Harry Gold – Điệp viên hạt nhân ít người biết

Thứ Bảy, 29/01/2011, 14:45
Trong quyển sách của mình, nhà báo-nhà nghiên cứu Allen M. Hornblum đã nêu ra đầy đủ bằng chứng cùng các cứ liệu và kết luận Harry Gold đã dành trọn 15 năm liên tục làm "gián điệp cho Liên Xô", trao cho Liên Xô không chỉ tài liệu về bom hạt nhân mà còn những thông tin tình báo công nghiệp khác.

Hỏi điệp viên nào đã chuyển các thông tin bí mật về kỹ thuật bom hạt nhân của Mỹ cho Liên Xô những thập niên 50-60 thế kỷ XX, hẳn nhiều người nói ngay rằng đó là cặp vợ chồng điệp viên Cộng sản Julius và Ethel Rosenberg. Thế nhưng, trong quyển sách xuất bản vào tháng 9/2010 nhan đề “Một Harry Gold khác: Người đã trao quả bom hạt nhân cho Liên Xô), nhà báo-nhà nghiên cứu Allen M. Hornblum đã khẳng định điều ít ai nghĩ đến, đó là chính Harry Gold là người đã trao cho Liên Xô nhiều tài liệu kỹ thuật bom hạt nhân nhất.

Trong quyển sách của mình, Hornblum đã nêu ra đầy đủ bằng chứng cùng các cứ liệu và kết luận Harry Gold đã dành trọn 15 năm liên tục làm "gián điệp cho Liên Xô", trao cho Liên Xô không chỉ tài liệu về bom hạt nhân mà còn những thông tin tình báo công nghiệp khác. Câu chuyện về những "điệp viên hạt nhân" thời kỳ hậu Thế chiến II mang nhiều uẩn khúc và cũng chứa đựng nhiều chi tiết giả tạo cho thấy ngành phản gián Mỹ đã thất bại như thế nào khi xác định đối tượng cần xử lý trong vụ án.

Thực tế, vợ chồng điệp viên Rosenberg chuyển tài liệu hạt nhân cho Liên Xô chỉ bằng một phần nhỏ của Gold. Gold cùng với nhà vật lý gốc Đức Klaus Fuchs chính là những "con cá lớn" trong vụ án hạt nhân năm xưa nhưng FBI đã không chú ý. Trong vụ án xét xử các điệp viên hạt nhân năm 1951, ngoài vợ chồng Rosenberg và Klaus Fuchs còn có hàng loạt điệp viên khác trong đó có Gold cùng với Elizabeth Bentley, Max Elitcher, vợ chồng Davids và Ruth Greenglass.

Vụ án đó có những tình tiết mà Hornblum cho rằng FBI đã "ép cung" vợ chồng Rosenberg, đó là việc bà Ethel hoàn toàn vô can nhưng FBI đã buộc tội bà để ép buộc ông Rosenberg khai nhận tội. Rốt cuộc vợ chồng Rosenberg bị xử tử, còn Gold bị kết án tù 30 năm.

Harry sinh năm 1910 tại Thụy Sĩ, trong một gia đình Do Thái gốc Nga. Khi Harry được 3 tuổi rưỡi thì gia đình di cư sang Mỹ sinh sống. Ở Nam Philadelphia, Gold lớn lên mang nỗi mặc cảm nghèo khó và thường xuyên bị bọn đầu gấu đường phố bắt nạt. Trưởng thành, Gold trở thành nhút nhát, rụt rè. Những điều đó hoàn toàn trái ngược với một Harry Gold học rất giỏi, đứng thứ 2 trong một lớp có 160 học sinh.

"Mỗi khi có ai đó bị tổn thương, đau khổ hoặc gặp chuyện phiền muộn, và cầu cứu, Chúa sẽ đáp lời và chìa tay giúp đỡ" - lời an ủi này của mẹ Harry như một lời "tiên tri" về định mệnh sau này của ông. Trong khi còn đang đi học Đại học Pennsylvania, chuyên ngành hóa học, Harry đã việc trong Công ty Đường Pennsylvania, nhưng đã bị sa thải vào tháng 12/1932 do khủng hoảng kinh tế. Khủng hoảng kinh tế cũng khiến cho Harry bỏ học đại học.

Năm 1933, Harry gia nhập hàng ngũ Đảng Cộng sản Mỹ và ngay sau đó quay trở lại làm việc trong Công ty Đường Pennsylvania nhưng không bao giờ quay lại Trường đại học Pennsylvania mà ông theo học tại Học viện buổi tối Drexel và hoàn tất bằng kỹ sư hóa học tại Đại học Xavier ở thành phố Cincinnati - nơi Harry bắt đầu làm gián điệp cho KGB. Harry bắt đầu lấy cắp tài liệu về các loại dung môi chuyển cho Liên Xô.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Gold tiếp tục đi làm việc trong Công ty Đường Pennsylvania, và năm 1948 đến 1950 làm việc trong Bệnh viện đa khoa Philadelphia, khoa Hóa sinh, đồng thời tiếp tục công việc làm gián điệp cho Liên Xô.

Hornblum mô tả công việc "gián điệp" của Harry lúc đó như sau: "Gold có thể làm việc 12 tiếng mỗi ngày cho công việc chính thức, sau đó đi xe lên New York, ngồi đợi ở một góc phố lạnh lẽo trong 2 giờ để nhận một gói hàng và ngay sau đó chuyển nó ngay cho một đối tượng thứ ba, xong rồi đi xe trở về Philadelphia và ngày hôm sau tiếp tục công việc đều đặn như vậy".

Quá trình làm gián điệp ngầm của Gold đạt đến đỉnh điểm khi ông hợp tác với Klaus Fuchs - nhà vật lý, đảng viên Đảng Cộng sản Đức rời bỏ chế độ Quốc xã để sang Mỹ sinh sống và hoạt động. Fuchs kém Gold một tuổi, lấy bằng tiến sĩ vật lý tại Anh, được tuyển dụng và phân công đến New York và Los Alamos (New Mexico) để thực hiện các tính toán cho Dự án Manhattan. Chính Gold đã giúp Klaus Fuchs chuyển giao rất nhiều tài liệu quan trọng về chương trình hạt nhân trong Dự án Mahattan cho Tổng lãnh sự Liên Xô Anatoli Yakovlev.

Cho đến cuối thập niên 30 thế kỷ XX, FBI bỗng giật mình khi phát hiện đã có quá nhiều người Mỹ làm việc cho Liên Xô, trong đó có Gold, Fuchs và nhiều người khác. Tính cách có vẻ buồn chán, tẻ nhạt, dáng điệu "khó coi" của Gold xem ra là vỏ bọc khá tốt để ông không bị phát hiện. Ông phối hợp rất ăn ý với những liên lạc viên Liên Xô để thực hiện thành công rất nhiều vụ chuyển tài liệu.

Năm 1950, Gold bị bắt cùng với nhóm gián điệp Dự án Manhattan và bị xét xử vào năm 1951. Các phiên tòa lúc đó diễn ra thật khó khăn. Các bị cáo đều là những người Cộng sản trong khi nước Mỹ lúc đó đang chống cộng điên cuồng, cho nên không ai dám đứng ra làm luật sư bào chữa cho họ. Chỉ có 2 người vì cảm kích họ mà đứng ra làm: đó là 2 luật sư John Hamilton và Augustus Ballard thuộc một công ty luật hàng đầu ở Philadelphia.

Tuy nhiên, những nỗ lực của các luật sư này cũng chẳng thể cải thiện được tình hình. Mặc dù không thể tìm được nhân chứng nào chịu đứng ra buộc tội Gold, tòa án vẫn tuyên buộc tội ông. Và sau khi "hội ý" với Giám đốc FBI J. Edgar Hoover, vị thẩm phán phiên tòa năm đó đã tăng mức án dành cho Gold lên 30 năm tù - gấp 5 lần đề nghị ban đầu.

Gold được ân xá vào năm 1965, sau 15 năm ngồi tù, và đến làm việc tại Bệnh viện John F. Kennedy cho đến khi qua đời vào năm 1972. Với tất cả những gì Gold đã làm, ông được KGB ca ngợi là đã có những đóng góp rất to lớn. Những bí mật mà ông chuyển giao đã được ứng dụng ngay ở Liên Xô. Và KGB ca ngợi Gold vì ông làm gián điệp cho Liên Xô không phải vì tiền - đó là vì lý tưởng. Gold được Nhà nước Liên bang Xôviết trao tặng Huân chương Sao Đỏ cao quý

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.