Khủng hoảng ở sở cảnh sát London

Thứ Sáu, 19/09/2008, 10:30
Sở Cảnh sát London, thường được biết đến với cái tên Scotland Yard, đang rơi vào tình trạng khủng hoảng sau khi vị Giám đốc cơ quan này, Ian Blair, bị chính một trong những vị phó của mình tố cáo tội phân biệt chủng tộc. Bị phơi bày trước công luận, vụ việc này càng khiến dư luận nước Anh đặt dấu chấm hỏi về vai trò của Scotland Yard, vốn bị chính trị hóa từ sau vụ giết nhầm một người Brazil vào năm 2005.

"Bão táp đang diễn ra trong Scotland Yard". Đó là nhan đề mà tờ Daily Telegraph chọn để nói về việc người đứng đầu Sở Cảnh sát London, Ian Blair, bị Tarique Ghaffur - nhân vật số ba của cơ quan này, gốc Nam Á, tố cáo tội phân biệt chủng tộc. "Tarique Ghaffur đã công khai sự mâu thuẫn với vị lãnh đạo của mình sau khi đâm đơn kiện người này tội phân biệt chủng tộc, tôn giáo và tuổi tác" - Daily Telegraph cho biết.

Tarique Ghaffur, 53 tuổi, là nhân vật đứng đầu trong lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Anh, theo đạo Hồi. Tarique Ghaffur, sinh tại Uganda trong một gia đình gốc Pakistan, tố cáo ông Ian Blair nhiều lần từ chối việc đưa ông ta lên làm nhân vật thứ 2 của Scotland Yard mà không đưa ra được lý do chính đáng.

Ngoài ra, Tarique Ghaffur cũng cho biết, không hiểu vì chuyện gì mà vị thủ trưởng của ông luôn tìm cách phản đối hoặc bóp méo những đề xuất của ông, gần đây nhất là liên quan tới công tác chuẩn bị kế hoạch bảo đảm an ninh cho Thế vận hội Olympic London 2012, mà về lý thuyết thì chính ông Tarique Ghaffur phải là người phụ trách về việc này.

"Đơn kiện đã được công bố còn tiết lộ rằng, quan hệ giữa hai vị lãnh đạo chóp bu của Scotland Yard tồi tệ tới mức họ đã không còn trực tiếp nói chuyện với nhau mà phải thông qua một người thứ ba" - tờ Daily Telegraph tường thuật. Theo đơn kiện, Ian Blair cũng cấm Tarique Ghaffur tham dự các buổi tiếp đón chính thức.

"Đây là một bằng chứng về sự phân biệt chủng tộc được thể chế hóa trong lực lượng cảnh sát Anh" - Alfred John, Chủ tịch Hiệp hội cảnh sát Anh gốc châu Phi, cho biết. Hiện trong tổng số 600.000 nhân viên cảnh sát của Scotland Yard thì có đến 300 sĩ quan là người theo đạo Hồi.

Daily Telegraph còn bình luận rằng sự xung đột nội bộ này đang khiến giới chức Anh lo ngại. "Scotland Yard có nhiệm vụ bảo vệ đất nước trước các nguy cơ khủng bố, bảo đảm an ninh trật tự tại thủ đô London, bảo vệ an toàn cho các thành viên trong chính phủ và Hoàng gia Anh. Giới chức cấp cao của Anh lo ngại rằng sự mâu thuẫn sâu sắc trong Scotland Yard hiện nay đã đẩy tổ chức này vào tình trạng gần như tê liệt".

Từ khi lên nắm quyền Scotland Yard từ năm 2005 đến nay, ông Ian Blair đã để xảy ra rất nhiều chuyện gây tranh cãi, nhất là sau cái chết của Jean-Charles de Menezes.

Ngày 22/7/2005, Scotland Yard đã giết nhầm Jean-Charles de Menezes, nhân viên ngành điện gốc Brazil đang làm việc tại London, do tình nghi người này là một trong những thủ phạm đánh bom khủng bố tại London trước đó 2 tuần.

Vụ việc đã làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong nước cũng như quốc tế về cách thức điều tra của Sở Cảnh sát London. Vấn đề còn trở nên nghiêm trọng khi ông Ian Blair bị gia đình nạn nhân tố cáo định dùng 1 triệu USD để mua sự im lặng của họ.

Một năm sau, người đứng đầu Scotland Yard tiếp tục phải công khai xin lỗi vì đã cho phép nhân viên của mình bí mật theo dõi các cuộc nói chuyện điện thoại của một cố vấn pháp lý trong Chính phủ Anh.

Gần đây nhất, một cuộc điều tra đã được mở ra nhằm làm rõ việc Scotland Yard bí mật cấp cho Công ty Hitachi Consulting một hợp đồng nghiên cứu về giám sát những địa điểm sẽ tổ chức Thế vận hội Olympic 2012 tại London.

Việc bị viên phó của mình tố cáo tội phân biệt chủng tộc hôm 28/8 vừa qua càng khiến hình ảnh của vị giám đốc Scotland Yard xấu đi hơn bao giờ hết. Về phần mình, trước những cáo buộc trên ông Ian Blair cho rằng, những việc ông làm là vì một sự "phân biệt chủng tộc tích cực".

Thực tế cho thấy từ lâu viên sĩ quan cảnh sát thân với đảng Lao động này đã luôn có ý định xây dựng mô hình một sở cảnh sát mà theo ông là "tiêu biểu cho một thủ đô đa văn hóa". Và dưới mắt Ian Blair, Tarique Ghaffur, từng là cánh tay phải đắc lực của Ian Blair, không có gì xuất sắc mà chỉ hoàn thành các nhiệm vụ một cách chấp nhận được.

Hơn nữa, năm 2000, Tarique Ghaffur từng cố gắng làm chìm một cuộc điều tra về tham nhũng nhằm vào một sĩ quan cảnh sát trong lực lượng Scotland Yard theo đạo Hồi. Ông Ian Blair, lúc đó đang là nhân vật số hai của Scotland Yard, lại là người chịu trách nhiệm điều tra vụ việc này. Vụ án cuối cùng đã kết thúc bằng tuyên bố miễn tố.

Tờ The Independent thì đưa ra một nhận xét chung rằng, ông Ian Blair từ lâu luôn được coi là một trong những sĩ quan cảnh sát cao cấp bị chính trị hóa nặng nề nhất trong lịch sử cảnh sát Hoàng gia Anh và được mệnh danh là "sĩ quan cảnh sát được yêu thích" của đảng Lao động.

Ngoài ra, The Independent còn cho biết, ông Ian Blair từ lâu luôn nhận được sự nâng đỡ của Jacqui Smith, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Anh. Tuy nhiên, sự thất bại mới đây của Ken Livingstone, cựu Thị trưởng London, trước Boris Johnson khiến chiếc ghế của ông Ian Blair bị lung lay. Tân Thị trưởng thành phố London Boris Johnson không giấu giếm ý định sẽ phế truất ông Ian Blair.

Tờ báo này cho rằng mặc dù ông Johnson không có quyền sa thải Giám đốc Sở Cảnh sát London nhưng những tố cáo mới đây của Tarique Ghaffur có thể sẽ khiến Chính phủ Anh phải hy sinh ông Ian Blair để trấn an dư luận và làm hài lòng phe đối lập

Hà Ninh (Tổng hợp)
.
.