin nhận dạng hàng giả cho giới chức cơ quan này. Sau khi phát hiện được hàng giả, các công ty có thể tự quyết định có cần kiện nhà nhập khẩu ra tòa án hay không.

Hiện thời có khoảng 169 công ty hợp tác với CBSA. Kể từ khi CCPA có hiệu lực, tổng cộng 10 công ty có sản phẩm bị làm giả đã tiến hành thủ tục kiện nhà nhập khẩu ra tòa án. Nhưng, sau đó chỉ có 2 nhà nhập khẩu bị xét xử, những trường hợp còn lại được dàn xếp bên ngoài tòa án.

Một gian bán hàng hiệu thời trang Hong Kong.

Tháng 5-2017, Louis Vuitton kiện các chủ kinh doanh khu chợ trời ở Toronto thuộc tỉnh Ontorio buôn bán hàng giả của thương hiệu thời trang cao cấp này. Sự phát triển mạnh của các hệ thống bán lẻ là cơ hội cho thế giới ngầm hàng giả hoạt động.

Theo điều tra của chính quyền Mỹ, hàng ngàn tài xế nước này không hề biết mình đang lái những chiếc xe được trang bị túi khí giả! Ở Pháp, tình hình cũng chẳng sáng sủa gì hơn Mỹ. Rượu, thịt và thậm chí thực phẩm trẻ em cũng bị làm giả và nguồn gốc xuất xứ cũng bị bọn tội phạm che giấu. Thịt bò Anh nhưng thật ra xuất xứ từ Australia, Rượu vang Pháp có nguồn gốc từ California của Mỹ; hay dầu ôliu Italia sản xuất từ nguyên liệu của Morocco.

Hiện nay, một số công ty đang có chương trình sử dụng đội ngũ chuyên gia pháp y để tuyên chiến với loại tội phạm làm giả thực phẩm đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Hàng giả, hàng nhái gây thất thu hàng tỷ USD cho các công ty làm ăn tuân thủ pháp luật. Trung Quốc và Đặc khu Hong Kong được coi là trung tâm của những nhãn hiệu tiêu dùng xa xỉ bị làm giả. Theo số liệu của công ty bảo vệ thương hiệu MarkMonitor, hàng giả gây tổn thất gần 100 tỷ USD hằng năm cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Hải quan Hong Kong thường xuyên mở chiến dịch chống buôn bán hàng hiệu giả trên Internet, đặc biệt vào những kỳ lễ hội trong năm. Mức án tối đa dành cho loại tội phạm nhập khẩu, xuất khẩu, bán hay sản xuất hàng giả, hàng nhái ở Hong Kong là 500.000 HKD tiền phạt cộng với 5 năm tù giam.

Hàng giả bán tràn lan ở Trung Quốc.

Thị trường Hong Kong là nơi tiêu thụ hàng giả trong khi Trung Quốc là trung tâm sản xuất các sản phẩm nhái. Jeremy Hertzog - lãnh đạo nhóm tài sản trí tuệ ở Mishcon de Reya, tổ chức đại diện cho các nhãn hiệu xa xỉ chống lại hàng giả, hàng nhái cho biết các kênh phân phối là vấn đề lớn nhất của các công ty hàng hiệu và bọn tội phạm có các mạng lưới tinh vi ở Mỹ, Anh, châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ.

Khi chuyên gia vào cuộc

Theo Ruth Orchard, Tổng Giám đốc Cơ quan Chống hàng giả (ACG), thông thường người tiêu dùng hy vọng sắm được một món hàng hiệu giá hời trên eBay hay trang web hạ giá mà họ tin là làm ăn đàng hoàng mà không hề biết đã mua phải hàng giả. ACG được thành lập ở Anh vào năm 1980 với chỉ 18 thành viên và hiện nay tổ chức đại diện cho hơn 170 công ty trên toàn cầu, cung cấp đội ngũ chuyên gia cố vấn về chống hàng giả.

Người ta có thể nghĩ rằng hàng giả chỉ tác động đến các nhãn hiệu thời trang xa xỉ, ví dụ thương hiệu Prada, sản phẩm kem dưỡng da LOccitane, túi xách hay áo thun, song thật ra tầm quy mô của “công nghiệp hàng giả” rộng lớn hơn nhiều - bao gồm ngành dược phẩm, thức uống có cồn, phụ tùng ô tô, phần mềm và phần cứng máy tính v.v...

Thậm chí mọi thứ từ bao cao su cho đến kem đánh răng đều có thể làm giả. Thế nên, hiện tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái trên đường Nathan Road ở thành phố Cửu Long thật ra chỉ là bề nổi của tảng băng. Sự lan tràn đến chóng mặt của hàng giả buộc cựu sĩ quan cảnh sát cao cấp Steve Vickers của Hong Kong - hiện lãnh đạo công ty an ninh tư nhân International Risk đặt trụ sở tại Hong Kong - phải buột miệng thốt lên: “Đây thật sự là cuộc chiến tranh chứ không chỉ là hiện tượng vi phạm tài sản trí tuệ”.

Các nhà khoa học của Oritain làm việc với người nuôi ong để lập dữ liệu về nguồn gốc mật ong.

Theo nhận xét của Liên minh quốc tế chống hàng giả (IACC), Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất hàng giả, hàng nhái và tiếp tục là nguồn lớn nhất cung cấp các sản phẩm giả ra toàn thế giới. Nhưng, các chuyên gia hiện nay lo ngại trước hiện trạng hàng giả ngày càng được sản xuất tinh vi hơn và một bộ phận người tiêu dùng thích sở hữu hàng hiệu để chứng tỏ đẳng cấp xã hội, họ sẵn sàng bỏ tiền mua những sản phẩm giả chất lượng khá. Đó là một yếu tố giúp nền “công nghiệp hàng giả, hàng nhái” tiếp tục sống khỏe!

Đôi khi hàng hiệu giả bán ở Hong Kong tinh xảo đến mức ngay đến đội ngũ chuyên gia của thương hiệu vẫn không thể nói được sự khác biệt giữa giả và thật! Một sự nguy hiểm khác là có những trường hợp chính những nhân viên công ty tham nhũng, các cựu nhân viên và những nhà phân phối không trung thực tiếp tay cho bọn làm hàng giả, hàng nhái.

Các chuyên gia cho biết lợi nhuận từ việc bán hàng giả trên toàn thế giới thường chảy vào các hoạt động tội phạm nguy hiểm như chế tạo ma túy, rửa tiền, buôn người và khai thác sức lao động trẻ con. Và, không giống như ngành dược phẩm và thực phẩm, bọn làm giả hoặc sao chép hàng hiệu thời trang được coi là loại tội phạm “không có nạn nhân chết người” cho nên khó mà truy tố chúng vào tội hình sự.

Ở Pháp, lực lượng hải quan bắt giữ 19.500 phụ tùng ô tô giả vào năm 2011, tăng nhẹ so với năm 2010. Phụ tùng giả thường là chụp trục bánh xe ô tô, cần gạt nước mưa hay nắp bình xăng... song không phát hiện túi khí giả nào. Từ tháng 6-2011, chính quyền Pháp đã lên tiếng báo động về tình trạng bùng nổ hàng giả ở nước này. Số phụ tùng ô tô giả bị bắt giữ vượt xa cả các sản phẩm khác - thuốc lá (26,9 triệu đơn vị, chiếm 32%), dược phẩm (13,4 triệu - 7,4%) và đồ chơi (4,16 triệu - 76,6%).

Trong thế giới mà thực phẩm được xuất khẩu và nhập khẩu hằng ngày, liệu người ta có thể chứng minh rằng nguồn gốc của một sản phẩm là hợp pháp? Đó là lý do mà Công ty Oritain ở New Zealand có sáng kiến phát triển một hệ thống truy nguyên một cách khoa học với bản đồ và danh mục liệt kê các “dấu nhận biết thực phẩm”.

Hải quan Mỹ tịch thu hàng chục ngàn đôi giày giả nhãn hiệu Christian Louboutin nhập từ Trung Quốc.

Theo tiến sĩ Helen Darling ở Oritain, phần lớn các kênh cung cấp đều sử dụng chủ yếu là các hệ thống thể hiện trên giấy như là mã vạch để mô tả nguồn gốc và đường đi của sản phẩm, song bằng chứng xuất xứ độc đáo của Oritain “không thể làm giả” được.

Rebacca McLeod, chuyên gia khoa học của Oritan, cho biết dữ liệu bằng chứng của công ty sẽ truy nguyên thực phẩm hay thức uống về mặt địa lý bằng cách đánh giá dấu vết địa hóa học của sản phẩm, ví dụ trái táo, cũng như đặc điểm vùng đất trồng và môi trường xung quanh. Với hệ thống phân tích này, các chuyên gia của Orirain có thể nắm rõ các thành phần kim loại khác nhau hiện diện trong đất trồng, loại phân bón được thực vật hấp thu và thậm chí loại cây cỏ nào được sử dụng cho thú nuôi lấy thịt.

Công ty Oritain cũng có thể phân tích một số sản phẩm được sản xuất theo dây chuyền công nghệ, ví dụ như sữa trẻ em hay rượu, căn cứ theo dấu hiệu đặc trưng địa hóa học. Mỗi sản phẩm được Oritain kiểm nghiệm đều được thể hiện bằng con số duy nhất trên bao bì hay nhãn. Logo của Oritain có khả năng chống làm giả và nếu sản phẩm không có dấu của công ty thì đó chắc chắn là hàng giả.

Tháng 9-2012, ở Cộng hòa Czech rộ lên vụ rượu chế từ methanol làm 19 người chết buộc chính quyền nước này mở cuộc điều tra nguồn gốc thức uống song vô cùng khó khăn. Do đó, Liên minh châu Âu đề ra chính sách về chất lượng thực phẩm và thức uống với 3 tiêu chuẩn rõ ràng - PDO (Tên gọi xuất xứ được bảo hộ), PGI (Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ) và TSG (Bảo đảm đặc trưng truyền thống). Nhưng biện pháp này chỉ có hiệu quả đối với những sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng mà trở nên vô hiệu trong trường hợp rượu giả. 

Diên San (tổng hợp)
.
.