93 ngày trong tay quân khủng bố: Kinh hoàng và giải thoát

Thứ Ba, 07/04/2015, 16:20
Đã là 90 ngày kể từ khi Jessica và Poul bị bắt cóc, tiền chuộc vẫn chưa đến. Trước đó, cứ vài hôm, Adbi lại xồng xộc bước vào, mắt đỏ ngầu, khẩu súng ngắn trên tay gã vung vẩy: "Tiền đâu, con khốn nạn". Khi nghe Jessica phân trần rằng: "Chúng tôi ở đây, không được liên lạc với gia đình thì làm sao biết họ đã chuẩn bị đủ tiền hay chưa" thì lập tức cô lĩnh nguyên cái tát nháng lửa kèm theo lời hăm dọa: "Chiều mai mà chưa có tiền thì chúng mày toi đời"...

1. Trời sập tối, một trong những lãnh đạo của nhóm khủng bố al-Shabab bước vào ngôi nhà tranh. Trông hắn khoảng ngoài 40 tuổi có râu quai nón. Hắn bàn luận với Jabreel vài câu rồi sau đó, Jabreel bảo Jessica đọc cho hắn số điện thoại của NGO ở Galkayo.

Giây lát, có tiếng chuông reo rồi tiếng người trả lời. Vì điện thoại mở âm lượng khá lớn nên Jessica nhận ra giọng nói của Mohammed, trợ lý cố vấn an ninh của NGO Đan Mạch ở miền Nam Somali.

Đưa điện thoại cho Jessica, cô nghe người trợ lý cố vấn an ninh hỏi con chó đầu tiên của cô tên gì, chắc là để kiểm tra xem có đúng thật là cô hay không. Vừa trả lời xong, Jabreel lập tức giật lấy chiếc điện thoại trên tay Jessica rồi nói chuyện với Mohammed. Gã muốn biết chắc là Mohammed đang làm việc cho NGO Đan Mạch, và có thể thảo luận về tiền chuộc.

Jessica viết trong hồi ký: "Chúng tôi bị lùa ngay ra ngoài nên không biết họ trao đổi với nhau những gì. Mãi gần một tiếng sau, tên Somai theo canh chúng tôi mới cho tôi và Poul về ngủ".

Sáng hôm sau, Jabreel cho Jessica biết bọn Somali đang lo lắng vì sợ vệ tinh theo dõi cuộc điện thoại tối qua. Để đề phòng, chúng tách Abdirazak ra giam riêng một nơi. Ngày nào cũng như ngày nào, mặt trời chưa mọc thì Jessica và Poul đã bị lôi dậy, nằm ngồi lê lết dưới bóng cây keo. Tối đến, khi thì họ buộc phải ngủ trên nền đất sa mạc, lúc thì được cho vào nhà.

Không chỉ bị nhiễm trùng đường tiểu, Jessica còn bị nôn mửa, tiêu chảy do ăn uống chung với Poul bằng một cái chén và phải bốc bằng tay. Thấy quần áo của cô lầy nhầy những phân và nước tiểu, Abdi cho gọi bác sĩ đến nhưng gã này chỉ khám sơ qua rồi ném cho cô mấy viên thuốc mà có trời mới biết nó là thuốc gì.

Hơn 30 ngày đã trôi qua kể từ khi Jessica và Poul bị bắt cóc. Một buổi sáng, Abdi vào nơi giam giữ hai con tin. Gã la hét om xòm trong điện thoại rồi lấy một cây gậy, bắt Poul nằm xuống đất và bắt đầu đánh. Gã gào lên: "Tiền đâu, sao không có?". Poul quằn quại: "Đó không phải là lỗi của tôi. Chúng tôi ở đây có được liên lạc với ai đâu mà biết có tiền hay không có tiền".

Cây gậy trên tay Abdi lại quất liên tục xuống người Poul trong lúc Jessica khóc nức nở. Một lát, Abdi bước về phía cô: "Còn mày nữa. Đứng dậy. Tiền chuộc mạng của chúng mày đâu?".

"Tôi không biết. Poul cũng không biết. Các anh có đánh chết tôi cũng không biết". Jessica trả lời. Túm lấy tóc cô, Abdi ấn đầu cô xuống sát mặt đất, ngón tay trỏ của gã viết lên con số 18: "Trong vòng 7 ngày, gia đình mày, tổ chức của mày phải nộp cho chúng tao 18 triệu USD. Nếu không, mày và thằng kia sẽ bị chặt đầu".

Cuốn hồi ký của Jessica nhanh chóng trở thành sách bán chạy nhất.

7 ngày trôi qua, tiền không có nhưng Jessica và Poul cũng không bị chặt đầu, chỉ có điều cả hai thường xuyên bị đánh. Bọn lính gác Somali coi cô như một trò tiêu khiển. Chúng bắt cô cởi quần áo ra, chạy vòng vòng ngoài sân, vừa chạy vừa múa: "Tôi phản ứng thì chúng đánh bằng roi bẻ từ cây keo gai đồng thời giảm khẩu phần thức ăn, nước uống. Jabreel - gã thông dịch viên trung lập biến đâu mất nên tôi không thể nhờ gã cầu khẩn với bọn khủng bố được. Chắc là gã đã trở về Mogadishu".

2. Ngày thứ 46, nhóm Somali đưa Jessica và Poul ra một bãi đất ngoài sa mạc. Ở đó, đã có hai gã cầm AK đứng hai bên, giữa là một chiếc máy quay phim video, còn tên thủ lĩnh al-Shabab thì lùi về phía sau. Gã ra lệnh cho Poul phải nói trước máy quay phim, rằng "cả hai chúng tôi đều mạnh khỏe, bình an, yêu cầu quân đội Somali và người Mỹ đừng nên có ý định sử dụng vũ lực để tấn công, giải thoát".

Tiếp theo, Poul và Jessica buộc phải nói với gia đình, với NGO là nên thu xếp tiền bạc chuộc mạng cho cả hai mặc dù họ biết gia đình họ không có đủ số tiền đó.

Đoạn video quay xong, Jabreel đưa chiếc điện thoại cho Jessica để cô nói chuyện với chồng cô. Sau này, khi đã được lực lượng đặc nhiệm SEAL, Mỹ, giải thoát, Jessica mới biết chồng cô đã đưa ra lời kêu gọi nhóm phiến quân Somali phóng thích vợ mình, kèm theo hình ảnh và số điện thoại của anh trên nhiều tờ báo.

Jessica cùng chồng và con trai hiện nay.

Cầm chiếc điện thoại, Jessica vừa nói vừa thở mạnh vì hồi hộp: "Đây là Jessica". Đầu bên kia cũng hồi hộp không kém: "Đây là Erik. Jess, em khỏe không?"

Jessica đáp: "Em khỏe. Anh nên chọn Mohammed làm người trung gian thương lượng với hai gia đình". Cô hy vọng Erik sẽ hiểu điều này vì trợ lý an ninh  Mohammed là người chủ trương không thỏa hiệp với bọn khủng bố. Theo ông, sự thỏa hiệp "sẽ làm chúng ta yếu hẳn đi và bọn khủng bố có cơ lấn tới. Nếu chúng nhận được tiền chuộc, sẽ lại có thêm nhiều người nữa bị bắt cóc".

Mohammed nói: "Hãy cứ nhìn bọn cướp biển mà coi. Nhận tiền chuộc xong, chúng có dừng tay đâu mà ngược lại, vẫn có thêm nhiều tàu bị cướp".

Mới chỉ được một câu thì Abdi đã giật lấy điện thoại rồi trực tiếp nói chuyện với Erik. Jessica viết: "Tôi nghe chồng tôi hứa sẽ làm theo đúng với điều kiện mà Abdi đưa ra, còn Jabreel thì thanh minh với tôi, rằng ông ta không phải là người của al-Shabab, mà ông ta chỉ làm theo lệnh họ".

Sau lần nói chuyện với chồng qua điện thoại, bọn bắt cóc tách Poul ra giam ở một nơi khác. Jessica viết: "Thấy tôi chỉ một mình, Jabreel bắt đầu giở trò sàm sỡ bằng cách sờ mó, tấn công tình dục tôi. Tôi nói với hắn: "Đừng làm như vậy, Jabreel. Tôi đã có chồng và ông cũng đã có vợ nhưng gã càng táo tợn hơn vì gã biết chỉ có gã là người giúp tôi trong việc giao tiếp bằng tiếng Anh với bọn khủng bố".

Một đêm, khi đang ngủ, Jessica có cảm giác như một ai đó đang chạm vào cô. Giật mình tỉnh dậy, cô ngửi thấy cái mùi nồng nồng bốc ra từ người Jabreel, còn bàn tay của gã thì đang luồn vào chiếc váy, mò mẫm vùng đùi cô. Cuốn chặt lấy tấm mền, cô hất tay gã ra rồi ngồi dậy. Cô nói: "Nếu ông cứ tiếp tục thì tôi sẽ la lên. Tôi bây giờ chính là tài sản của Adbi. Có tôi thì hắn ta mới có tiền".

Lời dọa dẫm tỏ ra hiệu quả. Jabreel đứng dậy, lùi lũi bỏ ra ngoài. Gần tới cửa, gã quay lại: "Này, nói cho cô biết. Cô tưởng chồng cô trả tiền rồi thì Adbi sẽ tha cô hả? Còn lâu! Ngày nào nó lấy được tiền thì ngày đó coi như cô chết. Chỉ có tôi mới cứu được cô thôi".

"Những câu nói của Jabreel làm tôi khủng hoảng…". Jessica viết: "Tôi hy vọng gã chỉ dọa tôi nhưng bên cạnh đó, tôi lại tin nó là sự thật. Hãy thử nghĩ coi, nếu tôi là Adbi, tôi sẽ nhận định rằng: "Sau khi lấy được tiền chuộc và khi được trả tự do, con tin sẽ lập tức kể lại ngay cho đặc nhiệm Mỹ biết về nơi họ bị giam giữ qua những gì họ quan sát được. Mà trong thời gian này bọn đặc nhiệm đang săn lùng tụi tôi ở khắp nơi trên đất nước Somali. Biết được những thông tin ấy, chúng sẽ triển khai ngay và tụi tôi khó lòng sống sót. Vì thế, nhận được tiền rồi, giết hết là tốt nhất".

Tách riêng Poul khỏi Jessica khoảng 2 tuần lễ, bọn khủng bố Somali đưa anh ta trở lại ngôi nhà tranh. Nhìn Poul, Jessica không cầm được nước mắt vì thân thể anh gầy rộc, ghẻ lở mặc dù cô cũng tiều tụy chẳng kém. Bệnh tiêu chảy giờ đã chuyển sang kiết lị. Nó khiến bụng cô đau quặn từng cơn, kéo dài từ ngày này sang ngày khác.

Ăn uống vẫn chỉ là cháo bột ngô, không rau, không thịt, còn nước uống cũng lại là thứ nước đục lờ lờ: "Thoạt đầu tôi dùng chiếc tất (vớ) để lọc nước. Nó có trong hơn đấy nhưng vì sợi  tất làm bằng len nên nó đã hút mất của tôi chút nước quý giá. Được vài lần, tôi không lọc nữa, cứ uống thẳng vì biết đâu chúng sẽ bắn tôi trước khi tôi chết vì cái thứ nước bẩn thỉu này".

Đội đặc nhiệm SEAL Team 6 trên đường giải cứu Jessica và Poul.

3. Đã là 90 ngày kể từ khi Jessica và Poul bị bắt cóc, tiền chuộc vẫn chưa đến. Trước đó, cứ vài hôm, Adbi lại xồng xộc bước vào, mắt đỏ ngầu, khẩu súng ngắn trên tay gã vung vẩy: "Tiền đâu, con khốn nạn". Khi nghe Jessica phân trần rằng: "Chúng tôi ở đây, không được liên lạc với gia đình thì làm sao biết họ đã chuẩn bị đủ tiền hay chưa" thì lập tức cô lĩnh nguyên cái tát nháng lửa kèm theo lời hăm dọa: "Chiều mai mà chưa có tiền thì chúng mày toi đời".

Một đêm, khoảng 2h sáng, Jessica ngồi dậy vì phản xạ co thắt trực tràng của bệnh kiết lị, cô thường đi vệ sinh vào giờ này. Bầu trời đen như mực, không một vì sao. Theo quy định, mỗi khi muốn đi vệ sinh, Jessica phải kêu lên "toilet" để tên lính gác nghe thấy rồi nếu nó đồng ý, cô mới được bước ra khỏi nhà..

Kêu đến 3 lần mà xung quanh vẫn im lặng. Có lẽ gã lính gác ngủ quên nên cô nói lớn hơn: "Cho tôi đi toilet".

Vẫn chẳng có tiếng trả lời. Cơn đau quặn khiến Jessica không đợi được nữa, cô lom khom đi tới một bụi cây gần nhất rồi dùng tay bới một cái lỗ nhỏ trên mặt đất. Thói quen của nếp sống văn minh vẫn chưa chịu từ bỏ cô dẫu rằng hoàn cảnh của cô đã thê thảm tới mức tận cùng.

Sau chừng 10 phút, cô quay lại căn nhà tranh, nằm xuống manh chiếu rách, người cong lại như con tôm để chống lại cái lạnh. Ở phía trong, Poul vẫn say ngủ: "Tôi thầm mong là mình có thể ngủ được như anh. Nhưng với cái bệnh kiết lị, từ giờ đến sáng tôi sẽ còn phải "đi" thêm vài lần nữa. Hậu môn tôi do phải rặn mãi, đã lòi ra cái búi tĩnh mạch. Nó lở loét khiến tôi đau đớn vô cùng".

Đột nhiên Jessica nghe thấy một tiếng động như tiếng nhánh cây bị gãy. Ban đêm ở  đây thỉnh thoảng vẫn có những con chó rừng lảng vảng tìm mồi. Lại có thêm những tiếng gãy nữa, chắc chúng đi thành đàn nhưng tiếp theo, có tiếng gì đó nửa như tiếng chim, nửa như tiếng môi người chụm vào, nhắp gió.

Giây lát, có tiếng chân chạy rầm rập, tiếng súng lên đạn, tiếng bọn Somali hét lớn bằng thổ ngữ: "Một ánh chớp lóe lên kèm theo đó là tiếng nổ tức ngực" - Jessica viết: "Súng nổ khắp nơi, những viên đạn lửa xé đêm đen bằng những đường dài đỏ lừ. Ai đã đến đây bắn nhau với bọn Somali? Một nhóm khủng bố khác định cướp chúng tôi để kiếm tiền chuộc hay quân chính phủ đã vào để giải cứu…".

Lấy hết can đảm, Jessica bò ra ngoài, tay cô chạm vào một thân thể vẫn còn nóng ấm. Đó là gã lính gác căn nhà giam cô. Gã thở hậc hậc. Máu từ họng hắn tuôn ra ướt đẫm bàn tay cô. Hẳn là gã đã bị cắt cổ. Trước mặt cô, nơi có những dãy nhà của bọn khủng bố, lửa bắt đầu cháy. Cô thấy nhiều bóng người chạy đi chạy lại, tiếng la hét, gào rú, có cả tiếng tru rống lên đau đớn của ai đó bị trúng đạn.

Súng vẫn tiếp tục nổ. Lẫn trong tiếng súng là tiếng bọn Somali gào lên ra lệnh cho nhau. Cô viết: "Một gã Somali cởi trần, tay cầm AK chạy vụt qua mặt tôi, vừa chạy vừa bắn loạn xạ. Đột nhiên, gã khựng lại, nảy người lên rồi đổ vật xuống như thân cây chuối bị phạt ngang gốc đồng thời với một loạt tiếng súng ở ngay sau lưng tôi. Chưa biết phải làm gì thì bất ngờ có một bàn tay nắm chặt lấy vai tôi. Tôi nghĩ bọn Somali đã nhìn thấy tôi bò ra ngoài và lần này thì chết chắc. Thế nhưng, tôi không thể tin vào tai mình khi nghe một giọng Mỹ: "Cô là Jessica?". Câu hỏi khiến tôi choáng váng. Lắp bắp, run rẩy, tôi chỉ vào trong nhà: "Còn Poul ở đó".

Bóng đêm che giấu những khuôn mặt lạ. Trông họ như những người ở thế giới bên kia. Tôi không tin đây là sự thật cho đến khi cái giọng Mỹ lại lên tiếng: "Jessica, chúng tôi là Lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Mỹ. Chúng tôi đến để mang cô về".

Ngày 25/1/2012, 24 đặc nhiệm SEAL thuộc Đội Team 6 dùng trực thăng đột kích vào nơi al-Shabab giam giữ Jessica và Poul, giải thoát cho cả hai. Có 18 tên khủng bố bị giết nhưng Adbi nhanh chân chạy thoát. Team 6 cũng chính là đội đã tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.

Cao Trí (theo hồi ký Impossible Odds)
.
.