Khoác áo “từ thiện” để buôn lậu “rác” y tế

Thứ Hai, 17/08/2009, 05:35
Hàng loạt "rác" thiết bị y tế được Trần Tiến Thịnh, giám đốc công ty cổ phần nhựa Trường Thịnh và Phan Văn Hóa, giám đốc công ty TNHH Trùng Dương móc nối cùng Hồ Khánh Chung, Việt kiều quốc tịch Mỹ nhập vào Việt Nam để bán ra thị trường, kiếm lời bất chính đã được ngăn chặn kịp thời. Song, thủ đoạn của bọn chúng rất tinh vi nhằm qua mắt cơ quan chức năng do có sự tính toán và chuẩn bị khá kỹ lưỡng.

Biết hàng cấm, vì lợi nhuận cao, vẫn cứ nhập

Ngày 28/7 vừa qua, Tòa án nhân dân TP HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ "buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Tại tòa, các bị cáo đều luôn kêu "oan" và rằng nại lý do "ít học, thiếu hiểu biết". Nực cười hơn, đa phần những bị cáo này trước khi bị bắt đều giữ chức vụ giám đốc và phó giám đốc các công ty. Từ kết quả của Cơ quan điều tra (CQĐT) thể hiện Trần Tiến Thịnh, Phan Văn Hóa và Hồ Khánh Chung đã cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận cách thức thu nhận hàng.

Tại Mỹ, Hồ Khánh Chung đảm nhận việc làm thủ tục chuyển hàng về Việt Nam. Các lô hàng thiết bị y tế đã qua sử dụng của các bệnh viện tại Mỹ thường được tài trợ cho các tổ chức từ thiện đem tặng các nước kém phát triển. Việc làm thủ tục nhận hàng tại Việt Nam được Phan Văn Hóa, Trần Tiến Thịnh đảm nhận và được hai đối tượng này giao cho Phạm Thị Thúy, Phó giám đốc Công ty Vina Thái Bình Dương thực hiện.

Hàng y tế bị phát hiện nhập lậu về Việt Nam.

Sau khi gom hàng, Hồ Khánh Chung thuê Hãng tàu MSC và làm thủ tục chuyển về Việt Nam. Ngày 6/1/2007, Hãng tàu MSC phát hành vận tải đơn số MSC UWC 172720 gồm 4 container loại 40 feet có tải trọng 14.514 kg là hàng hóa trang thiết bị y tế đã qua sử dụng và đơn vị nhập hàng là Vina Thái Bình Dương, đơn vị nhận hàng là Everlines Việt Nam. Ngày 1/2/2007, Đại lý Hãng tàu MSC tại Việt Nam có thông báo gửi Everlines Việt Nam thông báo ngày hàng về là 5/2/2007.

Trong thời gian hàng trên đường về Việt Nam, do biết hàng là thiết bị y tế đã qua sử dụng cấm nhập khẩu, không thể làm thủ tục hải quan, Phạm Thị Thúy đã thông báo cho Hóa, Thịnh và Chung biết và nói để nguyên mặt hàng trên hóa vận đơn là trang thiết bị y tế đã qua sử dụng thì không thể nhập được và đề nghị phải thay đổi tên hàng thành sợi tổng hợp 100% polyeste mới có thể lấy hàng ra khỏi cảng. Theo đề nghị của Thúy, Trần Tiến Thịnh và Phan Văn Hóa chỉ đạo Hồ Khánh Chung liên lạc về Mỹ yêu cầu Hãng tàu MSC thay đổi tên hàng hóa từ trang thiết bị y tế đã qua sử dụng thành hàng sợi tổng hợp polyeste 100%.

Đến ngày nhận hàng, Hãng tàu MSC phát hành lệnh giao hàng số VNSGN 13313 giao cho đơn vị nhận hàng là Everlines để làm thủ tục khai báo hải quan. Ngày 8/2/2007, Hãng tàu MSC tại Mỹ gửi mail về Đại lý MSC Việt Nam với nội dung thay đổi tên hàng hóa trên vận đơn như đã nêu.

Sau khi có bộ chứng từ là Lệnh giao hàng đã được chủ hãng tàu thay đổi nội dung theo đề nghị của Hồ Khánh Chung là hàng vận chuyển từ Mỹ về Việt Nam "biến" hàng thiết bị y tế đã qua sử dụng thành sợi tổng hợp 100% polyester filament yarn là hàng sợi nhập bình thường. Đồng thời, Trần Tiến Thịnh, Phan Văn Hóa yêu cầu Phạm Thị Thúy tìm người đánh tháo 4 container ra khỏi cổng cảng mang về kho số 1 Hoàng Diệu, quận 4 để cất giữ.

Giả mạo con dấu của cơ quan hải quan để tuần hàng ra nước ngoài

Phạm Thị Thúy khi được Hóa, Thịnh và Chung đặt vấn đề đứng ra nhập hàng và được biết là hàng thiết bị y tế đã qua sử dụng cấm nhập, Thúy đã trực tiếp yêu cầu thay đổi tên hàng trên hóa vận đơn. Sau đó, Phạm Thị Thúy đã nhờ Trần Xuân Đức Giám đốc Công ty TNHH Đà Hải đánh tháo 4 container hàng từ cảng Tân Cảng.

Đức đã gặp Phan Văn Xuân - chuyên làm dịch vụ giao nhận xuất nhập khẩu tự do, nhờ làm giấy tờ giả để đánh tráo 4 container hàng thiết bị y tế đã qua sử dụng trong cảng Tân Cảng. Phan Văn Xuân đồng ý và trực tiếp nhờ Trần Lan Hương, Giám đốc Công ty DV - TM Quỳnh Chi tổ chức lấy hàng ra khỏi cổng cảng.

Trần Lan Hương sau khi trao đổi với Xuân biết rằng hàng là thiết bị y tế đã qua sử dụng cấm nhập. Công ty của Trần Lan Hương tuy không có chức năng nhập hàng này nhưng vẫn nhận lời và gặp gỡ, trao đổi với Nguyễn Công Hoan. Không một chút đắn đo, Hoan đồng ý nhập hàng với giá 80 triệu đồng/container, tổng cộng 4 container là 320 triệu đồng.

Sau đó, theo yêu cầu của Xuân, Hương nhắn vào máy điện thoại di động của Xuân tên công ty để làm thủ tục nhận hàng tại Việt Nam là "Tứ Thịnh Co, số 1 phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP HCM, Việt Nam; Fax 84 8996860, tên hàng là sợi polyeste 100% filament yarn 75D/72F Tân Cảng" để Xuân báo cho Đức và Phạm Thị Thúy yêu cầu Hồ Khánh Chung thay đổi tên hàng nhập trên hóa đơn vận đơn.

Phan Văn Xuân khai báo giá cho Trần Văn Đức là để đánh tráo hàng ra khỏi cảng thì chi hết 42.000 USD. Đức đã báo cho Phan Văn Hóa và Trần Tiến Thịnh giá là 48.000 USD, được Hóa và Thịnh đồng ý. Sau khi Hương nhận số tiền 320 triệu đồng, đã giao cho Xuân 4 phiếu giao nhận container (liên 2: kiểm soát cảng) có chữ ký giả mạo công chức hải quan Phạm Văn Ổn và 1 giấy mượn container. Khi nhận các giấy tờ trên, Phan Văn Xuân báo cho Trần Xuân Đức và theo chỉ đạo của Đức, Xuân thuê Vương Huy Truyền - quản lý công ty của Trần Xuân Đức - có chức năng vận chuyển, giao phiếu lấy container cho Truyền để thuê xe tổ chức vận chuyển hàng về kho số 1 Hoàng Diệu.

Khi được Trần Lan Hương kêu Nguyễn Công Hoan làm thủ tục nhập hàng, do trước nay Hoan đã đặt làm thử dấu giả công chức hải quan Phạm Văn Ổn tại ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi. Thấy được nên Hoan bằng lòng làm và ra giá 60 triệu đồng/container. Vì được biết là hàng thiết bị y tế cấm nhập, nên Hoan nhận làm giả hồ sơ chứng từ để đánh tháo hàng container thiết bị y tế, Hoan thấy lời nên nảy sinh ý định làm "lần cuối" để giao nhận xuất nhập khẩu tự do. Sau khi Xuân giao tiền, Hương đã đưa cho Hoan và được Hoan chia lại 80 triệu đồng.

Ngày 11/2/2007, sau khi được Trần Lan Hương thông báo hàng về, Hoan đến Công ty TNHH Quỳnh Chi của Hương lấy giấy báo. Sau đó, Hoan đến Công ty Thái Bình Dương nhận Lệnh giao hàng. Đến Đại lý Hãng tàu MSC tại 157 Nguyễn Lương Bằng, quận 7 làm giấy mượn container đóng số tiền 1,6 triệu đồng  và ra Tân Cảng làm giấy hạ rỗng container.

Khoảng 13h cùng ngày, Hoan vào phòng cấp phiếu ra cổng, tại đây in cho Hoan 4 bộ phiếu giao nhận container, mỗi bộ 4 liên. Nhận phiếu giao container xong, Hoan không đến bộ phận hải quan làm thủ tục thanh lý mà mang ra ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi đưa 4 phiếu giao nhận container cho người tên Năm Mập đóng dấu giả công chức hải quan Phạm Văn Ổn và trả Năm Mập 2 triệu đồng. Sau đó Hoan đến nhà Hương tại đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh, giao toàn bộ hồ sơ đã làm giả, Hương giao giấy tờ này cho Phan Văn Xuân và nhận 320 triệu đồng. Trần Lan Hương đã trả cho Hoan 236 triệu đồng. --PageBreak--

Núp bóng làm... "từ thiện" để chạy tội

Ngày 15/2/2007, Hương gọi điện thoại báo cho Hoan biết việc lô hàng đã bị lộ đồng thời kêu Hoan trả lại tiền. Khi hàng về kho số 1 Hoàng Diệu thì Chung có đến kiểm tra theo yêu cầu của Phan Văn Hóa. Lúc này, Hồ Khánh Chung xác nhận hàng là trang thiết bị y tế đã qua sử dụng nhưng cho là hàng đưa về làm từ thiện.

Khi được phía Thịnh, Hóa và Thúy cho biết phải thay đổi hóa vận đơn chuyển hàng thiết bị y tế đã qua sử dụng từ Mỹ về là sợi polyeste 100% là sai trái. Nhưng vì, hàng thiết bị y tế đã qua sử dụng đã đóng vào container vận chuyển bằng đường biển về Việt Nam nếu phải gửi trả về Mỹ thì rất tốn kém vì cước phí vận chuyển, lưu kho và các bệnh viện phía Mỹ khi cho "rác" thiết bị y tế đã qua sử dụng đề nghị mọi thủ tục vận chuyển, nhập cảnh vào Việt Nam thì đối tác xin hàng phải làm thủ tục. Thế nên, việc chuyển trả hàng thiết bị y tế đã qua sử dụng về lại Mỹ sau này càng khó vận động "xin" thiết bị y tế đã qua sử dụng để làm "từ thiện".

Do vậy, Hồ Khánh Chung đã mail về Mỹ đề nghị chủ hãng tàu sửa chữa tên hàng vận chuyển theo như đã nêu trên. Khi Chung đề nghị đã được Thịnh cùng Hóa đồng ý và hứa sẽ chi cho 20.000 USD. Phía Hóa với Thịnh sẽ chịu mọi chi phí bốc xếp tại Mỹ và vận chuyển hàng về Việt Nam.

Phan Văn Hóa còn cho biết, hàng thiết bị rác y tế đã qua sử dụng là để sử dụng tại Phòng khám đa khoa Thiên Phước, ở số 269 Điện Biên Phủ, phường 7, quận 3 do Hóa làm Chủ tịch Hội đồng thành viên. Phan Văn Hóa cố tình chống chế hành vi buôn lậu của mình khi nhắc đến việc trước khi nhập hàng, Phan Văn Hóa có ký Biên bản ghi nhớ với Cơ sở Thiên Phước do Linh mục Phan Khắc Từ làm giám đốc, chuyên chữa bệnh cho trẻ em tàn tật và nhiễm chất độc da cam. Việc nhập hàng, Phan Văn Hóa không mua bán vào mục đích kiếm lời.

Song, qua xác minh tại cơ sở Hóa khai thì những nơi này xác nhận là Phan Văn Hóa có "hứa" tặng một số hàng trang thiết bị y tế đã qua sử dụng, nhưng từ trước đến nay các cơ sở này vẫn chưa nhận được mặt hàng nào.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Cũng với chiêu bài này, Trần Tiến Thịnh cho biết bản thân hay tham gia làm "từ thiện". Hơn hết, Thịnh còn là hội viên đối ngoại của Trung tâm nhân đạo Quê Hương. Trước khi nhập hàng rác thiết bị y tế, Thịnh cũng có "hứa" cho Trung tâm nhân đạo Quê Hương, Trường khuyết tật Nhân Ái ở Mỹ Tho một số hàng để làm từ thiện. Tuy nhiên, theo kết quả xác minh, Trần Tiến Thịnh và hai cơ sở này cũng chỉ là "hứa hẹn" tặng trang thiết bị y tế đã qua sử dụng chứ không ký biên bản ghi nhớ như những gì Thịnh khai.

Đặc biệt nghiêm trọng, khi xác minh tại cơ quan y tế chức năng Nhà nước cho thấy Trần Tiến Thịnh, Phan Văn Hóa và Hồ Khánh Chung không có báo cáo xin phép nhập khẩu hàng y tế đã qua sử dụng để làm từ thiện theo quy định của Nhà nước.

Điều đáng nói, tại CQĐT Phan Văn Hóa, Trần Tiến Thịnh đã xác định số hàng thiết bị y tế qua sử dụng sẽ được chia đôi cho Hóa và Thịnh. Cả hai chịu chi phí nhập lô hàng về để sử dụng hoặc bán ra thị trường. Ngay sau đó, Trần Tiến Thịnh và Phan Văn Hóa thay đổi lời khai cho rằng nhập "rác" y tế về để làm mục đích "từ thiện".

Tuy nhiên với những chứng cứ trong hồ sơ vụ án thì Trần Tiến Thịnh và Phan Văn Hóa biết rõ đây là hàng cấm nhập. Hơn nữa, nếu muốn nhập phải xin phép cơ quan chức năng. Thế nhưng Thịnh và Hóa vẫn cố tình nhập vào Việt Nam, có hành vi gian dối thuê người làm và sử dụng chứng từ giả công chức hải quan mang tên Phạm Văn Ổn để đánh tráo hàng ra khỏi cổng cảng nhằm mục đích bán ra thị trường, thu lời bất chính.

Chiều ngày 29/7, Tòa án nhân dân TP HCM đã tuyên phạt Trần Tiến Thịnh, 53 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Trường Thịnh mức án 1 năm 10 tháng 25 ngày tù giam; Phan Văn Hóa, sinh năm 1950, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Trùng Dương 2 năm 5 tháng 1 ngày tù giam; Hồ Khánh Chung, 51 tuổi, Việt kiều quốc tịch Mỹ 2 năm 3 tháng 2 ngày tù giam. Những bị cáo còn lại hưởng án treo gồm: Phạm Thị Thúy, Trần Xuân Đức. Riêng, Nguyễn Công Hoan, nhân viên giao nhận hàng hóa bị phạt 2 năm tù treo về tội "buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"

Đỗ Hưng
.
.