Italia: Chính phủ thương thuyết với mafia

Thứ Sáu, 24/07/2009, 19:50
Một bộ phận của mafia Italia đang thương thuyết với chính phủ để đầu hàng! Tổ chức tội phạm khét tiếng Cosa Nostra sẽ hạ vũ khí! Miền Nam Italia sẽ thoát khỏi nạn bảo kê, các vụ thanh toán đẫm máu, nạn buôn lậu và nạn hối lộ đã trở thành dịch bệnh lây nhiễm bộ máy chính quyền từ thế hệ này đến thế hệ khác!

Không còn hoạt động tội phạm, đảo Sicile trở thành một Genève (thành phố du lịch nổi tiếng của Thụy Sĩ, là nơi có tỉ lệ tội phạm thấp nhất thế giới) của Italia! Giấc mơ từ bao đời nay của người dân Italia sẽ trở thành hiện thực từ những kết quả thương thuyết bí mật giữa Chính phủ Italia (mà đại diện là Bộ Tư pháp) và các bố già của tổ chức tội phạm Cosa Nostra. Đây là tiết lộ đang gây rung động dư luận Italia của La Stampa, nhật báo có số phát hành lớn nhất, nhì Italia, có trụ sở đặt tại thành phố Turin.

Với tựa đề "Những cuộc thương thuyết bí mật về việc đầu hàng của tổ chức Cosa Nostra", nhật báo La Stampa số ra ngày 25/6/2009 đã tiết lộ việc các chính trị gia và các quan chức cao cấp của ngành tư pháp Italia đã bí mật thương thuyết với các bố già mafia đang bị tù tội và cả còn sống ngoài vòng pháp luật để những tên này ra lệnh cho đàn em chấm dứt các hoạt động tội phạm và đầu hàng chính phủ.

Từ những tiết lộ của nhật báo La Stampa, hiện một tòa án ở thủ đô Roma đang điều tra về các cuộc thương thuyết bí mật này để làm sáng tỏ một vấn đề tiên quyết: đó là tại sao Chính phủ Italia lại bật đèn xanh cho các hoạt động thương thuyết với một tổ chức tội phạm đã giết hại hàng trăm viên chức nhà nước, trong đó có không ít nhân viên cảnh sát, quan tòa, thẩm phán?

(Từ trái qua phải là) Pierro Grasso, Thẩm phán được giao nhiệm vụ thương thuyết với mafia Cosa Nostra; Pietro Aglieri, bố già mafia đầu tiên chấp thuận thương thuyết với chính phủ Italia; Siêu bố già Bernardo Provenzano được cho là người quyết định thành công hay thất bại của các cuộc thương thuyết với chính phủ Italia.

Hoạt động và gây tội ác tại đảo Sicile từ cuối thế kỷ XIX, mafia Cosa Nostra đã vươn vòi bạch tuộc đến tận Mỹ, CanadaAustralia. Cho đến cuối thế kỷ XX, mafia Cosa Nostra đã làm chủ hoạt động bảo kê trên đảo Sicile với doanh thu lên đến 10 tỉ euro/năm (có đến 80% doanh nghiệp lớn nhỏ ở đảo Sicile phải nộp tiền bảo kê từ 200 đến 5.000 euro hàng tháng).

Ngoài ra, mafia Cosa Nostra còn tổ chức buôn lậu ma túy (doanh thu hàng năm lên đến 8 tỉ euro), buôn lậu vũ khí (doanh thu hàng năm lên đến 1,5 tỉ euro), cho vay nặng lãi (lợi nhuận năm 2000 đạt 1,4 tỉ euro), kiểm soát và bán sang tay các hợp đồng xây dựng  doanh thu năm 2000 là 6,5 tỉ euro)...

Nhằm giữ bí mật hoàn toàn về các hoạt động tội phạm, mafia Cosa Nostra đã áp dụng luật im lặng (omerta) một cách tuyệt đối. Bất cứ tên tội phạm thành viên nào tiết lộ về hoạt động của tổ chức tội phạm này đều phải trả giá bằng chính mạng sống của mình và cả những người thân.

Tuy nhiên, vẫn xuất hiện những trường hợp mafia hối cải, đầu thú và cộng tác với chính quyền. Trong số những kẻ hối cải, nổi tiếng nhất phải kể đến bố già Tommaso Buscetta. Bị bắt giữ về tội buôn lậu ma túy tại Brazil vào năm 1983, Buscetta được dẫn giải về lại Italia để xét xử nhưng sau đó đã đầu thú với thẩm phán chống mafia Giovanni Falcone.

Từ những khai báo của Buscetta mà hai thẩm phán Falcone và Paolo Borsellino đã tung ra nhiều chiến dịch chống mafia trên đảo Sicile và bắt giữ đến 474 tên tội phạm các cấp của mafia Cosa Nostra. Để trả thù, mafia Cosa Nostra đã lần lượt sát hại 19 người thân của Buscetta bao gồm cha, mẹ, vợ, con anh chị em. Hai thẩm phán Falcone và Borsellino cũng phải trả giá bằng chính mạng sống của họ vào năm 1992.

Sau vụ việc này, Chính phủ Italia quyết định đẩy mạnh công tác chống mafia trên đảo Sicile bằng việc ban hành Đạo luật chống mafia số 41 bis. Theo đó, tất cả các bố già mafia đều phải bị bắt giữ, tịch biên gia sản và cách ly khỏi xã hội và tổ chức bằng những bản án thật nặng, Việc thi hành triệt để Đạo luật 41 bis đã khiến cho nhiều bố già tên tuổi của mafia Cosa Nostra bị bắt giữ, trong đó phải kể đến siêu bố già Toto Riina bị bắt giữ vào tháng 1/1993.

Sau Riina, đến lượt các cấp phó của hắn ta là Nitto Santapaola, Piddu Madonia, Salvatore Biondino, Leoluca Bagarella, Pietro Aglieri... cũng lần lượt sa lưới pháp luật và phải lãnh những mức án từ hàng chục năm tù giam đến chung thân.

Như rắn mất đầu, mafia Cosa Nostra dần suy yếu và mất phương hướng hoạt động. Đây là lúc Chính phủ Italia quyết định thương thuyết bí mật với mafia Cosa Nostra để tổ chức tội phạm khét tiếng này phải đầu hàng. Nhiệm vụ này được giao cho hai thẩm phán chống mafia là Pierro Luigi Vigna và Piero Grasso.

Chủ trương của Chính phủ Italia là thông qua các bố già mafia "ôn hòa" đang thụ án để những tên này thuyết phục những bố già cấp cao, cũng đang thụ án ra lệnh cho hàng thành viên của mafia Cosa Nostra còn lén lút hoạt động thôi không thực hiện các hoạt động tội phạm và đầu hàng các cấp chính quyền. Đổi lại, chính phủ sẽ điều chỉnh lại Đạo luật 41 bis để xem xét giảm án và trao trả một phần tài sản của các bố già bị tịch thu trước đó.

Theo tiết lộ của báo La Stampa, những cuộc thương thuyết đầu tiên giữa hai thẩm phán Vigna và Grasso được thực hiện trong vòng bí mật tại nhà tù được bảo vệ nghiêm ngặt nhất Italia có tên gọi "Đại khách sạn Ucciardone" ở thành phố Palermo, nơi đang giam giữ hàng trăm bố già của mafia Cosa Nostra... với Pietro Aglieri, cánh tay mặt của siêu bố già Riina và là đàn em của siêu bố già Bernardo Provenzano (bị bắt giữ vào tháng 4/2006).

Aglieri bị bắt giữ vào năm 1994 và phải lãnh án 48 năm tù giam. Tại lần gặp gỡ này, Aglieri chấp thuận sẽ thuyết phục các bố già bị giam giữ để những tên này ra lệnh cho đàn em bên ngoài ngừng các hoạt động tội phạm theo lịch trình được thỏa thuận, giao nộp vũ khí cho các cấp chính quyền.

Đổi lại, các bố già sẽ được xét giảm án và hoàn trả một phần tài sản bị tịch biên. Những cuộc thương thuyết này kéo dài đến tận năm 2006, cho đến khi siêu bố già Provenzano bị bắt giữ, và đã mang lại nhiều kết quả khả quan khi các bố già Santapaola, Madonia hay Biondino chấp thuận phương án thương thuyết để đầu hàng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số bố già ngoan cố không chấp thuận thương thuyết để đầu hàng chính phủ nhằm được giảm án, trong đó có Leoluca Bagarella, em rể của siêu bố già Riina. Bagarella cho rằng phải đẩy mạnh các hoạt động tội phạm để buộc chính phủ phải đình chỉ hiệu lực thi hành của Đạo luật 41 bis.

Để khắc phục các trở ngại và thuyết phục các bố già mafia, đến năm 2007, Chính phủ Italia quyết định chuyển qua giai đoạn 2 bằng việc tổ chức các cuộc thương thuyết tại nhà tù Aquila, là nơi mà siêu bố già Provenzano đang thụ án.

Bị bắt giữ vào tháng 4/2006 và bị giam giữ tại nhà tù Aquila, Provenzano đã nhiều lần gặp gỡ với hai thẩm phán Vigna và Grasso. Nhiều người cho rằng các cuộc thương thuyết có thành công hay không tùy thuộc thái độ hối cải của Provenzano.

Tuy nhiên, mọi chi tiết về các cuộc thương thuyết này luôn được giữ kín. Vậy thì liệu mafia Cosa Nostra có chịu đầu hàng để miền Nam Italia được sống trong yên bình hay không? Câu trả lời đang ở phía trước

Hoàng Phú (theo La Stampa Online)
.
.