Hành vi cản trở giao thông: Từ “thông cảm” đến hiểm họa

Thứ Năm, 05/07/2018, 15:08
Trong bối cảnh hôm nay khi đô thị đã nhiều đổi thay, xe cộ đông đúc, đất chật người đông, đôi khi những chuyện cũ vốn được mặc định "thông cảm" lại bị lạm dụng đến thái quá.

Nhà tôi nằm sâu trong làng Đông trên phố Thụy Khuê, Hà Nội. Tên cũ gọi là vậy vì nó gần kẻ Bưởi, địa danh thuộc vùng đất cổ nằm ở phía Tây Bắc thủ đô Hà Nội;  bây giờ làng đã là một con ngõ đông đúc chật hẹp. Cách đây 15 năm, ngõ vẫn mang màu sắc của nông thôn, đường làng lát gạch đỏ, mái ngói nâu thấp thoáng, hàng trăm gốc cau trong sân nhà rải rác tận đến mép nước Hồ Tây…

Dạo ấy và cả cho đến tận bây giờ, thi thoảng trong ngõ gia đình nào có việc hiếu hỉ, họ đều tận dụng khoảng trống của sân đình hoặc bắc rạp chặn giữa đường đi của ngõ. Từ xa phía đầu đường đi vào có tấm bảng gỗ kê lên ghế, ghi nắn nót bằng phấn "Gia đình có việc, xin bà con thông cảm đi vòng sang đường làng Hồ", ví dụ như vậy hoặc thậm chí còn chỉ dẫn rất chi tiết cách di chuyển bởi khu vực này đều liên thông nhau.   

Dừng xe trên cao tốc để chụp ảnh cưới không những vi phạm pháp luật còn là hành vi vô vãn hóa.

Cũng đã có một thời gian dài, rất dài thời bao cấp gian khó, người Hà Nội nói chung và cả các tỉnh phía Bắc nói riêng luôn vất vả khi nhà có công việc hiếu hỉ, bởi sự chật chội, chung đụng, ngột ngạt tại ngay chính ngôi nhà đang ở. Tuyệt nhiên hiếm hoặc có thể nói là không tồn tại các dịch vụ cho thuê địa điểm cưới hỏi, tang lễ. Và thế là vỉa hè thành một nơi lý tưởng để làm những việc đó.

Trong cái sự đồng cảm, chia sẻ nghèo khó lẫn vất vả tương đồng nhau, người ta dễ cảm thông và coi việc "lấn chiếm" đó hoàn toàn bình thường, thậm chí là hết sức bình thường. Tất nhiên cũng thời gian ấy, người còn thưa, việc kinh doanh ngoài mặt phố hiếm hoi và phương tiện di chuyển chủ yếu là xe đạp cọc cạch nên cái sự gây phiền hà cho cộng đồng có thể nói là rất nhỏ.

Cũng có một lần khác, gia đình tôi có việc hiếu, tôi lái xe riêng để "chạy việc" hậu cần rồi mới đuổi theo xe tang người thân. Đi đến cuối đường cao tốc thì phía trước có xe tuần tra cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng lại, hé kính xuống, một chiến sĩ cảnh sát báo xe tôi chạy quá tốc độ.

Anh cảnh sát nhìn vào bên trong xe thấy vài người đang đeo khăn tang thì hỏi luôn: "Nhà anh có việc ạ? Anh đi đi cho kịp, chú ý chạy cho đúng tốc độ nhé". Như một cách ứng xử thông cảm mặc định của người Việt, tôi đã rất cảm động trước cách xử lý nhanh này; chỉ biết lí nhí nói cảm ơn.

Đó là những ứng xử tình người. Và trong bối cảnh hôm nay khi đô thị đã nhiều đổi thay, xe cộ đông đúc, đất chật người đông, đôi khi những chuyện cũ vốn được mặc định "thông cảm" lại bị lạm dụng đến thái quá.

Trên diễn đàn giao thông Otofun thời gian gần đây liên tục đăng tải những đoạn clip về hiện tượng không ít thanh niên đi xe gắn máy với tốc độ chậm, dàn hàng ngang trên quốc lộ, cản trở dòng xe gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Phía trước đám thanh niên ngổ ngáo này là xe đón dâu đám cưới, là bạn bè họ.

Có lẽ trong thứ tư duy ích kỷ thấp kém nào đó, một thứ sĩ diện hoặc cũng có thể là đậm đặc thiếu hiểu biết về pháp luật được che phủ với bằng sự "thông cảm" nhà có việc xưa cũ, họ mượn cớ để thể hiện cái tôi không đúng chỗ. Thậm chí trong một số đoạn clip còn ghi lại hình ảnh trong đoàn rước dâu có cả những người lớn tuổi thò đầu ra khỏi ô tô dùng điện thoại quay lại cảnh con cháu mình với gương mặt tươi cười hớn hở.

Việc bắc rạp giữa đường, cản trở giao thông khi "nhà có việc" ở Hà Nội có thể nói là hiếm nhưng không phải là không có. Vài tháng trước, ngay trên lối rẽ bắt buộc cho dòng phương tiện đi từ Đê La Thành sang Giảng Võ cũng đã từng có gia đình tổ chức đám cưới. Họ làm một chiếc rạp xinh xắn tọa lạc trên đường dành cho xe cơ giới mà không có bất kỳ cảnh báo sớm phía trước. Dòng phương tiện ùn ứ kéo dài chỉ vì một chiếc rạp đám cưới đặt không đúng chỗ. Không rõ phía sau tấm vải che hờ kia, các vị thực khách đến vui cùng gia chủ có cảm giác bất an hoặc gợn một chút e ngại?

Tìm trên Internet thông tin về các vụ tai nạn liên quan đến rạp cưới ngoài đường, tôi không khỏi giật mình bởi con số lên đến hàng chục vụ và không biết bao nhiêu số phận đã nằm xuống, tàn tật chỉ vì sự vô tâm vô tư này. Các vụ tai nạn do tránh rạp cưới, đâm thẳng vào rạp cưới trải dài từ Bắc vào Nam, từ xe con cho đến container…  Rất đau xót!.

Mới đây thôi, ngày 7-6-2018, trên cao tốc Hải Phòng đoạn Km40 thuộc xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, Hải Dương, camera giám sát cao tốc đã ghi lại cảnh đoàn xe đám cưới vài chục chiếc nghênh ngang dừng lại để chụp ảnh lưu niệm. Một số xe thậm chí còn đỗ lấn 2/3 mặt đường, chỉ chừa lại duy nhất một làn khiến các phương tiện khác gặp nguy hiểm khi đi qua. Quả thật trong trường hợp này không biết bình luận sao cho phải phép, họ đặt cược tính mạng trong ngày vui trên làn đường mà dòng xe chạy với tốc độ 120KM/giờ. Đây chỉ có thể nói là dốt, dốt quá.

Cái sự dốt này không ảnh hưởng riêng những kẻ vô tâm, mà còn vô tình đẩy cả tính mạng người vô tội khác vào nguy hiểm. Sau khi nắm thông tin sự việc, sáng 8-6, trung tá Nguyễn Văn Chiêu, Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông số 2 (phụ trách tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), Cục Cảnh sát giao thông, đã ký và gửi giấy triệu tập tới hàng loạt tài xế ôtô trong đoàn xe dừng giữa cao tốc để chụp ảnh nêu trên.

Trung tá Chiêu cho biết, các biển số xe xuất hiện rõ trong hình ảnh của hệ thống camera trên cao tốc đều bị trích xuất để truy ra chủ phương tiện. Về hướng xử lý các tài xế vi phạm, trước mắt đơn vị mời các chủ phương tiện lên để làm rõ sự việc và xem ai là người lái chiếc xe vào thời điểm đó để ra quyết định cuối cùng.

Có lẽ giờ đây, chúng ta phải cất gọn đi cái sự "thông cảm" vốn đã một thời tốt đẹp, bởi những đổi thay nhanh của đời sống xã hội hiện nay thì thượng tôn pháp luật luôn là cái đích đến của sự văn minh. Sức khỏe, tính mạng của ai cũng đáng quí và là bất khả xâm phạm, đừng lấy cái tặc lưỡi "thông cảm" để lấp liếm lên điều đó.

Minh Trí
.
.