Italia: "Cái nôi" của nạn khủng bố có hệ thống ở châu Âu

Thứ Tư, 20/01/2010, 19:15
Tối 23/12/1984, vào giữa giờ cao điểm có đông khán thính giả theo dõi, các hãng phát thanh và truyền hình trên toàn Italia đồng loạt cắt ngang chương trình thường lệ của mình để loan báo vụ khủng bố mới. Lần này xảy ra trên chuyến tàu tốc hành Napoli - Milano đúng đoạn chui qua đường hầm San Benedetto Val di Sambro dài 19 km, khiến 15 hành khách thiệt mạng và 116 người khác bị thương...

Cú nổ khủng khiếp nói trên là vụ khủng bố thứ 5 trong vòng 15 năm kề cận gây chấn động Italia, sau các vụ cài bom tại trụ sở Ngân hàng Nông nghiệp ở Bolognia (12/12/1969), vụ đánh bom trên Quảng trường Lodza ở Bresa (28/5/1974), rồi trên đoàn tàu xuyên Italia cũng tại tuyến hầm nói trên (4/8/1974) và tại phòng đợi chính của ga xe lửa trung tâm Bolognia (2/8/1980).

Hàng trăm nạn nhân vô tội đã thiệt mạng trong những vụ "cuồng sát tập thể" nói trên, còn không phải tất cả những kẻ chủ mưu đều bị pháp luật trừng trị đích đáng bởi đơn giản người ta chẳng lùng bắt được hết bọn chúng. Vậy thế lực nào đã đứng đằng sau các sự kiện đẫm máu ấy? Tại sao các thứ vũ khí sát thương hàng loạt lại được chủ ý nhắm vào đám dân lành vô phương chống đỡ?...

Hiện trường sau vụ nổ trên đoàn tàu Napoli - Milano trước thềm lễ Noel 1984.

Hơn 1/4 thế kỷ qua, các câu hỏi dạng này vẫn luôn để ngỏ với công luận tiến bộ Italia nói riêng, cũng như những người có lương tri ở châu Âu nói chung. Gần đây, sau 8 năm xảy ra sự kiện khủng bố thế kỷ 11/9/2001 tại Mỹ, một cuộc trao đổi mang tính chất nghiệp vụ thuần túy đã được giới tư pháp châu Âu đứng ra tổ chức, nhằm bóc trần các băng nhóm tội phạm chuyên dùng phương cách khủng bố những thường dân vô tội, biến Italia thành một trong những "cái nôi" của bọn khủng bố quy mô quốc tế.

Một trong những nguyên nhân gây khủng bố hàng đầu là âm mưu "tiếm quyền bằng vũ lực" của các phe nhóm cực hữu, nhằm thay đổi "tận gốc rễ" thể chế chính trị và xã hội hiện tại. Trong khi không thể công khai bày tỏ những "ý tưởng ngông cuồng" đó ra trước bàn dân thiên hạ, bọn chúng đã áp dụng thể thức "làm chính trị bằng... bom".

Chẳng có cách lý giải nào rành mạch hơn như với vụ nổ bom trước thềm đêm Giáng sinh của năm 1984 chẳng hạn, và thực tế các vụ "khủng bố điên loạn" tiếp nối trong các thập niên sau đó trên đất Italia đã minh chứng điều này.

Một nhóm chuyên gia am hiểu về các vấn đề chính trị xã hội thuộc Viện Nghiên cứu Mulino đầy uy tín, có trụ sở  ở Bolognia, đã đi sâu phân tích - theo các câu hỏi yêu cầu của hai thẩm phán kỳ cựu người Florencia: Chánh thanh tra Pier Luidzi Vini và Chánh án Rozario Mina.

Câu hỏi đầu tiên: "Tại sao những vụ khủng bố đẫm máu lại được thực thi?". Những "cú giáng mạnh mẽ" trực diện vào đám quần chúng đông đảo luôn là "tiêu chí truyền đời" của các thế lực cực tả.

Đây là điều khác biệt với bọn khủng bố theo đường lối cực hữu thường nhắm vào các cá nhân - "kẻ thù" cụ thể. Còn đây là lời giải thích của Serdzo Calore, một trong những cựu sếp sòng sừng sỏ của tổ chức "Lữ  đoàn Đỏ": "Thông thường trong bối cảnh mà những người khác luôn thuộc phía "thù nghịch", nghĩa là quan điểm chính trị của họ khác hẳn với chúng tôi.

Dĩ nhiên là cần phải loại bỏ họ bằng mọi cách có thể được - kể cả bằng vũ lực. Song song là đường hướng "tạo thực lực" và "gây tiếng vang", với điều này thì sự "khủng bố đại trà" nhắm vào những "kẻ thù vô hình" lại được tính đến. Tận dụng mọi phương cách có thể nhằm "triệt tiêu" đối thủ luôn là mục tiêu trước hết của các tổ chức theo đường lối Quốc xã mới, nhất là sao cho mang lại hiệu quả "gây ấn tượng nhất"; và bất cứ ai trong tổ chức cũng đều nhất quán với chủ trương này".

Câu hỏi thứ hai: "Cớ sao bọn khủng bố lại thực hiện đánh bom trên xe lửa?". Trong "đường hướng chiến lược đẫm máu" của mình, các băng nhóm khủng bố quá khích rất "khoái" thực thi nhiệm vụ trên các đoàn tàu hỏa đông người.

Trong một bản tài liệu viết tay dạng "bửu bối" dài 30 trang, được tìm thấy trong người tên sát nhân khét tiếng Mario Tuti cuối năm 1990, có ghi: "Ở Italia có điều kiện địa lý và chính trị tương tự như một vài quốc gia Nam Mỹ khác, tạo thuận lợi cho nhiều cách thức phản bác lại các thực lực chấp chính đương quyền.

Lãnh thổ Italia rặt địa hình đồi núi chằng chịt trải khắp đất nước, rất dễ làm gián đoạn hệ thống đường sắt qua những vụ phá cầu cống, hầm chui và sinh ra sự "tê liệt cục bộ" với sự thống nhất của nền kinh tế quốc dân, tạo "tác động dây chuyền" trong cả nước và gây ấn tượng mạnh mẽ với tất cả các quốc gia châu Âu còn lại"(!).

Nếu như xem xét sự khủng bố có hệ thống kéo dài hàng chục năm, ta sẽ thấy hiển nhiên là mạng lưới đường sắt xuyên dãy núi Apenine thuộc tây nam châu Âu đã nằm trong "vòng ngắm" của bọn tội phạm có tổ chức, trở thành một trong những "biểu tượng ganh đua" ngấm ngầm giữa các phe nhóm quá khích chuyên sử dụng bạo lực làm "át chủ bài"; hay nói một cách khác: không nghi ngờ gì nữa, việc cho phát nổ những trái bom tự tạo có sức công phá mạnh trên các đoàn tàu hỏa chở khách chính là cách thể hiện thứ "quyền lực tối thượng trong bóng tối" của các tổ chức khủng bố hàng đầu ở Italia.

Vụ "tắm máu" tại quảng trường Piazza Fontana do tên sát nhân  Pietro Valpreda (ảnh nhỏ) thực hiện.

Câu hỏi kế tiếp: "Những băng nhóm đánh bom khủng bố phát triển theo mô hình nào?". Chúng được thực thi theo trình tự: mạo danh - gây mất ổn định, tiến tới tiếm quyền. "Mạo danh" thường phổ biến trong thời kỳ từ năm 1969 đến 1973.

Khi đó các nhóm tân phát xít mới trỗi dậy - dưới ảnh hưởng của "lý thuyết gia" nổi danh Franko Freda - đã núp dưới các tư tưởng khuynh tả thực hiện một loạt các vụ khủng bố, tiêu biểu là tổ chức "Lữ  đoàn Đỏ", nhằm gây sự ngộ nhận trong công chúng, dẫn tới sự thù ghét những người cánh tả Italia đang dần lấy lại uy tín và thực lực trên chính trường.

Đặc trưng cho dạng tội phạm mạo danh này là cuộc "tắm máu" trên Quảng trường Piazza Fontana giữa Milano: tên sát nhân hàng loạt Pietro Valpreda từ một kẻ vô chính phủ "nghiễm nhiên" biến thành "con quái vật của bọn Đỏ" - theo nhận định của công luận lúc ấy. Còn khi không thể "đổ tội" cho phái tả một cách trơ trẽn qua danh xưng mạo nhận mãi được nữa, đột nhiên một tên phát xít mới "quay ngoắt" sang nhãn quan... cực tả.

Hung thủ Niko Ashi thuộc tổ chức tân quốc xã "Feniche" bị bắt quả tang lúc vừa điểm hỏa trái bom trên tay hắn trong chuyến tàu tốc hành Genua - Roma, trong người hắn có tấm thẻ cộng tác viên của nhật báo Lotta Continua... thiên tả (!); "Tiếm quyền" như trùm khủng bố S.Calore từng thừa nhận: "Một sự  thật luôn âm ỉ trong tiềm thức của chúng tôi rằng, song song với các vụ khủng bố gây chết nhiều người, đồng thời cũng là hình thái "tập dượt" cho những cuộc đảo chính chiếm quyền chính thức về sau - khi có dịp thuận lợi. Đây là lối suy luận logic cả trước, trong và sau những cuộc khủng bố có chủ đích".

Rồi tới một sự kiện gây chấn động cả châu Âu, khi lực lượng Carabinieri (Hiến binh Italia) khám phá ra ngôi trường "đào tạo các chuyên viên khủng bố" ở Pian del Rasino, nơi tên giết người hàng loạt Giankarlo Esposti từng theo học. G.Esposti đã bị các nhân viên mật vụ chìm bắn chết lúc hắn đang sửa soạn cùng đồng bọn tới Rome nhằm ám sát Tổng thống Italia đương nhiệm.

Trên đây là vài nét chấm phá về "chân dung" của các tổ chức khủng bố có hệ thống ở Italia - "cái nôi" của nạn khủng bố đã và đang hoành hành khắp Âu châu: từ Cộng hòa Chechnya thuộc Nga, qua Pháp, Tây Ban Nha tới Bắc Ireland... Dĩ nhiên vẫn chưa thể bóc trần hết được các mưu mô quỷ quyệt và vô cùng tàn khốc của dạng tội phạm quốc tế kiểu này

T.Q.Long (theo L'Unità)
.
.