Hoạt động chống phá Việt Nam của Tổ chức "Quan sát nhân quyền"

Thứ Hai, 13/08/2007, 10:45
Gần đây, lợi dụng chiêu bài hoạt động bảo vệ “dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận” theo tiêu chí phương Tây, Quan sát nhân quyền (Human Rights Watch) đã đưa ra nhiều thông tin sai lệch khi đánh giá về tình hình “dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận” ở nhiều quốc gia, gây phản ứng trong dư luận quốc tế.

Thành lập năm 1978, tổ chức "Quan sát nhân quyền" (tên gọi khác là "Theo dõi nhân quyền" hoặc "Giám sát nhân quyền") có tên tiếng Anh là Human Rights Watch - viết tắt HRW, do Robert L.Bernstein người Mỹ lập ra và từng giữ cương vị Giám đốc đầu tiên của tổ chức này.

Ban đầu, HRW được thành lập với tên gọi Helsinki Watch theo Hiệp ước Helsinki để "giám sát" Liên Xô. Sau đó, tổ chức này thành lập thêm các "Ủy ban theo dõi" các quốc gia khác trên thế giới.

Đến năm 1988, tất cả các "ủy ban" này được hợp nhất thành một tổ chức với tên gọi là Human Rights Watch. Hiện nay, trụ sở của HRW đặt tại số 350, Đại lộ 5 New York (Mỹ) do Kenneth Roth và Carroll Bogart làm Giám đốc và Phó giám đốc điều hành.

Năm 1990, HRW thành lập “Giải thưởng Hellman – Hammett” để hỗ trợ về tài chính cho các “nhà hoạt động nhân quyền” đang gặp khó khăn trên khắp thế giới. Nguồn tài chính của “Giải thưởng Hellman – Hammett” được lấy từ tài sản do nhà viết kịch Lilian Hellman và nhà tiểu thuyết Dashiell Hammett để lại.

“Giải thưởng Hellman – Hammett” được trao hàng năm sau khi các ứng cử viên được “Ủy ban” gồm các nhà văn, biên tập viên, nhà báo và những người quan tâm đến vấn đề “dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận” được mời bầu chọn.

Giải thưởng có trị giá từ 1.000 đến 10.000USD. Từ năm 1990 đến nay, đã có hơn 500 người ở nhiều quốc gia nhận được giải thưởng này.

Những năm gần đây, lợi dụng chiêu bài hoạt động bảo vệ “dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận” theo tiêu chí phương Tây, HRW đã đưa ra nhiều thông tin sai sự thật khi đánh giá về tình hình “dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận” ở nhiều quốc gia, đã gây ra phản ứng trong dư luận cộng đồng quốc tế.

Đặc biệt, ngay sau khi HRW công bố cái gọi là “Báo cáo nhân quyền hàng năm” đã vấp phải làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia liên quan.

Đáng chú ý, từ năm 1997 đến 2007, HRW đã công khai tài trợ tiền cho một số đối tượng chống đối cực đoan ở Việt Nam để kích động số này lợi dụng chiêu bài “dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận” có nhiều hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam.

Hậu thuẫn, kích động chống phá Việt Nam

Điển hình cho thái độ và hoạt động xấu của HRW cần phải lên án là ngày 24/1/2007, HRW tiếp tục tài trợ tiền cho một vài “nhà hoạt động nhân quyền” – thực chất là những đối tượng chống đối, vi phạm pháp luật ở Việt Nam, gồm: Nguyễn Chính Kết, Nguyễn Văn Đài, Lê Chí Quang, Trần Khải Thanh Thủy, Đỗ Nam Hải, Nguyễn Vũ Bình và Nguyễn Khắc Toàn dưới hình thức trao “Giải thưởng Hellman - Hammett” vắng mặt để “ghi nhận thành tích” chống phá Nhà nước Việt Nam của số đối tượng này trong năm 2007.

Sau khi “Giải thưởng Hellman - Hammett” được trao cho số đối tượng nêu trên, bà Sophie Richardson, Giám đốc Vụ Châu Á của HRW đã không ngần ngại công khai cho rằng: “Đây là năm đặc biệt để vinh danh những người đấu tranh dân chủ cho Việt Nam” và trắng trợn xuyên tạc “tại Việt Nam không có tự do ngôn luận, không có truyền thông độc lập và mạng lưới Internet bị kiểm soát chặt chẽ”.

Sự thật những “nhà hoạt động nhân quyền” được HRW trao “Giải thưởng Hellman - Hammett” đều là những công dân Việt Nam vi phạm pháp luật.

Có thể dẫn ra đây vài trường hợp điển hình được HRW cho “giải thưởng” như, Nguyễn Văn Đài, thành viên Đoàn Luật sư Hà Nội, lợi dụng danh nghĩa hoạt động luật sư từ năm 2000 đến năm 2007, Nguyễn Văn Đài đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Ngày 3/2/2007, Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đã bị bắt quả tang khi đang tuyên truyền về cái gọi là “tự do dân chủ, nhân quyền” cho 3 sinh viên Trường cao đẳng Phát thanh - Truyền hình Hà Nam tại Văn phòng Luật sư Thiên Ân.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu được và lời khai của các đối tượng, Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội đã khám xét khẩn cấp Văn phòng Luật sư Thiên Ân, nhà riêng của Nguyễn Văn Đài, nhà riêng của Lê Thị Công Nhân thu giữ nhiều tài liệu, phương tiện hoạt động phạm tội của Nguyễn Văn Đài. Những tài liệu thu được đã chứng minh đầy đủ mọi hoạt động vi phạm pháp luật của Nguyễn Văn Đài.

Ngày 2/3 và 6/3/2007, Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” và bắt tạm giam Nguyễn Văn Đài phục vụ công tác điều tra theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.

Ngày 11/5/2007, Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Đài về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” quy định tại Điều 88, Bộ luật Hình sự. Kết thúc phiên tòa, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Văn Đài 5 năm tù giam và 4 năm quản chế sau khi mãn hạn tù.

Nhưng thật buồn và đáng chê trách một số người được HRW cho “Giải thưởng Hellman - Hammett” năm 2007. Trong số này, có người đã từng có nhiều thành tích cống hiến cho cách mạng, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhưng do tư tưởng nhận thức lệch lạc, lại bị các thế lực xấu móc nối, lôi kéo đã không giữ vững bản lĩnh chính trị, trở thành công cụ chống phá Tổ quốc trong tay các thế lực xấu.

Cũng có người vốn là cán bộ công chức nhà nước, không chịu tu dưỡng phẩm chất đạo đức, trong quá trình công tác có những sai phạm nghiêm trọng bị xử lý kỷ luật, sa thải, rồi phạm tội trộm cắp bị xử lý hình sự cũng tìm cách “đội mũ dân chủ” hoạt động chống phá để kiếm tiền của các thế lực thù địch bên ngoài.

Điểm qua một vài “gương mặt” mà HRW tài trợ tiền để kích động chống phá Nhà nước, gây mất ổn định chính trị ở Việt Nam dưới vỏ bọc cho “Giải thưởng Hellman - Hammett” để thấy rõ bộ mặt thật của HRW và những kẻ bán rẻ danh dự, nhân phẩm trở thành công cụ trong tay thế lực xấu chống phá Tổ quốc mình.--PageBreak--

Tuyên truyền luận điệu tâm lý chiến chống phá Việt Nam

Cùng với hoạt động tài trợ tiền hậu thuẫn, kích động một số đối tượng chống Nhà nước Việt Nam, trong những năm qua HRW còn sử dụng chiêu bài tâm lý chiến để tuyên truyền, xuyên tạc về tình hình “dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận” ở Việt Nam.

Điển hình là trước khi TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân phạm tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” (Điều 88 – Bộ luật Hình sự), ngày 9/3/2007, HRW ra cái gọi là “Thông cáo báo chí” xuyên tạc về “Việt Nam đàn áp những người bất đồng chính kiến”.

Trong “thông cáo báo chí” này, HRW đã rêu rao việc Việt Nam bắt giam Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân là “một trong những chiến dịch đàn áp tệ hại nhất trong 20 năm qua nhằm vào những nhân vật bất đồng chính kiến”.

Ngay sau khi HRW đưa ra “Thông cáo báo chí” trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng đã hoàn toàn bác bỏ những nhận xét sai trái này.

Ông Lê Dũng khẳng định: “Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do, dân chủ của mọi công dân, tuy nhiên không chấp nhận việc lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để có các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Ở Việt Nam, không có đàn áp chính trị, không ai bị bắt vì lý do chính kiến, chỉ có những người vi phạm pháp luật bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Hoàn toàn không có cái gọi là “đàn áp những người bất đồng chính kiến”.

Trước đó, ngày 18/1/2007, HRW đã công bố cái gọi là “Báo cáo nhân quyền 2007” phản ánh về tình hình nhân quyền tại 74 quốc gia năm 2006.

Trong đó, HRW xuyên tạc, vu cáo “Nhà nước Việt Nam chưa mang lại tiến bộ nào về mặt nhân quyền” hoặc “tinh thần tôn trọng nhân quyền của Việt Nam còn thua nhiều nước”...

Đặc biệt, HRW đã trắng trợn vu khống “ở Việt Nam không có tự do tôn giáo và tự do báo chí”, và “Nhà nước Việt Nam vẫn còn giam giữ hàng trăm tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm và tù nhân tôn giáo” v.v...

Ngay sau khi HRW vừa công bố cái gọi là “Báo cáo nhân quyền 2007”, lập tức bọn phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài đã đem phổ biến lại trên mạng Internet và các phương tiện truyền thông đại chúng để kêu gọi chống phá Việt Nam.

Nghiên cứu “Báo cáo nhân quyền 2007” thấy rằng, những thông tin mà HRW đưa vào trong báo cáo hoàn toàn là sự cóp nhặt những thông tin sai sự thật về tình hình nhân quyền ở Việt Nam do bọn phản động tán phát trên mạng Internet hoặc rêu rao trên vài tờ báo lá cải.

“Báo cáo nhân quyền 2007” đã phủ nhận sự thật về thành tựu phát triển nhân quyền ở Việt Nam. Những năm gần đây, nhiều chính phủ và các tổ chức quốc tế có uy tín đã có những ghi nhận rất tốt về thành tựu phát triển nhân quyền ở Việt Nam.

Trong các cuộc đối thoại với một số quốc gia quan tâm đến tình hình phát triển nhân quyền ở Việt Nam, Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm” hay “tù nhân tôn giáo”.

Và thực tế, trong hệ thống pháp luật Việt Nam không tồn tại thuật ngữ pháp lý như trên, ở Việt Nam chỉ có những công dân vi phạm pháp luật Việt Nam cần phải giam giữ, giáo dục, cải tạo họ thành những công dân có ích cho xã hội và giúp họ trở lại hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

Gần đây nhất, vào ngày 21/2/2006, Lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam đã có buổi tiếp xúc và làm việc với ông John Hanford, Đại sứ Lưu động – Bộ Ngoại giao Mỹ, phụ trách về các vấn đề tôn giáo.

Qua buổi tiếp xúc, ông John Hanford cũng cho biết, Tổng thống W.Bush và Ngoại trưởng C.Rice qua các nguồn thông tin đã đánh giá rất cao về tự do tôn giáo và đưa ra thống nhất cho rằng ở Việt Nam không có ai là “tù nhân chính trị”, “tù nhân tôn giáo” hay “tù nhân lương tâm”.

Thực ra, thuật ngữ “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm” hay “tù nhân tôn giáo” chỉ là một chiêu bài nằm trong âm mưu, ý đồ đen tối của các thế lực thù địch và số phản động người Việt lưu vong thường sử dụng như những công cụ mà chúng cho là hữu hiệu nhất để chống phá Nhà nước Việt Nam về dân chủ, nhân quyền.

Trong những năm qua, các thế lực thù địch vẫn thường rêu rao và triệt để lợi dụng chiêu bài này để chống phá Việt Nam. Có lẽ, HRW vì thiếu những thông tin về Việt Nam nên đã cóp nhặt một cách vụng về những thông tin sai sự thật về tình hình nhân quyền ở Việt Nam của những kẻ phản động lưu vong người Việt để đưa vào trong “Báo cáo nhân quyền 2007” để xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Trong “Báo cáo nhân quyền 2007”, HRW còn rêu rao "ở Việt Nam tự do báo chí kém, chính quyền tiếp tục quản lý mạng Internet...”. Sự thật là ở Việt Nam báo chí đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân.

Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, phát biểu và đóng góp ý kiến trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo chí. Chủng loại thông tin trên báo chí, đài phát thanh và truyền hình ngày càng phong phú và cập nhật thường xuyên hơn, nguồn cung cấp thông tin cũng đa dạng hơn.

Năm 1990, ở Việt Nam chỉ có gần 300 báo và tạp chí, đến nay tăng lên tới gần 600 cơ quan báo chí với trên 700 ấn phẩm, hơn 200 báo điện tử và hệ thống báo chí trên mạng Internet.

Ngoài báo chí của các cơ quan Nhà nước, có rất nhiều báo, tạp chí của các tổ chức chính trị, các tổ chức xã hội và nghề nghiệp với gần 600 triệu bản báo được xuất bản hàng năm. Đội ngũ những người làm báo đã không ngừng phát triển nhanh chóng, từ 300 nhà báo trong kháng chiến chống Pháp, nay lên đến hơn 13 nghìn hội viên nhà báo Việt Nam, chưa kể hàng nghìn người có hoạt động báo chí nhưng chưa gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam.

Hệ thống báo hình, báo nói cũng rất phong phú, đa dạng. Việt Nam hiện có 1 đài phát thanh và 1 đài truyền hình quốc gia, 4 đài truyền hình khu vực và 64 đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh, thành phố; hơn 600 đài truyền thanh cấp huyện.

Gần 90% hộ gia đình nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam và gần 80% số hộ xem được các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam. Nhiều chương trình truyền hình của nước ngoài được chiếu rộng rãi ở Việt Nam như CNN, BBC, TV5, DW, RAI, HBO...

Người dân Việt Nam ngày càng được tiếp cận tốt hơn với công nghệ thông tin hiện đại, đặc biệt là Internet. Ngày 23/8/2001, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 55/2001 NĐ-CP nhằm khuyến khích và tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận, khai thác và sử dụng rộng rãi thông tin trên mạng Internet.

Đến ngày 29/6/2007, ở Việt Nam dịch vụ Internet đã hình thành mạng lưới cung cấp dịch vụ ở 64/64 tỉnh, thành phố với gần 15 triệu người thường xuyên sử dụng dịch vụ này đạt tỉ lệ số dân sử dụng gần 20% với số lượng thuê bao quy đổi là hơn 4,1 triệu và gần 2 triệu IP.

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet quốc tế đánh giá tốc độ phát triển Internet ở Việt Nam là cao nhất khu vực Đông Nam Á. Theo công bố mới nhất, Việt Nam là 1 trong 20 quốc gia có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới.

Tình hình thế giới hiện nay vẫn tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp, nhiều vùng chiến sự vẫn xảy ra hàng ngày, hàng giờ; nạn khủng bố, xung đột tôn giáo, sắc tộc diễn ra triền miên ở nhiều nơi mà hơn ai hết người dân phải gánh chịu hậu quả tang thương đó.

HRW hãy vì danh dự và uy tín của mình để bảo vệ họ, nói lên tiếng nói “vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh”. Ở Việt Nam không hề có “nhà dân chủ” hay “bất đồng chính kiến bị đàn áp” mà HRW đã trót nói ra. Đó là một thực tế!

Thy Nga
.
.