Lá bài hai mặt của tình báo Pakistan

Chủ Nhật, 05/09/2010, 16:05
Việc Pakistan hậu thuẫn các phiến quân Taliban tại Afghanistan tuy không mới nhưng giờ đây trở thành đề tài thời sự của các hãng tin nước ngoài. Thậm chí một số chiến binh Taliban dám thừa nhận họ lệ thuộc tuyệt đối vào Cơ quan Tình báo liên quân Pakistan (ISI), không chỉ về lộ trình an toàn mà còn là những hỗ trợ về tài chính.

Một viên chức cấp cao Taliban đưa ra một ước tính rằng Pakistan cung cấp tài chính cho các phiến quân đến gần 80%, dựa trên các cuộc trò chuyện với các chỉ huy Taliban của ông ta. Nhưng ISI hành động như vậy vì một mục đích riêng. Chuyện này vừa được tạp chí Newsweek tiết lộ trong số báo mới nhất.

Hồi tháng 6/2010, Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin Trường Kinh tế London (Anh) công bố báo cáo cho rằng, Cơ quan Tình báo liên quân Pakistan (ISI) không chỉ gây quỹ và huấn luyện các tay súng Taliban ở Afghanistan mà còn đại diện chính thức cho hội đồng lãnh đạo phong trào này, tạo ảnh hưởng lớn đối với các hoạt động của Taliban.

Báo cáo cũng hé lộ hồi đầu năm, Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã ghé thăm khoảng 50 tù nhân cấp cao của Taliban bị giam tại một nơi bí mật ở Pakistan. Ông đã hứa hẹn sẽ phóng thích họ và giúp đỡ các hoạt động du kích. 5 ngày sau, quả nhiên một số phạm nhân được trả tự do, trong đó có người cung cấp tin cho báo cáo này. Báo cáo kết luận trò hai mặt của ISI là cản trở rất lớn cho liên quân và Chính phủ Afghanistan chống lại quân nổi loạn.

Phương thức Taliban nhận hỗ trợ tài chính thường là qua một kẻ trung gian, cải trang như thương buôn, giới đổi tiền hay doanh nhân, dẫu rằng ai cũng biết họ nằm trong hàng ngũ tình báo Pakistan. Một số người đưa tiền, một số cho xe máy; một số khác cung cấp địa chỉ liên lạc hay cơ sở để liên hệ nhận vũ khí. Một tay buôn lậu từng cung cấp nhiều lợi nhuận của mình cho phiến quân tiết lộ lực lượng quân sự Pakistan luôn dành riêng cho Taliban một "lối mở biên giới xa" tại khu vực Baluchistan và buộc các tổ chức dân sự tránh xa các đồn biên giới "ngoại biên".

Một viên chức tình báo cao cấp Taliban nói: "Chúng tôi, không thể quên và tha thứ cho Pakistan về việc quay lưng lại với chúng tôi cách nay 9 năm". Tất nhiên, hệ quả của việc Pakistan bắt tay với Mỹ là hàng loạt phiến quân Pakistan cấp cao bị bắt tại Pakistan hoặc bị giết tại Afghanistan, mà Taliban gọi là "bản chất phức tạp của Chính phủ Pakistan".

Một trong những tổn thất lớn nhất cho Taliban là Mullah Akhtar Mohammad Osmani, một kẻ tạo động lực tồn sinh cho Taliban và sống ẩn náu gần Quetta bị lực lượng quân sự và tình báo Pakistan tấn công bất ngờ vào năm 2006. Tuy thoát khỏi biên giới Pakistan, nhưng sau đó y bị giết chết trong một trận không kích của quân đội Mỹ.

Chiến binh Taliban tại Afghanistan vào cuối năm 2009.

Một tên khác là Mullah Dadullah Akhund, một trong những tư lệnh khét tiếng tàn bạo của phiến quân Taliban, chết trong một trận càn phối hợp giữa Pakistan và Mỹ tại Helmand. Taliban nghi ngờ có bàn tay của ISI nhúng vào. Taliban cho rằng một số đặc vụ ISI có thể có cảm tình riêng với mục tiêu Taliban mơ ước, trong khi Pakistan lại khao khát đặt "một tay" vào nền chính trị Afghanistan, để hạn chế ảnh hưởng của xứ láng giềng Ấn Độ tại quốc gia của mình. Theo Stephen Biddle, chuyên gia phân tích tại Hội đồng Quan hệ Ngoại giao Mỹ, thực tế là Chính phủ Pakistan chọn thế đứng cửa giữa, và có các động thái tùy theo chính biến".

Chính vì thế mà phiến quân Taliban không hề biết phải tin tưởng Chính phủ Pakistan đến mức độ nào. Một chỉ huy Taliban tại miền Nam Afghanistan cho biết: "Đôi lúc họ rất hòa nhã thân thiện, cũng có khi họ đỏ mặt tía tai với chúng tôi. Nhiều lúc họ trịch thượng lắm".

Nói về mức độ an toàn, không có tên phiến quân Taliban nào dám chắc sinh mạng mình được bảo đảm. Thật vậy, một số tư lệnh Taliban bị Pakistan bắt, và những người này lại từng được ISI tin dùng. ISI phút trước còn là bạn, phút sau đã là kẻ thù của Taliban.

Nhiều nguồn tin Taliban cho biết Pakistan sử dụng chiến thuật "bắt rồi thả" để các lãnh đạo phiến quân biết "kính trên nhường dưới". ISI hiện nắm trong tay khoảng 300 chỉ huy cấp thấp và cao của Taliban. Trước khi được trả tự do, những kẻ bị bắt sẽ trải qua khóa tẩy não để chúng luôn nhớ còn nợ sự tự do và lòng trung thành tuyệt đối với Pakistan, bất luận điều gì

Lệ Đào (theo Newsweek)
.
.