"James Bond" của nước Đức hầu tòa vì trốn thuế

Thứ Sáu, 21/10/2016, 13:45
Ngày 26-9 vừa qua, cựu điệp viên Werner Mauss bị Bộ Tư pháp Đức cáo buộc tội trốn thuế, đã phải ra hầu tòa trong phiên tòa xét hỏi đầu tiên. Mấu chốt dẫn đến việc Mauss bị phát hiện trốn thuế là do tên tuổi của ông xuất hiện trong bản danh sách các cá nhân ngành tình báo thế giới che giấu tài sản ở các "thiên đường thuế" do Hồ sơ Panama tiết lộ.

Bộ Tư pháp Đức đã xác nhận vụ án gian lận thuế đối với Werner Mauss. Theo bản cáo trạng, Mauss bị buộc tội trốn thuế với số tiền lên đến 15,24 triệu euro. Nếu chứng minh có tội, ông có thể sẽ phải đối mặt mức án tù nhiều năm.

Vụ việc trốn thuế của Mauss được phát hiện sau một cuộc điều tra liên quan đến danh sách các điệp viên có tài sản tại các "thiên đường thuế" được tiết lộ trong Hồ sơ Panama. Cuộc điều tra đã lần tìm dấu vết tại cơ quan thuế ở Liechenstein, và tại đây các nhà điều tra Đức phát hiện những thông tin liên quan đến một quỹ ủy thác do Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ, chi nhánh tại Luxembourg quản lý.

Werner Mauss và vợ, bà Michaela.

Ngoài ra, cơ quan thuế còn tìm thấy dấu vết tài sản của Mauss tại Bahamas. Mauss không chấp nhận cáo buộc của cơ quan thuế Đức, cho rằng số tài sản trên là do mình tích cóp trong thời gian dài làm việc cho ngành tình báo, vào sinh ra tử mới có được và đã đóng thuế đầy đủ. Tuy nhiên, cơ quan thuế cho rằng, việc tồn tại một tài khoản tiền gửi tại một trong những thiên đường thuế trên thế giới là dấu hiệu của gian lận, bắt buộc phải làm rõ. Theo dự kiến, các phiên tòa xét hỏi và đối chất sẽ diễn ra từ tháng 9 đến ngày 19-12-2016.

Trong nhiều thập niên qua, người ta ít được nhìn thấy hình ảnh của Werner Mauss trên các phương tiện truyền thông, nhưng cái người ta biết đến nhiều nhất chính là các bí danh, mật danh của ông khi ông hoạt động dưới các vỏ bọc khác nhau khi còn là điệp viên huyền thoại của Cơ quan tình báo quốc gia Đức (BND) và Cục Bảo vệ Nhà nước (State Protection).

Bộ tư pháp đưa ra một danh sách buộc tội với nhiều cái tên khác nhau nhưng trên thực tế chỉ có mỗi mình Mauss, bao gồm những bí danh, mật danh như: Claus Moeller, Dieter Cook, Richard Nelson. Quê quán của ông cũng đa dạng không kém: Khi thì Essen, lúc lại ở Hagen, Wuppertal, hoặc ở đâu đó.

Năm nay 76 tuổi, Werner Mauss đã trải qua cuộc đời của một điệp viên giàu chiến tích, đến mức được các chuyên gia tình báo tôn xưng là "huyền thoại", một "James Bond" của ngành tình báo nước Đức. Cả cuộc đời điệp viên của ông trải qua nhiều giai đoạn, từ thám tử tư cho đến người chỉ điểm rồi là điệp viên ngầm. Thành tích cụ thể nhất của Mauss là giúp nhà chức trách bắt giữ hơn 2.000 tên tội phạm, giải cứu 43 người bị bắt làm con tin ở Nam Mỹ.

Cựu điệp viên Werner Mauss.

Mauss bắt đầu vào nghề do thám từ khi còn rất trẻ. Năm 20 tuổi, ông tự đứng ra lập một tổ chức thám tử tư ở Essen. Hoạt động ban đầu của tổ chức thám tử tư của Mauss chủ yếu là cung cấp dịch vụ thám tử, bảo đảm an ninh cho các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân. Mauss nhận được sự quan tâm của ngành cảnh sát địa phương, nhờ đó ông được họ huấn luyện thêm về chuyên môn, nghiệp vụ cảnh sát, như tội phạm học, luật hình sự, phương pháp lập kế hoạch chiến lược chống tội phạm.

Dần dần, Mauss không còn cung cấp dịch vụ cho các công ty tư nhân nữa mà chuyển sang hợp tác với các cơ quan an ninh nhà nước. Năm 1969, Mauss lần đầu tiên nhận lệnh thực hiện nhiệm vụ từ Cơ quan chống Tội phạm liên bang (BKA). Với sự hợp tác của Mauss, BKA đã có thể truy bắt được những tên tội phạm khét tiếng bị truy nã gắt gao nhất ở Đức thời đó, như Alfred Lecki và tướng cướp Werner Derks.

Từ thập niên 80 thế kỷ XX trở đi, Mauss bắt đầu gia tăng hoạt động ở khu vực Nam Mỹ, đặc biệt là Colombia. Ông được cơ quan an ninh quốc gia Đức biệt phái sang Colombia để bảo đảm an ninh cho tập đoàn Mannesmann AG thực hiện một dự án đường ống dẫn dầu tại quốc gia này trước sự chống phá quyết liệt của tổ chức du kích cánh tả Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN). Mauss đã giúp giải thoát cho 4 nhà quản lý của Mannesmann AG và một số con tin người châu Âu. Phương pháp hành động của ông khi giải thoát các con tin đã trở thành đề tài tranh cãi trong giới quan sát.

Nhiều người, trong đó có các nghị sĩ Đức, không đồng tình với hoạt động đàm phán với những kẻ bắt cóc con tin ELN của Mauss, cho rằng lực lượng ELN là tội phạm ngoài vòng pháp luật nên không thể thương lượng. Tuy nhiên, những gì Mauss đã làm được thì không thể phủ nhận: giải thoát hàng chục con tin, dù phải tiêu tốn hàng chục triệu USD cho ELN.

Điển hình là vụ giải thoát con tin Brigitte Schone, vợ của ông Ulrich Schone, cựu Chủ tịch công ty Control Risk, công ty con tại Colombia của tập đoàn BASF Chemicals của Đức. Bà Schone bị các du kích ELN bắt cóc vào ngày 14-8-1996 ở ngoại ô Medellin. Tháng 8-1997, Mauss và vợ là Michaela bị bắt tại sân bay quốc tế khi rời Colombia cùng với bà Schone.

Các công tố viên Colombia cáo buộc ông Mauss đã "câu kết với ELN" trong việc trả tiền chuộc để giải cứu các con tin, không chỉ riêng bà Schone mà còn nhiều con tin khác. Các công tố viên cáo buộc ông hưởng lợi những khoản tiền kếch xù từ những phi vụ bắt cóc con tin của ELN. Mauss được cho là đã tham gia đàm phán trả tiền chuộc cho ELN để giải thoát cho bà Schone.

Ban đầu, ELN ra mức giá tiền chuộc là 2 triệu USD, sau đó trong quá trình thương lượng giải thoát con tin, ông Ulrich Schone đã thương lượng mức tiền chuộc giảm còn 150.000 USD. Tuy nhiên, khi Mauss tham gia thương lượng, bất ngờ mức tiền chuộc đã tăng trở lại, và chốt ở mức 1,5 triệu USD. Các công tố viên Colombia kết luận, trong phi vụ này, Mauss đã bỏ túi riêng 25% số tiền chuộc nói trên.

Vụ việc Mauss bị bắt và bị truy tố sau đó đã làm cho quan hệ ngoại giao giữa Đức và Colombia căng thẳng một thời gian. Khoảng năm 2000, qua sự vận động của chính phủ Đức, sự liên hệ đàm phán bí mật giữa cơ quan tình báo Đức BND với cơ quan chức năng Colombia, các cáo buộc nhắm vào Mauss và vợ đã được hủy bỏ, và vợ chồng Mauss được trả tự do trở về Đức.

Sau vụ việc giải cứu con tin Brigitte Schone năm 1997, Mauss được đặt biệt danh "James Bond 008" của nước Đức. Khi Mauss bị bắt, nhà chức trách kiểm tra và phát hiện trong hành lý của Mauss có một chiếc "cặp táp" trong đó có bộ thiết bị điện thoại vệ tinh có màn hình video.

Thử nghiệm hoạt động của bộ thiết bị, các nhà điều tra nhận thấy khi liên lạc với những người khác sử dụng bộ thiết bị tương tự - giả sử những kẻ bắt cóc chẳng hạn - thì gia đình nạn nhân ở đầu thiết bị này có thể xác định được vị trí con tin bị bắt cóc đang ở đâu.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.