Khi “siêu lừa” mặc áo lính

Thứ Tư, 17/03/2021, 09:10
Hiện tượng những kẻ lừa đảo lợi dụng uy tín quân đội để thực hiện chiếm đoạt tài sản đã trở nên ngày càng phổ biến trên thế giới. Thế nhưng, ít người biết rằng “chiêu” lừa đảo này đã có lịch sử hàng trăm năm.

William James Clark

Trong một xã hội đề cao quân đội như ở nước Mỹ, có những người chưa từng đi lính cũng tìm cách giả bộ như thể mình từng phục vụ trong quân ngũ. William James Clark là một trường hợp như vậy. Với thân hình béo ục ịch mà William cũng dám “hiên ngang” tự nhận mình là lính đặc nhiệm mũ nồi xanh. Và thế là, chỉ với một bộ đồng phục, mũ bê-rê và cặp kính đen mà y cũng lừa được khối người.

Lần đầu tiên William bị bắt là vào năm 2010. Một trung sĩ mặc thường phục bất ngờ bắt gặp William trong bộ đồng phục và cầu vai đại uý. Lúc đó y đang tìm cách mặc cả với một đại lý bán xe ATV. William đòi được mua xe với giá rẻ để “trang bị cho tiểu đoàn”. Người trung sỹ nhận ra ngay kẻ lừa đảo do y đội mũ bê-rê đen chứ không phải mũ xanh như lính mũ nồi xanh. William chỉ kịp “bỏ của chạy lấy người” khi cảnh sát bất ngờ ập đến.

Vào ngày 26-5-2002, một chiếc sà lan mất lái và va vào cây cầu bắc qua sông Arkansas (bang Oklahoma, Mỹ). 14 người chết trong vụ tai nạn. Trong khi người dân và nhân viên cứu hộ tìm cách khắc phục hậu quả, William James Clark bất ngờ xuất hiện. Y tuyên bố mình là đại diện của quân đội Mỹ đến điều phối hoạt động cứu hộ. Giữa lúc vụ việc rối bời nên không một  ai tỏ ra nghi ngờ William cả.

Stanley Weyman (trái), đứng cạnh phái đoàn của Công chúa Afghanistan Fatima Sultana.

William giám sát hiện trường vụ tai nạn ba ngày liên tiếp. Trong thời gian đó, y “kiểm tra” đồ dùng tư trang của nạn nhân, chiếm dụng một chiếc xe bán tải làm phương tiện riêng. Đồng thời, buộc chủ một khách sạn gần đó phải dành cho mình tám căn phòng sang trọng nhất. Chưa hết, bởi vì có một sỹ quan lục quân chết trong vụ tai nạn, William mới gọi cho vợ người này và giả bộ là cấp trên chia buồn. Y gọi điện trước mặt mọi người để làm họ càng tin mình hơn.

Trò lừa đã có thể kéo dài lâu hơn nếu như không có một vị thị trưởng chỉ ra danh tính thật của William. Hoá ra giấy truy nã William đã được gửi đến văn phòng thị trưởng nơi xảy ra tai nạn. Không tốn một giây, y nhảy tót lên xe bán tải và chạy qua biên giới Canada.

Vị thị trưởng quyết không chịu từ bỏ William. Ông tự mình thực hiện điều tra, bắt đầu từ một chiếc máy tính xách tay kẻ lừa đảo bỏ lại. Qua chiếc laptop, ông tìm ra được địa chỉ nơi bố và chị gái William sống. Vậy là vị thị trưởng và cảnh sát chỉ cần ngồi chờ để “mai phục” William ngay khi y xuất hiện. Vào tháng 10-2011, William William James Clark bị toà án kết tội 25 năm tù và phải bồi thường tổng cộng 250.000 USD.

William Hillar

William Hillar là chủ của một trung tâm giảng dạy kỹ năng phòng vệ và chống khủng bố. Y tự nhận mình là một Đại tá lính đặc nhiệm từng phục vụ tại Châu Á; Trung  Đông và Nam Mỹ. Theo lời William, y có kinh nghiệm huấn luyện binh lính và tư vấn cho chính phủ trong các lĩnh vực liên quan đến chống khủng bố; chống buôn bán ma tuý,… Bộ phim “Taken” nổi tiếng cũng lấy cảm hứng từ câu chuyện thật của William Hillar: Con gái ông ta bị bắt cóc khi đang du lịch tại tại Thái Lan năm 1988. William dành sáu tháng ròng rã để truy tìm con. Đến khi ông ta tìm thấy con gái trong một nhà thổ, cô đã chết vì kiệt sức.

Tất nhiên là tất cả những gì William Hillar tự nhận về mình đều là nói dối. Nhưng nhờ vào sự tự tin cố hữu mà William đã lừa được vô số người. Y được mời giảng dạy các lớp huấn luyện dành cho bộ binh và cảnh sát trên khắp nước Mỹ. Nội dung các khoá học này đều được William “đạo” từ tạp chí, sách báo, và văn bản hành chính. Mỗi năm có hàng trăm nạn nhân ngây thơ “sập bẫy” mà đăng ký theo học trung tâm huấn luyện của William. Ngay cả thành phố quê hương cũng coi kẻ lừa đảo là anh hùng. Y thường xuyên phát biểu trong các dịp sinh hoạt cộng đồng như: tiệc từ thiện, lễ tốt nghiệp,…

Ngay cả thành phố quê hương của William Hillar cũng bị lừa.

Cộng đồng lính đặc nhiệm ở Mỹ rất nhỏ và gần như ai cũng biết nhau. Cựu binh Jeff Hinton là người đầu tiên phát hiện ra trò lừa đảo của William Hillar. Jeff  bèn hỏi bạn bè mình về vị “chuyên gia chống khủng bố” này. Hoàn toàn không có bất kỳ bằng chứng hay giấy tờ nào cho thấy William từng phục vụ cho quân ngũ. Vì bản thân việc mạo danh cựu chiến binh cũng là vi phạm pháp luật tại một số bang ở Mỹ nên Jeff báo động cho FBI. Sau nhiều tháng điều tra, cuối cùng họ cũng đưa William Hillar ra toà và đóng cửa trung tâm huấn luyện của y.

Vụ xét xử William Hillar hiện đang gặp khó khăn trong khâu ước tính thiệt hại mà y đã gây ra. Kẻ lừa đảo đã hoạt động trên 10 năm, và ngoài những cá nhân, tổ chức lỡ trả tiền cho y, toà án còn phải làm rõ tác động của những gì William đã giảng dạy. Chắc hẳn đã có biết bao nhiêu sở Cảnh sát trên khắp nước Mỹ “sập bẫy” William và đưa các phương pháp “chống khủng bố” hoàn toàn sai lầm của y ra áp dụng thực tế.

Stanley Jacob Weinberg

Một ngày nọ vào năm 1915 tàu chiến Mỹ mang tên USS Wyoming bất ngờ đón một vị khách nước ngoài. Đó là ông Ethan Allen Weinberg, Thiếu tá hải quân Rumani đến quan sát và học hỏi kinh nghiệm đóng tàu. Đích thân thuyền trưởng tàu Wyoming dẫn Ethan đi một vòng quanh tàu, sau đó còn mời vị Thiếu tá đi ăn ở nhà hàng sang trọng nhất New York. Lúc món tráng miệng dọn ra cũng là khi Cảnh sát ập vào còng tay Thiếu tá Ethan Allen Weinberg.

Tên thật của Ethan Allen Weinberg là Stanley Jacob Weinberg. Trong khi làm tạp vụ tại một cửa hàng thời trang, y nhận ra một chi tiết trong cách đối xử của nhân viên bán hàng. Ấy là, nếu khách hàng ăn mặc xuềnh xoàng, người nữ nhân viên sẽ hành xử như thể muốn đuổi khách đi. Ngược lại, cô ta tỏ ra lễ độ với bất kỳ khách hàng nào ăn mặc sang trọng, trong khi có thể họ chẳng mang đồng nào trong túi. Vậy là Stanley nghĩ ra một mưu kế để “đổi đời” chỉ trong một cái chớp mắt.

Stanley mặc vào người một bộ vest và đội lên đầu cái mũ Fez nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thế là y có thể đường đường chính chính bước vào khách sạn Hilton New York với danh nghĩa “Thừa phái viên Mỹ ở Morocco”. Y được ăn một bữa ngon nhất trong đời mà không phải trả bất kỳ đồng nào. Còn toàn bộ hoá đơn của bữa ăn đều được gửi đến Bộ Ngoại giao.

Sau khi nhận được rất nhiều báo cáo về việc có kẻ chuyên ăn quịt tiền của các nhà hàng New York, sở cảnh sát thành phố cuối cùng cũng phải vào cuộc. Họ bắt giam Stanley trong thời gian năm năm. Nhưng rồi vẫn chứng “ngựa quen đường cũ”, Stanley lại làm trò giả danh sỹ quan quân đội. Cùng lúc đó hắn nghe được tin công chúa Afghanistan Fatima Sultana sẽ đến thăm Mỹ.

Stanley Jacob Weinberg mua một bộ đồng phục hải quân và đứng chờ phái đoàn Afghanistan xuống tàu. Stanley bảo với họ rằng mình là nhân viên của Bộ Ngoại giao, và nếu công chúa Fatimah đồng ý trả cho mình số tiền 10.000 USD, y sẽ giúp họ được gặp Tổng thống Warren G. Harding trong ngày. Công chúa Fatimah đồng ý. Vậy nhưng khác với những tên lừa đảo khác, Stanley không bỏ chạy mà tìm cách giúp phái đoàn Afghanistan được vào Nhà Trắng.

Chỉ với một bộ đồng phục mà Stanley lừa được cả Bộ Hải quân; Bộ Ngoại giao và Sở Mật vụ Mỹ. Khi y dẫn phái đoàn Afghanistan đến trước Nhà Trắng, không ai tìm cách ngăn cản Stanley mà thậm chí, người ta còn mở cổng cho hắn. Chỉ ba tiếng sau khi đặt chân lên nước Mỹ, công chúa Fatimah đã được gặp Tổng thống Warren G. Harding dưới sự chứng kiến của báo chí. Cũng bởi vì bị cánh phóng viên phát hiện mà Stanley lại một lần nữa bị bắt.

Trong những năm còn lại của cuộc đời, Stanley “ra tù vào khám” vì một loạt các vụ lừa đảo khác nhau. Thậm chí từng có lần hắn suýt nữa được Đại sứ quán Thái Lan thuê làm chuyên viên quan hệ công chúng. Stanley chết năm 1960 do bị bắn chết khi đang cố gắng tìm cách phá cửa kính ăn trộm một khách sạn. Theo lời Giám đốc Sở Cảnh sát New York khi đó: “Tôi đã biết Stanley Jacob Weinberg hơn nửa đời mình rồi. Đây là lần đầu tiên tôi thấy hắn làm một điều gì đó dũng cảm”.

Williams James Clark trong bộ đồng phục lính mũ nồi xanh.

Friedrich Wilhelm Voigt

Friedrich Wilhelm Voigt sinh ra tại Tilsit, Phổ (nay là huyện Sovetsk, Nga) trong một gia đình làm nghề đóng giày. Sau khi người cha mất, gia đình rơi vào cảnh túng thiếu. Friedrich vào tù lần đầu tiên vào năm 14 tuổi vì tội ăn trộm. Đây chỉ là lần đầu tiên ông ta phải vào tù. Trong khoảng thời gian từ 1864 đến 1891, Friedrich lĩnh tổng cộng 25 năm tù vì nhiều tội danh ăn trộm và làm đồ giả khác nhau. Lần ông ta phải ở tù lâu nhất là 15 năm sau một vụ cướp toà án bất thành.

Sau khi ra tù vào năm 1906, Friedrich cố gắng làm lại cuộc đời bằng cách sống với em gái và hành nghề đóng giày. Nhưng vì không có hộ khẩu thường trú và lại là cựu tù nên ông ta bị cảnh sát đuổi đi. Trong cảnh không nhà không cửa giữa mùa đông nước Đức, Friedrich nghĩ ra một kế để tự cứu mình.

Friedrich tìm mua quần áo sỹ quan từ các cửa hàng đồ cũ. Ông ta còn tỉa lại bộ ria mép của mình sao cho giống kiểu người ta vẫn thường để trong quân ngũ. Chỉ hai thứ này đã là đủ để ông lừa được một toán lính đồn trú ở ngoại ô Berlin. Theo lời “thượng cấp”, toán lính hành quân đến thành phố Kpenick. Friedrich xộc vào toà nhà ủy ban thành phố để tuyên bố mình là thanh tra nhà nước đến bắt thị trưởng và thủ quỹ vì tội ăn cắp của công.

Cho dù Friedrich không hề chìa ra bất kỳ thứ giấy tờ nào nhưng cả thành phố Kpenick đều tin lời ông ta. Cảnh sát còn làm theo lệnh bắt người của Friedrich, còn bưu điện thì đóng cửa để không ai đánh điện “báo động đồng phạm”. Friedrich, toán lính và hai người bị bắt lên xe ngựa cùng với toàn bộ số tiền trong ngân quỹ thành phố. Khi đi được nửa đường Friedrich mới bảo toán lính đứng canh tù nhân, còn mình cầm hai túi tiền lẩn trốn.

Phải đến ngày hôm sau toán lính mới ngơ ngác báo lại mọi chuyện cho cấp trên. Câu chuyện một kẻ lừa đảo được cả thành phố trở thành đề tài nóng trên mặt báo chí Đức. Cảnh sát bắt được Friedrich nhờ vào đầu mối do bạn tù cũ của ông ta cung cấp. Đến lúc này câu chuyện cuộc đời ông ta đã được báo chí đăng tải rộng rãi. Công chúng vừa tỏ ra xót thương số phận kém may mắn của Friedrich. Đồng thời vừa chỉ trích thái độ tuân lệnh mù quáng của quân đội Đức. Cuối cùng, Hoàng đế Đức KaiserWilhelm II ra lệnh đặc xá cho Friedrich để làm vừa lòng thần dân của mình.

Friedrich trở thành người nổi tiếng ở Đức. Ông đi khắp mọi nơi để kể chuyện về mình và bán tự truyện. Vào năm 1910, Friedrich kiếm đủ tiền để chuyển đến Luxembourg, nơi ông sống và hành nghề đóng giày cho đến khi qua đời. Ngày nay khách du lịch đến với thành phố Kpenick có thể ghé thăm bức tượng tưởng niệm Friedrich Wilhelm Voigt.

Lê Vũ Vũ (Tổng hợp)
.
.