Khi giám đốc dính bẫy “dự án tỷ đô”

Thứ Năm, 08/09/2016, 14:45
Dùng những dự án tỷ đô để làm "mồi nhử", nhóm đối tượng đã khiến cho không ít giám đốc, người quản lý doanh nghiệp sập bẫy. Mặc dù chúng chỉ "rỉa" khoảng 0,002 - 0,005% trong tổng số tiền của mỗi dự án nhưng cũng đã lên tới nhiều trăm triệu đồng. Đây có thể coi là một thủ đoạn mới của các đối tượng. Và chỉ trong vòng một năm, hàng chục giám đốc đã "dính bẫy".

1. Hơn 20 năm ngồi ở vị trí quản lý, ông Đỗ Văn D. (SN 1953, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội - Giám đốc một công ty chuyên về ngành xây dựng) thắng cũng nhiều, mà bại cũng không phải ít. Tuy thế, năm 2015 ông D. đã sa bẫy của một cặp đối tượng mà chỉ biết vò đầu bứt tai tự bảo mình rằng "già rồi mà còn dại".

Khoảng đầu năm 2014, công ty của ông D. gần như án binh bất động vì ngành xây dựng ế ẩm. Toàn bộ công nhân ở công ty đều phải cho nghỉ việc, chỉ giữ lại một vài người để hoạt động cầm chừng. Giám đốc D. như ngồi trên đống lửa khi mà nhiều dự án đã triển khai, nhưng khả năng thu hồi vốn cực thấp. Đúng lúc ấy, qua một vài đối tác, ông D. gặp được một "vị cứu tinh". Đó là Hoàng Văn T. - Giám đốc Công ty đầu tư P (theo như hắn giới thiệu với ông).

Khánh Hòa là nơi các đối tượng thường vẽ ra các dự án để lừa đảo.

Sau một vài trận tennis giao lưu, T. hé lộ cho ông D. biết hiện hắn có chân trong một quỹ đầu tư (chủ yếu là của người nước ngoài) và đang có nhu cầu giải ngân số vốn lên tới gần 1 tỷ Mỹ kim (tương đương hơn 20 ngàn tỷ đồng). Thoạt nghe, ông D. chỉ cười nhạt bởi theo kinh nghiệm của ông, những đại gia có số vốn như thế chả ai thèm qua "cửa" của một người như T. Dĩ nhiên, ông D. vẫn nhận lời sẽ cùng với T. đầu tư, nếu T. đưa ra được những căn cứ xác thực về dòng tiền, về năng lực cũng như các mối quan hệ của hắn.

Và T. đã khiến cho giám đốc D. phải nghĩ lại, khi hắn đưa ra những tài khoản có số dư vài trăm triệu đô la ở ngân hàng Anh quốc, Thụy Sỹ. T. cũng đưa ra khá nhiều văn bản mà nội dung xoay quanh việc đầu tư nhiều dự án "khủng" ở nhiều nơi như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM… Đồng thời, T. còn khoe mình là… con nuôi của một số cán bộ cấp cao, muốn gặp lúc nào cũng "ok". Đặc biệt, T. còn có trong tay văn bản trả lời của Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ về một số dự án "đất vàng" mà hắn liên doanh liên kết… Đã thế, mỗi lần gặp ông D., T. lại lái một xe hơi đều thuộc dòng siêu xe như Mercedes, Land Rover hay Lexus…

Vốn công ty của ông D. đang có một dự án lớn triển khai tại huyện đảo Cát Bà của TP Hải Phòng nên rất khát vốn. Sau khi đã được T. "chuốc" cho đủ những thứ mà thoạt nghe, thoạt nhìn đều rất hấp dẫn, ông D. hồ hởi đồng ý tham gia phối hợp đầu tư với hắn. T. bảo để có thể tiến hành hợp tác đầu tư một cách chính danh, thì hai bên cần phải xúc tiến thành lập một công ty quốc tế, có trụ sở tại một quốc gia Đông Nam Á. Mỗi bên sẽ góp một nửa chi phí. Sau khi công ty được cấp đăng ký kinh doanh, ngay lập tức T. sẽ giải ngân cho công ty ông D. 5-10% tổng số vốn.

Nghe dự án rất ngon ăn, song ông D. vẫn về bàn lại với một số lãnh đạo của công ty. Cũng có người khuyên nên cảnh giác với những kiểu mời đầu tư dạng này. Tuy nhiên giám đốc D. cho rằng khoản tiền đầu tư ban đầu (hơn trăm triệu đồng) so với dự án tỷ đô chỉ là "muỗi" nên vẫn quyết định tham gia.

Khoảng tháng 5-2015, ông D. đã chuyển khoản cho T. số tiền gần 200 triệu đồng để T. xúc tiến thành lập một công ty có trụ sở đặt tại Kuala Lumpur, Malaysia. Nhiều tháng sau đó, T. liên tục thúc giám đốc D. đưa hắn ra đảo Cát Bà để xem về những hạng mục sắp triển khai của công ty. Trong những bữa hải sản ê hề, ông D. rủ thêm bạn bè là một số giám đốc công ty chuyên về xây dựng khác. Và thế là T. lại có thêm những con mồi mà gần như không mất một giọt mồ hôi săn tìm.

Mãi đến tháng 6-2016, khi thấy công việc đầu tư hầu như vẫn án binh bất động, Giám đốc D. mới gọi điện cho T. thúc giục. Và khi đó số tiền mà ông D. đã chuyển cho T. đã gấp ba số vốn đầu tư ban đầu. Sau rất nhiều lần gọi mới thấy T. bắt máy. Hắn nại ra đủ mọi lý do để biện minh cho việc chậm trễ trong triển khai công việc.

Quá mệt mỏi vì thương vụ trên, giám đốc D. đành gọi cho hắn tuyên bố chấm dứt việc liên kết làm ăn và đòi lại số tiền đã góp. Nhưng ông D. được một phen sững người khi T. trả lời ráo hoảnh: "Có vài đồng bạc mà ông gọi lắm thế? Thôi quên khẩn trương nhé". Đường cùng giám đốc D. đành viết đơn tố cáo hành vi lừa đảo của T. và đồng bọn.

2. Phạm Tuấn V. (SN 1965, là Tổng giám đốc công ty CP Xây dựng V.) cũng là một doanh nhân lõi đời. Do đã có một vài dự án làm việc với Giám đốc D. ở trên, nên khi gặp đối tượng T. và được nghe về dự án tỷ đô mà hai người đang triển khai thì vị giám đốc này cũng không kiềm chế được lòng tham.

Nhiều giám đốc được nhóm đối tượng đưa đến các nơi ăn chơi sang chảnh tại Malaysia nhằm xúc tiến đầu tư.

Khi thấy T. ngỏ lời có dự án hơn 500 triệu đôla (khoảng 10.000 tỷ đồng) đang cần một đơn vị có pháp danh ở Việt Nam để phối hợp triển khai thì ông V. lập tức "cắn câu". Cũng với thủ đoạn giống như đã thực hiện với công ty của ông D., T. đã bày ra rất nhiều các văn bản giấy tờ thể hiện việc đầu tư béo bở này. Sau khi được tham quan những dự án lớn mà T. và quỹ đầu tư của hắn đang xúc tiến, Giám đốc V. "chấm" một dự án đang được thực hiện tại một hòn đảo ngoài khơi vịnh Nha Trang (Khánh Hòa).

Vẫn với chiêu bài thành lập công ty quốc tế, nhưng lần này T. rủ Tổng giám đốc V. sang tận Kuala Lumpur để gặp các nhà đầu tư quốc tế. T. còn vác theo một nữ thư ký xinh đẹp, giỏi ngoại ngữ rồi dẫn ông V. đến ăn uống mua sắm tại một siêu thị thuộc hạng "sang chảnh" nhất thủ đô nước bạn. Mặc dù chỉ hiểu lõm bõm câu chuyện, nhưng khi về tới Việt Nam, ông V. ngay lập tức chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản của T. để đặt cọc tham gia dự án.

Thỉnh thoảng, T. lại gọi ông V. đi ăn uống rồi cho biết dự án đang được triển khai đến đoạn này, đoạn nọ. Rồi ông V. lại tiếp tục gửi tiền cho hắn.

Cho đến đầu năm 2016 khi mà ông V. thấy hàng tháng trời T. bặt tăm không thấy ỏ ê gì nữa thì mới gọi điện hỏi. Sau nhiều lần hứa hẹn, T. không thèm bắt máy của ông V. nữa. Gọi điện hỏi sang giám đốc D. thì ông V. mới biết rằng cả hai đã bị T. cho "ăn" dự án đểu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2015 đến nay, T. và đồng phạm của hắn (Trần Huyền M.) chỉ bằng thủ đoạn rủ rê đầu tư một số dự án với đối tác ngoại đã "chăn" được cả chục giám đốc công ty chuyên về xây dựng ở Hà Nội và một vài tỉnh thành như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng…

Và cay đắng hơn cho các ông giám đốc khi biết rằng T. và M. vốn là những kẻ không có việc làm, gọi là "cái bang" cũng không phải là quá. Bởi chúng không nhà không cửa, toàn ăn ngủ nghỉ ở các khách sạn. Trong hành lý của chúng luôn có đủ quần áo, bình nước nóng, ấm đun nước, sạc điện thoại, giắc cắm các loại. Thậm chí còn có sẵn cả túi nilon để làm đá lạnh.

Nhưng quái chiêu nhất, T. và M. đã ngụy tạo được khá nhiều văn bản có con dấu của nhiều cơ quan nhà nước để đi lừa. Những văn bản đó chủ yếu là do các đối tượng "cắt dán" ở nhiều tài liệu khác nhau. Thông qua một số kênh, chúng có được một số tài liệu của Thanh tra Chính phủ trả lời về một số nội dung khiếu kiện về đất đai. Từ đó chúng "chế" ra hợp đồng hợp tác kinh doanh với các chủ thể có trong văn bản đó. Chúng cũng đi thuê một số công ty về thiết kế kiến trúc, xây dựng nhờ lập các dự án "ảo", vẽ sơ đồ, phối cảnh các công trình… sao cho thật "hoành", thật ngon mắt để mang đi lừa đảo.

Theo một cán bộ điều tra thuộc Công an TP Hà Nội, hình thức lừa hợp tác kinh doanh của các đối tượng T., M. là một thủ đoạn khá mới của các đối tượng. Và cho dù các bị hại có lưu lại được sao kê chuyển khoản cho các đối tượng, nhưng để khẳng định hành vi của chúng là lừa đảo không phải là chuyện dễ. Bởi khi chuyển khoản, các bị hại chỉ ghi là "chuyển tiền để thành lập công ty". Với nội dung này thì gần như không thể áp dụng pháp luật hình sự đối với những đối tượng đó.

Cũng theo vị cán bộ này, các đối tượng đã đánh vào lòng tham cũng như sự mất cảnh giác của các bị hại. Bị hại cũng thiếu việc "kiểm tra chéo" đối tác lẫn các đồng nghiệp của mình, dẫn đến việc bị nhầm lẫn trong đánh giá bạn hàng. Có lẽ vì thế mà họ đã chuyển tiền mà không có biên lai biên nhận. Đến khi phát hiện ra bị lừa thì gần như không có căn cứ pháp lý để buộc nhóm lừa đảo phải chịu trách nhiệm.

Hy vọng đây sẽ là một bài học cảnh giác mới đối với những ai muốn hợp tác kinh doanh với "Tây" và những dự án "khủng".

Tin lời "thánh chém", tổng giám đốc mất 13,5 tỷ đồng

Cách đây chưa lâu Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã làm rõ vụ án một tổng giám đốc công ty xây dựng đã bị một đối tượng không nghề nghiệp lừa một cách cay đắng.

Chỉ bằng nước bọt, đối tượng Nguyễn Văn Tiến đã lừa được tiền tỷ của nhiều giám đốc, tổng giám đốc.

Theo tài liệu điều tra của cơ quan công an, thông qua một số quan hê,å ông Phạm Ngọc Tr. - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và thương mại K.T.P gặp đối tượng Nguyễn Văn Tiến (SN 1967 trú tại Dương Quang, Gia Lâm). Tiến "chém" với ông Trường rằng hắn có nhiều mối quan hệ làm ăn, quen biết với nhiều người ở Bộ Tài chính, có thể lo chạy để trúng thầu thi công các dự án và công trình xây dựng.

Ông Tr. tin tưởng, dặn Tiến khi nào có "mối" thì liên lạc. Một thời gian sau Tiến thông báo với ông Tr. có 2 gói thầu thuộc dự án nạo vét sông Sài Gòn, mỗi gói thầu lên đến hàng nghìn tỷ đồng và được tạm ứng tiền ngay. Trong khoảng một năm Tiến đã nhận của ông Tr. hơn 13,5 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó công ty của ông Tr.  không được Tiến giúp thi công bất kỳ dự án nào.

Bị ông Tr. giục giã nhiều lần, Tiến đã tìm cách làm giả và đưa cho ông Tr. 1 bản thông báo của Bộ Tài chính để ông Tr. tin rằng Tiến đã "chạy" được cho công ty của ông Tr. là đơn vị trúng thầu thi công dự án nạo vét sông Sài Gòn. Ngoài ra, Tiến còn bị ông Lương Văn Khải, giám đốc một doanh nghiệp có trụ sở ở TP .HCM tố cáo lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 8 tỷ đồng.

Minh Tiến
.
.