Israel âm thầm can dự vào Syria

Thứ Tư, 20/03/2013, 19:55

Giới truyền thông cho đến nay vẫn không có thông tin chính xác về sự kiện xảy ra lúc bình minh ngày 30/1/2013, không quân Israel đã oanh kích một mục tiêu nằm trong lãnh thổ Syria gần Damascus. Nhưng vì sao không quân Israel thâm nhập vào không phận Syria mà không gặp phải sự phòng vệ nào? Đó là nhờ Israel đã làm chủ được mạng lưới tình báo, theo dõi và thám sát.

Nên nhắc lại rằng một cuộc tấn công kiểu đó đã từng diễn ra tại Syria trong đêm ngày 5 rạng sáng 6/9/2007 (chiến dịch "Orchard") tại mục tiêu Al-Kibar gần Deir Ezzor, nơi bị nghi ngờ là có một lò phản ứng hạt nhân do Triều Tiên lắp đặt. Vẫn còn nhiều mối nghi ngờ về mục tiêu đích thực của cuộc oanh kích ngày 30/1 vừa qua và một cuộc tấn công khác được ghi nhận trước đó ít lâu tại biên giới Syria - Liban.

Địa điểm của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Syria tại Jamraya ở phía tây bắc Damascus có khả năng là mục tiêu chính của cuộc oanh kích. Đó là một trung tâm nghiên cứu và phát triển, chế tạo và tồn trữ các hóa chất nằm trong thành phần của những loại khí độc. Tất nhiên nơi đó đã được giới chuyên gia phương Tây biết đến từ lâu, và nhất là phía Israel.

Thế nhưng vì sao lại tấn công vào lúc này chứ không phải là sớm hơn? Bởi vì cơ quan tình báo Israel biết rằng, có một đoàn xe đang chở vật liệu nhạy cảm. Và chính đoàn xe đó đã bị nhắm đến chứ không phải là trung tâm, theo nguồn tin của Damascus. Phá hủy hoặc làm hư hại những kho hóa chất sẽ quá nguy hiểm và không hợp ý với cộng đồng quốc tế. Có lẽ đoàn xe đó chở vật liệu cho Hezbollah ở Liban vì nhóm "Đảng của Thượng đế" đã giúp đỡ rất nhiều cho chính quyền Syria chống lại phe nổi dậy và luôn được đáp ứng trước mọi yêu cầu. 

Một mục tiêu khác được giới truyền thông Arập và Liban nói đến là một đoàn xe ở biên giới Syria - Liban. Với giả thuyết này, đây là một mục tiêu "truyền thống" hơn. Đó là đoàn xe chở các giàn tên lửa đất đối không SA-17, một hệ thống phòng không di động của Nga rất hữu hiệu, khó định vị và phá hủy. Chúng chủ yếu được sử dụng để các đơn vị mặt đất và những địa điểm trọng yếu phòng thủ tầm trung.

Ngoài mục đích bắn hạ phi cơ, SA-17 còn có khả năng chống tên lửa đạn đạo. Hơn nữa nó có thể được cải tạo để bắn hạ tàu chiến và thiết giáp. Nếu lọt vào tay Hezbollah, đó sẽ là một thứ vũ khí đa năng đáng gờm trong trường hợp có xung đột với Israel.

Giàn tên lửa SA – 17 do Nga sản xuất.

Hiếm có một sự vận chuyển vũ khí "mờ ám" nào tránh được tai mắt của Israel. Ngoài một mạng lưới tình báo con người tuyệt vời, Israel còn có các vệ tinh gián điệp có thể phát hiện và định vị những căn cứ hay kho vũ khí bí mật của Hezbollah tại Syria. Các máy bay do thám không người lái (drone) do Pháp sản xuất liên tục theo dõi những đoàn xe bị nghi ngờ chở vũ khí sang Liban, chính xác hơn là đến các kho ngầm trong thung lũng Bekaa. Từ những căn cứ trên lãnh thổ Syria, Hezbollah được Bashar Al-Assad cho phép hoạt động tự do. Các nhóm người Shiite thường vận chuyển vũ khí khi thời tiết xấu vì những vệ tinh và drone của Israel lúc ấy như mù.

Tuy nhiên họ đã không tính đến các vệ tinh radar. Bởi vì từ năm 1988, Israel đã xếp Syria vào hàng ngũ những quốc gia có khả năng thiết kế, sản xuất, phóng và điều hành hoạt động của các vệ tinh. Hiện nay có rất nhiều vệ tinh đang quay quanh trái đất: 3 vệ tinh quân sự thám sát quang học và quang học điện tử Ofek, 2 vệ tinh viễn thông Amos và 1 vệ tinh radar Ofek-8. Các vệ tinh do thám đó nằm ở quỹ đạo thấp và có chu kỳ quay ngắn (quay quanh Trái đất nhiều lần trong 24 giờ). Chúng rất tối tân, cung cấp hình ảnh và thông tin rất quý báu về những quốc gia lân cận. Mỗi năm Israel đổ vào chương trình này hàng trăm triệu đôla để không nhờ vả ai trong việc “đánh giá tình hình an ninh quốc gia”.

Cuộc oanh kích ngày 30/1 vừa qua mang thông điệp rất rõ ràng: chứng tỏ một lần nữa với Chính phủ Syria rằng Israel luôn để mắt đến mọi động thái trong nước này; kế đến là khẳng định tính hiệu quả của hệ thống vũ khí và chiến thuật, và cuối cùng là chuyển đến Tổng thống Bashar Al-Assad lời cảnh cáo cuối cùng. Tuy nhiên như thường lệ, Israel không công khai thừa nhận vụ oanh kích đó nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak cũng không che giấu điều hiển nhiên: "…Tôi không ngừng nhắc lại lập trường của chúng tôi và đây là bằng chứng cho thấy chúng tôi không nói suông. Chúng tôi nói rằng sẽ không thể chấp nhận việc vận chuyển vũ khí hiện đại sang Liban".

Có lẽ ông ta vẫn còn nhớ đến các thiệt hại gây ra bởi tên lửa Kornet-E do Nga sản xuất và Syria đã cung cấp cho Hezbollah mà vào năm 2006 đã triệt hạ 52 chiếc thiết giáp Merkava của Israel. Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Amos Yadlin vẫn nuôi dự tính sẽ tiếp tục tấn công Syria "nếu nước này còn vận chuyển vũ khí cho Hezbollah".

Vào khoảng giữa tháng 1/2013, Giám đốc Tình báo quân đội Aviv Kochavi và Cố vấn An ninh quốc phòng Yaakov Amidror của Israel đã diện kiến Tổng thống Mỹ Barak Obama để báo trước rằng, Israel sẽ không khoanh tay đứng nhìn Tổng thống Bashar Al-Assad chuyển giao vũ khí (quy ước hay không) cho Hezbollah!

Nhưng vì sao không quân Israel thâm nhập vào không phận Syria mà không gặp phải sự phòng vệ nào? Đó là nhờ Israel đã làm chủ được mạng lưới tình báo, theo dõi và thám sát (TTT). Nhờ các kỹ thuật hiện đại và tình báo con người, giới chức quân sự Israel nắm rõ khả năng quân sự, vị trí các điểm chiến lược hay vũ khí hủy diệt hàng loạt, cơ cấu hạ tầng và chỉ huy của đối phương. Đồng thời họ cũng đi trước các kế hoạch và ý đồ của những chính phủ cần theo dõi cũng như động thái của các nhóm bị xem là khủng bố.

Việc làm chủ được hoạt động TTT là chủ yếu cung cấp thông tin đến với giới chức cao cấp quốc gia, chẳng hạn như để hoạch định và chỉ huy các chiến dịch quân sự, nhất là đối với những phi vụ tấn công chính xác như đã nói trên. Tất nhiên kỹ thuật cao là cần thiết nhưng chưa đủ, còn phải nhờ đến sự phối hợp tốt của mọi cơ quan an ninh, tức là quyết định của Ủy ban An ninh liên bộ với sự có mặt của các giám đốc tình báo và an ninh, chủ trì bởi Thủ tướng Israel

Song Minh (theo Georges Malbrunot)
.
.