Israel: Khủng bố gia tăng trong tháng chay Ramadan?

Thứ Hai, 13/06/2016, 10:35
Vào buổi tối 10-6, 2 tay súng bất thần xuất hiện rồi vung súng bắn loạn xạ vào một khu vực ăn uống, giải trí gần một khu chợ ngoài trời nổi tiếng tại thủ đô Tel Aviv, Israel, giết chết 4 người Israel và làm bị thương 9 người khác. Đây là một trong những vụ tấn công gây chết người nhiều nhất tại Israel trong làn sóng bạo động đã kéo dài suốt 8 tháng qua.

Được biết, chợ trời Sarona là một địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút rất nhiều người địa phương và khách nước ngoài, với các cửa hàng và quán ăn luôn nhộn nhịp. Khu chợ nằm đối diện với nhiều văn phòng quân đội Israel, nên nhiều quân nhân trẻ thường đến đây ăn uống, thư dãn.

“Hai tên khủng bố bắn bừa bãi vào mọi người, bất kể đó là thường dân hay quân nhân”, chỉ huy cảnh sát Tel Aviv, ông Moshe Edri nói, và cho biết thêm rằng 1 trong 2 kẻ tấn công bị bắt giữ hiện đang được chữa thương do đạn bắn.

4 công dân Israel đã được đưa vào Bệnh viện Ichilov tại Tel Aviv trong tình trạng nguy kịch nhưng sau đó họ đã qua đời. Thủ Tướng Benjamin Netanyahu tức tốc triệu tập cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng và nhiều viên chức an ninh cao cấp ngay sau vụ tấn công. Cảnh sát nói rằng, 2 tay súng là thành viên trong cùng một gia đình, đến từ làng Yatta ở Pakistan, gần thị trấn Hebron ở Bờ Tây, nơi đang chìm vào bạo động trong những tháng gần đây.

Trong vòng 8 tháng qua, người Palestine đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công nhắm vào thường dân và lực lượng quân sự Israel, chủ yếu bằng cách đâm chém, nổ súng và lao xe vào đám đông. Các cuộc tấn công đã giết chết 32 người Israel và 2 người Mĩ. Khoảng 200 người Palestine cũng đã bị hạ sát trong thời gian này, hầu hết đều bị Israel xác định là những kẻ tấn công.

Nhóm Hamas tuy không lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ khủng bố này nhưng họ lại tỏ ra phấn khích. Một chỉ huy cấp cao của Hamas gọi vụ tấn công là “hành động anh hùng” và nói những người dân “vùng Zion” (tức người Israel) sẽ còn nhận được “nhiều điều ngạc nhiên nữa” trong tháng chay Ramadan của người Hồi giáo.

Tháng 10-2015, đất nước Israel chấn động bởi 4 vụ tấn công khủng bố xảy ra vào sáng ngày 13-10 ở Jerusalem và Raanana. Có 2 người bị chết và 30 người bị thương. Vụ tấn công nghiêm trọng hơn xảy ra ở khu vực Armon HaNatziv thuộc Jerusalem khi 2 kẻ khủng bố bắt dừng một chiếc xe buýt và một tên nổ súng vào các hành khách, trong khi tên còn lại vung dao đâm loạn xạ. Hai tên này đã bị cảnh sát Israel bắn chết ngay tại hiện trường.

Theo nhật báo Haaretz, ít nhất 16 người bị thương và 8 người khác lâm vào tình trạng nguy kịch. Vụ tấn công thứ 4 xảy ra cũng tại Jerusalem, ít nhất 5 người Israel bị thương, khi một kẻ tấn công lái xe đâm vào trạm xe buýt. Kẻ tình nghi đã bỏ lại xe và dùng dao đâm người qua đường.

Nhân viên an ninh Israel kiểm tra tại hiện trường vụ nổ súng tối 10-6.

Mọi ánh mắt nghi ngờ và sự căm phẫn đang đổ dồn vào tổ chức Hamas, trên hết là thái độ kinh ngạc vì mới cách đây hơn 1 tháng, Israel, Hamas và Ai Cập đã cùng nhau thống nhất thành lập liên minh để chống tổ chức IS trên bán đảo Sinai, báo The Washington Post đưa tin hôm 1-5. Chi nhánh IS tại khu vực này, gọi là Wilayat Sinai, gần đây được trang bị thêm vũ khí và đang âm mưu thực hiện các cuộc tấn công tinh vi hơn.

Người ta biết tới Wilayat Sinai khi nhánh này nhận trách nhiệm vụ đánh bom máy bay Nga hồi tháng 10-2015 giết chết 224 người trên khi nó bay qua bán đảo Sinai. Ngoài ra, chúng còn thực hiện các vụ tấn công binh lính Ai Cập, bắn phá tiền đồn quân sự và đặt bom ở các vùng phụ cận.

Giữa tháng 5, Hamas còn triển khai hơn 300 tay súng dọc biên giới giữa Gaza và miền Bắc Sinai như một biện pháp phòng ngừa để cùng với Ai Cập ngăn chặn IS bành trướng ở ven biển. Hamas cũng lần đầu tiên thiết lập các trạm kiểm soát quân sự và tuần tra dọc biên giới giáp kẻ thù Israel.

Ngày 14-12-1987, chỉ ít ngày sau khi cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel (còn được gọi là phong trào Intifada lần thứ nhất) bùng nổ, Phong trào Vũ trang Hamas do những người Hồi giáo dòng Sunni đã được thành lập với mục tiêu dài hạn là thành lập một nhà nước Hồi giáo của người Palestine trên vùng lãnh thổ được hoạch định trước năm 1948.

Khẩu hiệu của Hamas: “Allah là mục tiêu, Nhà tiên tri Muhammad là hình mẫu, Kinh Koran là hiến pháp, Thánh chiến là con đường duy nhất và được chết vì Allah là sự thể hiện lòng trung thành”. Vì những lý do đó, Hamas khước từ mọi giải pháp hòa bình, không công nhận nhà nước Israel. Và để thành lập một nhà nước Palestine Hồi giáo, đối với họ, không có con đường nào khác ngoài việc tiến hành cuộc thánh chiến.

Tuy người ta biết đến Hamas nhiều hơn với vai trò là một phong trào quân sự nhưng trên thực tế, các hoạt động của họ trong lĩnh vực xã hội cũng khá rộng rãi. Trong khi các phong trào Hồi giáo vũ trang khác như Jihad, lữ đoàn tử vì đạo Al-Aqsa ít phát triển, thì Hamas ngày càng lớn mạnh và giành được sự ủng hộ nhờ các chương trình phúc lợi xã hội lớn.

Hamas mở các trường dạy cho trẻ em Hồi giáo, mở bệnh viện và trang trải cuộc sống cho gia đình các phần tử vũ trang nhờ vào tiền quyên góp của các nhà hảo tâm người Palestine lưu vong.

Trong những tháng gần đây, Israel thắt chặt an ninh và xây hàng rào dọc biên giới Israel - Ai Cập vì có thông tin các nhóm Hồi giáo cực đoan âm mưu tấn công Israel ở miền nam. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoan nghênh hành động phối hợp an ninh giữa Ai Cập và Israel, ông cho rằng nếu không có sự liên kết này, hàng ngàn tay súng IS sẽ tràn sang từ bán đảo Sinai.

Tuy hợp tác nhưng Israel và Ai Cập vẫn cảnh giác với quan hệ giữa Hamas và các nhóm chiến binh Sinai, nghi ngờ họ sử dụng đường hầm buôn lậu để cho các tay súng từ Sinai trú ẩn tại Dải Gaza.

Một quan chức Israel tiết lộ: Hamas thường xuyên nhập lậu vũ khí từ các nhóm chiến binh Sinai tới Dải Gaza, trong đó có một số nhóm liên kết với IS. Tuy nhiên, phong trào vũ trang Palestine bác bỏ quan hệ với các nhóm khủng bố, đặc biệt là IS.

M.Q. (tổng hợp)
.
.