Khởi tố nguyên 3 cán bộ Công an Tiền Giang

Thứ Sáu, 24/06/2011, 14:30

Chiều 7/6/2011, Cục Điều tra Hình sự - Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và khám xét nhà riêng của nguyên 3 cán bộ Công an Tiền Giang, gồm các ông: Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Văn Út, về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ" theo Điều 281 Bộ Luật Hình sự.

Ngoại trừ ông Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên được tại ngoại, còn ông Phạm Văn Út bị bắt tạm giam…

1. Sự việc khởi đầu từ một vụ tranh chấp xảy ra vào năm 2000 tại  Công ty TNHH Gas Bình Dương, do ông Đỗ Cao Bằng là Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Viết Tạo là Tổng giám đốc, ông Nguyễn Đức Bình là Ủy viên HĐQT và ông Phạm Văn Hướng là Ủy viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc. Theo các ông Bằng, Hướng, Bình, thì trong quá trình kinh doanh, ông Nguyễn Viết Tạo có biểu hiện lạm dụng chức vụ, âm mưu chiếm đoạt tài sản. Vụ việc được đưa ra Tòa Kinh tế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bình Dương phán xử, nhưng khi tòa đang thụ lý thì ông Nguyễn Viết Tạo cho thay đổi hồ sơ, đăng ký thành lập lại công ty với ý định loại ông Đỗ Cao Bằng cùng các thành viên khác ra khỏi bộ máy lãnh đạo.

Để bảo vệ tài sản, ngày 18/9/2000, ông Đỗ Cao Bằng đưa một số người ngoài công ty vào giữ. Ông Nguyễn Viết Tạo chỉ đạo nhân viên phản ứng lại. Sau đó, Ban Quản lý Khu công nghiệp Bình Dương và Công an tỉnh Bình Dương đã tiến hành giải quyết, có ý kiến và chữ ký của ông Nguyễn Viết Tạo, xác nhận không xảy ra xô xát. Sau này, Tổng cục Cảnh sát cũng nhận định đây là tranh chấp kinh tế, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Kinh tế, TAND tỉnh Bình Dương.

2. Tháng 6/2002, sau khi nổ ra vụ án Năm Cam, ông Nguyễn Viết Tạo làm đơn gửi Ban chuyên án, tố cáo một số thành viên trong Công ty Hưng Thịnh thuê mướn "băng nhóm xã hội đen Năm Cam chiếm giữ tài sản của Công ty Gas Bình Dương". Nhận được đơn này, lãnh đạo Ban chuyên án đã phân công cho ông Nguyễn Văn Nên, lúc ấy là Thiếu tá, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT - Công an Tiền Giang làm tổ trưởng tổ điều tra, thụ lý. Đến ngày 27/3/2003, ông Nguyễn Văn Nên ký lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với ông Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình vì tội danh "gây rối trật tự công cộng".

Ngày 29/4/2003, cũng ông Nguyễn Văn Nên, ký lệnh bắt, khám xét khẩn cấp với ông Bùi Mạnh Lân (Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Thịnh là đơn vị cho Công ty Gas Bình Dương thuê mặt bằng) và ông Phạm Văn Hướng. Việc bắt giữ này dựa trên một báo cáo gửi lãnh đạo Ban chuyên án Năm Cam, trong đó có đoạn: "… kể từ ngày Ban chuyên án bắt giữ Đỗ Cao Bằng và đồng bọn, thì Bùi Mạnh Lân, Phạm Văn Hướng có những diễn biến bất thường như tìm cách bán nhà, bán cổ đông, tài sản, không về nơi thường trú để ở. Xét thấy đối tượng có biểu hiện trốn… Đề xuất áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn, bắt giữ Phạm Văn Hướng, Bùi Mạnh Lân, đề phòng đối tượng chạy trốn…".

Công ty gas Bình Dương, thời điểm xảy ra tranh chấp.

3. Sau khi các ông Lân, Hướng, Bằng, Bình bị bắt, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam cả 4 người với tội danh "gây rối trật tự nơi công cộng". Thế nhưng, khi hồ sơ chuyển lên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC), thì Viện từ chối phê giam ông Lân, ông Hướng vì ông Lân không phải chủ mưu, và ông Hướng không phải đồng phạm. Thay vì trả tự do cho ông Lân, ông Hướng, lãnh đạo Ban chuyên án Năm Cam vẫn khẳng định ông Lân, ông Hướng có tội. Tuy nhiên, ngày 11/6/2003, VKSNDTC chỉ phê chuẩn tạm giam ông Bùi Mạnh Lân 3 tháng. Riêng với ông Phạm Văn Hướng, VKSNDTC vẫn từ chối, không phê giam.

Ngày 12/6/2003, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn và cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Phạm Văn Hướng. Quyết định này được giao cho ông Nguyễn Văn Nên và ông Nguyễn Tuyến Dũng để chuyển đến Trại tạm giam Công an Tiền Giang và bị can nhưng cả ông Nên, ông Dũng đều không thực hiện với lý do phải xin ý kiến của lãnh đạo Ban chuyên án. Mãi tới ngày 7/7/2003, quyết định của Cơ quan CSĐT Bộ Công an mới được thi hành. Như vậy ông Hướng bị tạm giam 60 ngày mà không hề có sự phê chuẩn của VKSNDTC, trong đó có 26 ngày sau khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn.

Chưa hết, ngày 27/8/2003, VKSNDTC giao cho ông Nguyễn Văn Nên các quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với các ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình, yêu cầu thực hiện. Thay vì thi hành, ông Nguyễn Văn Nên lại báo cáo với lãnh đạo Ban chuyên án Năm Cam: "Bị can Bùi Mạnh Lân đang bị mở rộng điều tra làm rõ việc chiếm đoạt số tiền 8 tỉ đồng của Công ty Epco từ năm 1997, đồng thời liên quan đến việc chiếm đoạt 23.383m2 đất của bà T. Nếu giải quyết cho Lân tại ngoại thì gây khó khăn cho việc mở rộng điều tra vụ án", mà thực tế sau này, ông Nguyễn Văn Nên thừa nhận việc chiếm đoạt không có thật!

Ngày 1/9/2003, ông Nguyễn Văn Nên, Nguyễn Tuyến Dũng mới thực hiện quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với ông Bùi Mạnh Lân, Phạm Văn Hướng, Nguyễn Đức Bình. Tính ra, ông Lân đã bị giam thêm 5 ngày sau khi đã có quyết định của VKSNDTC.

4. Ngày 28/10/2002, trên địa bàn Tiền Giang xảy ra vụ án buôn lậu xăng dầu quy mô lớn và đã được Công an Tiền Giang khởi tố. Khi kê biên tiền, tài sản của các bị can, Phòng CSĐT - Công an Tiền Giang đã không mở tài khoản tạm gửi tại Kho bạc Nhà nước, mà đem gửi tiết kiệm lấy lãi. Đến tháng 9/2005, Cơ quan CSĐT Công Tiền Giang  ra quyết định xử lý vật chứng trong vụ buôn lậu xăng dầu, giao cho một bị can được tại ngoại tìm khách hàng, ký hợp đồng mua bán vỏ tàu 5.000 tấn - là vật chứng của vụ án. Khi bán được với giá 16,5 tỉ đồng (bên mua trả làm nhiều lần), bị can này nộp 10,3 tỉ vào tài khoản của Cơ quan Thi hành án tỉnh Tiền Giang.

Theo chỉ đạo của ông Ngô Thanh Phong (lúc này là Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT - Phó thủ trưởng thường trực Cơ quan CSĐT - Công an Tiền Giang), kế toán đơn vị mở tài khoản không kỳ hạn tại Ngân hàng Đầu tư Phát triển - Chi nhánh Tiền Giang, do ông Phong đứng tên chủ tài khoản. Kết quả xác minh cho thấy trong quá trình điều tra, xử lý vụ án buôn lậu xăng dầu, hai ông Phong, Nên đã chỉ đạo gửi tiền vật chứng vào ngân hàng 3 lần, lần thứ nhất 11,4 tỉ, lần thứ hai 12,1 tỉ, lần thứ ba 5,8 tỉ, thu lãi được 1,3 tỉ đồng.

5. Sau khi được tha, các ông Bùi Mạnh Lân, Phạm Văn Hướng, Đỗ Cao Bằng  liên tục làm đơn khiếu nại gửi đến nhiều ngành, nhiều cấp, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của các ông Nguyễn Văn Nên, Nguyễn Tuyến Dũng, Phạm Thanh Sang, Lê Anh Tuấn…, tất cả đều là cán bộ Công an tỉnh Tiền Giang, và đã được các cơ quan chức năng thụ lý.

Thực tế cho thấy sau này, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản nhận định về nội dung những lá đơn khiếu nại của ông Bùi Mạnh Lân: "Đồng chí Nên ký lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Bùi Mạnh Lân, Phạm Văn Hướng là trái quy định của Điều 63 Bộ Luật Hình sự, là vi phạm pháp luật. Việc giam giữ Phạm Văn Hướng không có lệnh giam từ ngày 12/6 đến ngày 7/7/2003 là vi phạm pháp luật hình sự, có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn, giam giữ người trái pháp luật. Trách nhiệm chính thuộc về đồng chí Nên. Việc không thực hiện ngay Quyết định của VKSNDTC, giam giữ Bùi Mạnh Lân quá 5 ngày không có lệnh, trách nhiệm cũng thuộc về đồng chí Nên…".

Khu Công nghiệp Đồng An (Bình Dương).

Một năm sau khi ông Bùi Mạnh Lân bị bắt, ông Cao Ngọc Oánh, lúc ấy là Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, ký báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công an, trong đó nêu nhận xét: "Việc gây mất trật tự tại Công ty TNHH gas Bình Dương xảy ra ngày 18/9/2000, đã được Công an Bình Dương lập biên bản giải quyết. Đến năm 2002 có đơn tố cáo, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã thẩm tra và kết luận đây là tranh chấp kinh tế, không có dấu hiệu phạm tội hình sự. Việc tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Trong khi TAND Bình Dương đang thụ lý vụ việc thì ngày 27/3/2003, Cơ quan CSĐT - Công an Tiền Giang ra lệnh bắt khẩn cấp 5 đối tượng, đến ngày 29/4/2003 lại ra lệnh bắt khẩn cấp tiếp 2 đối tượng…".

6. Ngày 11/3/2008, ông Nguyễn Văn Nên và ông Nguyễn Tuyến Dũng đã đến gặp riêng ông Bùi Mạnh Lân và ông Nguyễn Văn C., đề nghị nhận lại số tiền (5,25 tỉ đồng) nhưng cả hai ông đều từ chối (đây là số tiền liên quan đến việc “chiếm đoạt” 23.383m2 đất của bà T. mà ông Nguyễn Văn Nên đã báo cáo với lãnh đạo Ban Chuyên án Năm Cam). Ngày 13/11/2009, Công an Tiền Giang tổ chức họp để xác minh đơn khiếu nại, tố cáo của ông Bùi Mạnh Lân, và đã kết luận từng vụ việc. Tuy nhiên, do không đồng tình với bản  kết luận, ông Bùi Mạnh Lân lại tiếp tục khiếu nại.

Cuối cùng, các cơ quan chức năng đã xác định: "Việc ký lệnh bắt và khám xét khẩn cấp đối với ông Bùi Mạnh Lân, Phạm Văn Hướng là trái quy định của Điều 63 Bộ Luật Hình sự, là vi phạm pháp luật. Việc giam giữ ông Phạm Văn Hướng không có lệnh giam từ ngày 12/6/2003 đến 7/7/2003 là vi phạm pháp luật hình sự, có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam giữ người trái pháp luật… Việc không thực hiện ngay Quyết định của VKSNDTC, giam giữ ông Lân quá 5 ngày không có lệnh cũng thuộc về trách nhiệm của đồng chí Nên", "Hành vi của các đối tượng Lân, Hướng, Bằng chưa cấu thành tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 245 Bộ Luật Hình sự…Việc ông Lân, ông Hướng khiếu kiện, tố cáo đồng chí Nguyễn Văn Nên ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp không đúng pháp luật là có căn cứ. Việc ông Hướng tố cáo bị giam giữ trái pháp luật và yêu cầu bồi thường về danh dự, vật chất là có căn cứ. Việc ông Lân khiếu kiện, tố cáo bị giam giữ 5 ngày trái pháp luật là có căn cứ".

Riêng việc gửi tiền vật chứng vào ngân hàng lấy lãi chia nhau, bản báo cáo kết quả xác minh tố giác tội phạm của Cơ quan Điều tra - VKSNDTC, nêu rõ: "Ông Ngô Thanh Phong, nguyên Trưởng phòng CSĐT - nay là Đại tá Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ khai nhận: Có biết và đồng ý để ông Nguyễn Văn Nên và cấp dưới dùng tiền thu giữ trong vụ án buôn lậu xăng dầu gửi tiết kiệm lấy lãi, tiền lãi thu về chi dùng trong phòng. Ông Nguyễn Văn Nên khai nhận: Tiền lãi thu về, giao Phạm Văn Út quản lý. Việc chi tiêu do lãnh đạo phòng quyết định.

Theo ông Nên nhớ thì dùng tiền quỹ này mua khoảng 9 xe Honda cấp cho lãnh đạo phòng, các đội thuộc phòng để sử dụng, mua máy vi tính cho phòng, trả nợ 100 triệu đồng do bộ phận đời sống của phòng trước đó kinh doanh thua lỗ. Cuối năm 2004, khi thành lập cơ quan theo mô hình mới, số tiền còn lại chia hết cho anh em trong phòng. Ông Phạm Văn Út, khai: Cuối năm 2002, thấy điều tra viên chuyên án buôn lậu xăng dầu thay vì nộp tiền vật chứng vào kho, thì lại mở sổ tiết kiệm. Khi biết đó là chủ trương của lãnh đạo phòng, ông Út chấp hành…

Sau khi có những kết luận này, ông Nguyễn Văn Nên làm đơn xin cứu xét. Trong đơn ông viết: "Kính mong các đồng chí xem xét, giúp đỡ cho tôi có điều kiện an tâm học tập và bảo vệ xong luận án tiến sĩ vào năm 2013 rồi sau đó chuyển tôi sang ngành nào cũng được. Đây là nguyện vọng, ước mơ duy nhất của cuộc đời tôi.."

Vũ Cao
.
.