Lagos - Trung tâm hoạt động lừa đảo qua mạng

Thứ Ba, 19/05/2009, 22:55
Lagos được bọn lừa đảo trên mạng Interrnet coi là trung tâm thế giới. Nạn nhân của chúng cách đây 5 năm chủ yếu là người phương Tây. Nguồn thu ngoại tệ của Nigeria từ các hoạt động lừa đảo chỉ thấp hơn nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ và ca cao.

Nữ công dân người Đức Frieda Springer-Beck nay ngoài 50 tuổi là một trong những nạn nhân bị lừa đảo từ nhiều năm nay sang định cư tại châu Phi đấu tranh chống hoạt động của bọn tội phạm với mong muốn lấy lại những gì đã bị chiếm đoạt.

Bà Springer-Beck làm việc trong một ngôi nhà ba tầng, tồi tàn ở trung tâm thủ đô Nigeria. Phòng làm việc của bà ở trên tầng ba, ngay dưới mái tôn. Ngôi nhà này thuộc Cơ quan chống tham nhũng của Nigeria có tên là "Economic and Financial Crimes Commission" (EFCC).

Bà Springer-Beck xin tình nguyện làm việc tại đây hy vọng cùng với các nhà điều tra nước sở tại phát hiện bọn tội phạm và giành lại khoản tiền mà bản thân bà cũng như thân chủ của bà đã bị bọn gian chiếm đoạt. Đây là một cuộc đấu tranh vô cùng phức tạp để tìm lại hàng triệu USD đã bị lừa đảo, phát hiện hàng nghìn kẻ gian và góp phần cải cách một nhà nước đang bị sa sút nghiêm trọng vì vấn nạn tham nhũng.

419, four-one-nine là tên loại tội danh này ở Nigeria, thực chất đó là điều khoản nói về loại tội lừa đảo này. Bọn tội phạm sử dụng đúng loại vũ khí mà chính nhờ có nó mới có thể diễn ra toàn cầu hóa, đó là vũ khí Internet.

Sự lừa đảo này thực chất rất đơn giản. Bọn tội phạm chỉ cần gửi  thư điện tử cho những người mà chúng không quen biết, cái duy nhất mà chúng biết là địa chỉ của họ. Thường chúng viết thư  nhờ  giúp đỡ.

Chúng kể về những khoản tiền lớn, có khi lên tới hàng triệu đôla, vì một nguyên nhân nào đó, chủ nhân không thể chuyển khoản tiền này ra nước ngoài. Vì thế chúng nhờ người nhận được e-mail ra tay giúp đỡ, tất nhiên sẽ nhận được những khoản thù lao đích đáng chuyển vào tài khoản của người giúp đỡ  khi  công việc hoàn tất.

Nếu nạn nhân trả lời, nạn nhân sẽ tiếp tục nhận được những lá thư tiếp theo và bao giờ cũng đề cập đến những khó khăn mới, thí dụ cần phải chi tiền cho những người liên quan, phải đút tiền cho nhân viên ngân hàng, rồi phải đóng các khoản phí v.v... và cuối cùng chúng yêu cầu nạn nhân tiếp tục gửi thêm tiền để hoàn tất công việc để rồi nạn nhân tiếp tục chuyển tiền cho đến lúc biết mình bị lừa hay cho đến khi nhẵn túi.

Phần lớn những người nhận được thư đều không lạ gì mánh lới của bọn lừa đảo nhưng vẫn bị sập bẫy vì lòng tham của con người nhiều khi còn lớn hơn cả  lý trí.

Nạn nhân các vụ lừa đảo thường sống ở Mỹ, Canada, ở Nam Mỹ, Australia, Newzealand, Nhật Bản, Đức,  Pháp và Anh.

Năm 1993 bà Frieda Springer-Beck sống ở Đức nhận được một bức thư từ thủ đô Lagos của Nigeria gửi tới chồng bà qua đường bưu điện. Người viết thư là một người đàn ông hỏi về tình hình sức khỏe của chồng bà vì lâu không thấy ông viết thư, hỏi sử dụng khoản tiền lời 24,6 triệu USD từ dự án đầu tư nhà máy điện  như thế nào, có thực hiện việc chuyển tiền không?

Thực tế chồng bà Springer-Beck  đã chết từ lâu  do một vụ tai nạn ôtô. Tuy nhiên, khi còn sống ông chưa bao giờ kể với vợ về một khoản đầu tư xây dựng nhà máy điện ở Nigeria.

Sau khi chồng qua đời bà đã đứng ra quản lý doanh nghiệp của gia đình chuyên sản xuất bút vẽ. Doanh nghiệp này có cơ sở sản xuất  ở Đức và Thổ nhĩ kỳ. Cuối cùng bà đã bay đến Lagos và sập bẫy với số tiền lên đến 350.000 USD.

Năm 2005, nghĩa là 12 năm sau đó  bà Frieda Springer-Beck kiên quyết đấu tranh không những đòi lại số tiền đã bị mất mà đòi lại cả danh dự của mình. Đầu tiên, bà Frieda Springer-Beck phát đơn kiện kẻ lừa đảo bà tại một tòa án ở Lagos. Tòa án nhận đơn khiếu kiện.

Vụ kiện về tội lừa đảo này tưởng như đơn giản, rõ ràng, gã luật sư Ajudua cũng không hề tỏ ra phản đối. Tuy vậy cho đến nay phiên tòa đã hoãn xét xử 92 lần, khi thì Ajudua vắng mặt, khi y đột ngột bị ốm hoặc đòi thay luật sư, cũng có lúc do thay đổi thẩm phán hoặc công tố viên... Thực ra, Ajudua là một trùm lừa đảo trong lĩnh vực này.

Bà Frieda Springer-Beck cần có sự hỗ trợ, bà thành lập "Cộng đồng quốc tế những người cùng lợi ích ở Nigeria". Sau một thời gian dài bà Springer-Beck nhận ra rằng bà không phải chỉ đối mặt với một vài tên lừa đảo mà thực chất là đối mặt với cả một tập đoàn lừa đảo có tổ chức hẳn hoi.

Cũng có khi bọn tội phạm hoạt động riêng lẻ, chúng làm việc ngay trong các Internet-Café, từ đây chúng gửi thư điện tử đi khắp thế giới chúng tìm địa chỉ e-mail trong mạng Internet thông qua Google và một phần mềm có tên là e-mail-extractor. Nếu ai đó phản ứng đối với bức thư đầu tiên thì trò lừa đảo bắt đầu được thực hiện.

Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) gửi chuyên gia sang huấn luyện những nhà điều tra thuộc EFCC. Có thể nói EFCC hình thành do sức ép của Chính phủ Mỹ. Nhờ sự huấn luyện, giúp đỡ này cơ quan điều tra của Nigeria đã bắt được 14 kẻ tình nghi. Tháng 5/2005 tên tội phạm lừa đảo 419 đầu tiên đã bị đưa ra xét xử ở Nigeria và bị tuyên phạt 10 năm tù giam.

Tháng 9/2005 hàng loạt cửa hàng Internet-Café ở Lagos bị kiểm soát. 173 tên tình nghi bị bắt trước đó một tháng các nhà điều tra đã thu giữ 1.500 hộ chiếu, 50.000 tờ séc giả, 500 bản in và một thùng các-tông chứa đầy hồ sơ hải quan. Liên tiếp sau đó diễn ra các cuộc truy lùng, số tình nghi lên đến trên 500, giá trị nhà cửa, ôtô và các tài khoản bị thu giữ lên đến trên 700 triệu USD.

Ajudua, kẻ lừa đảo đối với bà Frieda Springer-Beck cũng cảm thấy lo sợ trước hoạt động ngày càng tăng của EFCC và FBI. Y buộc phải đóng cửa văn phòng. Y từng lừa đảo một phụ nữ Mỹ lấy khoảng 2 triệu USD, một người Mỹ khác khoảng 2,7 triệu USD. 

Bà Springer-Beck mới đây đã có cuộc gặp viên luật sư của Ajudua, viên luật sư đề nghị hoàn trả bà 300.000 USD với điều kiện bà phải cam kết không tố cáo, kiện tụng Ajudua. Springer-Beck đã chấp thuận đề nghị này vì bà ta cảm thấy quá mệt mỏi.

Tuy nhiên, Springer-Beck vẫn lo lắng khoản tiền mà tên lừa đảo đã hứa trả cho bà chưa được thực hiện. Và thật vậy, cho đến nay, bà Springer-Beck chỉ mới có trong tay chữ ký và lời hứa của Ajudua nằm trên giấy mặc dù y đã bị ra tòa

V.P. (theo Tấm gương)
.
.