Kenya: Tội phạm buôn bán trẻ em gia tăng
Đã hơn 3 năm nay, bà Jane Ngoyoini, 39 tuổi, vẫn không có tin tức gì về đứa con gái bị mất tích của mình. Năm 2007, Frieda Ngoyoini, 15 tuổi, biến mất trong buổi học dã ngoại gần Chelmsford, hạt Essex, Ireland. Frieda nằm trong số những cô gái bị mất tích khi được tài trợ đến Ireland tham gia chương trình hướng đạo dành cho nữ sinh Kenya.
Loại tội phạm buôn người ở Kenya không có gì mới và con số rất lớn mất tích là nữ, phần đông chưa đến 16 tuổi, thậm chí trẻ sơ sinh cũng là nạn nhân. Trong khi đó Kenya không hề có nỗ lực nào giải quyết những vụ mất tích.
Bà Rukia Subow, Chủ tịch Tổ chức MYWO (Maendeleo YA Wanawake), chi nhánh ở Kenya nói: "Có những tình huống rất nghiêm trọng và có những vụ án mà chính quyền miễn cưỡng giải quyết hết năm này đến năm khác". MYWO là một trong những tổ chức phụ nữ lớn nhất ở Kenya với hoạt động nhằm cải thiện chất lượng sống ở những cộng đồng nông thôn nước này. Theo luật Kenya hiện hành, một người mất tích được coi như đã chết nếu sau hơn 7 năm vẫn không được tìm thấy, và chính điều luật này đã tạo kẽ hở cho chính quyền tham nhũng cố tình kéo dài thời gian xử lý để đóng vụ án lại.
Ngoài MYWO, nhiều tổ chức phụ nữ khác ở Kenya cũng cảnh báo sắp tới sẽ tiến hành khởi tố chống chính quyền nước này. Liên đoàn Nữ luật sư, Hội Nghiên cứu Vì sự tiến bộ của phụ nữ và Hội Bà mẹ đơn thân của Kenya đã có chương trình tố cáo sự làm ngơ của hệ thống tòa án Kenya về những vụ án liên quan đến buôn trẻ em nước này. Ngoài ra, Hội bảo vệ cô nhi và quả phụ của Kenya cũng như Hiệp hội Phụ nữ Hồi giáo thống nhất cũng đã thuê luật sư để điều tra tình trạng buôn bán trẻ em đang gia tăng bên trong Kenya.
Bà Florence Jaoko, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền quốc gia Kenya nói: "Chúng tôi đang điều tra những cáo buộc cho rằng một số sĩ quan cảnh sát và quan chức chính quyền Kenya dính líu đến hành vi nhận hối lộ để tạo thuận lợi cho các tổ chức buôn người được tự tung tự tác". Cho đến nay, Cảnh sát Kenya vẫn chưa có bất cứ báo cáo chính thức nào về những cô gái bị mất tích ở Ireland kể từ khi 5 cô gái mất tích đầu tiên được ghi nhận năm 2007. Frieda Ngoyoini là vụ thứ 6.
Bà Jaoko cho biết: "Mạng lưới điều tra riêng của chúng tôi khám phá phần đông trẻ em bị buôn bán sang Mỹ và Tây Âu. Một số trẻ em được bán chỉ với giá 300USD. Trong đó có nhiều bé gái bị bắt làm việc cho các gia đình giàu có ở phương Tây, có em bị đẩy vào kỹ nghệ sex". Các nạn nhân thường bị bắt cóc tại địa phương rồi chở đến các vùng xa xôi để bán.
Bất chấp những điều luật ngăn cấm mọi hoạt động phi pháp, loại tội phạm buôn bán trẻ em ở mọi độ tuổi, thậm chí trẻ sơ sinh, vẫn cứ tăng cao ở Kenya. Nhiều đứa trẻ, ít nhất là 75% trong những vụ án, là những bé gái chưa tròn 2 tuổi. Người ta cho rằng, số trẻ em này bị đem bán cho những cặp vợ chồng không con hay hiếm muộn ở châu Âu và Mỹ thông qua mạng lưới buôn người quốc tế.
Bệnh viện Phụ sản Pumwani ở thành phố Nairobi bị điều tra do liên quan đến vụ trên 20 trẻ sơ sinh mất tích tại nơi đây trong năm 2004. Trong quá trình điều tra, người ta phát hiện 18 trẻ sơ sinh không trùng khớp ADN với những người đang nhận nuôi chúng. Thường những vụ mất tích trẻ sơ sinh đều có sự thỏa hiệp của chính người mẹ đẻ. Phần đông những đứa trẻ nạn nhân của bọn buôn người có mẹ đang sống trong cảnh bần hàn.
Nỗi ám ảnh về nạn buôn người ngày một lớn dần cùng tình trạng tham nhũng lan tràn bên trong lực lượng cảnh sát, tư pháp và quan chức chính quyền Kenya ở mức đáng báo động. Những cuộc tảo hôn, HIV/AIDS, thiếu bình đẳng trong xã hội và bạo lực trong gia đình góp phần thúc đẩy những bà mẹ ở Kenya sẵn sàng trao đứa con rứt ruột đẻ ra cho người khác nhận làm con nuôi (qua đường buôn người). Cũng có trường hợp những đứa trẻ lớn và trẻ sơ sinh khác bị bắt cóc khi người mẹ đang nằm dưỡng sức trong bệnh viện sau khi sinh. Những bà mẹ cố gắng giành lại đứa con bị mất tích của mình sẽ gặp khó khăn lớn khi đưa vụ việc ra tòa án nếu họ sinh con ngoài hôn nhân.
Eric Kiraithe, người phát ngôn của Cảnh sát Quốc gia Kenya, khẳng định mỗi ngày đều có đơn kiện buộc tội cảnh sát ăn hối lộ để làm ngơ và che giấu tội phạm. Để chống lại tình trạng bê bối này, các sĩ quan cảnh sát nào bị buộc tội ăn hối lộ sẽ bị loại ra khỏi ngành, thậm chí ngồi tù. Kiraithe nói: "Lực lượng Cảnh sát Kenya đã được chỉnh đốn trong vài năm qua. Những biện pháp cải tổ đóng vai trò lớn trong sự cải thiện lực lượng cảnh sát và an ninh nước này. Tiền lương của sĩ quan cảnh sát cũng được điều chỉnh tăng hơn 120% kể từ năm 2003. Tuy nhiên, trong lực lượng cảnh sát vẫn còn một số người vô đạo đức và chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn".
Các báo cáo tình báo Kenya cũng tiết lộ một số quan chức trong ngành tư pháp thỉnh thoảng nhận tiền hối lộ từ bọn tội phạm buôn người để giấu nhẹm hay cố tình kéo dài những vụ án liên quan đến trẻ em mất tích. Samson Munywoki, giảng viên Khoa Xã hội học - Đại học Quốc tế Hoa Kỳ ở Nairobi nhận định: "Tham nhũng, theo chúng tôi biết, là vấn đề trầm kha của đất nước này (Kenya) và có lẽ nó sẽ không bao giờ chấm dứt. Đồng tiền có thể giúp anh mua bất cứ thứ gì ở Kenya. Người ta có thể dùng tiền để mua công lý nếu phạm tội"