JCPOA tan vỡ, thêm cuộc đối đầu Mỹ-Iran

Thứ Hai, 16/04/2018, 12:11
Nước Mỹ cùng lúc mở nhiều mặt trận trên chiến trường Trung Đông nhằm vào trục Nga-Iran-Syira. Những chính sách thay đổi “chóng mặt” của Tổng thống D.Trump theo cách “lật ngược” hoàn toàn mọi cam kết trước đó khi không công nhận thỏa thuận hạt nhân 2015 (còn được gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung - JCPOA) chỉ là cái cớ biến Trung Đông thực sự thành chảo lửa của thế giới. Iran cũng tuyên bố sẵn sàng rút khỏi JCPOA và đối đầu với Mỹ.

Nước Mỹ muốn làm suy yếu sức mạnh hạt nhân của Iran

Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại Quốc hội Iran, ông Alaeddin Boroujerdi tuyên bố cứng rắn rằng Tehran chắc chắn sẽ rút khỏi JCPOA nếu Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, như lời Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nikki Haley khẳng định Tehran ủng hộ khủng bố và vi phạm các quy định trong JCPOA cũng như việc Tổng thống Trump tuyên bố không công nhận Iran tuân thủ thỏa thuận kể trên; đòi Iran "sửa chữa" thỏa thuận này trước ngày 12-5.

Theo kênh Press TV, ông Boroujerdi cho rằng mục tiêu quan trọng nhất của JCPOA là gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Nếu Mỹ áp đặt lại các lệnh trừng phạt này, chắc chắn Iran sẽ rút khỏi JCPOA. Iran tuyên bố sẽ không thực thi bất kỳ yêu cầu nào ngoại trừ các cam kết trong JCPOA và cũng không chấp nhận thay đổi thỏa thuận này vào thời điểm hiện nay hay trong tương lai. Iran cũng đe dọa sẽ rút khỏi văn kiện này nếu không nhận được các lợi ích kinh tế mà các bên đã thỏa thuận.

Hiện tại, một trong những nội dung gây căng thẳng nhất là việc Mỹ cho rằng thỏa thuận hạt nhân không thể hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo mà Iran theo đuổi và việc chấp nhận để Iran phát triển các tên lửa phi hạt nhân có thể là kẽ hở để quốc gia này gắn vào đó các đầu đạn hạt nhân chừng nào các lệnh giới hạn hết hạn.

Tổng thống D.Trump lo ngại rằng một phần của JCPOA sẽ hết hiệu lực vào năm 2026 mà không thể giải quyết chương trình tên lửa của Iran cũng như việc Tehran gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Brian Hook cho biết Tổng thống Trump đã bày tỏ mong muốn đạt được một thỏa thuận "bổ sung" cho JCPOA với sự nhất trí của các nước châu Âu.

Thỏa thuận này sẽ bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, các hoạt động của nước Cộng hòa Hồi giáo trong khu vực, việc chấm dứt một phần thỏa thuận hạt nhân vào giữa những năm 2020 và tăng cường sự thanh tra và giám sát của LHQ.

Nhận rõ bản chất quan điểm của Mỹ và phương Tây là tiếp tục muốn làm suy yếu sức mạnh quốc gia, trong đó có sức mạnh hạt nhân của Iran, lãnh đạo Iran đã kiên quyết từ chối các yêu cầu từ Mỹ và phương Tây. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo nước này sẽ có hành động đáp trả nếu Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA.

Ông Zarif nhấn mạnh JCPOA đảm bảo quyền lợi của Iran trong việc nghiên cứu và phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình và Iran sẵn sàng tiến hành các biện pháp đáp trả nếu Washington phạm sai lầm rút khỏi thỏa thuận này.

Quân đội Iran là một trong những đội quân hùng mạnh ở khu vực Trung Đông. Ảnh: PressTV.

Iran có thể sẽ nối lại hoạt động sản xuất urani làm giàu

Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, ông Ali Shamkhani tuyên bố Iran sẽ không chấp nhận bất kỳ thay đổi nào đối với thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với các cường quốc thế giới. Hãng thông tấn ISNA dẫn phát biểu của ông Shamkhani nêu rõ Iran sẽ không chấp nhận bất cứ sự thay đổi, lời giải thích hay bất kỳ biện pháp mới nào nhằm hạn chế JCPOA. Ông Shamkhani khẳng định rằng chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, vốn mang bản chất phòng thủ, sẽ tiếp tục được triển khai “một cách kiên định”.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) rằng việc đưa ra bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Tehran để nhượng bộ chính quyền Washington sẽ là một “sai lầm lớn”, nhất là sau việc ngày 12-4-2018 EU quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt Iran đến ngày 13-4-2019.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Tehran, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi nêu rõ nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận trên, Iran có thể sẽ nối lại hoạt động sản xuất 20% lượng urani làm giàu chỉ trong vòng 4 ngày. Ông nhấn mạnh hành động này sẽ gửi đi "nhiều thông điệp tới Mỹ".

Giám đốc AEOI cũng đã cảnh báo Mỹ không nên có các bước đi gây tổn hại tới JCPOA. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cho rằng Mỹ không phải "chủ nhân duy nhất" của thỏa thuận hạt nhân đạt được với Tehran hồi năm 2015.

Trong một tuyên bố, Thứ trưởng Araqchi nhấn mạnh JCPOA là tài sản của cộng đồng quốc tế và thuộc về những nước tham gia ký văn kiện này gồm Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức).

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng cảnh báo Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải "hối tiếc" nếu quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân trên. Trong một phát biểu được truyền hình trực tiếp, ông Rouhani nêu rõ: "Iran sẽ không vi phạm thỏa thuận hạt nhân, song nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, chắc chắn họ sẽ phải hối tiếc".

Theo các nhà phân tích, sự sụp đổ của thỏa thuận có tác động lớn đến lợi ích và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực: khoét sâu những mâu thuẫn xuyên Đại Tây Dương như hồi chiến tranh Iraq năm 2003, làm thất bại các nỗ lực ngoại giao đa phương trong xử lý các điểm nóng khác. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân sẽ tiếp tục làm bùng nổ một cuộc khẩu chiến mới giữa Mỹ và nước Cộng hòa Hồi giáo này, khiến cho người dân Iran càng mất lòng tin vào Mỹ, từ đó thể hiện mạnh mẽ hơn nữa tinh thần dân tộc.

Dư luận thế giới cũng phản ứng trước việc Mỹ đe dọa hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran “bất cứ lúc nào”. Những người ủng hộ thỏa thuận hạt nhân cho rằng thỏa thuận này tuy không hoàn hảo, song đây có thể là cơ hội cuối cùng để tạo ra một sự đồng thuận quốc tế rộng trong vấn đề này.

Hoa Huyền
.
.