Khi các ý tưởng startup trở thành trò lừa đảo

Thứ Sáu, 24/08/2018, 14:34
Thuật ngữ về các công ty khởi nghiệp (startup) đã trở nên rất phổ biến trong thời đại ngày nay. Nói đến startup là nói đến những đột phá trong tư duy, trong ý tưởng hay về mặt công nghệ. Không phải ngẫu nhiên khi các startup đang thu hút sự chú ý đặc biệt của không ít các nhà đầu tư tiềm năng.

Tất nhiên không phải startup nào cũng đều thành công, chưa kể đến những trò lừa đảo nhằm thu hút tiền bạc của các nhà đầu tư. Hãy cùng điểm qua một số trường hợp điển hình khi các startup làm giàu bằng… vô số những lời hứa hẹn.

Theranos – Lừa cả thế giới suốt 12 năm

Sự kiện của công ty Theranos còn thu hút được nhiều sự chú ý hơn. Elizabeth Holmes thành lập ra Theranos vào năm 2003 khi mới có 19 tuổi, sau khi bỏ học tại ngôi trường uy tín Stanford. Khi đó, Holmes khẳng định đã nghiên cứu được một phương pháp xét nghiệm máu hoàn toàn mới, theo đó chỉ cần một giọt máu có thể đưa ra vài chục kết quả phân tích khác nhau. Holmes còn mạnh miệng tuyên bố về ý tưởng “tiến hành một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực y tế và thay đổi cả thế giới”. Những giấc mơ này của người sáng lập ra Theranos có lẽ còn viển vông hơn nhiều so với Elon Musk của Tesla.

Elizabeth Holmes.

Có điều ngạc nhiên là nữ doanh nghiệp trẻ này có thể dễ dàng nhận được những khoản hỗ trợ tài chính lớn mà không cần phải tiết lộ những chi tiết về công nghệ của mình, vẫn duy trì được tiếng nói quyết định cũng như quyền kiểm soát hoàn toàn công ty. Chỉ trong 10 năm tồn tại, Theranos đã thành công trong việc lôi kéo 900 triệu đôla đầu tư. Công ty startup này được ước tính có trị giá tới 9 tỉ USD bất chấp việc họ vẫn được giữ bí mật về mặt công nghệ. Holmes còn được so sánh với Bill Gates và Steve Jobs, được coi là người phụ nữ trẻ nhất có tài sản trên một tỉ đôla

Tuy nhiên đến năm 2015, Theranos gần như đã suy sụp hoàn toàn sau kết quả điều tra của phóng viên John Carreyrou từ tờ báo The Wall Street Journal. Phóng viên này khẳng định, Theranos không hề sử dụng trang thiết bị của mình để phân tích máu, chưa kể các kết quả phân tích không đáng tin cậy. 

Điều tra còn cho thấy một loạt các vi phạm có thể đe dọa đến tính mạng con người trong các phòng thí nghiệm của công ty này. Một loạt các nhà đầu tư đã thực sự phải vỡ mộng - công nghệ mang tính cách mạng như mong đợi trên thực tế không hề tồn tại, trong khi công ty startup được yêu mến tại thung lũng Silicon hóa ra chỉ có cái vỏ rỗng tuyếch. 

Phần lớn các nhân viên hiện đã rời bỏ Theranos, chờ đợi thời điểm công ty tuyên bố phá sản. Holmes bị buộc tội lừa đảo với nguy cơ phải nhận mức án 20 năm tù. Tuy nhiên theo chính nhà báo Carreyrou, mối đe dọa trên cũng không cản trở Holmes tìm cách liên hệ với các nhà đầu tư với dự định thành lập một startup mới.

TEB – “Dự án kỳ diệu của” Trung Quốc

Chỉ một năm sau khi Theranos bị vạch trần, thế giới lại được biết đến một dự án khá ồn ào mới từ Trung Quốc: đó là loại xe buýt đường hầm TEB, được quảng cáo có thể giải quyết một trong những vấn đề chính của các đô thị lớn hiện nay, đó là tắc đường.

Cụ thể đó là một chiếc xe buýt lớn hoạt động theo nguyên tắc những cần cẩu trọng tải lớn tại các bến cảng chạy trên các đường ray. Hai đường ray sẽ được lắp đặt hai bên vỉa hè, đồng nghĩa với việc xe buýt sẽ nuốt trọn phần lòng đường nhưng thân nhô cao đủ cho các xe ôtô chạy bên dưới.

Các nhà thiết kế khẳng định, sản phẩm mới này có thể chở được tới 300 hành khách, giúp giảm tải khoảng 35% cho các tuyến đường chính trong những đô thị hiện đại. Hơn nữa theo lời của họ, TEB có thể thay thế tới 40 chiếc xe buýt thông thường, tiết kiệm 780 tấn nhiên liệu và cho phép loại bỏ 2,39 tấn khí thải cacbon dioxit.

Bất chấp việc những chuyên gia hoài nghi đã cảnh báo về vấn đề cơ sở hạ tầng phức tạp để vận hành xe cùng một điểm yếu khác về vấn đề an toàn, dự án vẫn thu hút được hàng chục nhà đầu tư từ Brazil, Pháp, Ấn Độ và Indonesia. Nhưng sau đó, Giám đốc Công ty TEB Tech đã lặn mất tăm, trước khi các nhà báo phát hiện một phiên bản mẫu của chiếc xe buýt bị bỏ lại ở ngoại ô Tần Hoàng Đảo (Hà Bắc).

Lừa đảo không cần ý tưởng

Như trong các trường hợp ở trên, những tiến bộ kỹ thuật hay phát minh khoa học đã giúp những kẻ lừa đảo khá nhiều trong việc thu hút dòng tiền đầu tư. Nhưng đôi khi chẳng cần nghiên cứu hay phát minh vẫn có thể làm được điều này – điển hình là vụ việc của công ty thăm dò địa chất Bre-X Minerals của Canada.

Năm 1993, công ty này phát hiện ra mỏ vàng Busang (đảo Borneo – Indonesia) và trong suốt 3 năm liền đã triển khai một chiến dịch quảng bá rầm rộ liên quan đến mỏ vàng này. Năm 1995, Bre-X Minerals tuyên bố sẽ thu được không dưới 850 tấn vàng sau khi bắt đầu khai thác công nghiệp; sau đó thổi lên thành 2,2 ngàn tấn. Chưa hết, nhà sáng lập ra Công ty là David Walsh còn “nổ” thêm khi khẳng định mỏ Busang có trữ lượng lên tới 5,6 ngàn tấn vàng, đồng nghĩa với việc đây là mỏ vàng lớn nhất trên thế giới từ trước tới giờ. Kết quả là giá trị cổ phiếu của Bre-X Minerals đã tăng lên chóng mặt, giúp cho tổng giá trị vốn của họ lên tới 4,5 tỉ USD Mỹ.

Tuy nhiên đến năm 1997, người ta mới rõ mỏ vàng không hề có trữ lượng khủng như tuyên bố của Bre-X Minerals. Các chuyên gia của Freeport-McMoRan đã đích thân tới đảo Borneo để thẩm tra và cũng có kết luận tương tự như vậy. Bản báo cáo của Freeport-McMoRan đã gây ra cơn hoảng loạn thực sự trên thị trường: cổ phiếu của Bre-X Minerals đã mất tới 80% giá trị chỉ trong vòng 30 phút, sau đó chỉ còn khoảng 4,56 USD.

Điều tra sau đó cho thấy, các chuyên gia khảo sát của Bre-X đã cố tình bổ sung thêm vàng vào các mẫu thăm dò để nâng cao hàm lượng trong báo cáo. Các nhà đầu tư bị lừa đã giận dữ tới tấp nộp đơn kiện Bre-X, khiến công ty phải tuyên bố phá sản. Giám đốc David Walsh bỏ chạy tới Bahama và chết ở đó chỉ sau một thời gian ngắn. Kết quả là không có ai sau đó phải chịu trách nhiệm hay bị trừng phạt vì vụ việc này. Chỉ có các nhà đầu tư phải gánh chịu hậu quả.

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.