IS càng bị đánh rát, càng quyết liệt phản đòn

Thứ Năm, 13/10/2016, 14:10
Các kế hoạch về cuộc chiến sắp tới của quân đội Iraq, với sự hỗ trợ của liên minh chống Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ dẫn đầu, nhằm tái chiếm Mosul, thành lũy mạnh nhất IS chiếm đóng ở Iraq, đang dần được hé lộ.

Vòng vây quanh chiến tuyến tấn công vào những cứ địa quan trọng nhất của IS ở Syria và Iraq đang siết chặt dần. Như con thú dữ cảm nhận tấm lưới đang bủa lên đầu mình, nó càng lồng lộn đáp trả mọi mối đe dọa.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết những thỏa thuận phối hợp quân sự đã hoàn tất hôm 23-9. Ông tiết lộ "chiến dịch bao vây Mosul, bắc Iraq, sẽ bắt đầu sau ít tuần nữa" với mục tiêu giải phóng thành phố lớn thứ hai của Iraq "trong vài tháng tới".

Lực lượng vũ trang người Kurd phóng rocket về phía IS ở mạn đông nam Mosul. Ảnh: Reuters.

Khoảng 560 cố vấn quân sự Mỹ đã có mặt tại cãn cứ không quân Qayyarah để hướng dẫn và hỗ trợ kế hoạch tấn công Mosul. Các hệ thống pháo tầm xa Mỹ và Pháp cũng đã được bố trí, bao gồm những khẩu pháo di động và dàn phóng rocket có khả nãng bắn trực tiếp vào Mosul trong vòng 20 giây với độ chính xác cao.

Tại Mosul, các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng hiểu rõ rằng họ có thể sắp bị tấn công dồn dập. Nơi đây đang lan truyền nhanh chóng tin đồn về việc quân đội Iraq đang cùng các lực lượng hỗ trợ chuẩn bị phát động cuộc tấn công tái chiếm Mosul, thành trì lớn cuối cùng nhóm phiến quân còn lại ở Iraq, sớm nhất là vào cuối tháng 10 này.

Do đó, IS đang khẩn trương ngày đêm gia cố hệ thống phòng thủ cho thành phố, nơi chúng giành quyền kiểm soát cách đây hơn 2 năm. Theo thông tin từ người dân địa phương, bắt đầu từ giữa tháng 9, ngày nào họ cũng trông thấy những đoàn xe cơ giới hạng nặng cùng máy móc xây dựng hoạt động không ngừng nghỉ ở Mosul.

"Xe tải của hội đồng thành phố chở những tấm chắn bê tông đến các vùng ngoại vi. Những cần trục lớn liên tục bốc dỡ các tấm chắn này và chúng được sắp xếp tương tự như cách quân đội Iraq đã làm trước đây khi họ còn kiểm soát Mosul", một người dân địa phương giấu tên cho biết.

Một chiếc xe tải của IS bên trong thành phố Mosul.

Tại rìa phía nam thành phố, xung quanh những khu vực như Mamoun, Tal al-Rumman hay Mansour, các nhân chứng khẳng định, IS đã dựng xong bức tường bê tông cao tới 3 mét. Một số người cho hay, bức tường tương tự cũng xuất hiện ở rìa phía đông Mosul, gần các khu vực Somar, Dumez và Falastin.

Tại các khu vực Kokajli và Shamali, IS lại dựng những ngôi nhà lắp ghép nhằm ngăn chặn quân đội người Kurd thiết lập vòng vây ở đây. Những bức tường mà IS dựng lên ở Mosul bên cạnh có một chiến hào, sâu 2 mét, rộng 2 mét. Chiến hào này đã được đào xong ở vùng rìa phía đông và phía bắc Mosul.

Trước đây, IS tìm cách đào hào cách biên giới thành phố 10 km nhưng sau đó, nhóm phải dừng lại do máy bay của liên quân oanh tạc liên tục, khiến nhiều xe cơ giới bị phá hủy. Cũng giống như những bức tường chắn, các chiến hào không thể bao quanh hết toàn bộ Mosul nhưng chúng dường như có kết nối với một mạng lưới đường hầm bí mật mà IS đang xây dựng.

Mặt khác, là thành phố lớn thứ hai Iraq, chỉ sau Baghdad, với hơn 2 triệu cư dân sinh sống, Mosul quá rộng lớn nên IS không có cách nào để dựng một bức tường bao quanh nó. Đó là lý do vì sao các nhóm phiến quân chỉ xây tường chắn tại những khu vực gần các cửa ngõ đi vào thành phố và những nơi IS nghi ngờ đối phương sẽ phát động tấn công.

Lần đầu tiến vào Mosul hồi giữa năm 2014, lãnh đạo IS lớn tiếng tuyên bố sẽ tháo dỡ tất cả hàng rào bê tông mà quân đội Iraq đặt xung quanh thành phố do chúng không còn cần thiết nữa vì “dưới sự cai trị của đế chế Hồi giáo, an ninh ở Mosul sẽ được đảm bảo”.

Tình báo liên quân đưa ra nhận định, chắc chắn các đường hầm này được IS thiết kế để chuẩn bị cho trường hợp chúng buộc phải tiến hành chiến tranh du kích. Nhưng ngay cả những người dân sống ở Mosul hiện nay cũng biết rằng, bên nào kiểm soát không phận sẽ làm chủ thế trận. Hàng rào và các chiến hào không thể ngăn chặn các lực lượng vũ trang tiến vào thành phố nếu họ có sự yểm trợ của không quân. IS chỉ có thể cầm cự tối đa ở Mosul trong vài tuần hoặc vài tháng, nếu may mắn - một số chuyên gia nhận định.

Ngày 20-9, một căn cứ của quân đội Mỹ bên ngoài thị trấn Qayyarah, cách thành phố Mosul, Iraq, 40 km về phía nam, bị nã rocket. Khu vực hiện trường sau vụ tấn công có dấu vết chất độc mù tạt, Fox News dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết.

Một quan chức khác từ Lầu Năm Góc tiết lộ: các binh sĩ phát hiện một thứ "chất nhờn màu đen giống hắc-ín (nhựa đường)" dính trên vỏ đạn rơi cách căn cứ vài trăm mét. Không ai bị thương trong vụ tấn công cũng như không người nào bị ảnh hưởng bởi chất hóa học, kể cả 2 binh sĩ kiểm tra vỏ đạn. Có thể đây là lần đầu tiên một căn cứ Mỹ ở Iraq bị tấn công bằng vũ khí hóa học kể từ khi quân đội Mỹ trở lại quốc gia này hồi năm 2014. Gần 5.000 lính Mỹ đang hiện diện ở Iraq, trong đó hàng trăm người đóng quân tại căn cứ bên ngoài Qayyarah.

Và đây có thể xem là đòn đáp trả cho việc các máy bay của Mỹ phá hủy một xưởng sản xuất vũ khí hóa học của IS bên trong một tổ hợp nhà máy dược cũ, tại ngoại ô thành phố Mosul, Iraq. Tổng cộng 12 máy bay, bao gồm các loại tiêm kích F-15, F-18, F-16, cường kích A-10 và B-52 đã đồng loạt bắn phá 50 điểm khác nhau bên trong tổ hợp xưởng vũ khí, cũng là một tổng hành dinh của IS.

Thiếu tướng Jeffrey Harrigian, Tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm của Không quân Mỹ, cho biết vụ không kích đã xóa sổ toàn bộ xưởng sản xuất vũ khí hóa học, mặc dù lúc đó quân đội Mỹ chưa nắm rõ được cơ sở này sản xuất ra loại chất độc hóa học nào. Vụ không kích này được tiến hành sau khi Liên Hiệp Quốc hồi tháng 8 công bố cáo buộc IS sử dụng khí mù tạt - một loại chất độc hóa học bị cấm - trong các cuộc giao tranh ở chiến trường Syria.

Vũ khí hóa học chưa phải là loại vũ khí hiệu quả nhất của IS nhưng tác động tâm lý của nó đối với dân thường rất đáng kể. Hàng chục ngàn người dân các thành phố, làng mạc đã rời bỏ nhà cửa. Hãng thông tấn quốc gia Syria SANA vào tháng 4-2016 từng đưa tin: IS đã dùng khí độc chết người tấn công binh sĩ chính phủ tại căn cứ không quân ngoại ô thành phố miền đông Deir Ezzor.

Ngày 9-3, IS dùng khí độc tấn công vào thị trấn Taza, phía nam thành phố Kirkuk, Iraq, làm 3 trẻ em thiệt mạng và khoảng 1.500 người bị thương, từ bỏng đến phát ban, khó thở. Tháng 5, Ahmet Uzumcu, người đứng đầu Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), cho biết, có những "dấu hiệu rất đáng ngại cho thấy khí lưu huỳnh mù tạt đã được IS sử dụng trong những đợt tấn công ở Iraq và Syria. Chúng tôi không khỏi nghi ngờ là chúng có thể tự sản xuất vũ khí hóa học".

Theo ông Uzumcu, điều đó chứng tỏ IS có công nghệ, biết cách làm và cách tiếp cận nguyên liệu. Ngày 14-8, Phó Thị trưởng thành phố Mosul, thủ phủ tỉnh Nineveh, thuộc miền bắc Iraq, cho biết, các phần tử IS đã sử dụng các loại vũ khí hóa học bị cấm trong các cuộc tấn công của chúng nhằm vào dân thường tại một ngôi làng ở miền bắc nước này.

Ít nhất 17 dân thường, trong có phụ nữ và trẻ em đã gặp phải những vấn đề về đường hô hấp sau khi IS nã pháo vào làng Osija, ở vùng ngoại ô phía nam Mosul. Theo điều tra ban đầu, đạn pháo có chứa khí Clo, một chất gây nghẹt thở đã bị cấm theo Công ước về Vũ khí hóa học (CWC) năm 1997.

Theo Thời báo Moscow, việc lãnh đạo nước Nga quyết định tiến hành và không dừng các cuộc không kích ở Syria có thể làm gia tăng nguy cơ khủng bố trên đất Nga bởi hành động này làm tãng động cõ trả đũa của những kẻ ủng hộ IS có liên hệ với Nga.

Bằng chứng được dẫn ra là khi các lực lượng Nga tiến hành chiến dịch chiến đấu ở bắc Caucasus trong suốt 2 thập kỷ qua, Nga đã trở thành mục tiêu khủng bố rất nhiều lần. Thực tế thì mối đe dọa bị “trả thù” không phải là điều mới mẻ đối với nước Nga bởi ngay cả trước khi Nga bắt đầu tãng cường sự hiện diện quân sự ở Syria, IS đã liệt Nga vào danh sách kẻ thù của tổ chức cực đoan này.

Hồi tháng 9-2014, sau khi tuyên bố chiếm giữ được một máy bay MiG do Nga sản xuất tại một căn cứ quân sự ở tỉnh Raqqa của Syria, IS đã lần đầu tiên tuyên chiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong một đoạn video đăng tải trên YouTube khi đó, IS cho biết: “Đây là thông điệp gửi tới ngài Vladimir Putin. Đây là những máy bay mà ngài đã gửi tới cho Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và chúng tôi sẽ gửi lại cho ngài. Hãy nhớ lấy!”.

Ngày 8-10 vừa qua, một trực thăng vận tải Mi-8 của Nga trên đường vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo ở tỉnh Hama, Syria thì bị IS tấn công bằng tên lửa vác vai. Tình báo Nga cho biết, phiến quân IS có thể sở hữu thứ vũ khí này từ Iraq. Tờ Telegraph nhận định, nếu thông tin này là đúng thì vụ việc thể hiện sự leo thang đáng báo động trong hệ thống vũ khí của IS.

M.Q. (tổng hợp)
.
.