Hơn 400 nạn nhân sập bẫy trúng thưởng lô đề

Thứ Tư, 18/04/2012, 13:50

Ngày 5/4 vừa qua, Đại tá Hồ Sỹ Tiến, quyền Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an cho biết đã kết thúc chuyên án đấu tranh triệt phá tổ chức tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức "cho" số đánh lô, đề và thông báo trúng thưởng do Nguyễn Văn Thuận Em cầm đầu. Đây là loại tội phạm mới, lợi dụng công nghệ thông tin để hoạt động với những thủ đoạn rất quái chiêu. Đã có hơn 400 người sập bẫy, tự "nộp mạng" hơn 16 tỉ đồng cho đường dây lừa đảo này.

Hành trang lừa đảo: SIM rác, danh bạ điện thoại và thẻ ATM giả

Để tìm được "con mồi", đầu tiên các đối tượng mua tất cả các danh bạ điện thoại hiện lưu hành trên địa bàn toàn quốc. Khi hoành hành ở tỉnh nào, chúng nghiên cứu rất kỹ từng số điện thoại rồi cử người về tận địa phương, tìm hiểu chủ nhân các số điện thoại đó có phải là người có tiền, có máu mê cờ bạc hay không để đưa vào bẫy.

Bọn chúng sử dụng nhiều sim điện thoại trả trước, rồi phân nhau gọi đến các số máy điện thoại cố định của bị hại, lúc tự xưng là nhân viên, lúc là giám đốc, lúc là tổng giám đốc công ty xổ số kiến thiết các tỉnh muốn liên kết làm ăn. Chúng cho người bị hại 10 cặp số số lô, đề và nói rằng chắc chắn trúng thưởng. Số tiền đánh lô, đề sẽ có người của chúng mang đến trong buổi chiều cùng ngày.

Đến tối, khi có kết quả xổ số, nếu trúng, trừ đi số tiền đánh lô, đề, số tiền trúng thưởng còn lại chia đôi, người đánh được hưởng một nửa, còn chúng hưởng một nửa. Nhưng đến cuối giờ chiều, chúng lại gọi điện cho bị hại, viện ra vô số lý do khá là hợp lý về việc người mang tiền cho họ đánh lô, đề chưa thể đến được. Chúng bảo người bị hại cứ tạm ứng tiền ra đánh, tối khuya hoặc ngày mai sẽ có người mang tiền trả. Nếu hôm đó, người nào không trúng lô, đề thì hôm sau chúng chuồn luôn, không liên lạc lại. Còn nếu trúng, chúng sẽ cho số tài khoản để người này chuyển tiền ăn chia vào.

Sau đó, chúng tiếp tục đóng nhiều vai khác nhau, yêu cầu người trúng thưởng góp tiền vốn vào các công ty xổ số kiến thiết để trở thành cổ đông thì sẽ nhanh chóng được hưởng lợi nhuận cao. Ngay sau khi người bị hại gửi tiền vào tài khoản do chúng yêu cầu, chúng nhanh chóng đến các máy ATM rút toàn bộ số tiền và vứt bỏ sim điện thoại đang sử dụng để lừa đảo nạn nhân.

Có nạn nhân như anh Phạm T., trú tại tỉnh Quảng Ngãi, sau khi được các đối tượng cho 2 lần số vô tình trúng thưởng đã như ăn phải "bùa mê thuốc lú" của bọn chúng, liên tục gửi cho bọn chúng nhiều lần số tiền 218 triệu đồng để được làm "cổ đông". Nhưng sau khi nộp tiền, chờ mãi chẳng thấy các đối tượng cho số trúng thưởng tiếp theo, anh T. gọi điện giục thì bọn chúng nói luôn: "Anh bị lừa rồi mà vẫn không biết à?" rồi tắt máy…

Ảnh thu được trong hồ sơ mở tài khoản tại Ngân hàng của Nguyễn Văn Thuận Em và Võ Thị Huệ.

Một thủ đoạn khác cũng cực kỳ tinh vi của các đối tượng. Đó là gọi đến các số máy cố định của nạn nhân thông báo cho họ biết là thuê bao điện thoại của họ đã trúng “Chương trình bốc thăm may mắn” của bưu điện với giá trị giải thưởng lên đến hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, để chứng thực lời mình nói, "nhân viên" này cho các số điện thoại di động của giám đốc bưu điện hoặc giám đốc kho bạc, ngân hàng để "người trúng thưởng" gọi đến để được hướng dẫn làm thủ tục nhận thưởng. Sau đó, người của nhóm lừa đảo lại đóng giả giám đốc bưu điện hoặc giám đốc kho bạc, ngân hàng, khi nhận điện thoại của người bị hại, khẳng định cho họ về việc trúng thưởng.

Rồi, các vị giám đốc "rởm" này yêu cầu bị hại đóng trước tiền thuế thu nhập cá nhân (bằng 10% số tiền trúng thưởng) hoặc ủng hộ Quỹ nạn nhân chất độc da cam một số tiền nhất định (khoảng từ 15 đến 20 triệu đồng) vào tài khoản chúng đưa, lấy hóa đơn thì mới được làm thủ tục nhận thưởng tại ngân hàng, kho bạc. Nếu nạn nhân không nộp tiền ngay trong ngày thì giải thưởng sẽ được trao cho… thuê bao khác. Ngay sau khi có tiền vào tài khoản, các đối tượng nhanh chóng đến các máy ATM rút hết toàn bộ số tiền và vứt bỏ sim điện thoại đang sử dụng.

Chị Nguyễn Thị T., trú tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết, ngày 12/9/2011, chị nhận được một cuộc điện thoại gọi đến số máy bàn của nhà chị. Đầu dây bên kia, là một người đàn ông tự xưng "Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Đồng Nai", thông báo là số máy điện thoại cố định của gia đình chị đã trúng giải đặc biệt trị giá 235 triệu đồng của chương trình "quay số trúng thưởng".

Và ông "giám đốc kho bạc" nhiệt tình giải thích: "Chương trình quay số trúng thưởng do kho bạc tỉnh và bưu điện Đồng Nai phối hợp tổ chức cho 900.000 thuê bao cố định trên toàn tỉnh. Khi tiến hành quay số, thì số máy điện thoại nhà chị đã may mắn trúng giải đặc biệt". Sau đó, ông "giám đốc kho bạc" hướng dẫn chị T. thủ tục nhận thưởng như sau: Theo nguyên tắc, tiền trúng thưởng phải đóng 10% thuế thu nhập cá nhân. Vì vậy, nếu muốn nhận giải thưởng nhanh chóng, dễ dàng, không mất thời gian đi đóng thuế thì chị T. nên nộp trước 10% (23,5) triệu đồng vào tài khoản riêng của ông "giám đốc" tại Ngân hàng NN & PTNT. Cả tin, chị T. đã đem 23,5 triệu đồng nộp vào tài khoản của ông "giám đốc kho bạc". Thế nhưng nộp xong, đợi mãi mà chẳng thấy ông "giám đốc kho bạc" gọi lại để thông báo ngày, giờ, địa điểm lĩnh thưởng.

Điều đáng nói rằng, khi Cơ quan Công an các tỉnh nhận được đơn trình báo của các bị hại, sờ đến các số tài khoản từng nhận tiền của các nạn nhân thì đó là những số tài khoản giả mạo, hoặc đã ngừng hoạt động. Các đối tượng dùng CMND của người khác, thậm chí là CMND của cả người đã chết để mở tài khoản tại các Ngân hàng NN & PTNT, Ngân hàng Sacombank…Vì thế, trong một thời gian dài đã không ngăn chặn, xử lý triệt để được tình trạng này. Hậu quả là đã có hơn 400 người bị hại ở 37 tỉnh, thành trên cả nước đã bị bọn chúng lừa đảo với số tiền khủng: hơn 16 tỉ đồng.

Kẻ cầm đầu sa lưới khi vừa đánh bạc ở Campuchia về

Ngày 24/8/2011, lãnh đạo Cục C45 đã thành lập Ban chuyên án đấu tranh với ổ nhóm lừa đảo dưới hình thức báo trúng thưởng kể trên. Với tinh thần khẩn trương phá án, các trinh sát dày dạn kinh nghiệm của Phòng 4 và Phòng 9 - Cục C45 đã "dầm mưa dãi nắng" ở các địa phương từ Thừa Thiên - Huế trở vào phía Nam để thu thập tài liệu. Các trinh sát đã phát hiện có 2 số tài khoản bất minh của đối tượng lừa đảo trong đường dây mang tên Võ Thị Huệ và Mai Văn Thật, cùng trú tại Đồng Tháp.

Tuy nhiên, qua nhận diện ảnh do ngân hàng cung cấp, các trinh sát PC45 Công an tỉnh Đồng Tháp khẳng định, ảnh đối tượng Mai Văn Thật chính là Nguyễn Văn Thuận Em, chồng của Huệ. Sau này, đối tượng Thuận Em khai nhận do nhặt được CMND của Mai Văn Thật nên đã bóc ảnh ra, dán ảnh đối tượng vào để mang ra ngân hàng mở tài khoản thẻ ATM.

Tiến hành điều tra, Cơ quan Công an đã làm rõ Nguyễn Văn Thuận Em, SN 1976, trú tại Đồng Tháp chính là kẻ cầm đầu và khởi xướng trò lừa đảo này. Cách đây mấy năm, chính Thuận Em đã bị một nhóm khác lừa tiền dưới hình thức cho số lô đề. Cay cú, nhưng anh ta lại học mót cách lừa này rất nhanh. Từ năm 2008, Thuận Em đã câu kết với một số đối tượng khác, trong đó có Phan Văn Tùng, SN 1973, trú tại thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp); Nguyễn Văn Hạnh, SN 1989, trú tại Chợ Mới (An Giang); Phạm Văn Sữa, trú tại thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp); Huỳnh Văn Cao trú tại tỉnh Đồng Tháp.

Ngoài trò lừa đảo cho số lô đề, chúng còn sáng tác thêm trò lừa thông báo trúng thưởng thuê bao điện thoại. Các đối tượng sử dụng CMND mang tên người khác để lập nhiều tài khoản và phân công vai trò của từng tên diễn vai lừa đảo. Trong đó, Phan Văn Tùng ăn nói lưu loát nhất, chuyên đóng vai giám đốc kho bạc và giám đốc công ty xổ số. 

Đầu mối quan trọng của vụ án chính là Thuận Em. Theo thông tin của trinh sát, vợ chồng Thuận Em thường xuyên sang Campuchia đánh bạc. Kiên nhẫn mai phục suốt nhiều ngày, đến  ngày 7/10/2011, các trinh sát đã bắt giữ được Nguyễn Văn Thuận Em khi hắn đang trên đường từ Campuchia về Việt Nam… Ngày 14/10/2011, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Thuận Em, Nguyễn Văn Hạnh và Huỳnh Văn Cao về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tiếp đó, Cơ quan Công an đã bắt giữ Phan Văn Tùng khi y đang lẩn trốn tại Đức Hòa (Long An). Hiện Cơ quan điều tra tiếp tục ra lệnh truy nã đối với Phạm Văn Sữa.

Theo khai nhận của Nguyễn Văn Thuận Em, y đã sử dụng 4 tài khoản thẻ ATM để lừa đảo bằng thủ đoạn thông báo trúng thưởng và cho số đánh lô đề. Nguyễn Văn Hạnh là cháu gọi Thuận Em bằng cậu. Từ năm 2010 Hạnh đến nhà cậu ở và được cậu rủ rê vào con đường phạm tội. Sau này, Hạnh rất tích cực sử dụng 2 tài khoản mang tên Nguyễn Tất Thạnh và Phan Văn Long mở tại Ngân hàng Sacombank Đồng Tháp trong việc lừa đảo, thậm chí Hạnh còn một mình tự làm 7 vụ và chiếm đoạt số tiền khoảng 150 triệu đồng…

Còn bị can Phan Văn Tùng hoạt động lừa đảo từ cuối năm 2010 và chính là kẻ sử dụng tài khoản mang tên Trương Văn Được là tài khoản được số lượng bị hại chuyển vào nhiều nhất (79 người với số tiền là hơn 1 tỉ đồng). Trong đó, Tùng đã chiếm đoạt được của ông Phạm T, ở Quãng Ngãi, số tiền lớn nhất là 218 triệu đồng.

Từ việc khám phá đường dây tội phạm lừa đảo này,  Cục C45 đã chỉ đạo PC45 Công an các tỉnh, thành phố tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra khám phá có hiệu quả với loại tội phạm trên; thông báo thủ đoạn của tội phạm đến các khu vực dân cư để nhân dân biết, phòng ngừa và tham gia tố giác tội phạm. Cơ quan Công an cũng kiến nghị ngành Ngân hàng và Bưu điện cần thông báo thủ đoạn loại tội phạm này đến cán bộ, công nhân viên nhằm nâng cao cảnh giác, phát hiện tội phạm

T.Hoà
.
.