Khó xử lý quán bar “chui", vì sao?

Thứ Ba, 30/07/2019, 12:53
Hàng năm, công an các cấp ở TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng các Đoàn kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội thực hiện hàng trăm lượt kiểm tra các quán bar, vũ trường trên địa bàn thành phố. Mỗi lần như vậy, lực lượng phối hợp phải bố trí hàng chục, hàng trăm con người cùng phương tiện, công cụ… để thực thi nhiệm vụ.

Qua đó có hàng chục ngàn lượt người bị kiểm tra, hàng ngàn lỗi vi phạm bị xử lý nhưng các quán bar, vũ trường hoạt động không phép thì vẫn tồn tại và lớn mạnh như là một thách thức.

Ngay trong tháng 7-2019, cơ quan chức năng ra quân kiểm tra các quán bar như  bar 141 Club (Phú Nhuận), bar 363 (quận 7)… phát hiện nhiều lỗi vi phạm và hàng chục đối tượng dương tính với ma túy; nhưng chỉ một hai ngày sau, các quán bar lại hoạt động bình thường…

Vũ trường, quán bar hoạt động không phép

Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 10 vũ trường hoạt động có giấy phép, số còn lại với hơn 150 vũ trường, quán bar hoạt động “chui”, đó là chưa kể đến hàng trăm quán cà phê, karaoke biến tướng thành bar.

Chủ doanh nghiệp (DN) xin thành lập nhà hàng, khách sạn, cà phê… có quầy bar nhưng sau đó đã biến quầy bar thành vũ trường mini. Nói là mini nhưng nhiều nơi có sức chứa lên đến hàng trăm người. Số lượng quán bar, vũ trường có nhiều ở khu vực trung tâm thành phố (quận 1, 3, 5, 10); ở vùng ven, ngoại thành số lượng ít và nhỏ. Cho nên, thời gian sau 23h, các cô gái ăn mặc “thiếu vải”, các chàng trai tóc xanh, tóc đỏ, xăm mình vằn vện… từ vùng ven, ngoại thành đổ vào nội thành khá đông đúc.

Các cán bộ Công an làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự.

Từ thực tế cho thấy, người đi bar, chỉ có số ít là khách du lịch, còn lại là các cậu ấm cô chiêu con nhà giàu có nhưng chơi bời lêu lổng, đối tượng tội phạm, giang hồ, gái mại dâm cao cấp, tiếp viên nhà hàng… “đốt” tiền để mua “cảm giác mạnh” từ tiếng nhạc chát chúa, xập xình. Sau đó là những buổi tiệc “quẩy tới bến” với ma túy và cuối cùng là những cuộc “mây mưa” bên trong khách sạn, nhà trọ.

Ban ngày, những “con thiêu thân” gần như không xuất hiện để ngủ lấy sức cho những công việc về đêm và tiếp tục cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Nói vậy để thấy rằng, chẳng có người nào đàng hoàng, con nhà gia giáo, học hành nghiêm túc, có công ăn việc làm ổn định… lại ngày ngày đi bar.

Mặt khác, với chi phí bỏ ra không nhỏ cho một cuộc vui thì hiếm có người lương thiện nào sống bằng sức lao động chân chính lại tìm đến bar để mua vui ngày này qua tháng nọ. Do vậy mà có thể khẳng định rằng, phần đông người tìm đến quán bar thuộc thành phần gây bất ổn cho xã hội mà nhiều nhất là con nghiện.

Minh chứng cho sự thật trên đó là biết bao cuộc kiểm tra quán bar, vũ trường của cơ quan chức năng trong thời gian vừa qua. Chỉ mỗi hoạt động của vũ trường khá nổi tiếng và tai tiếng như vũ trường Đông Kinh (quận 5) cũng đủ để nói lên tất cả. Cách đây gần 1 năm, khi Đông Kinh trở nên quá phức tạp, Công an quận 5 phối hợp cùng Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội quận 5 tiến hành kiểm tra hành chính.

Ngay khi ập vào, các trinh sát đã khống chế và bắt giữ 4 đối tượng có hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất ma tuý. Bên trong quán bar lúc này có hơn 200 khách đang điên cuồng lắc theo điệu nhạc với công suất cực lớn. 176 người (138 nam, 38 nữ) có dấu hiệu nghi vấn sử dụng ma túy bị đưa về trụ sở để kiểm tra, kết quả có 121 người (99 nam, 22 nữ) dương tính với các chất ma túy. Quán bị lập biên bản về các lỗi như:  Không có giấy phép hành nghề vũ trường, quán bar; để khách sử dụng ma túy trong khu vực mình quản lý, vi phạm PCCC, bản quyền âm nhạc…

Sau vụ kiểm tra này vũ trường Đông Kinh vẫn tiếp tục hoạt động không phép nhưng lượng khách ít hơn so với trước. Rạng sáng ngày 19-1-2019, Công an quận 5 tái kiểm tra vũ trường này và phát hiện gần 30 người dương tính với chất ma túy, các lỗi khác thì y như cũ.

Bẵng đi một thời gian, đến khoảng 0h ngày 31-5-2019, hàng chục cán bộ chiến sĩ Công an quận 5 phối hợp Đội liên ngành văn hóa xã hội quận 5 tiếp tục kiểm tra vũ trường này và một lần nữa phát hiện 24 người (17 nam, 7 nữ) dương tính với ma túy. Với kiểu kinh doanh bất chấp như thế này thì dù có kiểm tra, xử lý bao nhiêu lần đi nữa vẫn chưa thể “xóa sổ” được vũ trường Đông Kinh…

Phạt hành chính không đủ sức răn đe

Việc kiểm tra vũ trường, quán bar của cơ quan công an và Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội các cấp là công việc thường xuyên, liên tục mà cao điểm là vào thời điểm dịp lễ, tết. Các cuộc kiểm tra diễn ra khá giống nhau, có khác chăng là về số lượng người chơi bar ở mỗi tụ điểm. Đó là tầm khoảng nửa đêm về sáng, lực lượng phối hợp bất ngờ ập vào kiểm tra; thu giữ ma túy, lập biên bản vi phạm; đưa người về trụ sở xét nghiệm ma túy…

Cơ quan chức năng kiểm tra một quán bar.

Và kết quả lúc nào cũng có trên dưới 50% số người dương tính với ma túy; các lỗi vi phạm thường thấy là hoạt động không giấy phép và quá giờ quy định; bán rượu mạnh không phép; ánh sáng, âm thanh vượt mức cho phép; PCCC không đảm bảo; buông lỏng quản lý để khách hàng sử dụng ma túy trong cơ sở kinh doanh…

Các lỗi này chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, cộng hết các khoản chỉ vài chục triệu đồng là cùng, chẳng đáng là bao so với lợi nhuận kếch sù mà các người chủ thu được. Một số vụ có xử lý hình sự (như ở quán bar 212 Nguyễn Trãi, quận 1; bar 86 Hùng Vương, quận 5; bar Vertu, Phú Nhuận…)  nhưng chỉ là quản lý, nhân viên, khách chơi bị bắt quả tang khi tàng trữ, mua bán ma túy, còn người chủ thì tuyệt nhiên chẳng hề hấn gì. Rất ít khi mọi người nghe, đọc được thông tin có chủ quán bar, vũ trường nào đó bị khởi tố.

Thế cho nên, việc bị kiểm tra và phạt vi phạm hành chính, các chủ quán bar coi như chuyện bình thường, không đáng để bận tâm. Bởi có phạt 1 lần hay hàng chục lần cũng như nhau cả, chỉ khác là tốn tiền nộp phạt nhiều hơn mà thôi. Tất cả các quán bar hiện nay ít thì vài lần, nhiều thì gần 20 lần nhưng sau đó vẫn hoạt động ì xèo, thách thức dư luận, thách thức chính quyền.

Còn nhớ những năm đầu của thế kỷ 21, khi Luật doanh nghiệp chưa ra đời, các quán bar, vũ trường rất dễ bị rút giấy phép khi để xảy ra vi phạm. Để tồn tại, người chủ mua chuộc cán bộ tha hóa ở các cơ quan công quyền để khi nào kiểm tra thì báo trước. Một số người chủ khác thì thuê đội quân xe ôm, túc trực ngày đêm trước Đoàn kiểm tra liên ngành, thấy ra quân là bám theo.

Nếu Đoàn đi về hướng quán bar mình được nhờ theo dõi thì lập tức báo cho người chủ để tìm cách đối phó. Còn bây giờ, các chiêu đó không còn tồn tại, bởi chuyện bị phạt hành chính “rẻ” hơn rất nhiều so với phải đi thuê mướn, chạy chọt. Mặt khác, vì hoạt động không phép nên chủ quán bar còn gì đâu mà phải sợ… rút giấy phép!?

Giới trẻ đi bar giờ cũng khác, nếu trước đây cứ hễ có đoàn kiểm tra là mạnh ai nấy chạy. Còn bây giờ họ cứ dửng dưng, thậm chí còn châm chọc người thi hành công vụ. Bởi ma túy mà họ đang sử dụng chỉ cần vứt xuống sàn là thoát tội. Còn có test nhanh phát hiện ma túy cũng chẳng có sao vì cùng lắm là bị phạt hành chính nếu như có nơi cư trú ổn định ở TP Hồ Chí Minh. Do vậy mà nhóm người vẫn còn tháo chạy là những kẻ “đầu trộm đuôi cướp”, tàng trữ ma túy trong người hoặc có hộ khẩu ngoài thành phố mà thôi.

Cần điều chỉnh luật

Trung tá Nguyễn Văn Nừa, Phó Đội trưởng Đội 6, Phòng CSHS, Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Mỗi lần đơn vị phối hợp cùng Đoàn kiểm tra liên ngành Văn hóa - xã hội TP Hồ Chí Minh kiểm tra một quán bar, vũ trường nào đó cũng có trên dưới 100 người là khách hàng. Kết quả test nhanh ma túy cũng có trên dưới phân nửa số người dương tính với ma túy.

Thuốc lắc phát hiện trong một quán bar.

Tuy nhiên, do hầu hết số lượng người dương tính ma túy có nơi cư trú ổn định ở TP Hồ Chí Minh nên họ chỉ bị xử phạt hành chính rồi cho về. Chỉ có số ít người có hộ khẩu ngoài thành phố mới đưa đi cai nghiện bắt buộc  ở các trung tâm. Vì luật đã quy định thế nên cơ quan công an không thể làm khác”.

Còn đối với cơ sở vi phạm, nếu có giấy phép hoạt động mà vi phạm nhiều lần thì có thể bị đề nghị rút giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự. Tuy nhiên, có bị rút giấy chứng nhận này rồi thì họ vẫn hoạt động vì có hay không có giấy chứng nhận này thì cũng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà thôi.

Còn đối với trường hợp cơ quan công an đề xuất rút giấy phép kinh doanh cũng hết sức trần ai vì đề xuất là một chuyện, còn có rút giấy phép hay không lại là chuyện khác vì thuộc quyền quyết định của Sở Kế hoạch - Đầu tư, mà thực tiễn thì rất khó rút được.

Bởi theo Luật Doanh nghiệp (DN) 2014, DN chỉ bị rút giấy phép trong các trường hợp: Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký DN là giả mạo; DN hình thành do những người bị cấm thành lập DN; DN ngừng hoạt động kinh doanh 1 năm mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế; DN không gửi báo cáo theo quy định đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản và trường hợp khác theo quyết định của Tòa án.

Chiếu theo đó thì những vi phạm của DN kinh doanh quán bar, vũ trường không thuộc phạm vi điều chỉnh nên không thể rút giấy phép.

“Có một số trường hợp vi phạm Luật DN, bị rút giấy phép nhưng sau đó họ nhờ người nhà hoặc thuê người khác đứng tên thành lập DN mới và tiếp tục hoạt động trên mặt bằng cũ. Nguyên nhân là do pháp luật không cấm việc thành lập DN trên địa điểm bị rút giấy phép trước đó” - Trung tá Nguyễn Văn Nừa cho biết thêm.

Ngoài ra, một số người chủ bị phạt hành chính nhiều lần thì họ chuyển sang chủ mới rồi tiếp tục hoạt động như chẳng có chuyện gì xảy ra. Còn người cho thuê nhà, do số tiền thuê được người kinh doanh trả rất cao so với giá thị trường nên họ cũng làm ngơ trước việc vi phạm pháp luật của người thuê, không lấy lại mặt bằng.

Đây cũng chính là yếu tố rất quan trọng trong việc phòng chống tệ nạn xã hội nói chung và kinh doanh quán bar, vũ trường nói riêng. Như vũ trường 1102 Club, từng 3 lần bị xử phạt vi phạm hành chính, sau đó chuyển sang chủ mới và tiếp tục hoạt  động không phép…

Chiêu đối phó phổ biến hiện nay là người chủ làm một giấy ủy quyền giao cho người quản lý toàn quyền điều hành quán và chịu trách nhiệm trước pháp luật những việc mình làm. Nên trong trường hợp có vi phạm pháp luật hình sự xảy ra thì người chủ đều thoát tội. Còn con nghiện đến với các quán bar, vũ trường; khi bị lập biên bản ở địa bàn quận này thì chúng chuyển sang đi quán bar, vũ trường quận khác. Vì các quận, huyện không có đầu mối thông tin chung về người vi phạm nên “mạnh ai nấy biết”, vì vậy mà con nghiện không bị xử lý triệt để dù nhiều lần vi phạm hành chính.

“Cần điều chỉnh Luật DN, chính sách quản lý người nghiện, quy định chặt chẽ hơn về cho thuê nhà… thì mới mong trị được các chiêu đối phó của người kinh doanh quán bar, vũ trường. Còn như hiện tại, chuyện xử lý cũng như “bắt cóc bỏ đĩa” chứ không mang lại kết quả như mong muốn” - Một cán bộ thuộc Đoàn kiểm tra liên ngành Văn hóa- xã hội TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến.

Mã Hải
.
.