Iran đối mặt với nhiều thách thức

Thứ Năm, 19/04/2018, 16:46
Bên cạnh việc xây dựng được ảnh hưởng vững chắc và giành được nhiều thành công về quân sự, ngoại giao, các cuộc biểu tình và phản kháng trong xã hội đã làm cho chính quyền cũng như giới giáo sĩ lãnh đạo của Iran lúng túng. Iran hiện có được sức mạnh của họ, nhưng không thể tránh khỏi nhiều hạn chế.

Ngày 11-2, cũng giống như mọi năm, nhân kỷ niệm sự kiện Cách mạng Hồi giáo năm 1979 thành công, Tổng thống Hassan Rouhani đã có bài phát biểu đề cao những thành tựu của đất nước, nhất là về đối ngoại. Sự thành công trong cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến đã góp phần đưa Iran trở lại chính trường quốc tế mà trước đó họ đã giành chiến thắng ngoại giao vào ngày 14-7-2015, khi ký kết với 6 cường quốc thỏa thuận về điện hạt nhân cho phép Tehran thoát khỏi sự cô lập về ngoại giao và thương mại.

Trên thực tế, Iran không được hưởng lợi gì từ những chiến thắng này. Iran bị cáo buộc là có những tham vọng bá chủ, trong khi Chính phủ Mỹ của Tổng thống Donald Trump đã cản trở sự phục hồi kinh tế đang rất được mong đợi của Tehran bằng việc từ chối dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Iran. Rõ ràng, sau gần 4 thập niên bị cô lập, ngăn chặn, cấm vận quốc tế và đe dọa chiến tranh, còn lâu Iran mới được công nhận là một cường quốc khu vực “bình thường”. Iran đã quen với sự tồn tại biệt lập, “chống lại sự xâm lăng của nước ngoài” và tách khỏi tiến trình toàn cầu hóa.

Yếu tố chính cản trở chính sách mở cửa của Iran vẫn là thứ chủ nghĩa quốc gia quen thuộc coi trọng sự “tử vì đạo” và thu mình hơn là một chiến thắng đòi hỏi Iran tiếp xúc với các thế giới khác. Nhưng nỗi lo sợ về sự hỗn loạn và chiến tranh tàn phá các nước láng giềng, cũng như ký ức về những hệ lụy đau thương của cuộc cách mạng, đã thúc đẩy mong muốn về một sự ổn định chế độ.

Kể từ khi đắc cử tổng thống năm 2013, ông Hassan Rouhani, một người theo đường lối ôn hòa, đã duy trì môi trường bầu cử mang tính thực tế và mang lại ưu thế cho các giáo sĩ Hồi giáo. Nếu nhìn từ bề nổi, Iran chưa bao giờ vững mạnh như hiện nay. Ngoài các thành công ở nước ngoài, chế độ lãnh đạo có nền tảng rất vững chắc trong nước.

Nhưng sự yên tâm của các nhà lãnh đạo Iran đã bị lung lay trong mấy tháng gần đây do các sự kiện ngoài dự đoán. Đầu tiên là làn sóng biểu tình chưa từng có làm rúng động đất nước trong vài tuần từ cuối tháng 12-2017 tới đầu tháng 1-2018. Khởi đầu từ Mashhad, thành phố lớn thứ hai của Iran, phong trào biểu tình đã nhanh chóng lan rộng ra khắp đất nước.

Bắt nguồn từ những lý do kinh tế và không có yêu cầu cụ thể, ngọn lửa phản kháng đã không tập hợp đông đảo quần chúng nhưng khiến cho nhà chức trách sửng sốt. Internet bị chặn, mạng xã hội và ứng dụng tin nhắn mã hóa mà người biểu tình sử dụng như Telegram hay mạng riêng ảo (VPN) bị phong tỏa, trong khi lực lượng an ninh trần áp các cuộc biểu tình. Khoảng 20 người đã thiệt mạng và hàng chục nghìn người bị bắt giữ.

Theo tướng Ali Jafari, tư lệnh Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo, phong trào biểu tình đã huy động được vài chục nghìn ngưòi tham gia. Một doanh nhân Iran nhận định: “Sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với người biểu tình đã giáng một đòn mạnh vào phong trào phản kháng, vì tính cách của ông gây khó chịu ngay cả cho những người chống chế độ quyết liệt nhất”.

Phụ nữ Iran và những tấm khăn trùm đầu đặc trưng của Hồi giáo.

Tuy vậy, với chế độ Iran thì đây là lời cảnh báo mạnh mẽ. Doanh nhân này tiếp tục: “Với họ đó là một trận động đất: Phong trào đã bắt nguồn từ các thành phố có thái độ rất bảo thủ, như Mashhad, Qom hay Isfahan, vốn thường ủng hộ chế độ, hơn nữa sự ủng hộ này càng lớn trong các tầng lớp bình dân.

Tuy nhiên, cũng không nên có những nhận định thái quá: chính quyền đã cho thấy họ biết cách duy trì sự kiểm soát và không ngần ngại sử dụng sức mạnh nếu cần thiết. Nhưng các cuộc biểu tình cũng đã cho thấy những yếu kém đáng kể và ngày càng lớn về cơ cấu của chế độ, trong đó điểm yếu lớn nhất là cơ chế.

Gần như ngay sau đó lại xuất hiện một hình thức phản kháng khác ngay tại trung tâm Tehran, khi những người phụ nữ thách thức luật bắt buộc mang khăn trùm đầu. Phong trào này đã bắt nguồn từ ngày 27-12-2017 khi Vida Movahed, một phụ nữ trẻ độ 30 tuổi, leo lên một hộp điện giữa đại lộ trung tâm Enghelab (đại lộ Cách mạng), bỏ khăn trùm và buộc lên một cây gậy phất cao trong gió.

Việc cô bị bắt và tạm giữ đã không thể ngăn cản những người khác lặp lại hành động đó, và từ đó đến nay đã có tới hơn 30 lần phụ nữ trèo lên hộp điện đường phố cởi bỏ khăn trùm đầu. Ở đất nước có 80 triệu dân, hành động như vậy còn rất ít ỏi, nhưng chính quyền thì hết sức lo ngại. Nhà chức trách đã thay nóc tủ điện bằng kiểu mái nghiêng để tránh biến chúng thành nơi tụ họp.

Luật mang khăn trùm đầu, một trong những đạo luật biểu tượng của Cách mạng Hồi giáo, không bị đa số phụ nữ Iran phản đối, nhưng sự ủng hộ dành cho luật này cũng đã giảm bớt.

Giống như nhiều khía cạnh của xã hội Iran, vấn đề khăn trùm là một trong những hiện tượng phức tạp. Ở phía nam Tehran và các khu phố nghèo, khăn trùm đen (chador) che kín cơ thể phụ nữ vẫn là quy định rất chặt chẽ. Ở phía bắc, phụ nữ khá giả thay nó băng khăn choàng và áo khoác ngắn. Việc mang loại trang phục này là thước đo cho mối quan hệ giữa người dân Iran và chính phủ.

Từ cuối năm 2017, cảnh sát Tehran  không còn coi việc không mang khăn choàng là một tội và những người vi phạm không còn bị phạt tiền hay buộc phải chấp hành nữa.

Một trong những trở ngại cho sự mở cửa kinh tế của Iran là Mỹ. Tất nhiên, ông Donald Trump đã không chính thức hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Thậm chí, vào trung tuần tháng 1-2018, ông đã tiếp tục gia hạn nhưng cũng tuyên bố rằng, đây sẽ là lần cuối cùng.

Đặc biệt, Quốc hội Mỹ đã duy trì và tăng cường các biện pháp trừng phạt khác - cho dù không được Liên Hiệp Quốc hay Liên minh châu Âu thừa nhận - viện cớ Iran vi phạm nhân quyền và nuôi dưỡng “chủ nghĩa khủng bố”. Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế khi ngăn cấm các doanh nghiệp châu Âu đầu tư hoặc buôn bán với Iran.

Như vậy, Mỹ cũng đã kìm hãm Iran phát triển thực sự các mối quan hệ thương mại với phương Tây, kích thích thêm sự nôn nóng của người dân Iran vì các biện pháp trừng phạt của Washington chủ yếu được hiểu là do Iran hỗ trợ Hezbolalh và thù địch với Israel nên có nhiều người cho rằng, nên chuyển chính sách dựa vào cộng đồng người Shiite xuống hàng thứ yếu. Tuy nhiên, không có một lực lượng hay nhà lãnh đạo nào có thể thực hiện một sự thay đổi như vậy.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.