Iran trước vấn nạn ma túy

Thứ Năm, 07/06/2007, 09:42

Sự lạm dụng ma túy đang là vấn đề nhức nhối mà Iran phải đối mặt, không khác gì Mỹ và phương Tây.

Trong một tòa nhà gạch màu vàng ở khu trung tâm thủ đô Tehran, một tổ chức phi chính phủ của Iran đang giúp đỡ dân nghiện ma túy cắt cơn, chiến đấu với thứ chất độc đã làm tan nát biết bao gia đình và hủy diệt cuộc sống của hàng ngàn người dân nước này.

Nữ y tá Mariam Zahab, người phụ trách chuẩn bị những gói nhỏ bột trắng methadone cung cấp cho những con nghiện chờ chất thay thế hêrôin hay thuốc phiện trong bệnh viện do Hội Aftab (Ánh nắng) quản lý, nói: “Chúng tôi rất bận rộn. Đây là vấn đề lớn và nó đang tăng lên”.

Iran chia sẻ đường biên giới dài 900 km với Afghanistan là quốc gia sản xuất cây thuốc phiện, thành phần chính làm ra hêrôin, số 1 thế giới. Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, sản lượng thuốc phiện của Iran tăng 50% trong năm ngoái để cung cấp cho hơn 90% lượng hêrôin toàn cầu. Một bệnh nhân của Aftab cho biết hiện nay tìm được ma túy ở Tehran còn dễ hơn rượu (bị cấm ở nước này). Vahid, 35 tuổi, nói: “Tôi sử dụng ma túy đã 18 năm nay - gai dầu, thuốc phiện hay hêrôin. Nó rất rẻ tiền”.

Quan chức chống ma túy của Liên Hiệp Quốc ở Tehran nói, khoảng 1,2 đến 2 triệu người trong số dân 70 triệu của Iran lạm dụng ma túy. Roberto Arbitrio, đại diện Cơ quan Về ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) ở Iran, nói: “Iran đang chịu sức ép đang tăng từ phía tội phạm buôn lậu ma túy”. Hàng ngàn cảnh sát Iran đã bị giết chết trong những cuộc chạm trán với bọn buôn lậu ma túy vũ trang vũ khí nặng từ cuộc cách mạng Iran năm 1979, nhưng hêrôin và thuốc phiện vẫn cứ phát triển suốt đường biên giới phía đông.

Theo các chuyên gia, thất nghiệp và tình hình kinh tế nghèo nàn là những yếu tố khiến một bộ phận thanh niên ngày càng nhiều lao vào sử dụng ma túy. Parviz Maleki, người đứng đầu Aftab, cho biết điều này vô cùng nguy hiểm.

Iran đã quyết định củng cố biên giới với AfghanistanPakistan bằng việc xây dựng đường đê bằng đá và đất, đào những đường hào sâu để ngăn chặn các băng nhóm tội phạm xâm nhập lãnh thổ.

Những con nghiện ma túy không chịu tự nguyện điều trị cai nghiện sẽ bắt đưa vào các trại ở Tehran và những nơi khác. Arbitrio cho biết, Iran đang tiến hành những nỗ lực bài trừ ma túy và đã phát triển được một số chiến lược phòng ngừa cũng như điều trị có hiệu quả.

Thành lập năm 1998, Aftab là tổ chức phi chính phủ đầu tiên mở cửa điều trị cai nghiện ma túy sau cách mạng cách đây 28 năm. Aftab có nhiều chi nhánh khắp Iran, với lực lượng tình nguyện phục vụ bao gồm bác sĩ và chuyên gia tâm lý. Aftab nhận tài trợ từ các tổ chức từ thiện thuộc quyền quản lý của Chính phủ Iran.

Tuy nhiên, số bệnh nhân đến Aftab điều trị cai nghiện - trên 900 trong năm ngoái - chỉ là phần nhỏ trong số người nghiện ngập. “Chúng tôi đạt được nhiều thành công, song vẫn chưa đủ”, bác sĩ Maleki nói.

Hamid, 29 tuổi, em trai của Vahid, cho biết bạn của cha anh lôi kéo anh sử dụng ma túy lần đầu tiên vào đầu thập niên 90. Anh nói: “Lúc đó tôi mới 14 tuổi. Tôi lấy tiền túi ra mua thuốc phiện, tiêu hết 70.000 rial  (khoảng 8 USD) một tuần”. Mặc dù hai anh em Hamid và Vahid đã điều trị, nhưng không thành công. Vahid nói: “Khó mà ngưng sử dụng ma túy và mỗi ngày là một cuộc đấu tranh”.

Bác sĩ Mohammad Ali Shahraki cho biết, phần đông bệnh nhân của ông ở Aftab nằm trong khoảng từ 15 đến 25 tuổi, nhiều người trong số đó sử dụng các loại ma túy tương đối mới ở Iran, như crack và ecstasy.

Bác sĩ nói: “Sự nhục nhã và cảm giác tội lỗi khiến cho sự nghiện ngập trở nên phức tạp và khó đấu tranh. Chúng tôi không thể giải quyết được vấn đề này. Mục tiêu của chúng tôi là giảm bớt tổn hại và ngăn ngừa các hiệu quả phụ như là HIV”

Trần Thanh Phong (Theo ABC)
.
.