Khi những tên trộm... hoàn trả tác phẩm nghệ thuật

Thứ Bảy, 13/06/2020, 13:15
Vào sáng sớm ngày 30 tháng 3 vừa qua, bức tranh phong cảnh "Khu vườn linh mục ở Nuenen vào mùa xuân” của danh họa Van Gogh sáng tác năm 1884 để trong Bảo tàng Laren đã bị đánh cắp. Hôm đó đúng là ngày kỷ niệm 167 năm ngày sinh của nhà danh họa và cho đến hôm nay bức tranh vẫn chưa được tìm thấy.

Nạn trộm cắp nghệ thuật thường xảy ra ở các nước phương Tây nhưng với hầu hết mọi người, những tên trộm cắp tác phẩm nghệ thuật dường như có đẳng cấp cao, không giống như những tên trộm cắp khác.

Những tên trộm muốn... hoàn lương

Ăn cắp tranh rồi đem trả lại. Đây là một việc có vẻ như hoang đường nhưng điều vô lý này đã xảy ra nhiều lần ở châu Âu và châu Mỹ. Lần gần đây nhất là vào tháng 12 năm 2019, bức tranh “Chân dung quý bà” của danh họa Gustav Klimt bị mất tích 23 năm trước đã được tên trộm đem trả lại. 

Bức tranh “Chân dung quý bà” của danh họa Gustav Klimt bị đánh cắp năm 1997.

Bức danh họa “Chân dung quý bà” của Gustav Klimt này bị đánh cắp vào năm 1997 tại phòng trưng bày nghệ thuật hiện đại Ricci Oddi ở Piacenza, miền bắc Italy. Cuối năm ngoái, khi người làm vườn dọn dẹp bức tường ở hàng rào bảo tàng đã vô tình phát hiện ra một cánh cửa kim loại, bên trong cánh cửa có một túi đựng rác màu đen, khi mở túi ra người làm vườn không khỏi sững sờ vì bên trong chính là bức tranh "Chân dung quý bà".

Bức tranh được sáng tác từ năm 1916 đến 1917, một năm trước khi danh họa Gustav Klimt qua đời. Năm 1925, nhà sưu tập người Ý là Giuseppe Riccioddi đã mua nó và bức tranh được cất giữ trong bảo tàng nghệ thuật cùng tên với nhà sưu tập cho đến khi nó bị đánh cắp. Bức tranh bị đánh cắp trong quá trình chuẩn bị cho một triển lãm đặc biệt vào ngày 22 tháng 2 năm 1997. Theo các chuyên gia, bức tranh “Chân dung quý bà” có giá ít nhất là 66 triệu euro.

Nơi phát hiện bức “Chân dung quý bà".

Bức tranh được đánh giá cao là vào năm 1996 trước khi bức tranh bị mất cắp một năm, một họa sĩ trẻ đã phát hiện trong dữ liệu của danh họa Gustav Klimt là ông đã sáng tác hai bức “Chân dung quý bà” nhưng một bức đã bị mất tích một cách thần bí.   

Vào tháng 1 năm 2020, một phóng viên đang theo dõi vụ việc này đột nhiên nhận được một cuộc gọi. Người gọi đến nói anh ta là người đã lấy cắp bức tranh, đồng thời sau đó người phóng viên cũng nhận được một lá thư viết: “Hãy coi đây như là một món quà cho thành phố, chúng tôi đã gửi trả lại bức tranh này”.

Hai tên trộm đã giấu bức tranh này trong cánh cửa từ 4 năm trước vì lúc đó thời kỳ kiện tụng vừa mới qua và bọn chúng hy vọng có người sẽ phát hiện ra nó vì chỗ để bức tranh có những dấu hiệu để người ta dễ nhận biết.

Hiện tại, hai tên trộm biết rằng hành động “hào phóng” trả lại bức tranh của chúng trước mắt có thể bị bọn trộm khác chỉ trích, chửi bới nhưng bọn chúng hy vọng được sự khoan dung của pháp luật. Bọn chúng nói rằng bọn chúng đã nhiều lần thừa nhận ăn trộm tranh nhưng không ai tin bọn chúng, thậm chí, bọn chúng đưa ra địa chỉ nơi cất giữ bức tranh nhiều năm. Trước mắt vụ án này vẫn còn đang trong thời kỳ xét xử.

Hoàn trả nhờ... cơ may

Một tên tội phạm khác đã từ bỏ "chiến lợi phẩm" ăn cắp của mình vào năm 2003 đối với một bức tranh nổi tiếng khác. Một người phụ nữ tên là Elizabeth Gibson ở khu ở Manhattan, New York không hiểu biết gì về nghệ thuật đương đại, khi đi bộ dạo phố bà đã thấy một bức tranh ở trong bãi rác và ngay lập tức bà quyết định mang nó về nhà. “Mặc dù tôi không hiểu bức tranh đó là gì nhưng tôi thấy nó rất mạnh mẽ và có sức cuốn hút", bà Elizabeth nói.

Bà Elizabeth đã mất bốn năm để cố gắng tìm kiếm thông tin về bức tranh và cuối cùng bà đã tìm thấy nó trên trang mạng "Triển lãm lưu động cổ vật". Hóa ra nó là một kiệt tác bị đánh cắp vào năm 1989.

Bức tranh này được danh họa nổi tiếng người Mexico Rufino Tamayo vẽ vào năm 1970. Tại một cuộc đấu giá ở Sothyy năm 1977, một nhà sưu tập đã mua bức tranh với giá 55.000 đôla và tặng cho vợ mình như một món quà. Mười năm sau, khi hai vợ chồng ông chuyển đến ngôi nhà mới thì nó bị đánh cắp.

Bức tranh "Khu vườn linh mục ở Nuenen vào mùa xuân" của danh họa Van Gogh bị mất ngày 30/3/2020.

Vì sự trở lại của tác phẩm này, bà Elizabeth đã nhận được phần thưởng trị giá 15.000 đô la. Sau khi nhà sưu tập qua đời, người vợ của ông này quyết định bán đấu giá tác phẩm. Năm 2007, bức tranh được bán với giá hơn 1 triệu đôla và bà Elizabeth cũng nhận được một phần như là giá trị của một phần thưởng.

Ăn cắp một bức tranh là điều những tên trộm có thể làm, nhưng xử lý thế nào với tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp đã trở thành một vấn đề khó đối với hầu hết những tên trộm tác phẩm nghệ thuật, thậm chí nhiều tên trộm sau khi lấy được tác phẩm nghệ thuật đã ăn không ngon, ngủ không yên và tâm trạng luôn hoảng loạn.

Khi hành nghề, bọn trộm thường nhắm vào những đồ vật có giá trị khác nhưng bọn chúng cũng tiện tay lấy đi một tác phẩm nghệ thuật là hoàn toàn nằm ngoài kế hoạch còn việc làm thế nào để tiêu thụ được những tác phẩm này thì bọn chúng không hề biết. Nếu bọn chúng ý thức được rằng đó là một kiệt tác đắt tiền nhưng khi cố gắng giao dịch mà vẫn thất bại, khi tâm lý bị áp lực quá lớn thì cách tốt nhất là lập tức giải thoát cho tác phẩm.

Trả lại vì không thể tiêu thụ được!

Vào tháng 10 năm ngoái (2019), bên ngoài bảo tàng FineArts Montreal ở Canada, một cột totem ở khu dân cư được sáng tạo bởi nghệ sĩ bản địa Charles Joseph đã bị một nhóm say rượu đánh cắp bàn tay trái của bức tượng. Sau đó những tên trộm không những đã trả lại bàn tay mà còn đính kèm một lá thư xin lỗi: "Lúc đó chúng tôi hoàn toàn không tỉnh táo và chúng tôi không biết cột totem là gì, bây giờ chúng tôi đã biết ý nghĩa của nó là đại diện cho rất nhiều người...”.

Khi đã dùng hết tất cả các biện pháp mà không thể đổi được các tác phẩm nghệ thuật thành tiền thì cách trả lại là tốt nhất để tránh phiền phức. 

Người sáng lập ra “Tổ chức thu hồi các tác phẩm nghệ thuật”, ông Christopher Marinello phân tích rằng: “Mới đầu, hầu hết những tên trộm đều muốn bán những tác phẩm lấy cắp được ngay lập tức hoặc hy vọng công ty bảo hiểm có thể đứng ra trao cho chúng một phần thưởng để thu hồi lại tác phẩm nghệ thuật. Khi phương pháp này không hiệu quả, bọn chúng bắt đầu cảm thấy lo lắng và thấy rằng tác phẩm nghệ thuật trong tay bọn chúng đã trở thành một củ khoai tây nóng và nguy cơ ngày càng cao hơn”.

Tại thời điểm này, thứ nhất là tiêu hủy hay quẳng nó đi, thứ hai là đem trả lại nó. Nói chung bọn trộm sẽ do dự giữa hai sự lựa chọn này, cách lựa chọn gửi trả có thể giúp chúng giảm án hoặc thoát khỏi nhà tù.

Khi rơi vào tình huống khó xử, trước tiên bọn chúng sẽ cất giấu bức tranh để có thời gian trì hoãn nhưng điều này cũng vẫn có thể bị phát hiện. Bọn trộm còn cảm thấy rằng tội ác đã qua đi một thời gian dài thì có thể an toàn nhưng cũng có những tên trộm bị cảm giác tội lỗi day dứt đánh bại đã tự nguyện đem trả các tác phẩm nghệ thuật đánh cắp được.

Horst Wchter, con trai của tướng SS người Đức đã mang trả lại ba tác phẩm nghệ thuật mà mẹ anh ta đã lấy từ Bảo tàng Quốc gia Kraków ở Ba Lan năm 1939. Horst hy vọng hành động của mình sẽ khiến cho nhiều người khác đem trả lại các tác phẩm nghệ thuật được sở hữu không hợp pháp: "Tôi không làm điều này cho bản thân mình mà là cho mẹ tôi".

Người có nhiều tranh bị mất cắp nhất

Trở lại với danh họa Van Gogh, dường như những tên trộm có sở thích đặc biệt với các tác phẩm của nhà danh họa. Nghệ sĩ thiên tài này trong suốt cuộc đời của mình có nhiều điều long đong nên sau khi ông chết, các tác phẩm của ông không được yên ổn và luôn bị đánh cắp. Theo thống kê trong nhiều năm có tất cả 28 tác phẩm của danh họa Van Gogh đã bị đánh cắp ở Hà Lan nhưng cuối cùng chúng cũng đã được tìm thấy.

Bức tranh “Phong cảnh biển ở Scheveningen” của danh họa Van Gogh bị đánh cắp năm 2002.

Một vụ trộm các tác phẩm của Van Gogh với quy mô lớn trong Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam năm 1991 đã được lên kế hoạch rất cẩn thận. Khi bọn trộm lái xe trốn chạy, lốp xe không may bị nổ và bọn chúng đã có một kết cục ảm đạm...

20 tác phẩm của danh họa Van Gogh bị đánh cắp cùng với kiệt tác "Những người ăn khoai tây" có tổng trị giá khoảng 500 triệu đô la. Nửa giờ sau khi xảy ra vụ trộm, những bức tranh được tìm thấy trong một chiếc ôtô bỏ lại gần bảo tàng và bốn người đàn ông sau đó đã bị bắt và bị kết tội.

Năm 2002, một tác phẩm khác bị đánh cắp từ bảo tàng này đã "thành công" hơn lần trước. Hai bức tranh "Giáo đoàn rời nhà thờ Tin lành ở Nuene" (sáng tác năm 1884-1885 ) và "Phong cảnh biển ở Scheveningen" (sáng tác năm 1882) sau 15 năm bị mất tích đã được phát hiện trong chiến dịch chống tội phạm có tổ chức của Ý năm 2016.

Năm 2003, ba tác phẩm nổi tiếng “Căn cứ quân sự ở Paris” của danh họa Van Gogh, “Nghèo đói” của danh họa Picasso và “Phong cảnh Tahitian” của danh họa Gauguin đã bị đánh cắp tại phòng trưng bày nghệ thuật Whitworth ở Vương quốc Anh. Mấy ngày sau những tác phẩm này được tìm thấy trong một nhà vệ sinh công cộng gần phòng trưng bày ở Manchester. Những tác phẩm này được cuộn tròn bọc kín và kèm theo một mẩu giấy viết rằng ý định của bọn chúng là không phải ăn cắp mà là chỉ "kiểm tra các biện pháp an ninh đáng buồn của bảo tàng".

Vào tháng 11 năm ngoái (2019), một nhóm trộm đặc biệt hung tợn đã đánh cắp hai tác phẩm của nhà danh họa Rembrandt từ phòng trưng bày tranh Dulwich ở London, hai tác phẩm này được mượn từ các bảo tàng mỹ thuật. Bọn trộm sau khi đánh đập dã man nhân viên bảo vệ đã lấy đi các tác phẩm nhưng không lâu sau những tác phẩm này đã được phát hiện trong một bụi cây ở gần đó và được đưa trở lại Bảo tàng Louvre và phòng trưng bày Quốc gia Washington. 

Cho đến ngày hôm nay, tác phẩm "Khu vườn linh mục ở Newnan vào mùa xuân" của danh họa Van Gogh đã bị mất được hai tháng nhưng khả năng tìm thấy ngay lập tức là điều không thể, chúng ta hy vọng rằng giống như hầu hết các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp khác, cuối cùng nó cũng sẽ được trở về.

Nguyễn Đình Thiêm (Theo “Xinhuanet.com”)
.
.