Làm gì để chống nạn bạo lực và quấy rối tình dục?

Thứ Tư, 03/05/2017, 14:16
Đất nước đông dân thứ nhì thế giới trong khoảng gần 5 năm trở lại đây liên tục chấn động bởi các vụ hiếp dâm, bạo lực và quấy rối tình dục với phụ nữ. Tệ nạn khủng khiếp gắn với những hành vi phi nhân tính đang là mối quan tâm hàng đầu tại Ấn Độ.

Không chỉ phụ nữ, trẻ em Ấn Độ, mà cả du khách nước ngoài cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của những cuộc tấn công bạo lực này. Vì vậy, từ giới lập pháp và hành pháp, lực lượng cảnh sát các bang cho đến các tổ chức xã hội tại Ấn Độ liên tục đưa ra những biện pháp nhằm giảm đi phần nào vấn nạn đang khiến Ấn Độ được gán cho hỗn danh “xứ sở của nạn quấy rối tình dục và hiếp dâm”.

Một tài xế taxi nữ của hãng taxi chỉ dành cho phụ nữ ở New Delhi.

Những phương tiện giao thông làm an lòng các nữ hành khách

Theo một thống kê, tại Ấn Độ, cứ 15 phút lại có 1 vụ hiếp dâm! Tỉ lệ hiếp dâm ở thủ đô New Delhi cao nhất và là thành phố đứng thứ 4 trong danh sách những thành phố nguy hiểm nhất đối với phụ nữ khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng (những cái tên đầu danh sách là Bogota, Mexico city và Lima).

Tại những nơi khác, các vụ hiếp dâm cũng xảy ra liên tục và thường xuyên là mối đe dọa nghiêm trọng với nữ giới. Bang Madhya Pradesh ở miền Trung Ấn Độ dẫn đầu danh sách các địa phương xảy ra nhiều vụ cưỡng hiếp nhất với gần 4.000 vụ xảy ra trong năm qua. Kế đó là bang Maharashtra, nơi có Mumbai, thành phố đông dân nhất Ấn Độ.

Hồi tháng 6-2016, Quốc hội Ấn Độ đã thông qua đạo luật lắp đặt các nút bấm khẩn cấp và những thiết bị báo động khác trên xe buýt để bất kỳ nữ nạn nhân nào cũng có thể báo cho mọi người xung quanh hay cảnh sát nếu họ bị uy hiếp bạo lực tình dục. Ấn Độ còn ban hành quy định đòi hỏi mọi điện thoại di động bán ở nước này từ năm 2017 đều phải có phím cấp báo và từ năm 2018, tất cả điện thoại di động lưu hành ở Ấn Độ còn phải bao gồm cả hệ thống định vị GPS.

Tháng 12-2012, vụ cưỡng hiếp tập thể và giết chết một nữ sinh viên 23 tuổi đã làm dấy lên làn sóng phản đối trên toàn lãnh thổ Ấn Độ, hàng nghìn người đã xuống đường đòi pháp luật trừng phạt những hành động tương tự một cách nghiêm khắc, một chính sách tốt hơn và phương tiện giao thông công cộng an toàn hơn.

Những sĩ quan cảnh sát “biệt đội săn Romeo” đang tuần tra.

Liên Hiệp Quốc cũng chính thức yêu cầu Chính phủ Ấn Độ phải có những biện pháp tích cực để đảm bảo an toàn cho phụ nữ. Sau vụ cưỡng hiếp dã man kia một năm, hai cô gái khác được vinh danh vì họ đã dám đánh trả lại một nhóm thanh niên quấy rối tình dục và định làm nhục họ trên một chiếc xe buýt cách Delhi một giờ xe. Toàn thành phố Delhi có khoảng 5.000 xe buýt. Phụ nữ Ấn Độ thường xuyên phàn nàn về việc phải chịu đựng những ánh mắt theo dõi, những hành động quấy rối của đàn ông trên xe buýt.

Cô sinh viên Ayesha Shah, 20 tuổi nói: “Nhiều gã đàn ông tìm đủ cách để động chạm vào phụ nữ, nói những điều tục tĩu hoặc nhìn chằm chằm vào phụ nữ suốt chuyến đi. Các cô gái lên một chiếc xe buýt vắng người và sau giờ tan tầm dễ dàng biến thành con mồi cho những “yêu râu xanh” giở trò đồi bại”.

Tuyển dụng tài xế nữ là một giải pháp trong chiến dịch được phát động nhằm chống lại những hành động quấy rối, lạm dụng tình dục trên xe buýt và các phương tiện giao thông công cộng khác xảy ra thường xuyên ở quốc gia này. Saritha Vankadarath, 30 tuổi, bắt đầu làm công việc lái xe buýt từ tháng 4-2015.

Saritha Vankadarath nói: “Chính vì có quá nhiều hành động bạo lực chống lại phụ nữ, phụ nữ càng phải vùng lên. Tôi đang cố gắng làm công việc của mình thật tốt và hy vọng mình có thể gây cảm hứng cho những phụ nữ khác tiến lên, làm những công việc trước đây chỉ do đàn ông đảm nhận. Rất nhiều phụ nữ đã nói với tôi rằng, khi nhìn thấy tôi, họ cảm thấy tự tin hơn”.

Câu chuyện cuộc đời Saritha Vankadarath cũng giống như hàng triệu người khác ở Delhi. Cô sinh ra trong một ngôi làng nghèo khó cách xa Delhi cả nghìn cây số. Là con út trong gia đình có 5 con gái, cô bỏ học lúc 16 tuổi và thay cha lái xe ôm khi ông bị ốm. Tiền chạy xe ôm mỗi ngày chỉ đủ để chạy chữa cho bố và dành dụm làm của hồi môn cho một người chị gái của cô. Sau đó, cô chuyển tới Delhi - thành phố tràn ngập những người lao động nông thôn đến đây với hy vọng sẽ tìm được việc làm để thoát cái nghèo. Hiện giờ, mỗi tháng cô kiếm được 22.000 rupee với 48 tiếng làm việc một tuần.

Các quan chức ngành giao thông cho biết, họ đăng nhiều quảng cáo trên các tờ báo địa phương để tuyển dụng phụ nữ làm lái xe. Nhưng nếu có 10 người nộp đơn, 6 người qua được vòng phỏng vấn nhưng có đến 5  người không đủ sức khỏe sau khi được kiểm tra. Lần đó, Saritha Vankadarath là phụ nữ duy nhất trúng tuyển, cô được huấn luyện bốn tuần để ghi nhớ lộ trình chở khách.

Sĩ quan Niraj Kumar Jadaun trò chuyện với một cặp đôi trẻ tuổi trong công viên.

Hiện tại, cũng có một số tài xế nữ ở những vùng khác trên lãnh thổ Ấn Độ; nhưng các nhà chức trách vẫn gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng. Gần đây, hơn 4.500 mẩu quảng cáo tuyển dụng nữ ở tỉnh Andhra Pradesh đã được đăng tải nhưng không một ứng viên nào nộp hồ sơ. Một quan chức nói rằng có thể họ đã yêu cầu quá cao về trình độ lái xe cũng như sức khỏe.

Saritha Vankadarath cảm thấy cô như người đi tiên phong trong giới nữ trên khắp Ấn Độ: “Đàn ông và phụ nữ đều bình đẳng trong mọi mặt cuộc sống. Phụ nữ cũng có năng lực, sức khỏe và sức mạnh để làm bất cứ điều gì. Bạn cần phải có đủ lòng dũng cảm”.

Bên cạnh loại hình giao thông công cộng phổ biến là xe buýt, trong năm 2015,  một công ty taxi đã cho ra thị trường loại “Taxi hồng” chuyên phục vụ hành khách nữ. Công ty này tuyển dụng một số lái xe nữ đã qua đào tạo, đồng thời lắp đặt máy phun bột hạt tiêu trên xe và công tắc khẩn cấp, nhằm bảo vệ các hành khách nữ khỏi “yêu râu xanh”.

Thật ra taxi chuyên phục vụ hành khách nữ không còn là chuyện quá mới ở Ấn Độ, tuy nhiên người phụ trách công ty cho biết, “taxi hồng” có mức độ an toàn cao hơn những loại hiện đang có trên thị trường. Ngoài lái xe nữ, các lái xe nam của công ty cũng phải qua những khóa huấn luyện nghiêm khắc, như không được giao lưu bằng mắt với hành khách nữ, phải giữ khoảng cách nhất định, không được điều chỉnh gương chiếu hậu để nhìn trộm họ...

Đơn vị đặc biệt chống tội phạm quấy rối tình dục của bang Uttar Pradesh

Lãnh đạo bang Uttar Pradesh của Ấn Độ từ tháng 11-2016 đã yêu cầu triển khai hàng trăm đội cảnh sát theo dõi những người đàn ông lảng vảng bên ngoài các trường cao đẳng, trường học và không gian công cộng của phụ nữ nhằm bảo vệ họ khỏi nạn quấy rối tình dục. Lực lượng này đã bắt giữ hàng trăm thanh niên trong bang.

Những người đàn ông quấy rối phụ nữ trên đường thường được gọi là “Romeo đường phố” nên các nhóm cảnh sát mang tên “biệt đội săn Romeo”. Tổng cộng 1.400 sĩ quan cảnh sát được triển khai cho các đội đặc biệt chống quấy rối tình dục trên khắp bang Uttar Pradesh. Mỗi đội bao gồm 3 sĩ quan mặc cảnh phục và một nữ sĩ quan mặc thường phục. Họ tuần tra thường xuyên bằng ôtô đặc chủng hay đi bộ và chọn mục tiêu là những khu vực có nhiều đơn trình báo về quấy rối tình dục.

Rahul Srivastava, người phát ngôn của lực lượng cảnh sát bang Uttar Pradesh trình bày: “Chúng tôi thường xuyên huấn luyện thuộc cấp về những gì nên làm và những gì không nên làm. Chúng tôi cũng đã tạm đình chỉ công tác 9 sĩ quan phạm lỗi. Chỉ thị của chúng tôi rất rõ ràng: không được phép gây sợ hãi”.

Trong công viên, một cặp đôi trẻ tuổi vội giấu mình khi nhìn thấy bóng dáng của cảnh sát. “Xin cứ bước ra ngoài. Chúng tôi đến đây chỉ để giúp cho các bạn được an toàn”, sĩ quan cảnh sát Niraj Kumar Jadaun lên tiếng. Chàng trai bước ra ngoài xin lỗi và được Jadaun trấn an rằng, anh ta không có làm gì sai trái nên không việc gì phải sợ hãi. Sau một hồi trò chuyện với cảnh sát, cặp đôi cười nhẹ rồi lẩn vào trong công viên.

Một thanh niên cản bước sĩ quan Jadaun để nói chuyện: “Tên tôi là Abhilash Denis và tôi muốn cảm ơn anh vì sáng kiến thành lập đơn vị cảnh sát đặc biệt chống quấy rối tình dục. Tuy nhiên, tôi cũng muốn đề cập đến một số vấn đề”. Denis thú thật là anh rất muốn cùng với bạn gái ra chơi công viên nhưng “điều đó luôn nguy hiểm bởi xung quanh luôn có những kẻ quấy rối tình dục”.

Một nữ sĩ quan mặc thường phục nói chuyện với các cô gái trong công viên.

Denis đánh giá: “Sự hiện diện của đơn vị cảnh sát chống quấy rối tình dục làm cho bọn xấu không dám lộ mặt tại những nơi công cộng nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là cảnh sát có quyền phá rối chúng tôi vào bất cứ lúc nào”. Denis muốn nói đến sự tuyên truyền về “đạo đức” của cảnh sát đối với lớp trẻ.

Trong công viên, một phụ nữ trẻ bất ngờ giận dữ với cảnh sát: “Trách nhiệm của cảnh sát là làm cho chúng tôi cảm thấy an toàn. Nhưng tôi không muốn cảnh sát tùy tiện tra hỏi bởi vì tôi đang ngồi với bạn trai giữa nơi công cộng”. Cô y tá Kritika Singh đánh giá cao công việc của cảnh sát đặc biệt và sẵn sàng trò chuyện với họ.

Kritika Singh bình luận: “Quấy rối tình dục là vấn đề lớn ở bang Uttar Pradesh và mỗi cô gái đều có thể gặp những tai nạn kinh khủng tại nơi công cộng. Hành vi xâm hại, những cử chỉ quá trớn từ cánh đàn ông xấu là hết sức phổ biến”. Còn cô gái tên là Sadhna Maurya đánh giá sự hiệu quả của đơn vị cảnh sát đặc biệt: “Hiện nay, chúng tôi đã cảm thấy an toàn hơn nhiều, mặc dù chưa phải là 100%. Đây là lần đầu tiên một hành động thiết thực được thực hiện từ cảnh sát”.

Về phần mình, sĩ quan Jadaun phân trần: “Mục tiêu của chúng tôi là không bắt giữ người. Nhưng chúng tôi muốn bọn quấy rối tình dục biết rằng chúng tôi luôn có mặt để bắt giữ chúng. Chúng tôi muốn bọn chúng phải thay đổi hành vi”.

Nhưng một số nơi khác vẫn tồn tại sự nghi ngờ về các phương pháp của đơn vị cảnh sát này. Javeed Ahmed, chỉ huy lực lượng cảnh sát bang Uttar Pradesh, phát biểu: “Quấy rối tình dục là một thực tế. Chúng tôi cần gửi tín hiệu đến phụ nữ là họ cần được bảo vệ và bọn quấy rối phải bị trừng phạt nghiêm khắc. Tôi mừng là chúng tôi đã có bước khởi đầu nhưng vẫn còn con đường dài phía trước. Chúng tôi không thể thành công nếu như phụ nữ vẫn không cảm thấy an toàn”.

Sau một ngày làm việc kết thúc, đơn vị cảnh sát đặc biệt sẽ ngồi lại để phân tích sự thành công hay thất bại của họ trong công việc.

Hiếu Thảo - Di An (tổng hợp)
.
.