Hồ sơ WikiLeaks: Mỹ lo lắng về kho hạt nhân của Pakistan

Thứ Ba, 07/12/2010, 18:35
Trong số 250.000 trang tài liệu được trang mạng WikiLeaks công bố hôm 28/11 vừa qua, có một loạt tài liệu mật được chuyển về Washington từ Đại sứ quán Mỹ tại Islamabad trong đó chứa đựng những báo cáo, thông tin trao đổi giữa Đại sứ Mỹ tại Pakistan Anne Patterson với Nhà Trắng về những quan hệ phức tạp với đồng minh Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là mối quan ngại chung về vấn đề bảo đảm an ninh cho kho hạt nhân của Pakistan.

Lo ngại về kho nhiên liệu hạt nhân

Năm 2009, Tổng thống Obama đã trấn an dư luận tại một cuộc họp báo rằng "các nguyên liệu hạt nhân của Pakistan vẫn nằm ngoài tầm tay phiến quân". Thế rồi chưa đầy một tháng sau đó, Đại sứ Patterson đã gửi về Washington một bức điện mật trong đó nói rằng mình vẫn "rất lo lắng". Điều lo lắng của Đại sứ Patterson chính là một kho chứa đầy uranium đã làm giàu cao độ nằm gần một lò phản ứng hạt nhân phục vụ nghiên cứu đã cũ kỹ. Số nguyên liệu trong kho này đủ để chế tạo được vài quả "bom bẩn" hoặc thậm chí cả một quả bom hạt nhân thứ thiệt nếu rơi vào tay kẻ có kỹ năng thật sự.

Trong bức điện đề ngày 27/5/2009, Đại sứ Patterson báo cáo rằng Chính phủ Pakistan lại chậm chạp trong việc thỏa thuận để cho Mỹ bốc dỡ kho nguyên liệu hạt nhân kể trên. Bà Patterson viết rằng, Chính phủ Pakistan đã kết luận việc báo chí quốc tế và địa phương đưa tin đậm nét về kho nguyên liệu hạt nhân đó đã khiến cho "việc vận chuyển nó đi trong lúc này là không thích hợp". Một quan chức Pakistan cho rằng nếu thông tin bị rò rỉ ra bên ngoài sẽ gây hiểu lầm rằng "Mỹ lấy vũ khí hạt nhân của Pakistan".

Khối lượng uranium làm giàu mà bà Patterson muốn bốc dỡ đem đi là do Mỹ cung cấp cho Pakistan vào thập niên 60 thế kỷ XX trong chương trình Hạt nhân vì Hòa bình. Lúc đó Pakistan còn quá nghèo và người Mỹ nghĩ rằng nước này khó lòng tham gia cuộc đua hạt nhân.

Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 5/2009, Pakistan đã hoàn toàn khác xưa, và bức điện của bà Đại sứ Patterson gửi về cho các Bộ Ngoại giao và Quốc phòng đã đánh trúng mọi vấn đề nhạy cảm trong mối quan hệ phức tạp Mỹ - Pakistan: sự thiếu tin tưởng lẫn nhau, vấn đề an toàn cho kho hạt nhân, những lời hứa "cuội" và nỗi lo lắng thường trực về sự hợp tác mong manh dễ tan vỡ.

Từ năm 1990, lò phản ứng hạt nhân thí nghiệm nêu trên đã được cải tạo thành lò sử dụng uranium làm giàu thấp (LEU), chưa đến độ chế tạo bom. Nhưng uranium đủ độ chế tạo bom thì vẫn chưa được chuyển trở về Mỹ và đang được lưu trữ trong một kho ở gần lò phản ứng. Pakistan "đã đồng ý trên nguyên tắc việc bốc dỡ khối nhiên liệu vào năm 2007". Thế nhưng, Pakistan cứ hẹn lần hẹn lữa việc thực thi kế hoạch bốc dỡ nhiên liệu hạt nhân. Và rồi, một nhóm quan chức liên ngành trong Chính phủ Pakistan đã quyết định hủy bỏ chuyến làm việc của một phái đoàn chuyên gia Mỹ về việc bốc dỡ nhiên liệu ra khỏi Pakistan.

Bộ Ngoại giao Pakistan ra tuyên bố khẳng định nước này kiên quyết từ chối yêu cầu của Mỹ về việc thuyên chuyển nhiên liệu hạt nhân. Tuyên bố còn nêu rõ, Mỹ đã cung cấp nhiên liệu, nhưng lại không đề cập điều kiện là Mỹ giữ quyền thu hồi nhiên liệu đã qua sử dụng.

Như vậy là đã rõ, các bức điện của bà Patterson đã lý giải vì sao Tổng thống Obama ngoài mặt thì trấn an dư luận về kho vũ khí hạt nhân của Pakistan nhưng bên trong lại rất lo lắng. Ngay từ đầu cuộc kiểm điểm chiến lược tại Afghanistan và Pakistan mùa thu năm 2009, các báo cáo tình báo mật gửi về cho Tổng thống Obama đều nêu mối băn khoăn về khả năng tiếp cận kho vũ khí hạt nhân quá dễ dàng của các thành phần bên trong quân đội và tình báo Pakistan.

Trước đó, trong một bức điện đề ngày 4/2/2009, Đại sứ Patterson đã viết rằng: "Mối bận tâm của chúng tôi không phải là việc bọn phiến quân lấy trộm được một quả bom hoàn chỉnh mà là nguy cơ có ai đó ngay bên trong các cơ sở của Chính phủ Pakistan có thể tuồn lậu ra ngoài dần dần từng bộ phận và cuối cùng có thể ráp lại thành một quả bom". Bây giờ, sau khi WikiLeaks tiết lộ các bức điện ngoại giao, dư luận mới được biết rõ hơn bên cạnh mối quan tâm về khủng bố Al-Qaeda, Mỹ còn có mối bận tâm thứ hai có tầm quan trọng "sinh tử" là "đảm bảo bọn khủng bố không bao giờ tiếp cận được kho vũ khí hạt nhân của Pakistan. Mục tiêu này đã được giữ kín tuyệt đối để tránh làm phật lòng Islamabad.

Một bức điện khác cung cấp thêm một khía cạnh trong "trò chơi hạt nhân" giữa Mỹ và đồng minh Pakistan: Ngay cả khi đang cố thuyết phục các đồng minh Pakistan từ bỏ nguyên liệu hạt nhân, người Mỹ lại âm thầm tìm cách ngăn cản không cho Pakistan mua được loại nguyên liệu cơ bản dùng để chế tạo tritium - thành phần phụ gia quan trọng giúp gia tăng sức mạnh cho quả bom hạt nhân.

Một bức điện đề ngày 12/12/2008 gửi đến Đại sứ quán Mỹ ở Singapore yêu cầu giúp ngăn chặn một vụ mua bán sắp diễn ra tại Singapore. Sau khi cung cấp các chi tiết về vụ mua bán đó, bức điện kết luận: "Chúng tôi rất lo ngại về việc Pakistan sử dụng tritium nhằm nâng cao hiệu lực chương trình hạt nhân của họ".

Tướng Ashfaq Parvez Kayami (giữa) - Tổng Tư lệnh quân đội Pakistan.

Quân đội và tình báo là những kẻ nắm thực quyền

Tướng Ashfaq Parvez Kayani - Tổng tư lệnh quân đội Pakistan - là một người bảo vệ quyết liệt những gì ông ta cho là "lợi ích quốc gia" của Pakistan. Một bức điện hồi đầu năm 2009 cho biết, ngay sau khi ông Obama mới nhậm chức chưa lâu, tướng Kayani đã ra điều kiện để cải thiện quan hệ. Từng làm Tổng giám đốc Cục Tình báo liên cơ quan (ISI) giai đoạn 2004-2007, ông ta không muốn có một sự "tính sổ với quá khứ". "Kayani muốn nghe nước Mỹ nói đã lật sang trang đối với các hoạt động trong quá khứ của ISI", bức điện viết.

Theo tờ New York Times, các hoạt động trong quá khứ có lẽ là việc ISI đã ký các hòa ước với Taliban trong giai đoạn ông Kayani làm tổng giám đốc (2004-2007).

Tướng Kayani tỏ ra quyết đoán và cứng rắn bao nhiêu thì Tổng thống Zardari tỏ ra yếu kém bấy nhiêu, mà ông ta lại không nhìn thấy được điểm yếu của mình nữa. Có lúc, Zardari từng nói rằng ông ta sẽ không phản đối nếu Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) thẩm vấn nhà khoa học hạt nhân Abdul Qadeer Khan - cha đẻ chương trình hạt nhân của Pakistan, nhưng ngay sau đó lại thừa nhận rằng mình không có đủ thực quyền để thúc đẩy điều đó.

Từng ngồi tù 11 năm vì các cáo buộc tham nhũng không bằng chứng, Zardari lên làm Tổng thống Pakistan một cách tình cờ sau khi vợ mình - bà Benazir Bhutto - bị ám sát chết năm 2007. Zardari có lẽ đã lo sợ cho chiếc ghế của mình không biết bị "đòi lại" lúc nào. Thậm chí Zardari từng thổ lộ với Phó Tổng thống Mỹ, Joe Biden, rằng ông ta lo sợ "tình báo ISI và Kayani sẽ hất tôi ra".

Thực tế, điều lo sợ của ông Zardari không phải không có cơ sở. Tháng 3/2009, trong tình hình chính trị rối ren tại Pakistan, tướng Kayani đã nói với Đại sứ Mỹ Patterson rằng ông "có thể gây áp lực" để buộc ông Zardari từ chức và rời khỏi Pakistan. Tướng Kayani cũng nhắc đến một người có khả năng thay thế ông Zardari. Đó là ông Asfandyar Wali Khan, một lãnh đạo đảng phái thứ ba. Không muốn ông Zardari tiếp tục tại vị, nhưng tướng Kayani cũng không muốn cựu Thủ tướng Nawaz Sharif thay thế vì ông cũng chẳng ưa ông này

An Châu - Tiểu Bảo (tổng hợp)
.
.