Iraq: Màn diệt chủng mới của phiến quân Hồi giáo

Thứ Hai, 25/08/2014, 18:05

Hai năm rưỡi sau khi rút quân khỏi Iraq, Mỹ một lần nữa phải trở lại chiến trường này để ngăn chặn đà tiến quân của nhà nước Hồi giáo tự phong mà quân đội chính phủ Iraq có vẻ đuối sức trong việc đương đầu với lực lượng này.

Tổng thống Barack Obama đã vượt khỏi sự thận trọng quen thuộc để can thiệp vào Iraq, tại tỉnh Kurdistan, nơi mà quân chính phủ Iraq đang chật vật chặn đứng đà tiến quân của phe thánh chiến và hàng ngàn người phải trốn chạy khỏi các thành phố và làng mạc.

Trước đây, Tổng thống Obama đã từng chỉ trích mạnh mẽ sự can thiệp của cựu Tổng thống George Bush vào Iraq, giờ đây ông đã phải bật đèn xanh vì lo ngại tình hình tại Iraq và nhắc đến "sự tiêu diệt có hệ thống như là diệt chủng" đối với sắc tộc Yeridi đang bị phiến quân Hồi giáo sát hại.

Sứ mệnh đầu tiên của quân đội Mỹ là cung cấp nước uống và thực phẩm cho người dân đang trốn tránh trên vùng núi. Ngày 8/8 vừa qua không quân Mỹ đã oanh kích các vị trí pháo binh của phe thánh chiến dùng để tấn công lực lượng của người Kurd đang phòng thủ Erbil, thủ phủ Kurdistan và các thành phố chiến lược. Tổng thống Obama cảnh báo phe thánh chiến: Họ sẽ bị oanh kích nếu cố tiến vào Erbil.

Tạm thời mục tiêu chính của không quân Mỹ là bảo vệ các nhân viên Mỹ và thường dân Iraq đang gặp nguy hiểm trong vùng Kurdistan. Tổng thống Obama nói rõ rằng mục đích không phải là tiêu diệt phong trào Nhà nước Hồi giáo Iraq, một mạng lưới còn đáng sợ hơn cả Al-Qaeda.

"Mỹ không thể để cho phiến quân Hồi giáo có một nơi trú ẩn thường trực mà từ đó chúng có thể tấn công nước Mỹ" - Tổng thống Obama tuyên bố.

Giới quân sự Iraq cho biết các tướng lĩnh người Kurd và những chuyên gia quân sự đang cùng nhau nghiên cứu để xác định các mục tiêu cho Mỹ oanh kích trong vùng Sinjar cũng như những chiến dịch sắp tới tại nhiều thành phố do phiến quân Hồi giáo kiểm soát.

Máy bay Mỹ cất cánh từ hàng không mẫu hạm USS George Bush.

Năm 2009, Tổng thống Obama đã hứa rằng sẽ tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq cho dù quân đội Mỹ đã rút hết. "Nếu Al-Qaeda thành lập căn cứ tại Iraq, lúc ấy chúng ta phải hành động để bảo vệ đất nước và quyền lợi của Mỹ tại nước ngoài". Giờ đây Mỹ đang đối mặt với thực trạng này. Washington đang theo dõi chặt chẽ tình hình trên thực địa.

Là đồng minh chính của Iraq trong lĩnh vực an ninh quốc phòng và từ năm 2005, Mỹ đã viện trợ cho nước này hơn 14 tỉ USD về khí tài, đến cuối năm 2013, Mỹ quyết định tăng cường trang bị tên lửa và máy bay phòng không không người lái cung cấp cho Iraq. Từ đầu năm nay, Chính phủ Mỹ đã cung cấp 780 tên lửa chống tăng Hellfire và đến tháng 8 sẽ có thêm 366 tên lửa nữa. Giờ đây, Mỹ dự tính sẽ bán 5.000 tên lửa Hellfire cho Iraq với giá 700 triệu USD nhằm giúp chính phủ đối phó với phiến quân Sunni.

Nhưng thương vụ này cần phải có sự phê chuẩn của Thượng viện. Nếu được thực hiện, đây sẽ là số lượng tên lửa Hellfire lớn nhất mà Washington cung cấp cho Iraq. Tại Iraq có hàng trăm cố vấn Mỹ bên cạnh các bộ trưởng và những căn cứ Mỹ có thể sử dụng nguồn hậu cần để giúp quân đội Iraq. Bù lại, Thượng viện Mỹ không đồng ý bán máy bay F-16 và trực thăng Apache cho Iraq vì sợ Chính phủ Iraq sẽ dùng chúng để chống lại phe đối lập trong nước, đặc biệt là cộng đồng Sunni, hoặc tệ hơn nữa là để lọt vào tay bọn khủng bố.

Tuy nhiên, hiện giờ Nhà Trắng rất bận rộn trong việc rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm nay và công chúng không muốn Mỹ tái dấn thân vào Iraq. Đa số người dân Mỹ cho rằng cuộc chiến Iraq không đáng phải bỏ công. Tổng thống Mỹ  cũng khẳng định Pháp và Anh sẽ hỗ trợ cho nỗ lực nhân đạo tại miền Bắc Iraq.

Ngày 10-8, Ngoại trưởng Pháp Lauren Fabius tuyên bố Pháp sẽ trợ giúp nhân đạo tại Iraq nhưng không dự tính sẽ can thiệp bằng quân sự chống lại phiến quân Hồi giáo. "Chính người Iraq phải chiến đấu trong cuộc chiến đó. Sự hỗ trợ của chúng ta là nhân đạo" - ông cho biết sẽ đến Iraq trong một ngày gần đây để giám sát việc cung cấp hàng viện trợ nhân đạo cho dân thường đang trốn chạy phe thánh chiến.

Các chiến binh Kurd đã chiếm lại 2 thành phố Makhmour và Gwer ở phía bắc lần đầu tiên kể từ khi Mỹ mở chiến dịch oanh kích. Quân đội Mỹ đã tiếp tục oanh kích phiến quân bằng máy bay và máy bay không người lái để bảo vệ người Kurd tại Erbil, nơi có nhiều nhân viên và kiều dân Mỹ đang trú ngụ. Nhiều xe tải vũ trang và một vị trí súng cối đã bị phá hủy.

Từ cuối tháng 7, phe Hồi giáo thánh chiến đã tiến về phía Kurdistan, chiếm giữ nhiều vị trí cách Erbil 40km nhưng chưa vượt qua biên giới khu tự trị đó. Đà tiến quân của chúng đã đẩy hàng chục ngàn người, đặc biệt là người Thiên Chúa giáo và sắc tộc thiểu số Yazidi, trốn chạy lên vùng núi Sinjar dưới cái nóng cháy da và rất ít thực phẩm, nước uống. Không quân Mỹ đã oanh kích 4 lần để bảo vệ dân thường Yazidi, nạn nhân của những vụ tấn công mù quáng của phiến quân Hồi giáo.

Song song đó, ngày 10/8, Mỹ cũng đã thả nhiều thùng hàng tương đương với 52.000 suất  đồ ăn, nước uống sau các phi vụ tương tự vào những ngày trước đó để trợ giúp cho dân thường trên núi Sinjar. Một dân biểu Yazidi là Vian Dakhil cho biết, có khoảng 20.000 đến 30.000 người đang ở tại Kurdistan, còn vài ngàn người khác vẫn còn kẹt trên vùng núi. Ngoài người Yazidi, gần 100.000 người Thiên Chúa giáo cũng bị đuổi khỏi các vùng đồng bằng ở tỉnh Ninive, phía tây Mossoul.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng kêu gọi nên "tuân thủ lịch trình hiến định để bổ nhiệm Thủ tướng Iraq và thành lập một chính phủ mở rộng gồm đủ mọi sắc tộc trong xã hội". Thủ tướng Nouri Al-Maliki được bầu lên vào tháng 4 nhưng đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì tính chuyên chế và quyết định đưa ra ngoài lề sắc tộc Sunni. Hơn 3 tháng sau cuộc bầu cử, Iraq vẫn chưa có một chính phủ mới

Minh Luân (tổng hợp)
.
.