Interpol đưa lên mạng CSDL các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp

Thứ Tư, 16/09/2009, 16:30
Trong một nỗ lực nhằm đấu tranh hiệu quả hơn nữa chống lại tình trạng buôn bán các sản phẩm nghệ thuật bị đánh cắp trên khắp thế giới, Cơ quan Cảnh sát quốc tế Interpol vừa chính thức đưa lên mạng một cơ sở dữ liệu (CSDL) về những tác phẩm này.

CSDL mới trên có chứa thông tin của khoảng 34 nghìn các tác phẩm nghệ thuật từng bị đánh cắp trên khắp thế giới và được cập nhật liên tục. Với sáng kiến mới này, những tên trộm và buôn bán tác phẩm nghệ thuật bị ăn cắp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiêu thụ và kiếm tiền từ những hành vi phạm pháp của mình.

Nạn trộm cắp tác phẩm nghệ thuật từ lâu đã trở thành một vấn nạn có quy mô toàn cầu. Ước tính mỗi năm, tổng trị giá toàn bộ các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp trên thế giới có thể lên tới khoảng 3 tỉ USD. Thực tế cho thấy, tỉ lệ các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp có thể được điều tra và thu hồi lại thường rất thấp.

Một trong những khó khăn hàng đầu chính là việc các nước thành viên không chú trọng tới tình trạng trộm cắp và tiêu thụ trái phép tác phẩm nghệ thuật, dẫn tới khả năng thống kê và kiểm soát của Interpol gặp nhiều khó khăn. Interpol cách đây không lâu đã tổ chức một hội nghị quốc tế liên quan đến tình trạng trên. Dù là tổ chức toàn cầu với 187 thành viên, nhưng chỉ có tổng cộng 25 quốc gia cử người tham dự hội nghị.

Khi bị mất những tác phẩm nghệ thuật, nhiều quốc gia đã không buồn báo cáo cụ thể lên cho Interpol (hoặc chỉ báo một tỉ lệ rất nhỏ), khiến khả năng thu thập thông tin của tổ chức này trở nên không đầy đủ và hiệu quả. Mặt khác, bản thân các thủ tục báo cáo hay đăng ký thông tin về sản phẩm bị đánh cắp của Interpol cũng phức tạp và không linh hoạt.

Trên thực tế, nhiều quốc gia đã có những nhận thức riêng về mức độ nghiêm trọng của tình hình và đưa ra những nỗ lực cụ thể. Chẳng hạn như từ tháng 6/2009, 46 quốc gia đã ký kết một văn bản gọi là Tuyên ngôn Terezin, kêu gọi tăng cường các nỗ lực truy tìm và trả lại khoảng 650 nghìn tác phẩm nghệ thuật đã bị đánh cắp từ cộng đồng người Do Thái tại châu Âu trong thời kỳ của nạn diệt chủng người Do Thái hồi Chiến tranh thế giới thứ hai.

Nhiều nước cũng triển khai những CSDL riêng về các tác  phẩm nghệ thuật bị đánh cắp. Chẳng hạn như Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang duy trì một CSDL của khoảng 8.000 tác phẩm nghệ thuật (bị đánh cắp trong vòng 20 năm trở lại). Tại Đức cũng có một CSDL gọi là Bundes Kriminal Amt lưu danh sách khá lớn các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp trên khắp thế giới.

CSDL mới này của Interpol có thể giúp dễ dàng tìm kiếm dữ liệu về các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp từ những cơ quan có thẩm quyền của 187 quốc gia hay khu vực địa lý là thành viên. Theo Karl Hein Kind, quan chức chịu trách nhiệm công tác phối hợp tại Ban Works of Art của Interpol chuyên về các tác phẩm nghệ thuật tại Lyon (Pháp), thông tin trong CSDL này bao gồm nhiều văn bản mô tả chi tiết cũng như ảnh chụp của các tác phẩm văn hóa trên.

Cũng theo ông Kind, tất cả các quốc gia thành viên Interpol sẽ có trách nhiệm đóng góp thêm thông tin vào cơ sở thông tin chung này

Quỳnh Lai (tổng hợp)
.
.