Lại thêm một trò hề của "lực lượng quân nhân tình nguyện trừ bị Hoa Kỳ"

Thứ Ba, 18/11/2008, 09:30
Hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày Tổ quốc thống nhất, Việt Nam từng bước hội nhập với thế giới bằng việc trở thành thành viên của khối ASEAN, WTO, là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế là điều mà không ai có thể phủ nhận được.Tuy nhiên, đây đó vẫn còn có một thiểu số người Việt hải ngọai, cực đoan, ngày đêm không ngừng tìm kiếm âm mưu, thủ đoạn, chống phá đất nước mà “Lực lượng quân nhân tình nguyện trừ bị Hoa Kỳ” là một điển hình...

Chức tước ma, cấp hàm bịp

Mới 9h sáng Chủ nhật, 12/10/2008, người dân thành phố Alexandria, quận Fairfax, bang Virginia, Mỹ đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy trên mặt tiền hội trường Franconia Governmental Center, xuất hiện một tấm biểu ngữ bằng hai thứ tiếng Việt - Anh: “Lễ ra mắt Lữ đoàn 31, Quân khu 3 và lễ tuyên dương, gắn cấp bậc cho sĩ quan xuất sắc, các tân sĩ quan, hạ sĩ quan thuộc Quân lực Hoa Kỳ tổng hợp tình nguyện trừ bị” (United States Volunteers – Joint Service Command), viết tắt là USV-JSC.

Đến 10h, gần 100 người – tất cả đều là người Việt, đa số thuộc độ tuổi “chán cơm, thèm đất, thích nghe kèn” xuất hiện trong những bộ quân phục của quân đội Mỹ, và hầu hết là quần áo đại lễ màu xanh xám bộ binh. Trên ngực họ, lủng lẳng từng chùm huân, huy chương – nhưng là huân, huy chương của chế độ Sài Gòn cũ, còn hai bên cầu vai và trên hai ve áo, thôi thì sao, vạch búa xua. Nhiều người đi đường hỏi nhau: “Ủa, Bộ Quốc phòng Mỹ phân chia lãnh thổ ra thành từng quân khu từ hồi nào nhỉ. Và lễ ra mắt một lữ đoàn, tuyên dương, phong cấp bậc sao lại không tổ chức ở trong doanh trại, mà lại làm ở đây?”.

11h, buổi lễ bắt đầu với sự giới thiệu chương trình của “đại úy” Đào Hiếu Thảo, rồi sau đó là lễ chào cờ Mỹ lẫn  cờ ba sọc. Tiếp theo, “đại tá” Phan Trung Chánh, lữ trưởng Lữ đoàn 31 bước lên diễn đàn đọc diễn văn. Trong bài diễn văn dài sòng sọc này, có thể thấy nhiệm vụ của Lữ đoàn 31 gồm 3 mục tiêu chính. Đó là vinh danh, tiễn đưa cựu chiến binh từ trần (nói nôm na là đưa đám ma), cứu trợ thiên tai và trợ giúp bảo vệ an ninh cho... nước Mỹ.

Phan Trung Chánh gắn lon "thiếu tá" cho Đào Hiếu Thảo.

"Lực lượng quân nhân tình nguyện trừ bị Hoa Kỳ" là gì?

Xuất hiện từ những năm 90 thế kỷ trước, khi cuộc chiến tranh Kuweit - Iraq nổ ra dưới cái tên “Lực lượng bộ binh Hoa Kỳ tình nguyện” (United States Army Volunteers Reserve - USAVR), do một nhóm cựu binh Mỹ thành lập, nhưng nó nhanh chóng chết yểu vì thực chất USAVR chỉ là một hội đoàn tư nhân, và không được quân đội Mỹ công nhận. Sau đó, đến đầu năm 2005, một nhóm cựu sĩ quan, tướng tá quân đội Sài Gòn cũ, sống ở Mỹ, đã khôi phục lại nó hòng mượn danh nó để thực hiện ý đồ chống phá Việt Nam.

Theo điều lệ do nhóm tướng tá này biên soạn, tất cả những ai đã từng phục vụ trong “Quân lực Việt Nam Cộng hòa” – và cả những ai chưa hề đi lính, nhưng tình nguyện gia nhập thì đều được công nhận là thành viên của USAVR. Điều quái đản là ai trước kia mang cấp bậc gì, thì khi gia nhập USAVR, vẫn giữ nguyên cấp bậc ấy rồi sau 1 hoặc 2 năm, nếu cứ đóng tiền “lệ phí” đều đặn thì sẽ được lên lon. Với những người chưa hề đi lính cho quân đội Sài Gòn cũ, nhưng học đến cử nhân, sẽ được gắn cấp bậc thiếu úy, có bằng cao học là đại úy còn bằng tiến sĩ thì đeo lon trung tá hoặc đại tá. Riêng người mới chỉ học xong trung học, thì hạ sĩ, trung sĩ; còn chưa xong trung học, cứ binh nhì, binh nhất mà xài!

Vẫn theo cơ cấu quyền lực, “liên bộ” là cấp chỉ huy cao nhất của USAVR, căn cứ đặt tại thành phố Los Angeles, bang California, dưới là các lữ đoàn, các liên đoàn rồi đến tiểu đoàn, đại đội. Thấp nhất là “đội” với khoảng từ 12 hoặc 14 thành viên. Mỗi lữ đoàn phụ trách một “vùng chiến thuật” mà cụ thể là “Lữ đoàn 9” chịu trách nhiệm 5 bang California, Arizona, Nevada, New Mexico và quần đảo Hawaii, Lữ đoàn 6 phụ trách vùng Louisiana, Lữ đoàn 4 phụ trách vùng Missisippi – nghĩa là toàn những nơi có đông người Việt sinh sống. Trách nhiệm của các lữ đoàn là gì? Câu trả lời rất đơn giản: Là tìm cách rủ rê, lôi kéo cộng đồng tham gia USAVR để Ban chỉ huy lữ đoàn thu tiền hội phí của “đội viên”, mỗi đầu người 35USD rồi nộp về cho các sếp ở “liên bộ” tiêu xài dưới hình thức tổ chức mít tinh, hội họp, sau khi đã được trích lại một ít.

Ngày 11/9/2005, USAVR ra mắt lần đầu tiên tại nhà hàng hải sản Paracell, miền Nam bang California. Trong lễ ra mắt ấy, nhân vật cầm chịch là “trung tướng” Phan Ngọc Tiếu, đã mời được một người Mỹ mà Tiếu giới thiệu là “đại tướng” Allen A. Baumanm – người chỉ huy cao nhất của USAVR, đến để nói chuyện về vai trò, nhiệm vụ của USAVR. Tuy nhiên, khi người tham dự tỏ ra thắc mắc tại sao một tướng Mỹ, lại đi bằng chiếc ôtô Honda Civic cũ mèm, và không gắn hiệu kỳ cấp tướng ở trước mũi xe như thường thấy ở các tướng lĩnh khác thì “trung tướng” Phan Ngọc Tiếu giải thích: “Ổng đi như vậy cho nó bình dân, gần gũi với anh em lính tráng tụi mình”.

Đến đây, tưởng cũng nên lướt qua tiểu sử trích ngang của “trung tướng” Phan Ngọc Tiếu. Tự khai rằng mình có học vị tiến sĩ văn chương từ hồi còn ở... Việt Nam, ông Tiếu sau khi gia nhập USAVR, thì được phong ngay hàm “đại úy”. Do mẫn cán trong việc rủ rê người khác gia nhập USAVR nên chỉ 7 năm sau, Tiếu vọt lên hàm “trung tướng” và điều này khiến cộng đồng người Việt ở California gọi ông ta là “trung tướng nhà đòn”. Một bữa, tại quán cà phê Factory, đường Bolsa, thành phố Westminster, bang California, có người khi nhìn thấy “trung tướng” đang ngồi nhâm nhi ly cà phê sữa, bèn hỏi cắc cớ: “Tháng này chôn được mấy chiến hữu rồi hả trung tướng, tiền phúng điếu khá không?”, thì ông “trung tướng” nhảy dựng lên, miệng chửi thề rất tục.

Buổi lễ ra mắt ngày 11/9/2005 ấy, theo lời những người chứng kiến thì nó chẳng khác gì một buổi tấu hài. Nguyễn Văn Thành, lính nhảy dù thuộc quân đội Liên hiệp Pháp, bị bắt tại Điện Biên Phủ năm 1945. Sau khi được trao trả, Thành chạy vào miền Nam rồi tiếp tục đi lính. Đến ngày 30/4, Thành là thượng sĩ nhất trong quân đội Sài Gòn. Sang Mỹ, rồi nhiều năm lận đận kiếm cơm, Thành gia nhập USAVR với mục đích: “Ai mà chẳng chết. Mai mốt tui chết, có quân nhạc quân kỳ, có lính đứng nghiêm chào, đã lắm (!?)”. Được “trung tướng” Phan Ngọc Tiếu đích thân gắn lên ve áo hai chiếc vạch trắng – là cấp hàm đại úy trong quân đội Mỹ, tay thượng sĩ nhất toét miệng cười.

Trịnh Văn Tiến, tự Tiến “đại bàng”, trước 30/4/1975 là cảnh sát, bây giờ mang lon “đại tá”, phát biểu: “Hôm nay tôi rất sung sướng được vinh dự có mặt tại lễ gắn lon. Trong 2 năm là sĩ quan của USAVR, tôi đã đi đưa tổng cộng 200 đám ma...” khiến mọi người có mặt cười rần. Một ông khác, vừa là bác sĩ lại vừa là ca sĩ, tên Trung Chỉnh, cựu đại úy quân y của Bệnh viện Tiểu khu Long Khánh, gia nhập USAVR và được thăng ngay lên “trung tá”, mặt mày sáng rỡ y như mình là... trung tá thứ thiệt mặc dù từ ngày vô USAVR đến nay, ông “trung tá” này chỉ chuyên bồng súng nhựa, đứng gác quan tài người chết.  Vui nhất là tay cựu trung sĩ lính thủy đánh bộ Trần Văn Phúc, nay mang lon “đại úy”. Nhìn thấy trên ngực Phúc lủng lẳng hàng chục cái huy chương, cựu đại úy lính thủy đánh bộ Phạm Văn Linh – nay là “đại tá”, hỏi: “Ông được cái anh dũng bội tinh với nhành dương liễu này hồi nào, đơn vị nào?”. Phúc ấp úng: “Dạ, ở trận Đắc Tô, Tiểu đoàn 6”. Linh gầm lên: “Mày đểu. Trận Đắk Tô Tiểu đoàn 6 làm trừ bị, nằm ở Bộ chỉ huy tuốt dưới Kon Tum, đánh đấm gì chỗ đó”. Bị lật tẩy trước bao nhiêu con mắt, Phúc chẳng vừa, cũng gầm lên: “Ở đây thằng nào cũng như thằng nào. Mày là cái chó gì”. Chỉ tới khi “trung tướng” Phan Ngọc Tiếu nhảy vào can, “đại tá” Phạm Văn Linh mới bỏ ý định lột cái huy chương trên ngực “đại úy” Trần Văn Phúc.

Mặc dù danh xưng là “Lực lượng bộ binh Hoa Kỳ tình nguyện”, nhưng khi gia nhập USAVR, ai cũng đều phải tự kiếm lấy quần áo cho mình. Mà đồ đại lễ của bộ binh Mỹ đâu phải dễ mua. Còn nếu có mua được thì bộ nào bộ nấy dài lượt thượt nên “liên bộ” USAVR kiêm luôn việc may vá. Mỗi bộ, kể cả mũ mão, giày “bốt đờ sô”, giá 450USD. Bên cạnh đó, “liên bộ” còn mua nguyên cả lô súng nhựa đồ chơi do Trung Quốc sản xuất để trang bị cho các “đội viên”, mỗi khẩu từ 20 đến 30USD tùy loại.

Cứ mỗi khi tại San Jose hay Westminster, Orange County mà có người trước kia từng là lính “Việt Nam Cộng hòa” chết, USAVR lại cử sĩ quan, lính tráng, quân phục chỉnh tề đến gặp tang chủ, rồi đề nghị được đứng ra lo phần hậu sự, gọi là “nghĩa tử nghĩa tận”. Chẳng cần biết tang chủ có ưng thuận hay không nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau đó, nào trống, nào kèn, nào cờ ba sọc, lại thêm có hai hàng lính bồng súng (nhựa) đứng cạnh quan tài. Khi người chết đã nằm yên dưới ba tấc đất, “liên bộ” USAVR chìa cho tang chủ cái giấy tính tiền: Tiền xe tang, tiền nhà đòn, tiền hòm, tiền mua chỗ nằm trong nghĩa trang, cái nào cái nấy đắt gấp hai, ba lần thực tế.

Vài ngày sau buổi lễ ra mắt USAVR, báo chí người Việt và cả báo Mỹ trong vùng California đã liên tiếp có những bài viết, vạch trần trò hề của quân nhân tình nguyện trừ bị. Ký giả O’Daniel trên tờ Voice’s Veterants  viết: “Họ đi lính Mỹ ngày nào đâu mà họ tự nhận là Lực lượng bộ binh Hoa Kỳ. Liên bang và Bộ Quốc phòng cần xem lại, rằng những người trước đây đã từng tham gia quân đội của một quốc gia khác, nay đến định cư ở Mỹ, có quyền được mặc quân phục Mỹ, đeo quân hàm Mỹ trong các buổi tụ họp hay không?”. Thượng sĩ nhất Nguyễn Văn Thành, sau 2 tuần được gắn lon “đại úy”, đã vội vã tháo ra, trả lại cho “liên bộ” USAVR, vì: “Ra đường, về nhà, ai cũng gọi tui là đại úy nhà đòn. Mắc cỡ quá”.

Nhắm thấy không ổn, USAVR bèn tính chuyện “thay đổi màu da trên xác chết”. Đến giữa năm 2007, cái danh xưng “Lực lượng bộ binh Hoa Kỳ tình nguyện – USAVR” được những kẻ cầm đầu thay bằng “Quân lực Hoa Kỳ tổng hợp tình nguyện trừ bị – USV-JSC”. Sở dĩ có sự thay đổi danh xưng này là vì USV-JSC là tổ chức của các cựu chiến binh Mỹ, trụ sở đặt tại Long Beach, bang California, nhưng không trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong trang web của tổ chức ấy, bang California có chi nhánh ở các thành phố Los Angeles, Sacramento, San Francisco, San Joaquin..., và họ, tên, cấp bậc của người đại diện chi nhánh nhưng không hề thấy “trung tướng” Phan Ngọc Tiếu nằm ở chỗ nào. Trả lời những người phanh phui trò bịp của ông, ông Tiếu nói: “Họ cho rằng đây là quân đội ma, quân đội nhà đòn. Cứ nói đi, nhưng tôi đố họ làm được đấy”.

Trở lại buổi lễ tuyên dương, thăng cấp và ra mắt Lữ đoàn 31 vào trưa ngày 12/10/2008, sau phần giới thiệu của “đại uý” Đào Hiếu Thảo, ông “đại tá” Phan Trung Chánh, lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 31 trịnh trọng bước lên khán đài. Điểm qua quá trình thành lập lữ đoàn và “vùng chiến thuật” do lữ đoàn phụ trách, “đại tá” Phan Trung Chánh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ trọng yếu của chúng ta là vinh danh và tiễn đưa các chiến hữu chẳng may lìa đời”. Nghe xong, có người nói: “Vậy thì gọi thẳng ra là Lữ đoàn đám ma cho xong”.

Khôi hài nhất là một ông già 82 tuổi, vừa gia nhập USV-JSC và được thăng ngay cấp bậc “đại úy”, tên Hà Hiến Thành, lập cập bước lên khán đài, tay run rẩy cầm chiếc micro, hỏi “đại tá” lữ đoàn trưởng Phan Trung Chánh: “Cấp đại úy mà chết thì khi hạ huyệt, có hai hàng lính đứng bồng súng, bắn ba loạt tiễn đưa không?”. Tới chừng biết súng này là súng nhựa, để làm kiểng chứ xài súng thật, An ninh nội địa Mỹ cho “nhập kho” ngay thì ông “đại úy” già tiếc rẻ: “Vậy mà tui cứ tưởng. Đóng mấy trăm đôla mà chỉ có súng nhựa đưa đám ma thì đóng làm gì”.

Đến màn phong cấp, “đại úy” Đào Hiếu Thảo lúc được “đại tá” Phan Trung Chánh gắn lên ve áo quân hàm “thiếu tá”, thì mặt mày rạng rỡ hẳn. Đưa tay chào theo kiểu nhà binh, “ông tân thiếu tá” giận gót giày cồm cộp như thể đang đi duyệt binh. Trong lời phát biểu, Đào Hiếu Thảo nói: “Quyết tâm hun nấu trong lòng khát vọng đấu tranh, mai này về... giải phóng Việt Nam (?!)”. Các “tân sĩ quan” khác như “đại úy” Mỹ, “thiếu tá” Thìn, “đại úy” Tiên, ông nào ông nấy tươi hơn hớn. Trò hề gắn lon, phong cấp kết thúc bằng một trận ăn nhậu do các “tân sĩ quan” hùn tiền đóng góp. Nói dại miệng chẳng may có ông nào... tắc tử vì uống nhiều quá, ắt hẳn Lữ đoàn 31 sẽ có ngay việc để làm...

V.C.
.
.