Kinh doanh đa cấp liên kết “tín dụng đen”: Chiêu thức lừa đảo tinh vi

Thứ Ba, 01/10/2013, 16:35

Không chỉ vẽ ra viễn cảnh thu nhập siêu lợi nhuận để lôi kéo, dụ dỗ những người nhẹ dạ tham gia, thời gian gần đây, loại hình kinh doanh đa cấp biến tướng xuất hiện dấu hiệu liên kết với những đối tượng hoạt động "tín dụng đen" hình thành đường dây lừa đảo, cho vay lãi suất cao khép kín, đưa người bị hại vào bẫy. Rơi vào vòng xoáy "tín dụng đen", bị thúc ép đòi nợ, xiết nợ, không ít nạn nhân hoặc mất tiền oan, hoặc quay sang lừa người khác để lấy lại tiền. Chiêu thức lừa đảo mới này rất cần được các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn sớm.

Lừa cả bạn bè, người thân

Những ngày qua, cộng đồng mạng vô cùng bức xúc trước việc một nam sinh viên đến Công ty Thiên Ngọc Minh Uy (trụ sở tại Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) để hủy hợp đồng bán hàng đa cấp, lấy lại số tiền mua hàng 7 triệu đồng nhưng không được giải quyết mà còn bị nhân viên công ty đánh "hội đồng".

Nạn nhân là anh Lê Quốc Đạt, sinh viên Đại học Khoa học công nghệ. Theo trình bày của anh Đạt, tháng 8/2013, một người bạn trên facebook đã dùng những lời lẽ ngon ngọt để quảng cáo, mời chào Đạt đến Công ty Thiên Ngọc Minh Uy tìm cơ hội việc làm với thu nhập cao.

Ngày 18/8, theo hướng dẫn của người này, Đạt mang theo học bạ cấp 3 đến trụ sở Công ty Thiên Ngọc Minh Uy. Tại đây, Đạt được người của công ty mời chào, lôi kéo và hứa hẹn về những mức lương khủng, công việc nhàn hạ với điều kiện phải mua sản phẩm của công ty là máy lọc nước Ozon giá 7 triệu đồng. Khi Đạt trình bày không có tiền nộp nên không thể tham gia  thì  một người trong công ty cho biết có chỗ chuyên cho sinh viên vay vốn và  đưa Đạt đến một hiệu cầm đồ trên đường Trần Đại Nghĩa.

Tại đây, Đạt được chủ hiệu cầm đồ nhận cầm cố chứng minh nhân dân (CMND), học bạ cho vay 7 triệu đồng với lãi suất 35 nghìn đồng/ngày. Sau khi có tiền, nhân viên công ty đưa Đạt quay trở lại trụ sở làm hợp đồng đặt mua máy lọc nước  và nộp 7 triệu đồng vừa vay cho công ty. Tuy nhiên, khi về nhà, anh Đạt lên mạng tìm hiểu thấy có nhiều người tố hành vi kinh doanh đa cấp này có dấu hiệu lừa đảo nên đã nhờ một số người trên diễn đàn mạng giúp đỡ đi đòi lại tiền để chuộc giấy tờ cầm cố tại hiệu cầm đồ về.

Ngày 15/9, Đạt cùng nhóm sinh viên đến Công ty Thiên Ngọc Minh Uy đề nghị hủy hợp đồng, lấy lại tiền nên đã xảy ra tranh cãi và xô xát với nhân viên công ty.

Phạm Minh Tuấn (19 tuổi), sinh viên một trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội, vẫn chưa hết sợ hãi khi kể lại câu chuyện bị đe dọa xiết nợ từ việc tham gia kinh doanh đa cấp. Tuấn cho biết, cuối tháng 6/2013, tình cờ gặp lại một người bạn gái học cùng phổ thông tên Bích Ngọc, hiện là sinh viên đại học. Thấy Tuấn nói chuyện muốn tìm việc làm thêm để khẳng định bản thân, Ngọc sốt sắng nhận lời giúp đỡ, hứa hẹn sẽ giới thiệu một việc làm rất tốt, phù hợp cho Tuấn. Nhưng Ngọc không nói cụ thể là việc gì. Hôm sau, Ngọc chủ động điện thoại rồi đưa Tuấn đến Công ty  TNHH V., có trụ sở tại phố Nguyễn Thị Định, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Tại đây, Tuấn được một nhóm nhân viên công ty nhiệt tình tư vấn con đường làm giàu nhanh chóng khi gia nhập làm thành viên công ty  với mức thu nhập lên tới hàng chục triệu đồng/tháng. Tuấn được một nhân viên tên Tú hướng dẫn mua một cuốn sách "Cẩm nang khởi nghiệp" do công ty phát hành với giá 250.000 đồng/cuốn và tư vấn mua 10 hộp  Thymozin - thực phẩm chức năng có tác dụng tăng cường miễn dịch, nâng sức đề kháng, là một trong những sản phẩm của công ty được kinh doanh theo kiểu bán hàng đa cấp có giá 5.750.000 đồng. Như vậy, tổng số tiền mà Tuấn phải bỏ ra để đầu tư "cơ hội việc làm" là 6 triệu đồng.

Thấy Tuấn trình bày không có tiền, Ngọc và Tú sốt sắng cho biết có một công ty tài chính chuyên cho sinh viên vay vốn với điều kiện rất dễ dàng, chỉ cần đặt CMND. Nghe việc vay tiền quá đơn giản, Tuấn đồng ý đi theo Tú và Ngọc  đến một cửa hàng cầm đồ trên phố Đặng Văn Ngữ. Có vẻ Ngọc và Tú đã dẫn rất nhiều người đến đây nên Tuấn được chủ cửa hàng tên Hải đồng ý cho vay ngay 6 triệu đồng,  hẹn trong vòng 10 ngày thanh toán. Việc vay tiền được trá hình một bản hợp đồng thuê máy tính xách tay trị giá 6 triệu đồng. Cầm tiền xong, Tuấn được Tú và Ngọc "áp tải" về trụ sở công ty nộp tiền để mua 10 hộp Thymozin và cuốn sách.

Những ngày tiếp theo, Tuấn được nhân viên Công ty V gọi điện thoại gợi ý nếu giới thiệu thêm bạn bè, người thân ký hợp đồng mua sản phẩm kinh doanh đa cấp với công ty sẽ được hưởng chênh lệch 1,1 triệu đồng/người nộp 6 triệu đồng. Nếu những người này tiếp tục giới thiệu thêm người kinh doanh thì Tuấn tiếp tục được hưởng 330.000 đồng/người nộp tiền sau. Thấy kiểu kinh doanh đa cấp này chỉ là lừa người sau lấy tiền trả cho người trước nên Tuấn phản đối, đề nghị lấy lại tiền, nhưng phía Công ty V không chấp nhận.

Đến ngày 6/7, trong khi chưa nhận được 10 hộp thực phẩm chức năng của công ty thì bất ngờ Tuấn nhận được điện thoại  của Hải - chủ hiệu cầm đồ, yêu cầu trả tiền vay sau 10 ngày với lãi suất 30.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Nhẩm tính lãi suất cho vay như vậy lên tới 90%/tháng, Tuấn nhắn tin thắc mắc liền bị Hải đe dọa đòi gấp đôi số tiền cả gốc và lãi. Liên tục sau đó, Hải nhắn tin hăm dọa bắt Tuấn phải trả tiền.

Đến lúc này, Tuấn hoảng sợ kể sự thật cho gia đình biết. Gia đình Tuấn đi tìm Ngọc là người đã giới thiệu Tuấn đến Công ty V,  những mong nể tình bạn xưa cũ cô ta sẽ có cách giúp. Không ngờ, gia đình Tuấn mới biết ngoài Tuấn ra, Ngọc cũng đã lừa rất nhiều bạn bè khác đi tìm việc làm như vậy. Được hưởng tiền của công ty trích cho khi giới thiệu người mới đến nên Ngọc không từ bất cứ người bạn  nào, đưa họ vào bẫy bán hàng đa cấp, không có tiền thì dẫn đi vay "tín dụng đen" trá hình các hợp đồng tài chính, cho thuê máy tính, xe máy… của cửa hiệu cầm đồ núp bóng công ty tài chính chuyên giúp đỡ sinh viên vay vốn phục vụ học tập.

Khám xét trụ sở một công ty bán hàng đa cấp lừa đảo.

Bẫy liên kết kinh doanh đa cấp - "tín dụng đen"

Tìm hiểu trên các diễn đàn mạng thì hình thức  dụ dỗ người tham gia kinh doanh đa cấp, sau đó dẫn họ đến các hiệu cầm đồ thế chấp CMND, thẻ sinh viên … vay tiền với lãi suất cực cao như trường hợp anh Lê Quốc Đạt và Phạm Minh Tuấn đang là một chiêu thức mới trong kinh doanh đa cấp biến tướng, có dấu hiệu lừa đảo,  đã diễn ra khoảng một năm trở lại đây.

Người bị hại của trò lừa đảo kinh doanh đa cấp liên kết "tín dụng đen" này chủ yếu là số sinh viên mới chưa có kinh nghiệm, sinh viên ngoại tỉnh, có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống và có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình. Chưa có con số thống kê đầy đủ số người bị hại nhưng chỉ dựa vào số người lên tiếng tố cáo, bất bình trên các diễn đàn cho thấy con số này lên đến hàng nghìn người.

Theo đó, các công ty kinh doanh đa cấp có dấu hiệu lừa đảo, chủ yếu hoạt động ở những  đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM là nơi tập trung đông sinh viên. Điều nguy hiểm là sau khi trở thành bị hại, để lấy lại được tiền đã đóng vào, nhiều sinh viên nghe theo hướng dẫn của công ty, mang hàng về bán cho người thân và lôi kéo họ tham gia. Họ tự vẽ nên hình ảnh sinh viên tài năng, có trí tuệ, có khát vọng, năng động trên con đường khởi nghiệp, có thu nhập cao để dẫn dụ, mê hoặc người khác.

Tuy vậy, không ít người nhận ra chân tướng của hình thức lừa đảo này đã lên tiếng phản đối quyết liệt và cảnh tỉnh cho người khác. Trên mạng xã hội facebook đã thành lập một loạt các trang có tính chất tố cáo, vạch trần thủ đoạn lừa đảo của kinh doanh đa cấp biến tướng như: "Tẩy chay đa cấp lừa đảo", "Hội những người từng bị đa cấp lừa - Lật tẩy bộ mặt thật của đa cấp" với status cảnh báo "Bạn hãy dừng lại - Tôi đã mất người thân vì đa cấp, đã mất ước mơ vì đa cấp, đã mất rất nhiều vì đa cấp - hãy dừng lại, hãy nghe lời người thân là bố mẹ của các bạn nhé". Trang facebook này chia sẻ rất nhiều thông tin về phương thức, thủ đoạn lừa đảo của loại hình kinh doanh đa cấp biến tướng và những bài học đau xót khi tham gia.

Trên diễn đàn mạng, Công ty TNHH V. mà Phạm Minh Tuấn là nạn nhân tham gia  cũng đã được người bị hại nêu tên. Theo thông tin mà người bị hại tìm hiểu thì  công ty này có dàn lãnh đạo cực kỳ có kinh nghiệm trong kinh doanh đa cấp lừa đảo, từng làm việc lại một số "tập đoàn" lừa đã bị Cơ quan Công an triệt phá như Diamon Holiday, MB24…

Cuối năm 2012, những đối tượng này liên kết thành lập Công ty V., kinh doanh đa cấp một số thực phẩm chức năng. Sản phẩm hàng hóa thì lèo tèo nhưng công ty vẫn thu hút số lượng đông người tham gia và tổ chức hội thảo hoành tráng, rầm rộ. Những người khi nhận ra chân tướng lừa đảo của công ty đến đòi tiền hoặc nhận được những lời thách thức "đi mà kiện", hoặc trả lại một phần tiền để người bị hại không làm ầm ĩ sự việc.

Bắt giữ lãnh đạo MB24 lừa đảo bán hàng đa cấp.

Sau một loạt công ty kinh doanh đa cấp trá hình, lừa đảo đã bị Cơ quan Công an triệt phá và tuyên truyền cảnh báo, vấn đề đặt ra là vì sao vẫn còn nhiều người mắc bẫy lừa?

Một điều tra viên từng tham gia điều tra đường dây lừa đảo của MB24 đánh giá, bản chất kinh doanh đa cấp không xấu, nhưng khi du nhập vào Việt Nam đã bị một số cá nhân trục lợi bằng cách biến tướng mô hình này, khiến người khác ảo tưởng đây là mô hình kinh doanh siêu lợi nhuận. Người bị hại  vì lòng tham trước những khoản lợi nhuận  được hưởng quá dễ dàng không qua lao động mệt nhọc mà chỉ bằng cách lôi kéo thêm người khác cùng tham gia nên đã bất chấp đạo đức kinh doanh, đạo đức xã hội, sẵn sàng dụ dỗ, gạ gẫm người thân, bạn bè trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.

Đau xót là tiếp tay cho hành vi lừa đảo này có không ít sinh viên, trong đó có nhiều sinh viên nhân lúc chuẩn bị tốt nghiệp đã đi lừa sinh viên mới nhập trường. Khó khăn trong điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp biến tướng lừa đảo ở chỗ  rất ít người bị hại tố cáo mà phần lớn họ tìm cách tự giải quyết. Có người làm đơn tố cáo tới Cơ quan Công an nhưng sau khi được đối tượng dàn xếp trả lại tiền đã rút đơn. Chỉ những vụ số tiền thiệt hại quá lớn và không có khả năng lấy lại được, bị hại mới tố đến cơ quan pháp luật.

Luật sư Hoàng Nguyên Bình phân tích, việc cho vay tiền giữa các đối tượng cầm đồ và sinh viên được trá hình bằng những hợp đồng thuê mượn tài sản như xe máy, laptop… là thỏa thuận dân sự. Thế nhưng khi người vay bị đe dọa đòi nợ, ép buộc trả lãi suất cao, xiết nợ… thì đó là dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản. Khi có những dấu hiệu trên, người bị hại cần trình báo các cơ quan pháp luật để có biện pháp xử lý.

Bên cạnh đó, hiện tượng kinh doanh đa cấp biến tướng lừa đảo, có xu hướng liên kết với các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" như hiện nay cũng đặt ra trách nhiệm của  cơ quan cấp phép là Bộ Công thương và  hệ thống Sở Công thương các địa phương. Một khi việc cấp phép và quản lý còn có nhiều kẽ hở để tội phạm lợi dụng thì kinh doanh đa cấp biến tướng vẫn còn đất công khai hoạt động

Hương Vũ
.
.