Hãy cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua mạng

Thứ Tư, 04/11/2009, 16:40
Ngày 23/9/2009, tại TP HCM, Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15) đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị truy tố bị can Thạch Sĩ Châu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là một vụ án điển hình về lừa đảo qua mạng, loại tội phạm đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây...

Theo kết luận điều tra, từ giữa năm 2007, trên một số website rao vặt xuất hiện nội dung rao bán máy ảnh kỹ thuật số gồm rất nhiều model với giá rẻ hơn so với giá thị thường. Cũng trong thời gian này, nhiều nạn nhân làm đơn tố cáo gửi đến Cơ quan điều tra (CQĐT) Bộ Công an về việc họ bị lừa khi đặt cọc mua hàng, cụ thể là máy ảnh kỹ thuật số trên mạng. Sau khi  nhận được tiền cọc, chủ hàng rút tiền rồi "im thin thít, lặn mất tăm", không giao dịch tiếp, không giao hàng...

Xác minh đơn thư tố cáo, Phòng Đấu tranh chống tội phạm công nghệ cao phối hợp cùng một số phòng chức năng của C15, Bộ Công an phát hiện trên mạng có website http://camerajapan123.110mb.com với những lời rao hấp dẫn: "Bán máy ảnh kỹ thuật số rẻ nhất Việt Nam.

Phương châm kinh doanh là chất lượng, uy tín và dịch vụ đặt lên hàng đầu. Hoặc liên lạc qua e-mail camera.japan 123@yahoo.com để gửi bảng báo giá... Giao hàng tận nơi trong vòng 24 giờ trên toàn quốc, khuyến mãi bao da, thẻ nhớ 2g, có đủ hàng của các thương hiệu nổi tiếng thế giới  như Kodak, Leica, Nikon, Olympus... bảo hành chính hãng toàn quốc và toàn cầu. Hình thức thanh toán qua thẻ ATM hoặc thẻ Visa Debit.

Khách hàng nhận máy trực tiếp tại số 25 đường Nguyễn Văn Cừ, TP Rạch Giá, Kiên Giang, qua đường bưu điện hoặc dịch vụ giao hàng tận nơi. Đối với khách hàng ở xa, thanh toán trước 20%... ĐTDĐ liên lạc 01223372443 có địa chỉ kinh doanh tại số 25 đường Nguyễn Văn Cừ, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và địa chỉ số 135 đường Nguyễn Văn Cừ, phường 1, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau, người liên hệ Trần Minh Tuấn.

Nhưng khi xác minh, CQĐT phát hiện, không có cửa hàng nào bán máy ảnh kỹ thuật số và không có ai tên là Trần Minh Tuấn, cư ngụ trên địa bàn rao bán. Tiến hành xác minh về các tài khoản mà website http://camerajapan123.110mb.com nhận tiền từ khách hàng, được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Đối tượng lừa đảo bán hàng qua mạng dần lộ diện.

Sáng 19/5/2009, khi đối tượng nghi vấn đến Chi nhánh Vietcombank Thủ Đức tại địa chỉ 316 đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức, TP HCM để giao dịch thì trinh sát xuất hiện mời về trụ sở Công an để làm việc. Tại đây, đối tượng khai tên thật là Thạch Sĩ Châu, còn tên Trần Minh Tuấn là do y giả dạng.

Ngày 21/5/2009, CQĐT - Bộ Công an đã tiến hành bắt, khám xét đối với Thạch Sĩ Châu, 23 tuổi, ngụ tại số 384A đường Trương Định, phường 5, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre; tạm trú tại nhà số 19D đường 23, phường 4, quận 8, TP HCM; sinh viên năm thứ 3 Trường cao đẳng Xây dựng số 2 (quận Thủ Đức, TP HCM), về hành vi lừa đảo qua việc bán hàng trên mạng.

Theo lời khai của Thạch Sĩ Châu: Năm 2006, Châu nhập học tại Trường cao đẳng Xây dựng số 2, Thủ Đức, đăng ký ở ký túc xá, chung phòng với sinh viên tên Trần Minh Tuấn, quê ở Nam Định.

Đến khoảng tháng 4/2007, Châu nhặt được giấy CMND của Tuấn và cất giữ. Châu thường xem các thông tin trên mạng, thấy có nhiều người đăng quảng cáo bán các mặt hàng như giày dép, quần áo, đồng hồ, máy tính xách tay, máy ảnh. Bản thân Châu rất am hiểu về máy tính và mạng Internet nên đã nảy sinh ý định lừa đảo bán hàng qua mạng.

Châu dùng CMND của Tuấn, lột ảnh Tuấn, dán ảnh mình vào đem ép plastic. Sau khi có CMND mang tên Trần Minh Tuấn, Châu đã đến các ngân hàng làm 5 thẻ ATM, thêm một thẻ của Tuấn đưa cho, Châu có đến 6 thẻ ATM của 6 ngân hàng khác nhau mang cùng tên Trần Minh Tuấn.

Sau đó, Thạch Sĩ Châu lên mạng Internet tìm kiếm tài liệu, tải ký hiệu máy chụp ảnh (model), bảng báo giá các loại về máy xách tay của Châu. Sau khi soạn thảo những trang quảng cáo máy ảnh số, Châu đăng ký trang web http://camerajapan123.110mb.com rồi đưa các tin quảng cáo máy ảnh số giá rẻ lên mạng. Châu cũng đăng ký làm thành viên trong hơn 40 website rao vặt, như: raovatmienphi.com; raovat.vn; daquasudung.vn; vatgia.com... để đăng tin  phục vụ cho việc lừa đảo bắt đầu từ tháng 7/2007.

Khi khách hàng đọc các trang quảng cáo, sẽ liên hệ với Châu qua e-mail và điện thoại di động, Châu thuyết phục khách hàng giao tiền trước, khi khách hàng chuyển tiền, thông báo cho Châu biết, sau đó, Châu sẽ trực tiếp đi rút tiền từ tài khoản Trần Minh Tuấn và chuyển về tài khoản đứng tên mình. Nếu khách hàng gọi điện thoại để đòi giao hàng thì Châu để chế độ im lặng hoặc ngắt máy...

Cũng theo lời khai của Thạch Sĩ Châu, y đã tính toán lừa bán máy chụp ảnh vì  đây là mặt hàng thông dụng,  phục vụ nhu cầu giải trí, mặt hàng này nhỏ gọn nên việc quảng cáo giao hàng tận nơi sẽ không làm khách hàng nghi ngờ, thêm nữa, số tiền đặt cọc không nhiều, chỉ trên dưới 1 triệu đồng, nếu bị mất tiền, khách hàng sẽ không thưa kiện.

Trong hơn 100 người bị Thạch Sĩ Châu lừa, có 19 người gửi đơn đến CQĐT tố cáo hành vi của Thạch Sĩ Châu với tổng số tiền hơn 32 triệu đồng. Như anh Nguyễn Trí Tấn (ngụ Hậu Giang), tháng 2/2009, khi xem trang web raovat123.com, thấy một người tên Tuấn rao bán máy ảnh kỹ thuật số giá rẻ, anh Tấn liên lạc và đồng ý mua một chiếc máy SonyT20 với giá 118 USD.

Sau khi trao đổi, anh Tấn đã chuyển tiền vào tài khoản của Tuấn, nhưng sau khi chuyển tiền, mọi cố gắng liên lạc của anh Tấn với chủ hàng đều vô vọng. Lên mạng tìm hiểu, anh Tấn mới biết, nạn nhân của chủ hàng tên Tuấn, không chỉ có mình anh, đã có không ít lời cảnh báo trên mạng về trang web lừa đảo http://camerajapan123.110mb.com.

Trong số các nạn nhân của Châu, có người bị lừa đến 6,5 triệu đồng, có người thỏa thuận đặt cọc 50% giá trị sản phẩm.

Sau khi xác minh, CQĐT cho biết, đã phát hiện đến 104 nạn nhân của Châu trên cả nước với tổng số tiền hơn 144 triệu đồng, tất cả số tiền này đều được khách hàng chuyển qua tài khoản mang tên Trần Minh Tuấn...

CQĐT đã không ít lần cảnh báo về các phi vụ lừa đảo trên mạng nhưng trên "thế giới ảo" vẫn liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo với những hình thức ngày càng tinh vi hơn. Vào đầu tháng 7/2009, diễn đàn muare.vn cũng ầm ĩ với vụ lừa đảo của hai chị em dùng chung nick Giunlun.

Do tin tưởng hai chị em, vốn đã tạo được uy tín nhất định trên diễn đàn, thành viên vanilaheart đã đặt mua qua mạng 2 chiếc túi Marc Jacobs với giá 1.640 USD. Người bán đảm bảo bằng miệng rằng túi hàng xịn và mới 100%. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền và nhận hàng, người mua mới ngã ngửa ra khi thấy túi xách là hàng dởm và cũ nát.

Nhiều diễn đàn từng cảnh báo thành viên về chiêu thức lừa đảo này nhưng không ít thành viên vẫn mất tiền oan sau khi lập gian hàng ảo hoặc rao bán sản phẩm trên mạng. Thủ phạm yêu cầu khách hàng chuyển khoản trước một phần hoặc toàn bộ số tiền trước khi chuyển hàng.

Sau khi tiền đến tay, đối tượng lừa đảo này lập tức lặn mất tăm. Hình thức thanh toán thủ công và gửi tiền dựa vào yếu tố "lòng tin" hiện khá  phổ biến tại các trang web mua bán nổi tiếng như muare.vn, enbac.com, raovat123.com, rongbay.com... Tại nhiều gian hàng, người ta dễ dàng bắt gặp những lời rao có chú thích: "Phương thức thanh toán: chuyển khoản 100%. Sau khi chuyển khoản, alo cho tớ để báo tên và số tài khoản nhé. Tớ sẽ chuyển hàng ngay sau khi nhận được tiền". Kể cả người bán cũng có thể mất tiền oan khi gặp phải khách ảo xấu chơi.

Những nạn nhân chỉ mất từ vài trăm đến trên dưới 1 triệu đồng thường tặc lưỡi cho qua, xem như đây là bài học xương máu. Do đó, những kẻ lừa đảo qua mạng vẫn có đất lộng hành thêm một thời gian trước khi bị phanh phui.

Kể cả khi lộ mặt, thế giới mạng cho phép họ lập gian hàng online mới, với cái tên ảo khác, tiếp tục tung hoành. Thậm chí, những thủ phạm như Thạch Sĩ Châu, vẫn đường hoàng dùng một cái tên đi lừa đảo từ năm 2007 mà không bị ai tố giác cho đến tận tháng 5/ 2009, trước khi 19 khách hàng đồng lòng đến tố cáo y trước CQĐT - Bộ Công an

Th.Yên
.
.